Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2012

Truyện ngắn: Chợ Đuổi – đuổi chợ (Quang Việt)



Bệnh viện X, một chiều đông giá sát Tết. Qua một dãy hành lang dài đầy những người nhà đi chăm sóc bệnh nhân đứng ngồi chật cả lối đi, bà Thuần bước vào phòng số 7. Quan sát một lúc, bà bước tới cái giường cạnh cửa sổ.
-         Chào bà! Bà có nhận ra tôi không?
Bà bệnh nhân đang nằm, nhỏm người dậy: 
-         Bà là……
-         Thuần đây mà. Có nhớ Thuần “nhè” ở Trường sơn không?
-         Ối giời ơi! Thuần nhè đấy à? Sao cô lại biết tôi đang nằm đây mà vào thăm?

Hai bà bạn già ôm chầm lấy nhau, nước mắt ngắn, nước mắt dài, mừng mừng, tủi tủi. Có dễ đến gần bốn mươi năm nay họ bặt tin nhau. Thế là bao kỷ niệm từ thời ấu thơ, thời ở Trường sơn lại ùa về trong câu chuyện của hai người.
Sau giải phóng Sài gòn mấy  tháng, đơn vị TNXP TS7 giải thể, người thì được đi học, người thì chuyển ngành, người thì về quê.  Thuần “nhè” may mắn lọt được vào tốp đi học rồi trở thành y tá. Còn Trang (tên bà bệnh nhân già kia) vì văn hóa kém (cô chỉ học hết lớp 5 rồi vì nhà nghèo, phải nghỉ học để chạy chợ với mẹ) nên cô phải trở về với gia đình để lại chạy chợ kiếm ăn. Trang hơn Thuần có mấy tháng tuổi, nhưng lúc nào cũng ra dáng đàn chị, luôn chăm sóc cho Thuần như chăm cho em gái. Thuần hay khóc vì nhớ nhà nên mới có cái tên Thuần “nhè”. Hai chị em thân nhau vì chơi với nhau từ hồi bé tí. Mẹ hai đứa đều bán hàng ở chợ Đuổi. Hàng ngày, hai đứa bé theo mẹ ra chợ, suốt ngày tha thẩn chơi với nhau. Có gì chúng cũng chia nhau, từ củ khoai, miếng bánh đa hay cái kẹo vừng. Bao giờ Trang cũng nhường cho em Thuần phần hơn.
Lúc hai đứa khoảng 6-7 tuổi thì bố Trang đột ngột qua đời khi mọi việc đang giang dở. Sau khi ông mất, bao nhiêu người đến đòi nợ. Mẹ Trang phải bán nhà trả nợ và đưa cả nhà về quê. Hai đứa bặt tin nhau từ đó.
Mùng 5 tháng 8 Năm 1964, Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc. Thuần theo trường đi sơ tán. Trường Thuần về sơ tán đúng quê Trang ở Hưng Yên. Thuần về ở ngay nhà Trang và thế là hai đứa lại gặp nhau, lại được hú hí với nhau suốt ngày. Cũng như hồi ở chợ Đuổi, Trang lại ra dáng đàn chị, luôn nhường nhịn, chăm sóc Thuần.  
Cuối năm ấy, hai đứa rủ nhau trốn nhà đi TNXP. Tình bạn “chợ Đuổi” lại được tiếp tục trong cuộc sống bom đạn, gian khổ ở Trường Sơn. Trang vẫn làm chị, Thuần vẫn là em suốt bấy năm trời. Chiến tranh ngày càng ác liệt. Hai chị em bặt tin nhà, lại càng yêu quí nhau hơn, giúp nhau vững vàng vượt qua những tháng năm khói lửa.
Sau ngày toàn thắng, đơn vị giải tán, hai chị em bịn rịn chia tay, hẹn sẽ tìm nhau. Thuần về Hà nội, viết mấy bức thư cho Trang theo địa chỉ cũ, toàn bị bưu điện trả lại vì không có người nhận. Cô tìm về tận quê Trang mới biết rằng nhà Trang bị trúng bom, chẳng còn ai, trừ một đứa em trai hôm đó đang bắt cua ngoài đồng. Sau trận bom, em trai Trang được ông chú hồi trước đi khai hoang trên miền núi về đón đi, nhưng chẳng ai biết địa chỉ. Trang về đến quê mới biết nhà chẳng còn ai. Cô thắp hương khóc bố mẹ một hồi rồi lên đường đi tìm em, đến nay chưa thấy về. Thế là Thần Trang lại bặt tin nhau. Mãi sáng nay, tình cờ Thuần gặp một anh cùng đơn vị cũ mới được biết Trang đang điều trị ở bệnh viện này.   
Hai bà bạn già đang hàn huyên thì có một cô gái trạc tuổi đôi mươi bước vào. Bà Trang giới thiệu: “Con gái chị đấy. Nó tên là Ngoan. Chào cô Thuần đi con. Bạn Trường sơn của mẹ đấy.” “Con chào cô ạ”. Bà Thuần ngắm cô gái và khen:”Gớm, con mẹ Trang xinh quá. Cô chào con!”. Bà Trang bảo Ngoan vừa tốt nghiệp đại học, đang tìm việc. Nó về Hà Nội, buổi sáng thì đi bán rau, chiều và đêm thì ở bệnh viện trông mẹ. Nó chịu khó lắm. Mà nhà nghèo, không chịu khó cũng không được. Lúc cô gái có việc ra ngoài, bà Trang mới kể cho bà Thuần rằng Ngoan là con nuôi. Bà không lập gia đình, mãi năm gần 50 tuổi mới xin được đứa bé bị bỏ rơi. Bà nuôi nó từ lúc đỏ hon hỏn tới giờ.  
Hai người đang chuyện trò thì một chàng trai bước tới:” Mẹ ơi, về thôi. Con còn có việc phải đi mẹ ạ.” Bà Thuần gọi:” Con vào đây chào bác Trang đi đã. Bạn Trường sơn của mẹ đấy. À mà là bạn từ hồi chợ Đuổi kia”.”Con chào bác ạ. Mẹ con cứ nhắc đến bác luôn mà hôm nay con mới được gặp. Con chúc bác mau khỏe ạ.” Bà Thuần giới thiệu với bà Trang: “ Con út em đấy chị ạ. Cháu đã học xong thạc sỹ, đang làm việc ở một công ty của Nhật”. Bà Trang khen:” Giỏi lắm, con mẹ Thuần có khác”. Bà Thuần bảo:” Chị ơi, hay chúng mình thông gia đi! Chị cho em xin cháu Ngoan nhé”. “Được thế thì còn gì bằng! Nhưng chẳng biết chúng có hợp duyên không? Vả lại, nhà tôi nghèo, đũa mốc sao dám chòi mâm son?” “ Chị đừng nói thế. Không có chị, em đâu được như ngày nay?” “ Thôi cứ để ông Trời ông ấy tính cô ạ”
Cô gái từ nãy đến giờ cứ đứng ở đằng xa tròn mắt nhìn cậu con trai. Đúng anh ta rồi, cái anh chàng đã đang tâm quẳng mẹt rau của cô. Chả là từ mấy hôm nay, phường người ta đuổi chợ để lấy chỗ cho gửi ô tô (chắc thu được nhiều tiền hơn). Bà con dạt đi khắp các ngõ xung quanh. Cô tìm được một chỗ ngồi ngay trước cửa một ngôi nhà 4 tầng. Còn chưa bán được mớ rau nào thì cái anh chàng kia mở cổng ra đuổi. Cô van nài thế nào anh ta cũng không cho ngồi bán ở đấy. Anh ta bảo để lấy chỗ cho ô tô ra vào. Cô hứa sẽ dẹp ngay mỗi khi cần đường cho xe vào ra, anh ta vẫn không chịu. Cô nài nỉ mãi, anh ta buông một câu: “Đồ dai như đỉa” và quẳng mẹt rau của cô ra đường. Đúng lúc ấy, có cái xe ô tô đi qua, suýt nữa cán nát hết mẹt rau. May mà lái xe đã phanh kịp. Cô đành tức tưởi gánh rau đi tìm chỗ khác.  Buổi chiều, cô cũng không kể lại chuyện cho mẹ vì cô không muốn bà phải lo nghĩ buồn bực. Cũng may, mấy hôm nay gần Tết, đắt hàng. Các bà, các bác khách quen, biêt hoàn cảnh của cô, ai cũng thương, toàn tìm đến mua ở hàng cô. Họ lại còn cho cô tiền mừng tuổi nữa. Cô cứ thắc mắc trong lòng sao Hà nội lại có những người tốt thế mà cũng lại có người hẹp lòng đến thế nhỉ?
Hai mẹ con bà khách đi rồi, cô mới vào với mẹ. Nghe mẹ nhắc lại câu chuyện tình bạn từ hồi ở chợ Đuổi với cô Thuần, cô lại chạnh lòng nghĩ đến chuyện đuổi chợ hôm nào.

6 nhận xét:

Nặc danh nói...

Hoan hô bác Việt! Cảm ơn những đóng góp của bác cho BT5 đầu xuân này!
BT5

Quang Vinh nói...

Cay mắt khi đọc câu chuyện này.

Nặc danh nói...

Sáng nay thầy Cảo gọi điện chào anh em phía Nam. Thầy kể đến chơi và được anh Hảo mở trang mạng "Báo liếp k5" và "HVKTQS phía Nam" cho xem, có cả bài gặp mặt chiều 3 Tết. (Riêng cuốn sách tôi tặng hôm đó, thầy khoe đã đọc hết 1 nửa). Thầy là con người chịu khó luyện tập nên còn khỏe và tỉnh táo như hôm nay.
Cơ sở 2 hẹn đưa xe thầy ra sân bay thì thầy lắc đầu: "Tết nhất, khỏi phiền anh em, tớ đi taxi là được rồi".
Thầy là tấm gương của người tử tế. Làm người tử tế khó lắm!
KQ

Nặc danh nói...

Khó nhưng vẫn làm được nếu thực sự muốn. Cứ luôn chu đáo với bạn bè, với người thân, với mọi người thì đó là tử tế rồi còn gì? KQ là một người như thế. Và rất, rất nhiều bạn Trỗi ta (từ K1 đến K9) là những người như thế.

Nặc danh nói...

Đúng, đừng chỉ sống vì mình, hãy chu đáo với bạn bè, người thân đã là người tử tế. "Rất, rất nhiều bạn Trỗi ta (từ K1 đến K9) là những người như thế". Còn xã hội thì... kệ ló!

Nặc danh nói...

Quang Vinh chỉ cay mắt, còn mình thấy cay cả mũi.