Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2011

Bóng đè (Huỳnh Văn Úc)


Đêm yên tĩnh. Mười giờ hơn, Trương Văn Nanh lên giường đi nằm. Đèn trong phòng đã tắt, chỉ còn ngọn đèn ngủ toả ánh sáng xanh dịu xuống tấm màn tuyn trắng toát. Vừa mới chợp mắt Trương Văn Nanh đã nghe đâu đây có tiếng hát văng vẳng:
Mưa sao rửa sạch máu đào, gió sao dập nổi lòng son sáng ngời
Tấm lòng hiệp nghĩa ngút trời
Mưa sao rửa sạch máu đào, gió sao dập nổi lòng son sáng ngời
Mọi nỗi oan sẽ được làm sáng tỏ.
Rồi sau đó trước mắt ông là hai hàng lính mặc quần áo xanh viền đỏ, tay cầm mác gõ cán lộp cộp xuống sàn nhà bằng gỗ miệng reo à... à. Sau đó là tiếng ai đó hô to:
-Thăng đường!
Thì ra là Bao Công cùng với bộ sậu thăng đường xử án. Tưởng là gì chứ cái tích này Đài truyền hình Hà Nội 2 có dạo diễn mãi các tối từ thứ hai đến thứ sáu. Nhưng bây giờ đã mười giờ đêm, xử gì? Xử chứ sao lại không xử, ban ngày Bao Công xử án ở trần gian, đêm xử án ở âm phủ. Tại sao lại phải xử án ở âm phủ ?  Tại vì bên nguyên cáo là Trịnh Xuân Đài, ông này đã là một hồn ma đâm đơn kiện Trương Văn Nanh tội giết người.

- Đưa bị cáo ra trước công đường!
Trương Văn Nanh bị Trương Long, Triệu Hổ xốc nách dìu ra sân trước công đường.
Bao Công:
- Kẻ đứng trước công đường kia là ai ?
- Thảo dân...
Công Tôn Sách mặt vuông với chòm râu đen ở cằm ngắt lời:
- Nhà ngươi không phải là thảo dân mà là quan chức. Theo hồ sơ cáo trạng ngươi là cảnh sát, hàm trung tá, hôm xảy ra sự việc đang thực thi công vụ tại bến xe Giáp Bát. Trước công đường ngươi phải xưng là bị cáo. Cho dẫn nguyên cáo ra trước công đường.
Sau khi nguyên cáo đã yên vị trước công đường, Công Tôn Sách tiếp tục đọc cáo trạng:
- Sáng hôm đó nguyên cáo đi xe ôm đến bến xe Giáp Bát, cả lái xe và nguyên cáo đều đội mũ bảo hiểm theo quy định của pháp luật. Khi gần đến bến xe vì có cuộc gọi điện thoại di động nên nguyên cáo đề nghị người lái xe dừng lại và tháo mũ bảo hiểm ra khỏi đầu để nghe điện thoại. Khi nguyên cáo vừa bỏ chiếc mũ ra khỏi đầu thì trung tá Trương Văn Nanh 48 tuổi-là bị cáo- đến bắt xe đưa về đồn và hẹn buổi chiều tới giải quyết. Buổi chiều khi nguyên cáo cùng người lái xe đến đồn, người lái xe kêu oan và từ chối nộp phạt. Thay vì tranh luận và giải thích, bị cáo xông vào bóp cổ người lái xe. Thấy sự bất bình, nguyên cáo đã can thiệp bằng cách gỡ tay bị cáo ra khỏi cổ nạn nhân. Bất ngờ bị cáo vung dùi cui đánh vào đầu và cổ nguyên cáo và gọi thêm một số dân phòng đến tham gia đánh hội đồng rồi xích nguyên cáo vào gốc cây đến chín giờ tối mới cho người nhà đưa đi cứu chữa. Đòn đánh vào cổ đã gây thương tích nặng cho đốt sống cổ chặn đường máu lên não nên nguyên cáo đã chết sau đó chín ngày hưởng dương 54 tuổi mặc dù các bác sĩ đã tận tình cứu chữa.
Bao Công:
- Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy người công an nhân dân đối với dân phải tận tuỵ, phải yêu mến và tôn trọng nhân dân, vì nhân dân phục vụ. Bị cáo là công an nhân dân mà đối xử với dân như thế há chẳng phải làm ngược lại lời dạy quý báu đó hay sao? Nhà ngươi còn điều gì để nói hay không?
Trương Văn Nanh không nói gì nhưng trong bụng có điều phân vân. Quái! Cái tay Bao Công này làm quan ở Phủ Khai Phong dưới thời hoàng đế Tống Nhân Tông (1022-1063) cách nay dễ đã ngót nghìn năm sao lại dẫn lời Hồ Chủ Tịch ra để luận tội ta là cớ làm sao? Đang phân vân như thế thì đã nghe thấy Bao Công tuyên xử bị cáo tội chết vì giết người phải đền mạng:
- Cẩu đầu trảm chờ lệnh!
Trong Phủ Khai Phong có ba cỗ đao: Long đầu trảm phủ vải vàng, Hổ đầu trảm phủ vải đỏ và Cẩu đầu trảm phủ vải đen. Nghĩ mình phương diện quốc gia, nếu có bị tội chết ít ra cũng phải bị xử Hổ đầu trảm, Trương Văn Nanh kêu lớn:
- Quan chức như ta ít ra cũng phải được xử bằng Hổ đầu trảm!
Bao Công:
- Hổ đầu trảm chờ lệnh!
Rồi cầm lấy thẻ bài vung tay ném xuống trước công đường:
- Chặt đầu!
Trương Văn Nanh ú ớ vùng vẫy, hai chân đập mạnh xuống giường, cùng lúc đó thay vì chui đầu vào Hổ đầu trảm, ông thấy có ai kéo mạnh chân mình, thì ra là mụ vợ.
- Ông làm sao mà hét to thế?
- Bóng đè!

Không có nhận xét nào: