Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2011

"Đặc sản" của lính QS (tiếp)

Học làm thịt cóc
Cái trò này cũng do mấy ông bộ đội tập kết bày cho. Cuối năm 1972, C343, C353 (khi đó chúng tôi đã lên Khoa Vô tuyến) sơ tán về Đại Tự, Yên Lạc, Vĩnh Phúc. Sát bờ sông Hồng, bên kia là Phố Gạch, Sơn Tây.
Vừa tới vài hôm, bác Phôi, bác Hay đi “ba tui” về khoe: “Sát bờ sông có bãi ngô rộng lắm, tới vài chục mẫu. Ngoài ấy tha hồ là cóc. Đêm nay đi bắt cóc về làm thịt”. Từ bé đến giờ nhìn con cóc xấu xí, da xù xì toàn mụn mà ghê. “Ăn thế quái nào được”, tôi né. Đêm ấy, anh em đi rồi tha về hàng bao tải cóc, ném xuống hầm tăng-xê. Trưa hôm sau, các bác lính già trổ tài làm thịt. Tôi chỉ dám đứng ngó xem.
Bác Trần Hay nhặt từng chú cóc, kê đầu lên thớt rồi dùng dao sắc chặt 1 nhát ngay sát cái u (giống như mang tai ta). Anh bảo, mất đấu là phần điều khiển để phóng mủ ra bị cắt. Những chú cóc mất đầu giang chân xếp đống tướng. Bác Bích thì lấy dao lam rạch một lối ở dưới cẳng chân rồi khéo lột toàn bộ phần da vứt đi. Sau đó cho tay nhúm vào rốn (ngay chỗ bẹn) bóc đi cả phần ruột. Chặt nốt 4 chấm đen (chắc là móng) ở mỗi chân thì cả con cóc sạch, trắng nõn nà được thả vào bát nước muối. “Nước muối (nặng hơn) sẽ đẩy mủ cóc (nhẹ hơn) lỡ còn dính trên thịt lên trên, sau vài lần thay nước là sạch mủ. Mủ cóc ăn vào sẽ bí đái”, ông Chí Hòa (cây lý luận của lớp) giải thích. Cái nhà bác Bích khéo lắm, làm mấy trăm con cóc mà chỉ bẩn đúng có ba đầu ngón tay mỗi bàn tay. Làm xong không thấy có tí mùi tanh như thịt lợn, thịt gà.
Rồi chế biến. Nào đùi rán, nào cóc xào chua ngọt, nào chả cuốn lá xương xông, nào cháo cóc … Đến bữa, chúng tôi mời gia đình cùng ăn. Bà chủ và các con khen thịt cóc ngon, ngọt. Riêng ông chủ thì sợ chết, chỉ dám thử miếng canh cải nấu cóc. Ăn xong thì khen: “Các chú cho mì chính phải không? Sao ngọt thế?”. (Kì thật làm chó gì có mì chính mà bỏ vào. Ngọt do thịt cóc đấy! Sau này đọc sách mới biết thịt cóc là loại cao đạm nhất. Chả thế dân ta có câu “Thối như cóc chết”).
Sau này, khi lên làm giáo viên, ông Chí Hòa còn bắt cóc làm ruốc và tận dụng phần xương hai  chi trên rang cháy cạnh, giã ra, làm bột cóc để giành. Hai thằng nhỏ nhà Hòa được ăn ruốc cóc và cháo với bột cóc nên sau này to vật.
Riêng trong bụng cóc có hai chùm mỡ như chùm hoa ngọc lan, màu vàng hoặc trắng. Chúng tôi tiếc nên đã bóc ra, cho ngâm nước muối, sau đó dùng thay mỡ lợn. Thơm ra phết. Ấy là nói chuyện khi đã thành thao, chứ cái đêm đầu đi theo các bác già “nhặt” cóc, tôi cứ phải giả vờ vồ trượt vì “nó nhảy nhanh quá”. (Sờ vào con cóc vẫn cứ thấy rờn rợn, lỡ nhựa cóc dính ra tay thì ngứa chết và có khi thành mụn cóc(?!). Thực ra động vào cóc nhẹ nhàng thì nó không tiết ra nhựa. Nhựa chỉ dùng khi phòng vệ. Về sau nhặt cóc chả khác gì nhặt sỏi. Ngon. Đêm về cũng xách sau lưng bao tải tướng. Thả xuống tăng-xê, nghe chúng kêu lóc cóc cả đêm.
Sau đó dân Đại Tự nhà nào cũng biết làm thịt cóc. Mấy bụi xương xông, lá lốt ngày xưa không ai them hái, nay chả còn tí lá nào. Bà con chắc còn lưu truyền chuyện mấy chú bộ đội bầy cho dân làng làm thịt cóc?
Có người hỏi: Ăn gan cóc có chết? Chúng tôi xin trả lời: Chưa thử nên chưa biết(!). Nhưng khi làm cóc, cứ vứt bộ lòng có cả mật, gan, trứng ra sân liền bị mấy chú gà lượm ngay. Tranh nhau ăn mà chả thấy chú nào chết. Hay là chúng được “miễn dịch”?
Sau này còn nghe có bài thuốc: ngâm rượu cả con bìm bịp có thể chữa ung thư vì bìm bịp toàn ăn thịt cóc. Các chất kháng sinh từ cóc đã ngấm sang bìm bịp. Chả hiểu có đúng?

Không có nhận xét nào: