Thứ Hai, 28 tháng 3, 2011

Chuyện HN: “TRẺ RANH HÀ NỘI” (Tiến "gù")

Chúng tôi thuộc loại “trẻ ranh Hà Nội” (từ 7-8 đến 10-12 tuổi) vì chúng tôi sống, đi học, đi chơi,  đùa nghịch, kể cả những trò tai quái đều diễn ra ở đây. Nơi mà chúng tôi thuộc từng ngóc nghách những số nhà, ngõ phố nên để “trẻ ranh Hà Nội” kể chuyện Hà Nội thì đến “tết Công Gô” cũng chưa hết.
Hà Nội những năm 1955-1958 chỉ có chừng 40 vạn dân nội thành. Do đó phố xá quang đãng, thanh thản, sạch sẽ, người Hà Nội hồi ấy rất thư thái.

Những trò chơi trẻ thơ
Năm 1955, nhà tôi ở phố Trần hưng Đạo (gần ngã tư với Ngô Quyền ). Bọn trẻ con choai choai chúng tôi chỉ mong được nghỉ hè - đó là thời gian vui sướng nhất trong đời những thằng học trò. Không phải lo lắng học hành, bài tập, kiểm tra, thi cử. Chúng tôi thỏa sức chơi các trò: đánh đáo, chơi xèng, làm “ống phốc” bằng tay trúc rồi xuống phố Hòa Mã trèo lấy hạt cây cơm nguội làm đạn bắn nhau, chơi đá bóng ngay trên vỉa hè. Các bậc đàn anh lớn hơn thì rủ nhau ra “sân xi măng” (đầu ngã ba Vọng Đức – Ngô Quyền ngày xưa có một sân xi măng to bỏ không, trẻ con thường ra đá bóng) hoặc sân Pasteur. Buổi tối thì chơi “sô vê”, chạy đuổi nhau huỳnh huỵch đến 10-11 giờ đêm.

Trèo me, trèo sấu và tuổi thơ
Nhưng thèm khát nhất vẫn là những cơn mưa rào hoặc những cơn giông bão mùa hè. Phần vì được hưởng sự mát mẻ, nhưng hơn thế là trong khi “mưa gió tơi bời” chúng tôi vẫn ra vầy nước và nhặt những quả sấu chín vàng rụng xuống hai bên rãnh nước (rãnh nước thời ấy rất sạch, sau khi mưa to chừng 5 phút thì nước ở rãnh đã trong veo). Nhặt được quả sấu nào vội chùi qua đất cát, bỏ luôn vào mồm nhai rau ráu. Vị chua ngọt của sấu chin cộng thêm ít nước mưa mát lạnh, thật là sung sướng.
Ngày thường chỉ có thể “thu hoạch” me, “trộm” sấu bằng cách lấy gạch đá ném; những tay thiện nghệ hơn thì bắn súng cao su. Không ai dám chèo vì những cây sấu ở phố đều có chủ, họ thường thuê một bon trẻ con lêu lổng mà dân Hà Nội (xưa thường gọi là “bọn trèo me , trèo sấu”) đến mùa là thu hoạch. (Me, sấu được bán từ lúc còn xanh cho đến khi chín vàng).

“Ngày mai chủ nhật đi chơi Bờ Hồ…”
Chủ nhật chúng tôi thường đi tầu điện lên Bờ Hồ (dân Hà Nội thường nói “đi Bờ Hồ” hoặc “lên Bờ Hồ”, chứ không ai nói “lên Hồ Hoàn Kiếm”). Là trẻ con đi chơi nên chúng tôi tiết kiệm từng xu. Hai thằng đi với nhau bao giờ cũng chỉ mua 1 vé  rồi lừa được chú bán vé để đi được cả hai.
Đi tầu điện đã khoái nhưng đi tầu điện còn được xem các “nghệ sỹ nhân dân” biều diễn nhảy tầu, đó là mấy ông bán thuốc dạo. Hồi ấy phổ biến là “Thuốc cao Bà lang trọc”, “Thuốc hôi nách”, “Dầu cù là Con hổ nổi”, “Lơ hồng tẩy trắng”… Với chiếc mũ “phớt” đội lệch hẳn sang một bên, quần áo rất trai lơ, tay xách một chiếc cặp da rất to căng phồng chứa toàn các thứ thuốc, mắt đảo như mắt chuột ngày tìm “khứa”, mồm các nghệ sĩ thì “ca” những câu chào hàng nghe rất thú vị.
Đó là những chị bán bánh dầy bánh giò với câu rao hàng kéo dài “Ai bánh dầy bánh giò đơi…” – ‘’ĐƠI ” chứ không phải “ĐÂY”. Các vị này nhảy tầu thật ngoạn mục: tầu  đang chạy rất nhanh, đứng trên bậc lên xuống chỉ giơ một chân ra, xoay người một cái đã thấy các vị ấy “đứng thẳng tắp” trên phố , thúng bánh dầy , bánh giò vẫn nằm im trên đầu. Nhưng siêu hơn khi gặp hai tầu chạy ngược chiều nhau, các vị ấy chờ sẵn ở cửa … “alê… hấp” xoay một cái đã thấy đứng im trên cửa của tầu bên kia. Thật là siêu đẳng !!!
Trẻ ranh chúng tôi lên Bờ Hồ làm gì? Thuở ấy ở Bờ Hồ có thể nói là “thiên đường” của chúng tôi với rất nhiều thứ cám dỗ. Trước hết nói về các thứ quà, đó là: “bi don don, bi dòn dòn, bi ngọt ngọt”, “chế mà phù”, “ lìng tài cố” , “bát bảo lèng sà”, “táo dầm”, “sấu dầm”, “kẹo kéo va ni ăn cho chóng lớn mà đi lấy chồng”, “kem que”, “kem cốc”…
(Còn tiếp)

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Bon em lớn lên đã đi sơ tán khi về thì Hà nội không còn cảnh như bác kể chuyện , nghĩ cũng thấy thèm , bác có chuyện gì cứ kể tiếp nhé . Cảm ơn bác Tiến "gù" - Không biết có giống Lưu "gù" bên Tầu ko ???