Thứ Tư, 12 tháng 3, 2014

Bình luận về Ucraine (ST: ĐB)


Trước hết tớ phải nói là tớ đã sống đủ lâu ở miền Nam Ukraine cho nên quan niệm sống và góc nhìn tình hình Ukraine của tớ là ảnh hưởng của góc nhìn của đa số người dân miền Nam Ukraine mà cụ thể là Odessa.
Tại sao tớ lại nhắc đến vùng miền ở đây? Tớ nhắc đến vì vùng miền là một trong những nguyên nhân gây chia rẽ Ukraine. Thực tế hiện tại Ukraine chia ra làm Tây và Trung tâm ủng hộ việc ra nhập EU đối lại với Đông Nam và Crimea ủng hộ việc thân với Nga. Nguyên nhân là do lịch sử từ những thời xa xưa. Miền Tây Ukraine luôn nằm dưới quyền quản lý của Ba Lan hoặc đế quốc Áo Hung. Miền Nam và Crimea dưới sự quản lý của đế quốc Ottoman và miền Đông dưới sự quản lý của Nga. Miền Nam và Crimea nhập vào Nga cuối thế kỷ 19 trong khi Miền Tây thực sự nhập vào Ukraine sau thế chiến thứ 2. Ở miền Tây đa số dân chúng theo đạo thiên chúa Catolic nói tiếng Ukraine nặng, gần với tiếng Ba Lan còn miền Nam và Đông nói tiếng U lai Nga ở nông thôn và tiếng Nga ở thành thị. Đa số dân cư ở các vùng này theo đạo Orthdox (Chính thống giáo). 

Về thu nhập: nói chung thu nhập các vùng Đông Nam cao hơn do có nhiều các cơ sở công nghiệp, kinh tế, cảng biển quan trọng. Người miền Đông Nam chủ yếu làm việc tại chỗ còn người miền Tây sang các nước Châu Âu lân cận làm việc rất nhiều. Miền Đông buôn bán nhiều với Nga, rất nhiều các mặt hàng thực phẩm, nông nghiệp, công nghiệp được xuất thẳng sang Nga. Miền Đông dùng nhiều khí đốt của Nga cho các ngành công nghiệp nặng như luyện kim, hóa chất. Điều người dân miền Tây muốn nhập EU và miền Đông Nam muốn thân Nga cũng là điều dễ hiểu. Ngoài ra dân 2 miền này cũng không ưa nhau. Sau cách mạng tháng 10, phía Tây thành lập nước Cộng hòa Ukraine theo Châu Âu còn phía Đông Nam thành lập nước CH XHCN SV Ukraine. Nội chiến diễn ra và kết quả là một phần miền Tây lại một lần nữa nhập vào Ba Lan. Trong chiến tranh thế giới thứ 2, tại miền Tây rất nhiều người ủng hộ quân Đức chiếm đóng và năm 1942 thì lực lượng UPA (https://www.kproxy.com/servlet/redirect.srv/slxv/sjsoqcwzyn/sgy/p1/wiki/Ukrainian_Insurgent_Army) do Bandera lãnh đạo được thành lập chống lại du kích và Hông quân LX, chống cả Đức, Ba Lan. Lực lượng này được sự ủng hộ khá nhiều của những người dân miền Tây. UPA tồn tại và đấu tranh đến tận những năm 50. Hàng chục nghìn người Ba Lan cũng như Nga, Ukraine bị giết vì theo chính quyền SV. Chính vì vậy người vùng Đông Nam luôn gọi dân miền Tây một cách căm ghét là Banderovsi (Bọn Bandera).
Chúng ta cùng thông nhất các sự kiện sau nhé. Dưới thời Tổng thống Kuchma (1994-2004), Ukraine thì hành một chính sách ngoại giao rất khôn khéo trung hòa được cả hai bên EU, Mỹ và Nga. Quân đội Ukraine vẫn tham gia tập trận và các hoạt động quân sự như gỡ mìn ở Iraq. Ukraine vẫn nằm trong khối SNG và được Nga bán gaz cho với giá ưu đãi. Cuộc cách mạng Cam đã đưa Yushenko lên làm Tổng thống. Ukraine ngả hẳn sang Châu Âu và Mỹ, quay lưng lại với Nga. Đòn trừng phạt kinh tế của Nga làm cho Ukraine khá điêu đứng và dẫn đến bất hòa giữa 2 người đã từng là đồng minh sát cánh trong cuộc cách mạng Cam là Tổng thống Yushenko và bà Thủ tướng Timoshenko. Hiến pháp Ukraine năm 2004 cho phép Quốc hội phế truất Tổng thống và ngược lại Tổng thống được quyền giải tán Quốc hội dẫn đến Ukraine phải tiến hành trong thời gian ngắn 2 cuộc bẩu cử Quốc hội để cuối cùng 2 người kia ai vẫn ngồi chỗ của người đó. Cuộc đấu tranh quyền lực đã làm cho nhân dân Ukraine chán ngán và vì vậy trong vòng 1 của cuộc bầu cử Tổng thống năm 2010, TT Yushenko chỉ được bầu với một số phiếu khiêm tốn. Vòng 2 giữa bà Timoshenko và cựu Thủ tướng dưới thời TT Kuchma Yanukovic kết thúc với chiến thắng của cựu Thủ tướng đến từ vùng phía Đông. Hình dưới cho thấy các vùng ảnh hưởng của các hai ứng cử viên

(Chú thích: Màu xanh là vùng bầu cho Yanukovich, màu hồng là cho Timoshenko)
Sau khi lên chức TT, chính quyền Yanukovich lập tức tìm cách cho bà Timoshenko vào tù với tội danh lợi dùng chức vụ làm thiệt hại kinh tế do việc ký kết giá gaz với Nga. Trong cuộc bầu cử Quốc hội đảng Các vùng của Yanukovich thắng lớn. Liên minh với đảng Cộng sản làm họ trở nên đa số trong Quốc hội và bắt đầu lũng đoạn quốc hội. Sau khi thay đổi hiến pháp năm 2012, quyền lực của Quốc hội bị giảm đáng kể và hầu như mọi quyền lực đều tập trung vào tay TT. Bộ sậu của TT đã đưa người của mình vào hầu hết tất cả các ghế trong chính phủ, trong các cơ quan quan trọng nhà nước, trong bộ máy quân đội, cảnh sát, tòa án, tư pháp.

(Chú thích: màu xanh đảng Cac vùng 185 ghế, màu xám đảng Tổ quốc 101 ghế, màu xanh đậm là không đảng phái 43 ghế, màu nâu là đảng Quả Đấm của Klichko 40 ghế, màu vàng đáng Svoboda (Tự do) 37 ghế, màu đỏ đáng Cộng sản 32 ghế)
Chính quyền Yanukovich là một chính quyền tham nhũng rất nặng. Các quan chức thản nhiên nhận hối lộ hay ép buộc gây khó khăn làm cho để buộc người khác phải hối lộ. Chính quyền này cũng như một đảng cướp. Dưới sự che chở của chính quyền, những kẻ có quen biết, có tiền thản nhiên cướp những tài sản mà chúng thấy có giá trị cao như đất đai, nhà máy, các khu chợ... Các sự việc này làm người dân tức giận nhưng quyền lực nằm trong tay TT quá mạnh. Việc TT Yanukovich ngừng việc tiến hành các quá trình tiến gần với EU mà quay sang với Nga đã làm những người dân phía Tây và Trung Ukraine tức giận nhưng lại được ủng hộ không nhỏ ở các vùng Đông Nam. Các sinh viên Kiev biểu tình. Sự đàn áp dã man của cảnh sát đã dẫn đến việc người dân phẫn nộ kéo đến trung tâm ủng hộ sinh viên càng ngày càng đông. Và cuối cùng dẫn đến cuộc bạo loạn lật đổ chính quyền của TT Yanukovich.
Đến đây thì góc nhìn về người biểu tình của tớ hơi khác so với góc nhìn các bạn người Việt của tớ sống tại Kiev. Đúng là người biểu tình đến từ khắp nơi từ các vùng lãnh thổ Ukraine nhưng chủ yếu là đến từ miền Tây và Trung. Hàng đoàn xe bus từ miền Tây chở người đến tham gia biểu tình. Từ miền Đông và Nam số này rất ít. Điều này dễ dàng có thể nhận thấy trong khi các tỉnh phía Tây và miền Trung có hàng ngàn cho đến hàng chục ngàn người biểu tình trước các trụ sở HDND Tỉnh thì ở miền Đông Nam số lượng này chỉ là vài trăm người. Trong khi hầu hết các trụ sở bị chiếm ở miền Tây và Trung thì ở vùng Đông Nam mọi cố gắng của một số ít người ửng hộ Maidan đều bị dập tắt ngay lập tức. Các bạn có thể xem ảnh các vùng nơi ủy ban nhân đân tỉnh nằm dưới quyền kiểm soát của ai

(Chú thích: màu vàng là dưới quyền kiểm soát của người biểu tình, màu hồng là vùng có những vụ tấn công vào trụ sở nhưng bất thành, màu xanh là dưới quyền kiểm soát của chính phủ)
Lúc đầu cuộc biểu tình có tính chất là cuộc biểu tình phản đối ôn hòa nhưng từ khí các nhóm theo chủ nghĩa cực đoan tham gia mà cụ thể là Right Sector thì đã không còn là ôn hòa nữa. Các chiến binh của tổ chức này luôn khiêu khích cảnh sát từ việc ném đá, quật xích để cảnh sát tức giận dẫn đến việc gia tăng bạo lực với các cuộc đánh nhau mà phía cảnh sát là dùi cui, lựu đạn khói và bắn đạn cao su, phía người biểu tình là gạch đá, gậy gộc và bom xăng.
Các chiến binh của Right Sector được huấn luyện các kỹ thuật cận chiến, kỹ thuật chống cảnh sát bạo động là nóng cốt trong các trận chống lại cảnh sát và chiếm các trụ sở HDND tỉnh. Có thể khá dễ dàng nhận ra chúng nhờ vào các bộ quần áo rằn ri, bịt mặt và một số bọn còn đeo băng có dấu hiệu phát xít trên tay áo.

Right Sector - Họ là ai
Dưới đây là video Right Sector đuổi những người dân Kiev thử đến dọn dẹp những đống đổ nát do người biểu tình lập ra:
Những người biểu tình ôn hòa thực sự thường đứng sau chiến lũy thứ 2 như lời một chỉ huy cảnh sát Berkut đã nói. Từ chiến lũy thứ 2 đến chiến lũy thứ nhất ngăn với cảnh sát là những chiến binh.

Chính vì sự tham gia tích cực và lũng đoạn cuộc biểu tình của các nhóm cực đoan mà tại miền Đông Nam Ukraine đã thành lập các đội tự vệ và các tuyến đường vào các tỉnh này bị đặt các trạm kiểm soát của cả cảnh sát lẫn tự vệ để ngăn chặn sự xâm nhập của các nhóm cực đoan từ miền Tây. Người vùng Đông Nam từ việc chỉ quan sát những gì diễn ra tại Maidan đã trở nên tích cực trong việc chống lại Maidan. Họ bảo vệ không phải chính quyền của Yanukovich. Họ ra đường bảo vệ các trụ sở với khẩu hiệu Chúng tôi không có Phát xít (Chỉ bọn theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan). Việc trỗi dậy của Right Sector đã đào sâu thêm cái hố ngăn cách giữa các miền.
Sau sự kiện đẫm máu ngảy 20/2, TT Yanukovich và các đảng đối lập ký thỏa ước hòa bình với việc quay trở lại hiến pháp 2004, bầu cử TT trước thời hạn và thả hết người biểu tình bị bắt. Đổi lại phía đối lập giải tán biểu tình, trả lại các trụ sở bị chiếm. Các nước Mỹ, Đức, Pháp bảo đảm an toàn cho Yanukovich và đảm bảo việc thực thi thỏa ước. Ngày 21/2 Right Sector tuyên bố đấu tranh đến cùng buộc TT phải từ chức ngay lập tức. TT Yanukovich buộc phải chạy trốn và bị Quốc hội phế truất. Quốc hội dưới sức ép của người biểu tình đã ngay lập tức bỏ luật ngôn ngữ làm các vùng nói tiếng Nga tức giận dấy lên làn sóng phản đối và bạo loạn chống lại chính quyền lâm thời. Tại các vùng miền Đông Nam một loạt các trụ sở HDND được Right Sector bảo vệ đã bị người biểu tình chiếm lại. Tại Crimea dưới sự bảo vệ của các chiến binh lạ mặt, Quốc hội Crimea thành lập chính phủ mới và tuyên bố không công nhận chính phủ Kiev. Quân Nga kéo vào theo đề nghị của chính phủ Crimea. Dưới sức ép phản đối của dân các vùng Đông Nam và bên lề của cuộc chiến tranh với Nga, quyền TT Ukraine đã buộc phải không ký hủy luật ngôn ngữ. Điều này đã quá muộn. Cỗ máy do những tổ chức thân Nga đã khởi động không thể dừng lại. Crimea đòi nhập vào Nga và một loạt các tỉnh phia Đông liên tục biểu tình phản đối chính phủ. Lúc tớ đang gõ dòng này thì tại Kharkov và Donesk, hàng nghìn người dân đang sôi sục đòi tiến hành trưng cầu dân ý).
Chính quyền Yankovich đã sai lầm khi không tính đến tiếng nói của những người dân miền Tây và lần này chính quyền mới cũng vội vàng chạy đến EU mà lặp lại sai lầm của chính quyền mà họ lật đổ. Họ đã không tính đến nguyện vọng của những người dân vùng Đông Nam. Việc Nga đưa quân vào Crimea chỉ làm người dân Ukraine ở các vùng tạm thời xích lại với nhau chống lại chiến tranh chứ không giải quyết được tận gốc sự chia rẽ. Càng ngày càng có nhiều ý kiến của các nhà hoạt động chính trị về việc tiến hành công khai một cuộc trưng cầu dân ý về việc gia nhập EU hay quay lại với Nga. Bên nào được nhiều người ủng hộ hơn thì mới tiến hành.
Sự thiên vị làm ngơ của chính quyền mới cũng làm cho những người dân miền Đông căm phẫn. Khi các phần tử nổi loạn tấn công cảnh sát, chiếm các trụ sở HDND Tỉnh, chiếm các trụ sở cảnh sát, an ninh ở miền Tây được tự do và không bị trách nhiệm hình sự thì những người làm những việc tương tự ở phía đông bị bắt và bị điều tra khởi tố.
Việc chia sẻ quyền lực tại các tỉnh càng làm dấy lên sự lo ngại của dân các vùng miền Đông Nam về việc chủ nghĩa dân tộc lên ngôi. Người của Đảng "Tự do" mà người lãnh đạo Tyahnybok (https://www.kproxy.com/servlet/redirect.srv/slxv/sjsoqcwzyn/sgy/p1/wiki/Oleh_Tyahnybok) với những tuyên bố sặc mùi kỳ thị từ chỗ chỉ có 37 ghế trong Quốc hội hiện đã nắm chức Tỉnh trưởng một loạt các vùng. Các vùng phía Đông các Đảng cầm quyền buộc phải để cho các nhà tài phiệt nắm giữ

(Chú thích: Màu hồng là người của đáng Tổ quốc nắm, màu vàng do đảng Tự do, màu xanh là các nhà tài phiệt)
Ngoài Crimea, miền Đông đang như một thùng thuốc súng. Các kênh truyền thông hiện đang có tiến hành một cuộc tuyên truyền kêu gọi đoàn kết rất mạnh với sự tham gia của tất cả các kênh TV Ukraine và một loạt các nghệ sĩ, ca sĩ, người dẫn truyền hình nổi tiếng.
Ở đây các bạn cùng tranh luận bàn giải pháp nào cho Ukraine để hòa hợp dân tộc nhé. Có nên trưng cầu dân ý về việc vào EU hay tham gia liên minh thuế quan với Nga hay không? Làm thế nào để trung hòa quyền lợi giữa những người thân phương Tây và những người thân Nga. Với những gắn kết về văn hóa và kinh tế giữa U với Nga thì việc theo phương Tây hay theo Nga sẽ tốt hơn?
Chuyển qua vấn đề nóng bỏng nhất hiện nay là Crimea. Đứng dưới con mắt của một người Ukraine thì tớ phản đối việc Nga can thiệp và phản đối việc Crimea đòi tách ra sát nhập với Nga. Cbn, tớ không muốn khi đi nghỉ ở Crimea phải xin visa: ).
Mặt khác nếu nhìn dưới con mắt của người vùng Crimea thì họ có lý do để đòi tách hoặc ít ra là đòi quy chế tự trị theo kiểu 1 nước 2 chế độ.
Đầu tiên họ có lý do lo ngại những tổ chức cực đoan kéo xuống Crimea. Khi Liên Xô mới tan rã tại Crimea cũng có phong trào muốn nhập vào Nga và cuối cùng đã có một thỏa hiệp về việc cho Crimea hưởng quy chế là nước cộng hòa tự trị. Năm 1992, những kẻ thuộc UNA-UNCO (https://www.kproxy.com/servlet/redirect.srv/slxv/sjsoqcwzyn/sgy/p1/wiki/Ukrainian_National_Assembly_%E2%80%93_Ukrainian_National_Self_Defence) đã kéo khoảng 400 người đi tàu xuống Crimea với cuộc hành quân được gọi là "chuyến tàu hữu nghị". Chuyến tàu bị dừng không đến được Crimea nhưng bọn UNA-UNCO đã đến được bằng đường bộ. Bọn chúng đã có dự định tấn công khu kều trại của những người ủng hộ Nga bằng bom xăng. Lần này Right Sector cũng đe dọa sẽ kéo quân đến Crimea như năm 92.
Thứ 2, về lịch sử Crimea vốn thuộc Nga. Năm 1954 đã được vị Tổng bí thư người Ukraine, Nikita Khrusov, cắt nhập vào Ukraine. Tại Crimea có 58% là người Nga, 24% là người Ukraine, 12% là người Tatar sinh sống và 97% dân Crimea nói tiếng Nga, 77% coi tiếng Nga là tiếng mẹ đẻ. Họ sống hoàn toàn theo phong tục Nga và trong mọt số lãnh vực như tòa án, tư pháp bị buộc phải dùng ngôn ngữ quốc gia là tiếng Ukraine. Mặc dù tự trị nhưng người Crimea luôn bị chính phủ Ukraine chỉ định những người lãnh đạo nước cộng hòa là những người khong phải dân Crimea. Chính vì vậy lần này Quốc hội đã tiến hành bầu ra một Thủ tường mới vốn đã sống tại Crimea từ đầu những năm 90.
Các bạn hay so sánh và đem ví dụ như nếu xảy ra ở VN kiểu như người TQ ở Chợ lớn cũng đòi tách ra thì sao? Sao không so sánh vụ Kosovo tách ra khỏi Serbia ý? Sao các nước phương Tây không phản đối việc vùng này đòi tách đi. Mặt khác phía Nga ủng hộ Crimea tách khỏi Ukraine nhưng sao cũng lại không cho Chechnia độc lập?
Về việc Nga can thiệp thì Nga đã hành xử như một nước lớn. Với chiêu bài bảo vệ những người mang quốc tịch Nga, Quốc hội Nga cho phép quân đội Nga can thiệp vào bất kỳ một nước nào. Điều này các nước lên án Nga như Mỹ, Pháp, Anh cũng tự cho mình cái quyền can thiệp quân sự vào nước khác đấy thôi: Serbia, Iraq, Lybia
Về mặt quân sự khả năng quân đội Ukraine chống lại quân đội Nga hầu như không có. Với 90% các căn cứ quân sự bị vây chặt. Hạm đội không sử dụng được. Căn cứ không quân bị chiếm.
Chính phủ Ukraine một mặt cho quân đội sẵn sàng chiến đấu. Một mặt kiềm chế không trả lời các khiêu khích dùng ngoại giao thông qua các nước bảo trọ theo hiệp ước Budapes ép Nga tuân theo đảm bao an ninh và toàn ven lãnh thổ cho Ukraine. Ngoài ra Ukraine cũng thử đàm phán trực tiếp với Nga để tìm ra giải pháp về Crimea nhưng Nga không công nhận tính hợp pháp của chính phủ Ukraine và không quan hệ ngoại giao với chính phủ này
Theo các bạn giải pháp nào cho Crimea và Ukraine? Nga có chịu rút quân khỏi Crimea hay không? Mỹ, Châu Âu liệu sẽ có những động thái nào ép Nga?
 

14 nhận xét:

Nặc danh nói...

Bạn rất hiểu về nội tình, về lịch sử Ukraina. Tôi chỉ xin có ý kiến có tính chất lý thuyết. Nước nào cũng chứa trong lòng nó các mâu thuẫn tôn giáo, sắc tộc, vùng miền... Nhưng mâu thuẫn đó có dẫn đến phân ly, nội chiến... hay không lại là vấn đề khác. Ngày Pháp thuộc, với chính sách chia để trị, mâu thuẫn vùng miền, dân tộc, tôn giáo ở nước ta cũng gay gắt. Sau khi thống nhất,mâu thuẫn này chỉ còn trong suy nghĩ của một số người. Mỹ là một nước đa sắc tộc, tôn giáo,từng có chiến tranh Nam Bắc nhưng bây giờ chẳng ai nghĩ nước Mỹ có thể chia cắt, nội chiến do những lý do này. Nước Mỹ quá mạnh để không có kẻ nào có thể xúi bẩy, lợi dụng các mâu thuẫn nội bộ để làm hại nó. Chính phủ Mỹ cũng trở thành chính phủ chung của các sắctộc , tôn giáo. Nói cách khác, nếu không có ai muốn lợi dụng mâu thuẫn để phân chia một đất nước thì nói chung mâu thuẫn nội bộ về tôn giáo, sắc tộc, vùng miền không thể gây ra chia cắt,nội chiến. Phải có kẻ muốn đục nước béo cò, phải có kẻ muốn lợi dụng mâu thuẫn để kéo bè kết đảng vì lợi riêng thì mâu thuẫn mới trở nên nguy hiểm. Ví dụ nếu một cán bộ lãnh đạo yêu quý đồng hương thì chẳng sao, nhưng nếu lợi dụng điều này để kết bè, tranh giành quyền lợi, chức vụ thì nó sẽ ngày càng nguy hiểm, có thể giết chết cơ quan,xí nghiệp. Với Ukraina, có thể tạm "ly thân", các vùng miền được tăng tính tự trị để giảm dần các mâu thuẫn, đặc biệt mâu thuẫn kinh tế, giảm quyền lực của chính quyền trung ương. Người dân sẽ nhận thức được mình là công cụ hy sinh để người khác hưởng lợi, sẽ dần đứng ngoài cuộc. Và lúc đó bằng lá phiếu họ có thể chọn người đứng đầu dung hòa, có lợi cho nhiều người. Bản thân sự bất hòa, tranh giành giữa các sắc tộc, tôn giáo, vùng miền chẳng mang lại lợi ích gì cho người dân thường,họ chỉ là nạn nhân, bị lợi dụng.

Nặc danh nói...

Mình thấy ĐB hiểu biết rất kỹ về Uk. Cách nhìn nhận tình hình hiện nay tại Uk của bạn cũng chung dung, tình lý. Câu hỏi: Tới đây Uk sẽ thế nào thì ngay các nhà bình đoán chính sách tầm cỡ cũng lưỡng lự, nước đôi.
Riêng mình, có thể thấy rất rõ, vấn đề Uk chia thành ba phía: Nga- Uk- Mỹ và NATO. Phía 3 là đứng ngoài, xen đầm còn lại với Nga và Uk là thiết thân. Mình cho rằng, bọn xen đầm hơi bị hèn, lựa lúc Nga đang bận vào Olimpic Sochi,họ kích động phản loạn- Đêm Lễ bế mạc Olimpic chính là lúc bọn nổi loạn lật kèo(Hy vọng Nga chịu coi như việc đã rồi!) Mình phục Putin, cứ tưởng Nga bị động nhưng họ đã tính nước cờ Crim rất đúng lúc. Việc Nga không bỏ Crim có vẻ như " Xâm lược" nhưng vì lợi ích Quốc gia thì hãy coi như Tối thượng! mà cũng không phải là quá đuối lý ( Trong lịch sử, Sepatopol luôn được dân tộc Nga coi như đấy là thành phố Anh Hùng, chứng tích Anh hùng của họ!). Uk mất Crim là khó tránh nhưng cũng cho một loạt các quốc gia, vùng lãnh thổ sáng mắt ra một điều, cứ tưởng theo phương Tây là "Đất hứa" nhưng thực ra quả đắng cả. Phương Tây hứa cho vay tiền, cho viện trợ...nhưng đợi được các chính phủ có lá phiếu của các Đảng phái rồi Thượng Hạ viện đống thuận thông qua...hãy còn là " Hãy đợi đấy". Ai cập, LyBi, Trung Đông, I-Rac...mười mấy năm cả rồi, tan nát hết, có đâu yên ổn, nhân quyền, dân chủ đâu! ? ( TĐ)

Ng.HN nói...

Nga đưa quân vào Crimea là chiêu bài để làm sức ép ĐÀM PHÁN với Mỹ và Eu về việc dựng CP của UKR, nếu vừa rồi Nga không chớp thời cơ quyết định ngay thì CP tạm quyền của UKR sẽ kêu gọi Mỹ và phương tây đưa quân vào với mục đích gìn giữ hòa bình như ở các nước khác, vậy Nga thất thủ toàn diện.
Hiện tại ván bài UKR nằm trong tay Nga hoàn toàn, Mỹ và Ec đã phải thốt lên "tình hình khủng hoảng chính trị ở UKR đã phần nào an bài", không những thế TQ ủng hộ quan điểm của Nga về vấn đề UKR và răng đe không được can thiệp vào nội bộ của UKR (chỉ trích Mỹ, phương tây) còn Putin tuyên bố không có quân đội của Nga ở Crimea như vậy là chiêu bài hoàn hảo.
Chủ trương ém quân hay rút quân ở Crimea phải thỏa mãn các vấn đề:
- Đàm phán trên thế lợi cho Nga, CP đắc cử của UKR phải thân Nga (kể cả nếu ép được Nga sẽ đưa con bài Yanukovich ra tái tranh cử)
- Mỹ và đồng minh không còn cơ hội tranh cấp quân sự vào UKR nên chỉ ngồi vào bàn đàm phán chủ yếu thảo luận về kinh tế nhưng bằng mọi cách Nga (có thể sau Nga là TQ) sẽ dùng kế sách bơm tiền vào UKR nhiều hơn và nhanh hơn Mỹ và đồng minh
- Vấn đề cực khó thứ nhất: Nga không chấp nhận CP tạm quyền, Mỹ và Ec chấp nhận vậy trên bàn đàm phán ngoài Nga, Mỹ, Ec...thì ai đại diện UKR (chắc Nga ép đưa TT YANUKOVICH đại diên)
- Vấn đề cực khó thứ hai: Ý tưởng Nga không như mọi người tưởng, Nga sẽ không tranh giành sáp nhập Crimea vào Nga đó chỉ là chiêu bài chiến thuật mà ý đồ lớn của Nga là buộc cả UKR thân Nga, nếu muốn thế thì Nga phải dựng được CP thân Nga điều này Mỹ và đồng minh không ủng hộ vậy đổi lại Nga không rút quân

Nặc danh nói...

Chuyện Ukraine là chuyện của dân tộc người khác, tôi không quan tâm, chỉ có những nước lớn bên cạnh đó tìm cách can thiệp vào Ukraine thôi.
Điều hiển nhiên là bất kỳ dân tộc nào, dù nhỏ đến đâu cũng không muốn làm nô lệ cho thằng khác.
Tất nhiên không ai biết được ngày mai sẽ thế nào. Nhưng gần như chắc chắn là có dọa dẫm nhau để đánh đòn cân não, cuối cùng Nga sẽ đòi lại Crimea vì quyền lợi cốt yếu hạm đội biển đen, còn Ukraine sẽ nhập khối châu Âu.

Nặc danh nói...

Mỹ chẳng có quyền lợi gì ở vùng biển đen đó, Mỹ có cả công dân Mỹ người Nga và Ukraine.
Chẳng qua sau đại chiến thế giới 2, chỉ còn mình Mỹ mới có thể giữ trật tự thế giới, nên Liên Hiệp Quốc mới nằm ở New York và Mỹ mới phải dính vào tất cả mọi chuyện tranh chấp vùng trên thế giới.

Quang Vinh nói...

Chẳng qua sau đại chiến thế giới 2, chỉ còn mình Mỹ mới có thể giữ trật tự thế giới, nên Liên Hiệp Quốc mới nằm ở New York và Mỹ mới phải dính vào tất cả mọi chuyện tranh chấp vùng trên thế giới. Việt Nam cũng được Mỹ "giữ trật tự" bằng chất độc da cam, bằng B52, bằng các vụ thảm sát...chắc "bạn" hài lòng lắm!!! Sống trên đời, có thể có chính kiến khác nhau, nhưng những kẻ phản bội dân tộc, phản bội quê hương, ca ngợi kẻ sát hại đồng bào mình thì không đáng làm người.

Nặc danh nói...

Không có Mỹ đánh thắng Nhật trong đại chiến thế giới 2 thì bây giờ Việt Nam và cả châu Á vẫn nằm trong ách cai trị của người Nhật.
Sau chiến tranh, mà cuộc chiến tranh đó cả người Việt giết lẫn người Việt, mà không nhìn được vào tương lai, nên vẫn lùng bùng không biết đi về đâu.

Quang Vinh nói...

Có phải nhờ Mỹ mà người Việt và châu Á thoát khỏi ách cai trị của người Nhật hay không thì tôi không bân tâm tranh cãi với "bạn". Người Mỹ cũng có những người đáng ca ngợi, họ không muốn giết hại nhân dân nước khác, hoặc biết ân hận sửa sai khi tay "lỡ nhúng chàm" trong cuộc chiến do chính phủ họ phát động. Người Việt cũng có những người đáng khinh khi họ có hành vi phản bội dân tộc, bán nước, vì sự giàu sang cá nhân mà làm hại quê hương đất nước mình. Mọi cuộc kháng chiến giải phóng đất nước của VN đều có cảnh "người Việt giết ngươì Viêt", vì đời nào cũng có "người Việt làm hại nước Việt". Nhìn về tương lai, hợp tác học hỏi thế giới, học hỏi cả người Mỹ tài năng không có nghĩa là phải phản bội dân tộc, bẻ cong lịch sử. Học cái hay cái giỏi của người Mỹ để làm giàu cho mình và làm lợi cho quê hương thì đáng trọng. Còn vì sự giàu sang của riêng mình mà hại dân hại nước, xuyên tạc lịch sử thì đáng khinh.

Nặc danh nói...

QV hình như đi lạc chủ đề COMMENT thì phải?????

Quang Vinh nói...

Ngay từ cmt đầu tiên (tôi đánh vội vào nặc danh) tôi cũng chỉ bàn về tình hình Ukraina. Nhưng khi người ta cố khẳng định Mỹ giữ vai trò điều khiển trật tự thế giơí thì tôi không thể chấp nhận. Xin lỗi nếu làm phiền mọi người.

Nặc danh nói...

Các bác tranh luận thoải mái. Còn tôi chỉ thiển cận là chẳng có nước nào lo lắng cho nước khác nếu không dính tới quyền lợi của mình cả. Trong mọi trường hợp đem quan sang nước khác là không thể chấp nhận được đừng ngụy biện làm gì. Còn chiến tranh ư? Cuộc chiến tranh vệ quốc năm 1979 mà không còn ý nghĩa nữa thì chẳng có cuộc giết chóc nào là chính nghĩa như người ta thường nói cả. Chiến tranh phần hy sinh là dân thường còn hưởng lợi là phe nhóm chính trị, muôn đời vẫn thế.

Nặc danh nói...

Trừng trị Nga trong vụ Uk-Crim thực hư thế nào?

Do trình độ, việc chuyển ngữ không thoát nhưng mong bạn đọc hiểu được nội dung cơ bản của đòn „ Phạt“ như „ Thưởng“ của phương Tây với nền kinh tế Nga ( TĐ)

Chiến dịch „Crimea thuộc Nga“ đã được ban lãnh đạo Nga sắp đặt kỹ lưỡng không chỉ về mặt quân sự, mà còn cả về mặt chính trị, trên phương diện tài chính và kinh tế. Nước Nga đã thấy trước việc „những người lịch sự“ xuất hiện ở Crimea sẽ gây hoảng loạn trên thị trường chứng khoán, và vì thế đã quyết định tận dụng cơ hội này để làm lợi cho chính mình. Sau khi chiến dịch Crimea mở màn hôm mùng 1 và 2 tháng ba, thứ hai ngày mùng 3 tháng ba, thị trường chứng khoán ở Nga hoảng sợ vì mối hiểm họa „chiến tranh“ bất ngờ, đã bị ngừng trệ hoàn toàn . Trị giá của các cổ phiếu của Nga bị tụt giảm một cách thảm hại. Các cổ phiếu của tất cả các công ty lớn nhất trong nước đều bị tụt giá, kể cả các công ty độc quyền tự nhiên. Ngay lập tức, các đối thủ phương Tây cho rằng đấy là cơ hội trừng phạt cho nước Nga vì „cách hành xử thiếu thỏa đáng của Putin“ ! Và họ mới nhầm lẫn làm sao! Khi thi trường chứng khoán bị sụp đổ một cách bất ngờ (và là nằm trong dự đoán đối với một ai đó) nước Nga đã lẳng lặng mua lại bằng „tiền của Mỹ“ một lượng lớn cổ phần (có nơi lên đến 30%) của các công ty độc quyền của mình. Họ mua lại cổ phần với giá rẻ, thoạt đầu là mua lại của các nhà đầu tư nước ngoài đang hoang mang trước tình hình bất ổn. Ngày nay, khoảng 30% cổ phiếu vốn trước kia thuộc sở hữu của các chủ thể nước ngoài, nay lại thuộc về tài sản của đất nước. Kết quả là nước Nga đã nâng cao được tính độc lập của mình về mặt tài chính và kinh tế trên thị trường thế giới. Theo các nguồn tin không chính thức, đích thân thủ tướng Medvedev đã đứng ra tổ chức vụ mua lại cổ phiếu của các công ty Nga trong thời gian thị trường chứng khoán hoảng loạn. Có thể dễ dàng nhận ra người đã phát lệnh cho thi hành việc này. Vụ khủng hoảng đã kết thúc sau 2 ngày, mùng 4 và mùng 5 tháng ba – vụ tụt giá cổ phiếu ngày thứ hai, đã hoàn hồn trở lại. Giá đồng đô la vọt lên cao trong thời gian khủng hoảng, nay đã xuống lại, và xuống dưới 36 rubl. Không đáng phải cảm thông với những ai đã bị rơi vào cơn hoảng loạn và đã mua đô la với giá cao nhất, hoặc đã bán tống tháo cổ phiếu với giá vài đồng bạc. Kẻ ngốc được học bài học từ đồng ruble…

Các nhà đầu tư nước ngoài thì bán, và người Nga mua „Người nước ngoài bán đi cả gói, blue-chpis (cổ phiếu các công ty chuyên về kỹ nghệ), các cổ phiếu không dễ chuyển đổi thành tiền mặt, các cổ phiếu hạng hai, ngành năng lượng được bán ra nhiều nhất Tỉ lệ giữa lượng bán và lượng mua khi đó là 80:20. Toàn bộ khối lượng giao dịch là 114.8 tỉ ruble, gấp 4 lần lượng giao dịch trong ngày thường. Người ta bắt đầu mua lúc 13h00, được mua nhiều nhất là cổ phiếu của ngân hàng Sberbanka (-14,91%), Gazprom( -13,89%), và cổ phiếu hàng đầu của Surgutněftěgaz(-7.05%) Trong toàn bộ tổng số cổ phiếu trị giá 200 tỉ, việc mua cổ phiếu của Nga khi thị trường chứng khoán giảm từ 10 đến 15%sau khi Putin tuyên bố tình hình căng thẳng trên truyền thông, đã mang lại cho bộ tài chính hơn 20 tỉ đô la! Hơn thế nữa, đồng vốn bây giờ đã quay trở lại nước Nga. Thế là những sự kiện vừa xảy ra, đã khẳng định việc đặt cược trên quy mô toàn cầu vào sự suy giảm mà mục đích của nó là hoàn lại đồng vốn về nước Nga ( TĐ-St )

Nặc danh nói...

Xin hỏi các anh năm 1979 VN đem quân sang Campuchia lật đổ chế độ Pol pot có phải là hành vi xâm lược không?
Mọi người thấy rằng, chính trị là sự kết hợp của thủ đoạn và sức mạnh (sự tinh ranh của chồn cáo và sức mạnh hoang dã của chó sói).
Ai bảo rằng phương Tây không can thiệp vào nội bộ của Ukraine? Chính một thượng nghị sĩ của Mĩ đã đi biểu tình cùng với phe đối lập. Chính thứ trưởng Bộ ngoại giao Mĩ đã phát bánh mì (có lẽ cả tiền nữa) cho phe biểu tình đối lập.
Mong cuộc khủng hoảng ở Ukraine kết thúc. Trung Quốc là người hưởng lợi trong vụ này. Từ đây, Mĩ khó lòng tiếp tục chiến lược di chuyển sang châu Á vì phải đối đầu với nước Nga.

Nặc danh nói...

-Chiến tranh là gì?
-Chiến tranh là vì sĩ diện của một vài nhân vật nào đó, chiến tranh là những vết thương cũ để trả thù, chiến tranh là để áp đặt suy nghĩ của vài ai đó lên người khác, chiến tranh là để bành trướng không gian cho một nhóm người nào đó, chiến tranh để bắt một nhóm người nào đó phục vụ cho nhu cầu của một nhóm người nào đó có sức mạnh.
Kết quả của chiến tranh là những kẻ thua trận sẽ mất hết nhân phẩm và kẻ thắng trận sẽ tự hào. Nhưng trừ khi diệt chủng toàn bộ kẻ thua trận thì hết chuyện còn không một ngày nào đó chính kẻ thắng trận lại trở thành thua trận.