Lời tựa: Truyện ngắn này là nỗi ám ảnh khi mình gặp một bé gái sắp phải buộc cả quãng đời phía trước vào chiếc xe lăn cách đây vài năm. Là tình thương yêu dành cho bé Nấm - con trai một nhà báo ở Quảng Nam mới qua đời vì bạo bệnh. Là sự chia sẻ với những bà mẹ hàng ngày đưa con đến lớp học. Hy vọng mà chị Anh Thơ - thành viên của nhóm "Vì ta cần nhau" có tham gia giảng dạy tình nguyện.
Mình đã vừa gõ phím vừa khóc khi viết về đám ma của bé Bảo Thi. Có một điều rất lạ là chính nhân vật đã chọn tên Bảo Thi chứ mình không hề lựa chọn. Ngay khi xem vở nhạc kịch "Nàng Tiên Cá" ở công viên Hollywood, nhân vật Bảo Thi đã hiện lên rất rõ nét. Suốt chuyến bay từ Orlando về NY, mình như nhìn thấy Bảo Thi hiện ra bằng xương bằng thịt với bài hát "Nụ cười".
Hôm nay mình nhận được một tin nhắn: "Em có nhiều cảm xúc khi đọc bài "Nàng tiên cá"cuả chị. Em vụng viết diễn đạt y ́nghĩ cuả mình nên không nói hết được cảm nghĩ, nhưng em đã khóc vì xúc đ̣ông. Nhờ bài viết cuả chị, sáng nay em đã nhắn về nhờ người nhà chuyển giúp em tới cháu bé bị thương bì bóng nước ở Hà Nam 1 triệu và sang tuần sau chuyển giúp số tiền rất nhỏ là 1 triệu vào quĩ cuả VTCN. Em cảm phục chị nhiều lắm chị ạ và em biết ơn chị khi đã đánh thức cho em sự hướng thiện".
Lời tựa này thay cho câu trả lời các anh, chị và các bạn đã ghé đọc Note này.
*****
Con bé gọi tôi là “bà trẻ”. Chị Hiền - bà ngoại nó từng tham gia lớp tập huấn kỹ năng tuyên truyền vận động do cơ quan tôi tổ chức cho cộng tác viên của chương trình hơn mười năm trước. Chị có chiếc bớt đỏ hình nửa trái tim ở ngay trước cổ, đúng nơi rơi của chiếc mặt dây chuyền. Sở dĩ tôi nhớ chị rất lâu về sau là vì chị luôn sử dụng chất liệu văn hóa dân gian vào trong các bài tập của nhóm. Phần trình bày của nhóm chị bao giờ cũng khiến cả lớp cười nghiêng ngả. Chị từng là giáo viên dạy văn cấp 3. Tới hồi anh Thi chồng chị bị tụt đường huyết bất ngờ, ngã lăn bất tỉnh không ai biết. Khi chị đi dạy về thì anh đã rơi vào hôn mê, rồi nằm liệt một nơi. Chị xin nghỉ hẳn dạy, mở quán bán sách báo để có điều kiện chăm anh. Được vài năm, anh mất, chị tham gia hội phụ nữ xã.
Anh chị có một đứa con gái. Con Ly, da trắng tóc dài như người thành phố. Nó học một lèo 17 năm, ra trường đi làm cho một văn phòng nước ngoài ở Khu công nghiệp của tỉnh. Nhà xa, nó thuê trọ, cuối tuần mới về một lần. Lúc đi lại lỉnh kỉnh thịt rim, cá kho, rau trái trong vườn đủ ăn cả tuần tiếp theo. Một dạo thấy nó ít về, chị lo lắng hỏi. Nó nói công ty cuối năm bận nhiều báo cáo. Nhiều khi phải làm thêm giờ cả thứ bảy, chủ nhật. Rồi nó bỏ việc công ty về với chị khi cái bụng đã lùm lùm. Sếp nó tức là bố con Bảo Thi – cháu ngoại chị – đã được công ty điều chuyển sang văn phòng khu vực.
