Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2018

Trump ra đòn quyết định dìm Trung Quốc: Nỗi ám ảnh 100 năm hiện về


01/09/2018  03:00 GMT+7
https://vnn-imgs-f.vgcloud.vn/logo.gifTổng thống Mỹ Donald Trump vừa tuyên bố tiếp tục kế hoạch áp thuế quan lên 200 tỷ USD giá trị hàng nhập khẩu Trung Quốc sau khi đã tăng thuế với 50 tỷ USD hàng "made in China". Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang chưa có dấu hiệu dừng lại ẩn chứa nhiều nỗi lo hơn là cơ hội...
Gần trăm năm trước, hơn 1.000 nhà kinh tế cùng kiến nghị về một câu chuyện tương tự với lời kết: Một cuộc chiến thuế quan không vun đất lành cho sự nảy nở của hòa bình thế giới.
Trong cuốn Hòa bình, tình yêu và tự do được Đinh Tuấn Minh và cộng sự dịch, tác giả Tom G.Palmer đã nhắc đến chính sách bảo hộ thương mại “ngờ nghệch và phá hoại” của thập niên 1930 như là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến Đại suy thoái và tiếp nối sau đó là những bất ổn kinh hoàng của hòa bình thế giới.


1.028 nhà kinh tế học người Mỹ khi đó đã ký vào một đơn kiến nghị phản đối các hạn chế thương mại cực đoan đối với trên 20 nghìn hàng hóa nhập khẩu được thông qua bởi Quốc hội Mỹ vào năm 1930. Nó đã làm bùng lên làn sóng chủ nghĩa bảo hộ trên khắp thế giới và dẫn đến sự suy sụp của thương mại quốc tế.
Những lời kết luận của bản kiến nghị là: một cuộc chiến thuế quan không vun đất lành cho sự nảy nở của hòa bình thế giới. Đáng buồn là, thực tế đã diễn ra đúng như vậy.
Gần trăm năm sau, một câu chuyện tương tự đang diễn ra.
Trump ra đòn quyết định dìm Trung Quốc: Nỗi ám ảnh 100 năm hiện về
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chưa dừng lại.
Mỹ áp thuế nặng với hàng Trung Quốc và Trung Quốc cũng “đáp trả”. Cuộc chiến thương mại nổ ra. Tính đến nay, 50 tỷ USD hàng hóa giữa hai nước đã bị đánh thuế cao hơn (25%) và dự kiến Mỹ sẽ đánh thuế thêm lượng hàng 200 tỷ usd. Mọi thứ diễn ra đúng những gì Donald Trump tuyên bố.
Cuộc chiến thương mại nổ ra sau khi phong trào Brexit (Anh rời EU) xuất hiện đã khiến nỗi lo lắng chủ nghĩa bảo hộ trở lại đã trở nên hiện thực hơn rất nhiều.
Đến nay, mức độ tổn thương của hai nền kinh tế lớn này chưa rõ được thống kê đầy đủ ra sao, chỉ biết rằng nỗi lo về sự bất ổn của kinh tế thế giới ngày càng hiện hữu.
Những dự báo gần đây đều cho thấy, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung không đem lại lợi lộc gì cho kinh tế thế giới. Tờ New York Times bình luận: Tổng thống Donald Trump hiểu rõ chiến tranh thương mại sẽ khiến các bên cùng thua, nhưng sẽ có những người chịu thiệt hại ít hơn trong cuộc chơi này.
Trong vòng xoáy ấy, Việt Nam - một nền kinh tế có độ mở lớn không thể đứng ngoài.
Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương từng khẳng định căng thẳng thương mại Mỹ - Trung “không thể là cơ hội cho Việt Nam”.
Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã đưa ra tính toán khi Donald Trump tăng thuế đối với lượng hàng hóa trị giá 34 tỷ USD của Trung Quốc có thể làm cho tăng trưởng GDP của Việt Nam giảm nhẹ.
“Theo dự báo của chúng tôi thì trong vòng từ 3 đến 5 năm tới, kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam sẽ ngấm sâu nhất tác động xấu của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc. Như thế, đến giai đoạn 2021-2023 thì Việt Nam có thể chịu tác động tiêu cực khá lớn, đó là khi tác động về thương mại đã ngấm dần vào sản xuất và làm thay đổi cơ cấu sản xuất”, TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới của Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội quốc gia, ước đoán.
Nhà kinh tế học từng được giải Nobel là Thomas Schelling từng đưa ra một câu chuyện ngụ ngôn về hai người leo núi được buộc vào nhau bởi một sợi dây thừng. Bằng cách buộc mình với người còn lại, số phận của hai người leo núi này cũng được gắn liền vào nhau và hành vi của họ sẽ phụ thuộc lẫn nhau. Bởi, cả hai sẽ phải cùng leo lên hoặc cùng nhau rơi xuống. Mỗi người sẽ phải cẩn thận hơn, hành động một cách thận trọng hơn và kết quả diễn ra là sự hòa bình giữa hai bên.
Tất nhiên, “sợi dây” mà Thomas Schelling sử dụng trong câu chuyện ngụ ngôn trên hàm ý về một vấn đề không liên quan đến thương mại. Nhưng nhìn vào căng thẳng thương mại Mỹ - Trung thì nhiều người đều mong Trung Quốc và Mỹ sẽ sớm là “hai người leo núi thân thiện” để tránh một viễn cảnh rất xấu cho nền kinh tế và trật tự của thế giới.
Trước khi chờ đợi cú bắt tay trở lại của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, thì một nền kinh tế như Việt Nam cũng phải hết sức “dè chừng”.
Hà Duy 

Không có nhận xét nào: