Dương Danh Dy gửi cho BBCVietnamese.com từ Hà Nội
Tháng 9 năm 1977, tôi được lãnh đạo Bộ Ngoại giao Việt Nam cử sang làm Bí thư thứ nhất tại Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, chuyên làm công tác nghiên cứu.
Quan hệ hai nước Việt Trung, từ lúc tôi ở trong nước đã xấu, lúc này càng xấu đi từng ngày.
Dòng “nạn kiều” dưới sự kích động của nhà đương cục Trung Quốc vẫn lũ lượt kéo nhau rời khỏi Việt Nam, một phần về Trung Quốc một phần đi sang các nước khác.
Lấy lý do cần có tiền để “nuôi nạn kiều”, ngày 13/5/1978 lần đầu tiên nhà cầm quyền Trung Quốc tuyên bố cắt một phần viện trợ không hoàn lại đã ký cho Việt Nam và rút một bộ phận chuyên gia về nước.
Không lâu sau đó, ngày 3/7/1978 chính phủ Trung Quốc tuyên bố cắt hết viện trợ và rút hết chuyên gia đang làm việc tại Việt Nam về nước.
Xung đột biên giới trên đất liền, nhất là tại điểm nối ray trên đường sắt liên vận Hà Nội-Bằng Tường ngày càng tăng (có lúc có nơi đã xảy ra đổ máu).
Chuẩn bị tình huống xấu
Tháng 7 năm 1978 chúng tôi được phổ biến Nghị Quyết TW 4, tinh thần là phải thấu suốt quan điểm nắm vững cả hai nhiệm vụ vừa xây dựng kinh tế vừa tăng cường lực lượng quốc phòng, chuẩn bị tốt và sẵn sàng chiến đấu.
Tháng 11 năm 1978 Việt Nam ký “hiệp ước hữu nghị và hợp tác” với Liên Xô.
Đến tháng 12 năm 1978 mọi việc chuẩn bị cho tình huống xấu nhất trong đại sứ quán đã làm xong. Sứ quán nhận được máy phát điện chạy xăng (và đã cho chạy thử), gạo nước, thực phẩm khô đã được tích trữ đầy đủ, đại sứ quán mấy nước anh em thân thiết cũng nhận được các đề nghị cụ thể khi bất trắc xẩy ra…
Tôi được đồng chí đại sứ phân công đọc và lựa chọn các tài liệu lưu trữ quan trọng, cái phải gửi về nhà, cái có thể hủy,
Tháng 12 năm 1978 trong chuyến thăm mấy nước Đông Nam Á, trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Đặng Tiểu Bình vừa hùng hổ vừa tức tối nói một câu không xứng đáng với tư cách của một người lãnh đạo một nước được coi là văn minh: “Việt Nam là côn đồ, phải dạy cho Việt Nam bài học”.
Tôi không bao giờ có thể quên vẻ mặt lỗ mãng và lời nói “bạo đồ” đầy giọng tức tối của ông ta qua truyền hình trực tiếp và tiếng người phiên dịch sang tiếng Anh là “hooligan” - tức du côn, côn đồ.
Rồi ngày 22 tháng 12 năm 1978, Trung Quốc đơn phương ngừng vận chuyển hành khách xe lửa liên vận tới Việt Nam, rất nhiều cán bộ, sinh viên Việt Nam từ Liên Xô Đông Âu trở về bị đọng lại trong nhà khách sứ quán chờ đường hàng không và cuối cùng đến đầu tháng 1 năm 1979 đường bay Bắc Kinh Hà Nội cũng bị cắt.
Đầu tháng 1 năm 1979 quân đội Việt Nam bất ngờ phản công trên toàn tuyến biên giới Tây Nam, chỉ trong thời gian ngắn đã đập tan sức chống cự của bè lũ Polpot, tiến vào giải phóng Phom Penh. Đây cũng là điều mà Đặng Tiểu Bình không ngờ.
Lại một quả đắng khó nuốt nữa đối với nhà lãnh đạo Trung Quốc này.
'Không đánh nhau không xong'
Cuối tháng 1 năm 1979 Đặng Tiểu Bình thăm Mỹ, được Tổng thống Carter đón tiếp với nghi lễ rất cao, hai nước quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao, và không biết còn bàn bạc gì nữa? Trên đường về nước Đặng Tiểu Bình ghé qua Nhật Bản.
Trước những tình hình trên, một số anh em nghiên cứu chúng tôi đã khẳng định khá sớm: hai nước anh em thân thiết như răng với môi này không đánh nhau một trận không xong!
Lính Trung Quốc bị bắt tại Phố Lu
Lý trí mách bảo như vậy, thậm chí còn mách bảo hơn nữa: Trung quốc đã từng gây cuộc chiến tranh biên giới với Ấn Độ và nhất là với Liên Xô và cả hai lần họ đều bất ngờ ra tay trước.
Thế nhưng về mặt tình cảm (bây giờ nhìn lại thì còn có cả sự ngây thơ, cả tin nữa) vẫn hy vọng dù chỉ là chút ít thôi: quan hệ Việt Trung đã từng gắn bó, sâu nặng như vậy, họ không thể một sớm một chiều trở mặt được.
Không nói tới những khoản viện trợ to lớn có hiệu quả, những tình cảm thân thiết như anh em trước đây, mà ngay trong những giờ phút căng thẳng này, tôi vẫn không thể quên được những việc làm tốt hay tỏ ra biết điều của một số cán bộ Trung Quốc:
Năm 1977, Nhà máy dệt Vĩnh Phúc do Trung Quốc viện trợ cho ta, sau một hồi chạy thử vẫn không hiện đúng màu nhuộm cần thiết, một kỹ sư Trung Quốc đã bí mật cung cấp cho ta bí quyết. Khi các chuyên gia Trung Quốc khác thấy kết quả đó, không biết do ai chỉ đạo, họ đã “xử lý” một cách tàn bạo, anh bị đánh tới chết.
Khi đoàn chuyên gia Trung Quốc thi công cầu Thăng Long bị cấp trên của họ điều về nước, một số đồng chí đã để lại khá nhiều bản vẽ, tài liệu kỹ thuật về chiếc cầu này cho ta. Tôi biết chiếc cầu Chương Dương do ta tự thiết kế thi công sau này đã dùng một số sắt thép do phía Trung Quốc đưa sang để dựng cầu Thăng Long.
Mặc dù khi truyền hình trực tiếp , Trung Quốc không thể cắt được câu nói lỗ mãng của Đặng Tiểu Bình: Việt Nam là côn đồ, nhưng báo chí chính thức ngày hôm sau của Trung Quốc đã cắt bỏ câu này khi đưa tin ( chỉ còn đăng câu “phải dạy cho Việt Nam bài học” , nghĩa là đỡ tệ hơn).
Chúng tôi đã làm gì?
Trong bối cảnh trên, cuộc chiến tranh biên giới đẫm máu ngày 17/2/1979 do nhà cầm quyền Trung Quốc - mà người chủ xướng là Đặng Tiểu Bình, phát động, về tổng thể không bất ngờ đối với chúng tôi, nhưng về thời gian cụ thể và nhất là về qui mô binh lực mà Trung Quốc sử dụng thì quả là không tính tới.
Sau này những day dứt về dự báo không chính xác trên đã có phần giảm bớt, khi được biết có một số cán bộ trung cấp và một số đơn vị quân đội Trung Quốc chỉ sau khi đã tiến vào lãnh thổ nước ta rồi họ mới biết là phải đi đánh Việt Nam.
10 giờ tối ngày 17/2/79( tức 9 giờ tối Việt Nam) tôi bật đài nghe tin của đài tiếng nói Việt Nam, không thấy có tin quan trọng nào liên quan đến hai nước, tôi chuyển đài khác nghe tin.
Khoảng 10 giờ 30 phút đồng chí Trần Trung, tham tán đại biện lâm thời( thời gian này đại sứ Nguyễn Trọng Vĩnh về Việt Nam họp) đến đập mạnh vào cửa phòng tôi: Dy, lên phòng hạnh phúc họp ngay, Trung Quốc đánh ta rồi!
Ít phút sau, một số đồng chí có trách nhiệm đã có mặt đông đủ. Đồng chí Trần Trung phổ biến tình hình nhà vừa thông báo: sáng sớm ngày 17/2, bọn bành trướng Trung Quốc đã tấn công trên toàn tuyến biên giới trên đất liền ( 6 tỉnh của Việt Nam lúc đó) với qui mô 20 sư đoàn bộ binh.
Hai sư đoàn chủ lực của ta cùng với bộ đội địa phương và anh chị em dân quân du kích đang anh dũng chống trả.
"Nhiệm vụ của chúng ta bây giờ là dịch ngay bản Tuyên Bố của chính phủ ta ra 3 tiếng Trung, Anh, Pháp để phục vụ cho cuộc họp báo quốc tế sẽ phải tổ chức và để thông bào càng rộng càng tốt cho một số nhân dân Trung Quốc biết rõ sự thực."
Bộ phận dịch tiếng Trung, dưới sự chỉ huy của anh Thái Hoàng-Bí thư thứ nhất, gồm hai đồng chí Hoàng Như Lý, bí thư thứ ba và Chu Công Phùng cán bộ phòng chính trị, đã dịch văn bản một cách “ngon lành”; đồng chí Lê Công Phụng, bí thư thứ ba phụ trách phần dịch tiếng Anh cũng không vất vả gì; riêng phần tiếng Pháp, đồng chí Minh, phiên dịch tiếng Pháp do mới ra trường không lâu, nên có đôi lúc tỏ ra luống cuống.
Guồng máy dịch, in roneo, soát, sửa lại bản in nhanh chóng chạy đều, mọi người làm việc không biết mệt với lòng căm giận bọn bành trướng.
Thi thoảng mấy câu chửi bọn chúng như kìm nén không nổi lại khe khẽ bật ra từ vài đồng chí. Không căm tức uất hận sao được?
Khi chúng tôi hoàn thành công việc thì trời đã hửng sáng (đài BBC sau đó đã đưa tin, tối ngày 17/2/1979 toàn Đại sứ quán Việt Nam để sáng đèn).
Những người ngoài 40, 50 chúng tôi sau một đêm vất vả không ngủ vẫn tỏ ra bình thường nhưng riêng hai đồng chí Phùng và Minh đang tuổi ăn tuổi ngủ, tuy được đồng chí Đặng Hữu-Bí thư thứ nhất, tiếp sâm, nhưng vẻ mặt sau một đêm căng thẳng đã lộ nét mệt mỏi. Thương cảm vô cùng.
Tuy vậy, chúng tôi đã nhanh chóng bước vào ngày làm việc mới với tất cả sức mạnh tinh thần và lòng căm thù bọn bành trướng bá quyền, nước lớn.
Quá khứ 30 năm
Cuộc chiến tranh do nhà cầm quyền Bắc Kinh mà người chủ xướng là Đặng Tiểu Bình gây ra, kết thúc đã 30 năm.
Sau khi bình thường hóa, quan hệ hai nước nhìn chung phát triển khá tốt.
Tuy nhiên cần nhấn mạnh một điều, vì nghĩa lớn, chúng ta đã thực hiện đúng lời cam kết: không nhắc lại chuyện cũ. Nhưng ở phía bên kia, một số kẻ không biết điều, vẫn thường xuyên, xuyên tạc sự thật lịch sử, rêu rao, tự cho là đã “giành thắng lợi”, là “chính nghĩa”, là “Việt Nam bài Hoa, Việt Nam chống Hoa, Việt Nam “xua đuổi nạn kiều”, Việt Nam xâm lược Cămpuchia” v.v..
Cho đến hôm nay, một số cuốn sách lịch sử, sách nghiên cứu, không ít bài thơ, truyện, ký…vẫn nhai lại những luận điệu trên dù hai nước đã bình thường hóa quan hệ được gần hai chục năm.
Tôi nghỉ hưu đã được hơn mười năm nhưng do vẫn tiếp tục nghiên cứu về Trung Quốc, nên thỉnh thoảng vẫn có dịp gặp các bạn cũ công tác tại Bộ Ngoại Giao Trung Quốc trước đây cũng như nhiều học giả Trung Quốc.
Không dưới một lần tôi đã thân tình và nghiêm túc nhắc họ: nếu các bạn chỉ nhận phần đúng trong những việc xảy ra trong thời gian trước đây, đổ hết lỗi cho cho người khác thì quan hệ Việt Trung dù ai đó có dùng những chữ vàng để tô vẽ cũng không thể nào xóa bỏ được những vết hằn lịch sử do người lãnh đạo của các bạn gây ra, quan hệ hai nước không thể nào thực sự phát triển tốt đẹp được, vì những hoài nghi lớn của nhân dân hai bên chưa được giải tỏa?
Mong rằng một số nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện nay nên nhớ chuyện sau: nếu không biết lời dặn của Chủ tịch Mao với đoàn cố vấn Trung Quốc khi sang giúp Việt nam thời kỳ chống Pháp: ‘Tổ tiên chúng ta trước đây đã làm một số việc không phải với nhân dân Việt Nam, các anh sang giúp nước bạn lần này là để trả nợ cho cha ông’; và nếu không thấy trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, Thủ tướng Chu đã tới dâng hương tại đền thờ Hai Bà, thì chắc chắn những người Việt Nam thời đó không dễ quên được chuyện cũ để nhanh chóng hòa hiếu với Trung Quốc như sau đó đâu?
Vết thương chung phải do cả hai bên cùng đồng tâm, thành ý chữa trị thì mới có thể lành hẳn.
Chúng ta không nói lại chuyện cũ là vì nghĩa lớn, chứ không phải vì chúng ta không có lý, không phải vì người Việt Nam sợ hãi hay chóng quên.
Bài đăng Phổ biến
- Bài hát chế "HN - niềm tin và hy vọng"
- Nguồn Gốc Chữ Nôm của Đỗ Thành (ST: Quốc Việt)
- Làng Cổ Nhuế qua bài viết của Phạm Thế Việt (ST: KC)
- Thơ gửi từ Úc: THƯỜNG DÂN (Ngô Hà, dân Guilin 1950)
- Hồ Xuân Hương và bài thơ Vịnh cái quạt (Huỳnh Văn Úc)
- TẠI SAO GIỚI TUYẾN HAI MIỀN LẠI LÀ VĨ TUYẾN 17? (Việt Dũng)
- Bài thơ Xứ Quảng (Phan Hoài Thuận)
- Tiệc mừng Ts Bs Văn Công Phước nhận nhiệm vụ mới
- CÂU CHUYỆN TẬP KẾT RA BẮC (1954 – 1956) - (Việt Dũng)
- Thiên An Môn (Huy Đức)
Thứ Sáu, 18 tháng 2, 2011
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
15 nhận xét:
Có thể, nhiều người ở trong nước khi nghĩ đến CHLB Đức là liên tưởng ngay đến Hitler, đến bọn phát xít mới, đến CN phân biệt chủng tộc "hằn sâu" trong tâm chí người dân Đức...Nhưng thực tế không phải vậy. Đại đa số người dân Đức có quan hệ rất tốt với người nước ngoài, họ sống và làm việc theo pháp luật, phân biệt rõ ràng tốt- xấu, bạn-thù. Chính vì thế mà bọn tôi có thể tồn tại "ngon lành" trên nước Đức.
Bài viết này rất hay, chỉ cho ta thấy đâu là bạn, đâu là thù. Với tôi, Đặng tiểu Bình và bè lũ bá quyền nước lớn là thù , với người dân Trung Quốc nói chung thì không, họ là bạn. Lính Trỗi cũng đã từng chứng kiến những năm tháng người dân Trung Quốc vẫn còn rất kham khổ , nhưng họ tự nguyện giành cho chúng ta có cuộc sống tốt nhất trong điều kiện có thể. Và có lẽ, theo bài viết này, nếu chủ tịch Mao và thủ tướng Chu còn sống thì đã không có cuộc chiến tranh biên giới năm 1979(?).
Qx.
Năm 1979 mình đang học CA ở HN,khi TQ tấn công xem TV đọc tin và thông báo của VN là TQ tấn công trên toàn tuyến BG với VN.Súng được phát ra vì quy mô tấn công VN k phải 2 sư mà tới 20 sư đoàn điều mà ta lúc đó bị bất ngờ.
Nếu ai muốn tìm hiểu thì vào trang bauxit sẽ có bài viết rõ hơn(k biết làm đường dẫn).Rất nhiều thông tin bây gìơ mới biết.
Lồng chấy Quang sèng à! Mao chủ sị của chúng tôi lói :Lồng chí Le Ruẩn À ! ngộ sẽ cầm đầu Lăm trăm trệu pần lông Chung cốc tến xống phế Lam.
Lúc ló thì lồng chí Quang sèng xuống đất lằm với zun chớ đâu còn đợc sang pên Lức mà ngọ ngoạy!
Zậy chớ lồng chí Quang sèng có piết ai chia cắt Việc lam làm hai ở ví tiếng 17 khôông hở! là lồng chấy Chu ân Lai đó. Âỳ dà, ngộ bùn quá zới quang lệm của you à.
Pảy Tàng
Tất nhiên thế giới là bàn tiệc của những nước lớn, chả nước nào không vì quyền lợi của chính quốc gia mình. Mấy hôm nay xem trên BBC thấy có nhiều phát biểu của các cụ lão thành. Cũng là những ý kiến tham khảo tốt.
Riêng con người với con người thì đúng như Qx nói, tôi đồng tình với ý Qx.
Phải nói bài viết của ông Dy có cái nhìn rất khách quan và trung thực. Ta cần lắng nghe để biết hết sự thực của quá khứ.
N.D.
"Lồng chấy Pảy Tàng à!",
Lẽ ra "ngộ" cũng không muốn tranh luận với "lồng chấy" đâu, nhưng qua lời bình của "lồng chấy" thấy ngứa ngáy quá nên lại phải "bình loạn" tiếp vậy.
Cảm nhận trước tiên, mặc dù chưa biết mặt "lồng chấy", thì "lồng chấy" là người thích phán xét kẻ khác thì phải? Nhưng...phán sai bét.
Theo "ngộ" thì : -Hoặc là "lồng chấy" chưa đọc hết đến tận cùng ( đến chấm câu cuối cùng) "lời loạn bình" của "ngộ", nên không thấy khi "ngộ" nói đến "Mao" và "Chu" thì "ngộ" đã để dấu "?" trong ngoặc? Ngoài ra trước đó "ngộ" đã "chua" thêm câu "...theo bài viết này,".
- Hoặc là "lồng chấy" có đọc hết nhưng không hiểu "ý tứ" của dấu "?" của "ngộ" chăng?
Cả hai trường hợp trên, hoặc đọc lớt phớt, hoặc không hiểu lại "phán" ngay như "lồng chấy" thì quả thật "ngộ" thấy "lồng chấy" là con người quá nông nổi nếu không muốn nói là d...ốt lại hay thích đùa. Ở cái tuổi U70 như bọn mình nên "uốn lưỡi" trước khi nói cho ...đúng.
Nếu "lồng chấy" muốn hiểu cái ý nghĩa của dấu "?" đấy, xin cứ "phát", "ngộ" sẽ giải thích cho để "lồng chấy" hiểu. OK?
Qx rất đồng tình với KQ và N.D
- Hoặc là
Cảm ơn KQ đã đăng lại bài này cho anh em có cơ hội tám.
Theo tui thì cách làm có thể khác nhau, nhưng các lãnh tụ CHNDTH cũng bị ảnh hưởng lớn từ truyền thống trị vì thiên hạ của các thiên tử.
Thời điểm ông Deng nắm quyền nó rất khác với thời trước đó. VN đã không còn cam chịu làm sân sau cho bắc Phương và nhẫn nhục trước việc bị chiếm đảo, bị thọc sườn Tây Nam nên chính thức tham gia liên minh với Nga. Deng đang có cơ hội cầu hòa với Mỹ để chống liên minh của Nga. Nga thì mặc dù vừa ký hiệp ước phòng thủ chung với VN nhưng không thể điều động binh lực từ phòng tuyến Đông Âu về trong một thời gian ngắn. Mỹ thì sẽ làm thinh hưởng lợi sau khi tiết lộ cho Deng tin tình báo về Nga.
Các thiên tử tiên triều trong tình thế đó sẽ hành động thế nào?
Có lẽ dấu hỏi của pác QX vẫn còn đó.
Lồng chấy Cu sèng à, lồng chấy hỏi chúng ngộ là:"... Lính Trỗi cũng đã từng chứng kiến những năm tháng người dân Trung Quốc vẫn còn rất kham khổ , nhưng họ tự nguyện giành cho chúng ta có cuộc sống tốt nhất trong điều kiện có thể. Và có lẽ, theo bài viết này, nếu chủ tịch Mao và thủ tướng Chu còn sống thì đã không có cuộc chiến tranh biên giới năm 1979(?)." Chời ơi! Ngộ thấy gộp cả đoạn dăn của nị thì cái ý tưởng hướng người lọc lến sự bênh vực Mao Chu là quá dó rùi, lếu nị thấy ngộ lói sai thì nị có thể giải thích mờ! Nị có thể lói trắng ra là Tồng chí Mao đã có âm mưu thôn tính Việc lam từ lâu, hoặc nị lói tồng chí Mao tốt lém tốt lém khôông có chiện xâm lợc Việc lam lâu. Nị có piết là khi ngôn ngữ bất lực. Nghĩa là “cùn” ló, là bí ló ! thì bắt lầu rùng lến “ dốt” đến lông lổi” lể lói người khác khôông? Mộc trong các biểu hiện của chứng Tâm thần phân liệt đóo .
