Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2011

Trao đổi: Cũng lại bác Tiến "Thực trạng buôn lậu"

Thời sự                                            “NÓNG BỎNG HÀNG LẬU”

Đầu đề này tôi mượn của chương trình của VTV phát tối hôm 7/4/2011 . Xin giãi bày cùng các bạn một vài thực tế và suy nghĩ của tôi .

 Hàng lậu , hàng giả  
Hàng lậu , hàng giả phải có nơi sản xuất hoặc chứa chấp  , nếu những nơi sản xuất chứa chấp hàng lậu hàng giả  này không nằm trong các thôn xóm  , trong các khu phố trên đất Việt nam thì nằm ở đâu ?

Nếu việc này diễn ra ở những nơi đó thì tại sao các đảng viên tại chi bộ đó không biết, cảnh sát khu vực tại đó không biết? Trong khi đó người ta chỉ diễn một màn kịch “hớt ngọn”  đi bắt , đi dẹp mấy lô hàng lậu, hàng giả ở mấy cửa hàng buôn bán ngòai phố.
Có một thực tế mà nhiều người dân nói đến là, cán bộ của cơ quan chức năng phụ trách một địa bàn nào đó thì chỉ sau 3-5 năm là đã xây nhà và có một vài mảnh đất. Nếu địa bàn đó là nơi buôn bán thịnh vượng thì thời gian đó sẽ ngắn hơn nhiều. Tại sao vậy?
Hàng lậu được nhập lậu qua biên giới , nghe thấy và nhìn thấy đã sợ rồi vì có thể đặt một câu hỏi: Liệu còn có cái gì khác nhập lậu qua biên giới mà chúng ta không biết?
Xin kể một chuyên thực tế để anh em mình thấy biên cương của đất nước ta “vững chắc” như thế nào? Năm 2000, tôi cùng hai con đi Sa pa chơi. Qua Lao cai thấy người ta đồn rằng, có thể qua biên giới sang Hà khẩu dễ dàng không cần làm thủ tục qua các Cty du lịch, rẻ và nhanh chóng, thuận tiện hơn. Đó là đi qua “Cầu sập”. Chúng tôi đã đi thử một chuyến.
Quả như vậy, ở chỗ gọi là Cầu sập – đó là một trạm kiểm soát của một cơ quan chức năng - khi tôi đến thì đã có khá đông người dân đang kéo nhau lên một chiếc thuyền máy bằng sắt để sang sông. Theo chỉ dẫn của một cán bộ, tôi vào Trạm làm tủ tục.
Trong trạm, một cán bộ hỏi: “Chú đi mấy người?”. Tôi thật thà: “Chú đi ba người”. “Vậy chú cho cháu xin 60.000 đ và một chứng minh thư” .
Làm đúng hướng dẫn. Chúng tôi ra thuyền sang Hà khẩu. Trước khi lên bờ phía Trung quốc, cán bộ điều khiển thuyền dặn: “Mọi người có mặt lúc 18 giờ để đi về!”.
Lạ lùng hơn nữa là khi về, ngồi cùng thuyền với tôi là những người mang theo hàng tạ hàng hóa, có cả người Trung quốc đi cùng!
Vào trạm lấy lại chứng minh thư thì có một người khác trả. Họ chả cần hỏi tôi xem những người đi cùng với tôi có về đủ hay không? Có mang hàng gì về?
Ôi ! Biên cương Việt nam rẻ vậy ư? Qua lại biên giới, cửa khẩu thật là tự do thoải mái !
Chính nơi đây , bao đời máu xương đã đổ để giữ từng tấc đất. Mới đây thôi, những năm 79-80, bao đồng đội tôi đã ngã xuống ở chính những địa danh này.
Cứ như vậy thì bao giờ hết được buôn lậu mà cứ “kêu như vạc” suốt ngày trên đài trên báo. Họ nói cứ như là việc của ai đó, rồi đi “hớt ngọn của mấy thằng bán lẻ còm nhom” !!! 
Trớ trêu hơn, trong khi đó các báo cáo của các cấp chính quyền cơ sở (hàng tháng, hàng quý, hàng năm) lên trên vẫn là “tốt”.
Có một câu hỏi đặt ra là : Liệu chúng ta có thật sự kiếm soát được mọi vấn đề? Hay tất cả chỉ là hình thức với những những bản báo cáo hay, những kịch bản được dàn dựng theo ý thích của cấp trên? Chúng ta có mất kiểm soát không ?

                                                                                                     Tiến “gù”


2 nhận xét:

Nặc danh nói...

Cái mà chúng ta đã mất còn lớn hơn kiểm soát nhiều.

Nặc danh nói...

Lại bác gù ! Em có thằng bạn cũng là lính đường biên nó bảo em là bác nói thế còn ít , nó còn biết nhiều chuyện khủng hơn . Chả hiểu ra làm sao nữa ?