Ông là NSND Trần Hiếu. Chả là trong chương trình văn nghệ 45 năm Học viện KTQS có dự kiến khách mời là ông, nên tôi hẹn đến chơi và có lời. Ông sống ở tầng 5 chung cư mới của Bộ đội Biên phòng gần chợ Tân Sơn Nhất.
Dân HN gốc
Đã 76 tuổi nhưng vẫn tráng kiện, ông rỉ rả: "Anh (ông vẫn xưng với chúng tôi thân tình như vậy vì là thầy của bạn tôi - NSUT Dương Minh Đức) vốn là dân Ngõ Trạm hồi 1945, rồi về Hàng Lọng (sau 1954 đổi là Nam Bộ rồi nay là Lê Duẩn) ngay ngã 3 với Nam Ngư... Xa HN nhưng vẫn nhớ HN vì cả tuổi trẻ mình gắn với thủ đô...".
76 rồi nhưng vẫn mê ca hát: "Nghiệp rồi mà em. Cái nhóm "Ngôi sao ban chiều" của bọn anh có khoảng 30 vị, đi biểu diễn đều đều khoảng 18-20. Từ ngày 28 này có chuyến "xuyên nửa Việt", biểu diễn ở Nha Trang, Cam Ranh, Phan Thiết rồi Đà Nẵng; mà toàn tác phẩm truyền thống và kinh điển nhé, như Serenad chẳng hạn", rồi ông cất giọng "Đợi chờ em....".
- Vậy là chúng em "phèo" rồi vì anh bận. Hứa sẽ hát "Ngợi ca Võ Đại tướng" mà lại lỡ.
- Ừ, dịp khác vậy.
Ông vẫn đi dạy trên Bình Dương, tháng 4 chủ nhật, được trả hậu hĩnh. "Nó quý mình mà, xe đưa xe đón. Lên dạy thanh nhạc, lịch sử âm nhạc... như nói chuyện ấy. Trưa có bữa cơm rồi về".
"Sói con" và liên lạc viên cho Trung đoàn Thủ đô
Ngày bé, đi học ông tham gia sinh hoạt đội "Sói con", còn học sinh lớp lớn thì "Hướng đạo sinh". "Sói con" cũng như Hướng đạo sinh dạy thanh thiếu niên ta kĩ năng sống: nấu cơm không có lửa, đi rừng, buộc nút dây, đi theo dấu vết, sinh hoạt tập thể, đánh moóc -xơ, tập trận giả...
Chả thế hồi cuối 1946 đầu 1947 làm liên lạc cho Trung đoàn Thủ đô, đưa tài liệu ra mạn Sơn Tây. Có đêm không về lại HN được, nhưng ông biết tìm suối kiếm nước uồng, biết lấy dây rừng (hồi đó quanh HN rừng còn nhiều) buộc thành võng ngủ qua đêm.
Ông bật CD của mình thu ca khúc về Võ Đại tướng cho tôi nghe "Võ Nguyên Giáp người anh cả của chúng ta..." và kể: "Hôm Tổng khởi nghĩa, 19/8/1945, thấy bố xách dao, hô hào bà con chạy lên Nhà hát Lớn, anh cũng "a-la-xô" theo sau. Khi đó mới 9 tuổi. Rồi thấy mọi người đổ dồn về Bắc bộ Phủ, anh cũng chạy theo. Nghe thấy súng nổ "đoành, đoành" 2 phát, sợ quá nằm lăn quay ra ngay chân đài phun nước ở vườn hoa Con Cóc. Sau đấy thấy mọi người trèo rào rồi xô vào trong sân...
Ở lại HN, là học sinh trường Đỗ Hữu Vỵ, anh tham gia Thanh niên cứu quốc. Đúng ngày ta về tiếp quản, bọn anh được giao nhiệm vụ bảo vệ trường Bưởi. Ngày ấy, Pháp cho dân di cư ở các tỉnh lên tập trung ở trường, để xếp đi Hải Phòng, xuống tầu đi Nam. Cánh học sinh khỏe mạnh, áo xắn tận bả vai, bắp nổi cuộn, trấn giữ ở các lớp học, không cho họ phá bàn ghế, cửa giả: "Chúng tôi phải giữ để còn về học". Vì có võ nên anh cũng xử lí mấy thằng con di cư làm bậy. Sau, bọn nó sợ.
Sau đó, anh được kết nạp lại vào Đoàn Thanh niên lao động", ông cười hóm hỉnh và khoe cái đĩa sứ kỷ niệm chương "100 năm trường Chu Văn An" nhân 2007 ra dự đại lễ: "Mình là học sinh năm 1954 thuộc khóa 1950-57 mà".
Sống khỏe, sống vui
Thấy ở nhà có cái bàn thờ mới, tôi có ý thắc mắc thì ông giải thích: "Bàn thờ bố mẹ mình và bà vợ đầu. Bà xã đồng ý cho để ảnh chị trên ban thờ ở nhà. Cả bộ lư đồng, bát hương, chân đèn là bà ấy mua: "Em mua bằng tiền riêng của em để thờ bố mẹ, không lấy tiền của anh".
Cảm nhận, anh thực sự hạnh phúc với gia đình mới. (Chứ không như 1 vài bài báo nói về cuộc sống đời thường của các ngôi sao sai sự thật).
Anh tự hào nói về con gái, ca sĩ Trần Hà: "Đợt rồi cháu về nước biểu diễn. Hôm ra HN lại gặp mưa, trời ẩm quá. Chương trình đâu có 25 bài, nhưng nó hát đến bài thứ 14 thì mất giọng. Vậy mà chỉ nghỉ vài hôm là lại làm chương trình mới".
Anh em nhà ông - Trần Tiến, Trần Hiếu - có "thương hiệu" rồi, chả cần đánh bóng. Anh Trần Tiến thì cứ lang thang và sáng tác, nhiều địa phương order, bài nào cũng "chất".
Nói đến "bộ ba ngự lâm", ông bảo, còn mỗi anh và Trung Kiên. Quý Dương đi vì tiểu đường rồi suy thận mà đột quỵ. Con Quý Dương cứ đùa, bố cháu phải đổ xăng mỗi tuần (chạy thận, lọc máu mà!). Hôm đó anh ra đưa ông anh cả đi rồi sang đám Quý Dương.
Ông mời uống bia mà chỉ lấy ra 1 lon 333: "Anh ngày chỉ uống 1 lon trong bữa cơm chiều. Uống rồi nên nghỉ, em uống đi!". Tu 1 hơi, bọt bia dính quanh mép, tôi đùa: "76 mà được như bác thì chúng em cố". Anh cười: "Cố thôi... À, cái tay bí thư chi bộ nó vừa gọi điện giục anh xuống họp. Quên khuấy mất đấy. Thôi, ta cùng xuống".
Ra cửa, đầu hành lang lộng gió có dàn vạn thiên thanh xanh tươi: "Đây là góc hút thuốc của anh".
Bài đăng Phổ biến
- Bài hát chế "HN - niềm tin và hy vọng"
- Nguồn Gốc Chữ Nôm của Đỗ Thành (ST: Quốc Việt)
- Làng Cổ Nhuế qua bài viết của Phạm Thế Việt (ST: KC)
- Thơ gửi từ Úc: THƯỜNG DÂN (Ngô Hà, dân Guilin 1950)
- Hồ Xuân Hương và bài thơ Vịnh cái quạt (Huỳnh Văn Úc)
- TẠI SAO GIỚI TUYẾN HAI MIỀN LẠI LÀ VĨ TUYẾN 17? (Việt Dũng)
- Bài thơ Xứ Quảng (Phan Hoài Thuận)
- Tiệc mừng Ts Bs Văn Công Phước nhận nhiệm vụ mới
- CÂU CHUYỆN TẬP KẾT RA BẮC (1954 – 1956) - (Việt Dũng)
- Thiên An Môn (Huy Đức)
Thứ Ba, 11 tháng 10, 2011
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét