Chủ Nhật, 2 tháng 1, 2011

Suy ngẫm đầu năm (ST: Đạt k8)

Cheese Thụy Điển vs mắm tôm Việt Nam

Đăng bởi bvnpost on 28/12/2010

Hiệu Minh
clip_image001
Vasterbotten Cheese. Ảnh: internet
Dân Thụy Điển có món cheese (pho-mat) khá nổi tiếng. Người Việt nếu ăn lần đầu thấy bốc mùi khó chịu. Tương tự, nếu mời món đậu phụ chấm mắm tôm, người Bắc Âu phải bịt mũi. Tuy thế, cả cheese và mắm tôm đều là quốc hồn của mỗi nước.
Có người nói, Thụy Điển giúp Việt Nam về minh bạch và chống tham nhũng cũng khó như bắt dân ta ăn cheese. Có vị quan bên phía ta còn thách, đem mắm tôm cho dân Bắc Âu, liệu họ có dám ăn không?
Mỗi lần đi qua Núi Trúc (Ba Đình, Hà Nội), tôi không thể không ngước nhìn khu nhà của Đại sứ quán Thụy Điển lợp tôn mầu đỏ hồng. Sau bao năm, mái nhà ấy vẫn giữ được vẻ tươi tắn như hồi mới xây.
Những người bạn Thụy Điển luôn thủy chung bên cạnh chúng ta trong những năm tháng đen tối nhất của chiến tranh. Tôi chợt nghĩ, mầu đỏ hồng kia chẳng bao giờ phai nhạt như tình hữu nghị 40 năm giữa hai quốc gia này.


Sáng qua, một bạn đồng nghiệp gọi điện báo tin, tòa nhà này sẽ đóng cửa. Lý do chính thức đưa trên thông tin đại chúng như Đại sứ Herrström tại Hà Nội cho biết: “Cắt giảm ngân sách do Quốc hội quyết định đã dẫn tới việc Chính phủ chúng tôi phải đóng cửa các Đại sứ quán, trong đó có Đại sứ quán ở Hà Nội – trong vòng năm 2011”.

Đại sứ gọi là “ngày đen tối nhất trong năm” khi thông báo về thời hạn đóng cửa tòa Đại sứ.
Trong ngoại giao, ý tại ngôn ngoại (ý trong lời ngoài), nói ít hiểu nhiều, nói vậy mà không phải vậy. Ngoại đạo như HM thì càng không hiểu phía bên trong cánh cửa của tòa đại sứ Thụy Điển còn chứa đựng những bộ xương bí mật nào.
Chợt nhớ đến cựu Thủ tướng Olof Palme, người bạn lớn của Việt Nam. Ở châu Âu và đặc biệt là ở Thụy Điển, người ta nhắc đến thế hệ Việt Nam (Vietnam generation), những người lớn lên khi chiến tranh Việt-Mỹ đang ở giai đoạn quyết liệt những năm 1960. Hàng triệu người xuống đường biểu tình vì Việt Nam chính nghĩa, lên án Mỹ xâm lược Việt Nam.
Olof  Palme là một trong những người thuộc thế hệ đó. Chính ông cũng xuống đường phản đối chiến tranh vào những năm 1960-1970 và bị CIA theo dõi từng bước.
Thời gian khó sau chiến tranh, người Thụy Điển đã đến với chúng ta đầu tiên. Hà Nội có bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển, hiện đại vào loại bậc nhất nhì trong khu vực lúc khánh thành. Rồi bệnh viện khác ở Quảng Ninh, nhà máy giấy Bãi Bằng và nhiều dự án hữu ích khác.
Thời hội nhập, nhận thấy Việt Nam bị đánh giá có độ minh bạch thấp, tham nhũng cao, họ đã bỏ ra những khoản tiền lớn nhằm giúp ta xây dựng thể chế tốt hơn, mong muốn giúp Việt Nam vượt qua cái bẫy của nước thu nhập trung bình.
Cái tình của người Thụy Điển đối với Việt Nam kể mãi không hết.
Người bạn chat yahoo messeger với tôi đưa ra vài câu hỏi và anh tự trả lời.
  • Quốc gia phương Tây nào thân nhất với Việt Nam: Thụy Điển
  • Quốc gia phương Tây nào có sứ quán đầu tiên tại Việt Nam: Thụy Điển
  • Dân tộc ở châu Âu nào chống Mỹ mạnh nhất trong chiến tranh Việt Nam: Thụy Điển
  • Nước nào bỏ qua embargo của Mỹ để giúp Viêt Nam xây dựng sau chiến tranh: Thụy Điển.
  • Vân vân và vân vân…
Người bạn có cô người yêu cũ – anh yêu cô ta thì đúng hơn – đang sống với chồng con bên Thụy Điển. Mẹ nàng sang thăm và kể bên đó sướng lắm, bà chưa từng thấy quốc gia nào hạnh phúc như thế. Chủ nghĩa cộng sản của ông Mác-Lê cũng đến vậy thôi.
Sống tại thiên đường mà người ta vẫn nghĩ đến Việt Nam nghèo khổ. Thật kỳ lạ.
Tâm sự với mẹ nàng, người bạn hối tiếc, ngày xưa sao cô bé lại rời bỏ mình. Bà mẹ cười, khi người yêu bỏ thì thường lỗi thuộc về người ra đi, ít ai nghĩ người ở lại cũng có vấn đề.
Ngẫm mà thấy bà nói đúng. Anh ấy già rồi, tầm suy nghĩ rất bảo thủ, không chịu thay đổi. Cô bé kia còn trẻ, anh hơn nàng tới 16 tuổi. Nàng ưa những gì hiện đại, thời cuộc, cell phone đời mới, không thích nghe những điều lão già lẩm cẩm kể lể về thời quá khứ hào hùng, từng đi bộ đội, từng đi tây, có bằng cấp, những chuyện xảy vào lúc nàng chưa sinh ra.
Bà mẹ còn đùa, nếu anh ta thay đổi cho kịp với thời đại thì may ra kiếp sau “em nó” sẽ quay về.
clip_image002
Mắm tôm VN. Ảnh: Wiki.
Bỗng nhiên tôi nhớ đến những người bạn Thụy Điển vừa đóng cửa sứ quán. Họ rời bỏ chúng ta như cô người yêu bé nhỏ của người bạn vì lý do… kinh tế.
Có lẽ chẳng có gì hệ trọng ở đây. Đôi khi nguyên nhân đơn giản chỉ là “chuyện nội bộ của Thụy Điển” như bà Phương Nga của Bộ Ngoại giao tuyên bố. Dẫu thế nào chăng nữa thì chúng ta đã mất một người bạn tốt nhất.
Mẹ cô bạn trên còn kể rằng, món cheese của Thụy Điển cũng khó ăn thật. Nhưng ăn lâu thấy ngon và bổ, chống được bệnh loãng xương.
Cheese được sản xuất theo một chuẩn rõ ràng về vệ sinh thực phẩm và có chứng chỉ quốc tế. Nó cũng giống truyền thống minh bạch, chế độ ít tham nhũng nhất thế giới của Thụy Điển có từ 300 năm nay.
Mắm tôm Việt Nam được sản xuất bằng một qui trình không rõ ràng, vì cách làm của nông dân ta, tiện cách nào pha chế cách đó. Chưa ai cấp patent (bản quyền) cho mắm tôm Việt Nam. Vì thế, ăn mắm tôm hay bị đau bụng.
Nếu cứ khăng khăng mắm tôm của ta ngon hơn cheese của Thụy Điển, thì một lúc nào đó, người ta sẽ bịt mũi bỏ đi.
Rồi đây mái nhà hồng đỏ tại số 2 Núi Trúc sẽ bị phai màu sau khi đóng cửa. Liệu rằng tình hữu nghị Việt Nam – Thụy Điển có phôi pha theo, dù đã từng thắm thiết trong suốt 40 năm qua.
H. M. Noel 2010.
clip_image004
Mái nhà xưa còn giữ mãi mầu hồng đỏ. Ảnh: Nhất Đình

Coi như là cắt đứt quan hệ ngoại giao - chứ !

5 nhận xét:

Nặc danh nói...

Cái đau mất bạn tốt. Đau hơn đó lại là bạn của quốc gia.

Nặc danh nói...

Đọc bài này cứ nghĩ đến hình ảnh ai đó đã lập nhiều chiến công hiển hách,từng là dũng sĩ diệt các loại mà bây giờ suốt ngày đeo đầy huân, huy chương và huy hiệu dũng sĩ, đi đâu cũng chỉ thích nói về quá khứ oanh liệt của mình... Như vậy thì thành ...thần kinh mất rồi. Cứ một mình một kiểu chơi thì sẽ mất hết bạn thôi.

Nặc danh nói...

Xin đuợc trích thư của Võ Thị Kim Thanh gửi người sưu tầm bài này:
MF từng "ăn nhờ ở đậu" Thụy Điển, nên cũng ít nhìu biết "Cheese Thụy Điển", đó là một đặc sản của miền Nam Thụy Điển (chỉ người miền Nam thích ăn), món này gần giống món 'mắm cái" (mắm nêm, mắm chợp ở miền Trung), nhưng vị nó khủng khiếp hơn mắm cái hay mắm tôm nhiều, MF là trùm mắm nêm và rất khoái món mắm tôm đậu phụ của Hà Nội, nhưng suýt nữa nôn khi ăn thử món mắm nì của TĐ, làm bà giáo giận tím ruột!
Đất nước Thụy Điển có dân số chỉ cỡ 1/10 dân số Việt Nam, nhưng họ luôn muốn bao bọc những cái khó khăn cho Việt Nam, dẫu không phải người Việt nào cũng hiểu điều đó! Con người của đất nước "tư bản" này sống tốt cực kỳ! Nhưng không phải đời sống họ luôn luôn tốt và ...sướng! Những tháng ngày ở bên đó, em hay tranh thủ thời gian lang thang đi khắp nơi chốn xó xỉnh để quan sát cuộc sống và văn hóa con người bản địa. Điều đặc biệt, họ là những con người yêu lao động! Cứ nhìn vào các ông giáo sư từ các trường Đại học, em thấy đàn ông Việt Nam vô cùng lười biếng (e hèm, xin lỗi các đại ca nha). Nếu ở Nông thôn, người đàn ông sau buổi cày về nằm phới chờ vợ dọn cơm! Nếu là công chức thành phố, sau buổi làm không đi nhậu thì cũng ngồi đọc báo xem tivi chờ ... cơm vợ! Bên ấy không có cảnh này đâu nha: Ví dụ ở trường ĐH, cứ 4h30PM, cửa trường đồng thời đóng sập, mọi người ra về không nấn ná, về đến nhà, thay đồ bảo hộ, ra "công trường", nghĩa là xưởng nhà, cưa gỗ (Thụy Điển hưởng gió lạnh từ Seberi, mùa đông - 25 -27 oC là chuyện thường), những cây gỗ to đến vài người ôm chứ không nhỏ (Thụy Điển giàu nhờ cây mà) cất vào kho chuẩn bị cho mùa đông, cày đất, làm cỏ trồng khoai tây, trồng rau (bên í, muốn làm nhà riêng, phải chứng minh tài chính đủ mua trang trại và sắm một ngôi nhà đủ tiện nghi, nếu không thì phải ở chung cư trong thành phố! - ngược với ở ta, có tiền thì thích ở thành phố cho đủ tiện nghi! he he). Cho gà ăn (hầu như nhà nào cũng nuôi một chuồng gà để lấy trứng), trồng hoa (đây là đất nước muôn hoa, mùa xuân hoa nở cả ở gốc các cột điện, MF thấy rùi, không nói láo mô), hái quả (táo lê không hái, nó rớt nhiều làm thối vườn, giống như cây khế ở ta vậy)...họ cứ làm việc như vậy cho đến 11-12h đêm, may mà ngày bên í thường dài...
Còn "sướng" ư: MF thấy người Việt "sướng" hơn, người Thụy Điển chẳng có thời gian mà ngày ngày đi chợ mua tôm cá tươi về nấu đâu, mỗi tuần có ngày thứ bảy đi chợ, mua vài ôm hàng kể cả tươi khô, ngày chủ nhật đi chơi đâu đó, bù khú bạn bè chút ít (ở nhà thôi, chứ vào nhà hàng đắt không chịu nổi, không như ở ta, hay ở nước châu Á khác, ưng là "đi nhậu hè" đâu), buổi tối CN nấu sẵn các món ăn, bỏ vào 5 cái ănggô, để sáng thứ hai đem đến cơ quan, bỏ vào tủ lạnh, mỗi buổi trưa sẽ xử lý với microwave! Con người họ sống vì công việc, họ giàu cũng nhờ vậy! Nhưng họ làm việc cật lực và vất vả! Và những ngày lang thang, MF thấy ở khắp các góc phố, quảng trường, từ các thành phố nhỏ đến Stockhom, rất nhiều hành khất và người tàn tật. thấy MF ngạc nhiên, một người bạn nói: Chỉ có ở thiên đường thì mới có sự sung sướng tuyệt đối thôi!
Nghe ĐSQ Thụy Điển đóng cửa, MF hẫng hụt, nhưng không lạ, thực sự tại Thụy Điển các nhà giáo cũng nói chính phủ luôn kêu khó khăn về tài chính và phải cắt giảm rất nhiều chương trình tài trợ cho nước ngaoì cũng như một số chính sách hoạt động khoa học trong nước! Tuy nhiên đóng cửa ĐSQ, theo MF, nghĩa là nghỉ ... chơi, anh nhỉ?

Nặc danh nói...

Theo lý thuyết của Mác thì mấy nước này "gần" với CNXH hơn mấy nước XHCN.
Nh.Tinhvi

Nặc danh nói...

Nghe tâm sự của bạn MF, mình có cảm giác Mình chính là dân Thụy Điển, mặc dù ko phải vậy. Dù sao để mất một người bạn quá tốt như nước Thụy Điển, thì Ai đó cũng nên xem lại nước nhà ?
Thắng