Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2012

Hưng Yên quê tôi (Thủy k42)

Đố ai quên được nhãn lồng Hưng Yên.

Quê tôi, Hưng yên, quê hương của nhãn lồng, với Phố Hiến nằm ở ngã ba sông. Có bờ cát dài chạy theo con đê, với cánh đồng xanh thẳm, thẳng cánh cò bay. Quê tôi không có đồi núi, không có biển, chỉ thuần đồng bằng. Nơi đây là cột mốc đánh dấu tâm của đồng bằng sông Hồng. Vậy nên nó chứa trong mình tất cả những đặc trưng văn hoá, lịch sử, địa lý của đồng bằng Bắc Bộ. Xin giới thiệu với các bạn về  Hưng Yên - quê tôi: Thứ nhất Kinh Kì, Thứ nhì phố Hiến.


Phố Hiến là niềm tự hào của tất cả người con xứ nhãn quê tôi, tuy rằng thời gian đã qua, Phố Hiến giờ đây chỉ còn là vang bóng một thời. Theo sử sách ghi lại : Phố Hiến từng là thương cảng quốc tế lớn nhất, nhì Việt Nam, thậm chí cả khu vực. Nhiều thương thuyền lớn từ phương Tây, Nhật Bản, Trung Quốc đã thả neo ở đây. Nhiều công ty hàng hải nổi danh của Hà Lan, Anh, cũng từng mở thương điếm bên bến sông Hồng này…   
Thuở đó, Phố Hiến trải dài bờ tả ngạn sông Xích Đằng (tên địa phương của sông Hồng), có vị trí giao thương đường thủy thuận lợi. Từ vịnh Bắc Bộ, tàu bè có thể theo các sông Hồng, Thái Bình, Đáy để vào sâu trong đất liền, nhưng đều phải qua Phố Hiến mới đến được Hà Nội. Vì vậy, ngoài bán buôn, Phố Hiến còn là trạm hải quan.

Nhiều nhà hàng hải phương Tây đã vào Việt Nam theo ngã sông này, trong đó ông William Dampier kể cụ thể là đã quan sát Phố Hiến có khoảng 2.000 nóc nhà vào năm 1688. Còn Samuel Baron, con lai của một phụ nữ Việt và Giám đốc thương điếm Hà Lan Hendrik Baron ở Phố Hiến cũng đã khắc lên bia đá dòng chữ tưởng niệm “Baron 1680”. Về sau, Samuel Baron làm việc cho Công ty Đông Ấn (Compagnie des Indes Orientales) và ở Phố Hiến.

Phố Hiến là vùng đất trải nhiều biến động lịch sử. Thời các sứ quân, vùng này là lãnh địa của sứ quân Phạm Bạch Hổ. Thời tiền Lê, nó là thực ấp của Lý Công Uẩn. Khi nhà Minh diệt Tống, nhiều Hoa kiều chạy sang Việt Nam. Một số người tị nạn ở dải đất bên bờ sông Hồng này và lập làng Hoa Dương. Năng khiếu buôn bán của họ đã góp phần biến nơi này thành phố buôn sầm uất.

Hiện nhiều học giả cho rằng tên Phố Hiến có thể xuất hiện vào cuối thế kỷ XV, khi vua Lê Thánh Tông (1460-1497) phân chia đất nước thành 12 đạo thừa tuyên. Mỗi thừa tuyên có ty hiến sát để giám sát, kể cả kiểm soát đường thủy. Có lẽ, vì ty hiến sát trên dải đất bờ sông này mà phố buôn được quen gọi là Phố Hiến.

Đến thế kỷ thứ XVII, thương cảng Phố Hiến ngày càng tấp nập tàu hàng. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí miêu tả: “Cung cũ Hiến Nam ở địa phận xã Nhân Dục, huyện Kim Động là lỵ sở trấn Sơn Nam đời Lê. Phàm người nước ngoài đến buôn bán thì tụ tập ở đây gọi là Vạn Lai triều, phong vật phồn thịnh, nhà ngói như bát úp”.

Các thuyền mành bằng gỗ của Trung Quốc, Xiêm La và các nước châu Á khác có thể neo đậu sát bờ sông Hồng, còn thuyền châu Âu lớn thường neo ở vùng nước sâu giữa sông. Các thương điếm phương Tây đã được dựng lên ở Phố Hiến như Thương điếm Anh (1672-1683), Thương điếm Hà Lan (1637-1700).
Nhật trình của Công ty Đông Ấn ghi lại rằng trong hơn 10 năm từ 1672-1683, có khoảng 30 chuyến tàu viễn dương phương Tây đến thương cảng Phố Hiến. Cụ thể, vào năm 1637, thương gia Hà Lan Karel Hartsinck giong thuyền tới Phố Hiến đã gặp nhiều tàu Bồ Đào Nha chở đầy tơ sống vào tận Thăng Long.

Thời hưng thịnh, Phố Hiến đã có những chợ rất lớn như chợ Vạn ở bến Xích Đằng, chợ Hiến, chợ Bảo Châu ở bến Nễ Châu. Phố phường sinh sống của người dân và thương buôn quây quanh các ngôi chợ này như Cựu đê thị (phường đê cũ), Ngoại đê thị (phường ngoài đê), Hà khẩu thị (phường cửa sông)… Ngoài ra, một số phường còn được đặt tên theo hàng buôn như Thuộc bì thị (phường thuộc da), Hàng chén thị (phường Hàng chén), Hoa lạp thị (phường nón hoa)...

Thời vàng son ở Phố Hiến, nơi bán buôn trù phú nhất là các phố phường của Hoa kiều. Thương khách Nhật cũng đến ở thương cảng này từ đầu thế kỷ XVII, chủ yếu để đổi bạc, đồng lấy tơ lụa. Sau khi Mạc phủ Tokugawa ban lệnh tỏa quốc, nhiều người quyết định ở lại Phố Hiến. Ngoài buôn bán, họ làm thêm nhiều nghề như hoa tiêu, phiên dịch, môi giới… Người Hà Lan, Bồ Đào Nha cũng đến Phố Hiến rất sớm...

Di tích Văn miếu Xích Đằng

Văn miếu Xích Đằng là một trong 6 văn miếu còn tồn tại trong cả nước - được khởi dựng từ thế kỷ 17 (thời hậu Lê) quy mô ban đầu còn nhỏ, đến năm Minh Mệnh thứ 20 (1839), triều Nguyễn, được xây dựng lại có quy mô như hiện nay trên nền của chùa Nguyệt Đường. Ngôi chùa lớn, tương truyền có 36 nóc, được Hương Hải thiền sư khởi dựng năm 1701, với sự trợ giúp của quan trấn thủ trấn Sơn Nam khi đó là Quận công Lê Đình Kiên.

Dấu tích còn lại đến ngày nay là 2 mộ tháp đá: Phương Trượng Tháp và Tịnh Mãn Tháp. Năm 1992, Văn miếu Xích Đằng được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá quốc gia.

Đây là nơi thờ Khổng Tử, người được mệnh danh là “ người thày tiêu biêu của muôn đời" và Chu Văn An, thày giáo mẫu mực của nước Nam ở triều Trần.
Toàn bộ khuôn viên Văn miếu có diện tích rộng gần 6 ha, nhìn ra hướng nam, phía trước là đầm Vạc, bên cạnh phía tây là hồ Văn. Nhìn toàn cảnh kiến trúc công trình đồng bộ và liền mạch, gồm các hạng mục được bố trí liên hoàn như: tam quan, nhà tả vu, nhà hữu vu, tòa đại bái, trung từ và tòa hậu cung.

Từ điển Địa danh văn hóa và thắng cảnh Việt Nam của Nguyễn Như Ý và Nguyễn Thành Chương ghi rõ: văn miếu Xích Đằng là một trong 6 văn miếu còn tồn tại cho đến ngày nay của đất nước, là một trong hai văn miếu lâu đời nhất (đứng sau văn miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội) còn tồn tại.

Di  tích Đa Hòa- Dạ Trạch, Hàng Tử- Bãi Sậy:
 Cụm di tích này nằm cạnh sông Hồng, có cảnh quan đẹp khí hậu trong lành. Gắn liền với cụm di tích này là truyền thuyết và lễ hội Chử Đồng Tử -  Tiên Dung đã được nhà nước xếp hạng, là một trong những di tích lịch sử văn hóa quan trọng quốc gia.

Cụm di tích Hải Thượng Lãn Ông- Phố Nối:
Đây là khu di tích thờ đại danh Lê Hữu TRác.Ngoài ra, ở đây có nhiều chùa đình có kiến trúc độc đáo như chùa Lãng, chùa Thái Lạc ở thong Thái Lạc, Lạc Hồng huyện Văn Lâm; đền thờ danh tướng Lý Thường Kiệt thuộc huyện Yên Mỹ; đền Ủng huyện Ân Thi; đình Đa Ngưu huyện Văn Giang và khu tưởng niệm cố tổng bí thư Nguyễn Văn Linh…

Con người quê tôi:
 Người Hưng Yên quê tôi hiền lành, chất phát, cần cù và  rất coi trọng nghĩa tình. Quê tôi thuần đồng  bằng nên người dân quê tôi đa phần là nông dân. Lúa nước là cây trồng chính gắn với sự chinh phục châu thổ sông Hồng nên văn minh, văn hóa quê tôi là văn hóa lúa nước- văn hóa sông Hồng.
 Tuy  vậy,  Hưng Yên quê tôi cũng là một vùng đất địa linh nhân kiệt, là nơi sinh ra nhiều người đỗ đạt, nhiều nhân vật tài giỏi được sử sách ngợi ca và nhân dân truyền tụng như: Nhân vật truyền thuyết:  Tống Trân Cúc Hoa ( ở huyện tôi-huyện Phù Cừ). Trong Quân sự có: Triệu Quang Phục, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Hoa Thám, Phạm Bạch Hổ, Lý Khuê… Trong Y học có: Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác;  Khoa học có: Phạm Huy Thông, Nguyễn Công Tiễu, Nguyễn Lân, Nguyễn Lân Dũng. Trong  văn học có: Đoàn Thị Điểm, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Chu Lai, Lê Lựu, Phan Văn Ái. Mỹ thuật có: Tô Ngọc Vân, Dương Bích Liên. Và trong hoạt động chính trị có: Trần Đình Hoan, Lê Xuân Hựu, Trần Phương, Nguyễn Trung Ngạn, Đào Công Soạn, Lê Như Hổ, Lê Đình Kiên, Nguyễn Văn Linh, Tô Hiệu
Một chút nhỏ giới thiệu với các bạn. 


2 nhận xét:

Thắng k5 nói...

Thuỷ K42 đăng bài thiếu rồi.
Hưng Yên còn có: Nguyễn Văn Thắng,khi hoạt động CM có bí danh:
Thắng K5.

Nặc danh nói...

Hưng Yên là vừa giàu (Hưng) vừa bình yên.