Thứ Hai, 21 tháng 3, 2011

Chuyện HN: Về "tương..., đào... và phân Cổ Nhuế"

Chiều chủ nhật, đưa con gái đi học vẽ. Khi về, hai ba con tạt qua hiệu sách. Vớ được cuốn Ca dao về HN. Đọc lướt phần Phụ lục có mục “Ngạn ngữ về HN” thì thấy ngay câu “Tương Nhật Tảo, đào Nhật Tân, phân Cổ Nhuế”, chợt nảy ra ý tưởng góp cho Chuyện kể về HN của BT5. Mừng quá, mua ngay.
Hố xí thời Pháp thuộc
Hầu như thời đó,chỉ những villa xây kiểu Tây mới có hố xí máy, ị xong, giật nước, phân trôi vào bể phốt. Còn lại dân chúng HN chỉ biết dùng hố xí mà phía dưới đặt những thùng tole - ỉa vào thùng rồi vài ngày có thợ đổ thùng (toàn dân nghèo ở ngoại ô) vào dọn, đưa ra những xe kéo tay, chạy ra đổ ở ngoại ô. Mỗi lần kéo thùng chạy qua cửa nhà ai cũng phải bịt mũi; nhất là khu 36 phố phường. Nhìn thấy công nhân đổ thùng cùng những chiếc xe kéo chạy qua, ai cũng gớm.

Ngày cha tôi cùng chục chiến sĩ cách mạng trong chuyến đầu tiên vượt ngục Hỏa Lò đêm 10/3/1945, theo đường cống ngầm, lòng vòng ra được hố ga không xa vườn hoa ngay cạnh nhà tù (nay là vườn hoa tam giác giữa Hai Bà Trưng, Quán Sứ và Bông Nhuộm), phải chui ngay xuống hầm tăng-xê tránh bom, tạt nước mưa còn đọng, rửa người rồi mặc quần áo và quấn cái khăn màu cháo lòng, che đi cái đầu trọc tù nhân. Lên phố đóng giả ngay là cánh thợ đổ thùng vừa đi dọn phân về (vì người chui cống lên, hôi chả khác gì họ), tất tưởi chạy qua ga Hàng Cỏ, Khâm Thiên về Hà Đông. May không bị lộ…
“… phân Cổ Nhuế” và nghề lấy trộm phân
Có phân người thì ruộng rau mới tươi tốt. (Chả thế sau này khi đi bộ đội, phải tăng gia tự túc đã có câu “trồng rau không có cứt là không ăn”!).
Cổ Nhuế nổi tiếng là “vựa phân”, chuyên cung cấp phân ủ, phân tươi cho các vùng rau xanh của thành phố. Nhưng lấy phân chỉ ở Cổ Nhuế sao đủ, dân chúng đã có “nghề” đi lấy trộm phân ở các nhà dân trong thành về ủ rồi bán. Mà đã là đi trộm thì chắc chắn có “giao tranh” giữa thợ đổ thùng với dân trộm phân Cổ Nhuế?
Những năm 60, công nhân của Cty vệ sinh đổ thùng (chả biết có đúng là gọi như vậy?) vẫn đi thu gom phân lần lượt từng nhà, vài ba ngày một lần. Nhưng không còn dùng xe kéo mà là xe thùng đóng kín, màu xam xám. Sau ca-bin xe có thêm chỗ ngồi cho cánh thợ. Thậm chí sau này còn kéo thêm cả rơ-moóc, chở cho nhiều. Dân HN từng thấy 2 cái thùng ấy lừng lững, lắc qua lắc lại chạy trên phố cổ. Rồi dừng ở 1 góc phố, chờ công nhân mang thùng ra thì tống lên. Nhìn vào trong xe thấy những thùng phân xếp chồng lên nhau, cao lút cả đầu người.
Dân Cổ Nhuế dù vậy vẫn không thể bỏ thói quen vào thành lấy trộm phân. Vì thế đã có chuyện Cty vệ sinh đổ thùng cử "thám tử" đi theo dõi và bắt cánh ăn trộm; rồi “2 đội lấy phân - của nhân dân và nhà nước” giành nhau 1 thùng phân. Không ai thắng ai, còn thùng phân thì tuột khỏi tay, phân tóe đầy ra cả đoạn phố. Giấy má dính phân nhoe nhét. Hôi thối. Khiếp quá!
Chợ phân Cầu Giấy
Đến đầu những năm 1970, ở đoạn gần dốc Cầu Giấy, ngay cạnh đền Voi Phục (nay là cửa trường Cán bộ Đội) vẫn tồn tại “chợ phân tươi”. Từ mờ sáng đã thấy hàng chục xe thồ với 2 sọt phân tướng treo 2 bên, đứng xếp hàng chờ bán. Mua bán cũng tấp nập như chợ thịt, chợ rau; cũng mặc cả, cò kè. Đến 6g thì tan. (Chắc họ cũng sợ ô nhiễm môi trường?).
Lúc đó cũng đã xuất hiện ăn gian nói dối. Chuyện thế này, có bà khách hỏi mua:
-       Cho tôi mua cả xe. Mà mấy hào 1 xe? Này, phân ông ngon không đới?
-       Quá ngon! – chủ hàng trả lời.
-       Nhưng có kèm đất không? Các ông là hay gian lận, trộn cả đất vào phân.
-       Làm gì có.
-       Tôi không tin.
-       Này thì không tin, này thì không tin! – Chủ hàng tức giận, thọc luôn cả cánh tay (sát đến tận nách) vào gánh phân, móc lên 1 nắm, dí vào mặt khách – Bà không tin à?... Đất đâu mà đất, phân đây chứ.
Nhìn bàn tay chủ hàng nhoe nhoét phân, màu còn vàng khè, tươi nguyên (chứ đã ủ ê gì). Khi đó mới mua.
Nói chuyện nữa chả ai tin, vì là “nghề truyền thống” mà ở Cổ Nhuế, dân chúng có thờ ông tổ nghề phân. Cứ ngày 3 hay 5 tết, họ đánh xe thồ ra chợ, mua đầy 2 sọt chuối tiêu chín, sau đó nhảy lên dẫm cho nát bét rồi mới đánh xe về nhà làm giỗ tổ.
“Quanh năm dính cái ấy rồi, thôi thì tết nhất, chúng em cũng phải dùng chuối thay cho “cái kia”. Có cụ đi trước thì làng mới có nghề, có nghề thì nhà cửa chúng em mới đúc, mới ngói hóa như ngày hôm nay! Ơn quá đi chứ!”.


1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Hối đầu những năm 60,tôi tham gia đội tuyển bơi Hà Nội ,quen em Nguyễn Thị Mai,sau này là danh thũ bóng bàn Quôc gia.Bọn chúng tôi thường trêu Mai bằng câu hỏi : " Mai có biết câu-ấy đống kia của tao,đống kia của tao " là của dân làng náo không? Mai thật thà đáp:"Làng Cổ Nhuế chúng em chứ đâu.". K.Chiến
Tin tham khảo nội bộ : Văn Tiến Huấn bantroik5 quê nội ở Cổ NHuế