Lói tiếng Tầu trẹo hết lưỡi rùi, không lói lữa, tồng chí Cu sèng có ngứa ngáy quá thì dùng thuốc chống dị ứng hoặc nhờ iem Hương gãi cho nhớ! Khặc khặc khặc!
Pảy làng
Tư tưởng Đại Hán có từ hàng nghìn năm nay, chà thế mới có tên Trung Quốc. Làm sao mà dẹp đi được? Cái khó của nhà lãnh đạo đất nước là làm sao vẫn sống yên ổn cạnh họ và họ không làm gì được mình.
N.D.
"... Tồng chí Mao đã có âm mưu thôn tính Việc lam từ lâu..."
Bác Bảy T. suy từ các sự kiện lịch sử hay biết tài liệu cụ thể nào đó? Đề tài bác đưa ra rất hấp dẫn, vì có nhiều việc chưa rõ, nhạy cảm nữa, không hiểu có thảo luận ở đây được không. Nếu được bác chia sẻ với ACE thì quý quá.
BTk6
Ngộ hông phải Bảy T. nha! ngộ là Pảy nha!
xem ở lây lày :
http://dailyvnews.wordpress.com/2010/11/02/tai-li%E1%BB%87u-le-du%E1%BA%A9n-noi-v%E1%BB%81-trung-qu%E1%BB%91c/
Một bầy thằng ngọng đến xem chuông Nó bảo nhau rằng ấy ái uông. Hồ Xuân Hương.
Lẳng lặng mà nghe nó nịnh nhau
Ôm đít ngoại bang, chính đích Tầu.
Này này, ông bảo cho mà biết
Đừng có ti toe kẻo bị chửi đau!!!
Bố Tú
Thanks. Có tài liệu của TQ nữa thì hay nhỉ :)
BTk6
Ý đồ bành trướng của những người lãnh đạo Trung Quốc đặc biệt lộ rõ ở câu nói của chủ tịch Mao Trạch Đông trong cuộc hội đàm với đại biểu Đảng Lao động Việt Nam ở Vũ Hán năm 1963:
“Tôi sẽ làm chủ tịch của 500 triệu bần nông đưa quân xuống Đông nam châu Á”
Cũng trong dịp này, chủ tịch Mao Trạch Đông so sánh nước Thái Lan với tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc, về diện tích thì tương đương nhưng về số dân thì tỉnh Tứ Xuyên đông gấp đôi, và nói rằng Trung Quốc cần đưa người xuống Thái Lan để ở; đối với nước Lào đất rộng người thưa, chủ tịch Mao Trạch Đông cũng cho rằng Trung Quốc cần đưa người xuống Lào để ở.
Chủ tịch Mao Trạch Đông còn khẳng định trong cuộc họp của Bộ Chính trị ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, tháng 8 năm 1965:
“Chúng ta phải giành cho được Đông nam châu Á, bao gồm cả miền nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Malayxia và Singapo…Một vùng như Đông nam châu Á rất giàu, ở đấy có nhiều khoáng sản…xứng đáng với sự tốn kém cần thiết để chiếm lấy…Sau khi giành được Đông nam châu Á, chúng ta có thể tăng cường được sức mạnh của chúng ta ở vùng này, lúc đó chúng ta sẽ có sức mạnh đương đầu với khối Liên Xô-Đông Âu, gió Đông sẽ thổi bạt gió Tây…”.
So với các khu vực khác trên thế giới, Đông nam châu Á là khu vực mà Trung Quốc có nhiều điều kiện thuận lợi nhất, có nhiều phương tiện và khả năng nhất (hơn 20 triệu Hoa kiều, các chính đảng lệ thuộc vào Đảng cộng sản Trung Quốc, Đông nam châu Á có đường đất liền với Trung Quốc…) để thực hiện chính sách bành trướng và bá quyền nước lớn của mình. Cho nên trong 30 năm qua, những người lãnh đạo nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa đã dùng nhiều thủ đoạn để thực hiện chính sách bành trướng ở khu vực này, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện chiến lược toàn cầu phản cách mạng của họ.
Đăng nhận xét