Xóm kế bên có anh kỹ sư làm ở phòng Nông nghiệp huyện, thương con Ly từ khi nó mới học cấp 3. Có lần xe đạp nó bị xẹp lốp, anh gửi vào hiệu quen nhờ sửa rồi phóng Honda đưa nó tới trường cho kịp giờ. Con Ly hồn nhiên chú chú cháu cháu khiến anh không dám buông lời bóng gió. Hoặc giả nó cũng nhận ra sự nhiệt tình bất thường nên cố tình tạo ra tấm vách ngăn tuổi tác để phòng thân. Khi con Ly trở về, biết nó mang bầu, anh vẫn sang hỏi han, thăm nom. Hứa sẽ chăm và đối xử với đứa bé trong bụng con Ly như con đẻ. Lúc đầu con Ly tránh mặt. Sau rồi anh ngồi hàng giờ khiến nó nổi khùng. Một lần trong lúc quay quả đi vào trong nhà, nó bước hụt ngã xoài xuống thềm. Khi cảm thây một dòng chảy ấm ấm lan chậm giữa hai chân, nó bật lên nức nở. Chính anh đã đưa nó lên Trung tâm Y tế huyện để nằm dưỡng thai. Suốt một tuần nằm treo chân trong bệnh viện, nó cảm nhận được sự yêu thương che chở của người đàn ông lớn hơn nó đúng một con giáp. Đám cưới không có loa đài, nhạc sống. Gia đình hai bên gặp nhau định ngày rồi tổ chức một bữa cơm mời toàn họ hàng thân thiết. Con Ly ngồi sau xe máy về nhà chồng mang theo luôn cả bọc tã lót và quần áo sơ sinh mẹ nó tranh thủ sắm sanh mỗi khi về thành phố nộp báo cáo dự án.
Anh Hiệp, chồng con Ly đã giữ lời hứa. Con Bảo Thi tuy không được bà nội cưng chiều, nhưng được ba Hiệp thương yêu nựng nịu. Ba Hiệp làm bò cho nó cưỡi quanh nhà. Ba Hiệp mang xoong chậu ra làm dàn nhạc để nó há miệng cười cho mẹ Ly tranh thủ đút cho nó ăn. Ba Hiệp đặt nó lên cổ nhảy tưng tưng khi nó khóc vòi, ăn vạ. Lúc bi bô tập nói, bà nội dạy “bà, bà”, nó vỗ hai bàn tay nhỏ xíu vào nhau ngoái sang ba Hiệp: “ba, ba”. Đêm ngủ, nó ấp mặt vào ngực ba, cho ngón tay vào miệng mút chụt chụt.
Khi con Bảo Thi đủ hai tuổi, chị Hiền khuyên con Ly nên sinh cho chồng một đứa con chung. Thằng Bảo Khánh ra đời đã xóa được hố ngăn cách vô hình giữa con Ly và bà nội sắp nhỏ. Bà
nội tự tay bằm tôm, xay thịt nấu cháo cho thằng “đít nhôm”. Bà nội không cho Bảo Thi đến gần em, sợ nhỡ nó làm đau thằng bé. Năm Bảo Thi lên 5 tuổi, nó bị lây bạn ở lớp mẫu giáo phỏng dạ toàn thân. Lúc các vết phỏng bắt đầu khô, thì đến lượt Bảo Khánh. Bà nội thương cháu, xót xa, gằn hắt: “nó mang bệnh tật ở đâu về hại cháu bà”. Con Ly nghe xong chết lặng. Bảo Thi bé nhưng nhạy cảm. Nó lờ mờ cảm nhận được chính mình là căn nguyên của những giọt nước mắt âm thầm của mẹ. Nó cố gắng không để bà nội bực mình. Lên bảy tuổi, Bảo Thi đã biết dắt em đến lớp. Học được chữ nào ở trường, nó về dạy em vẽ nguệch ngoạc trên bảng phấn.
Một dạo, Bảo Thi tự nhiên rất hay ngã. Nó nói nhiều khi không tự điều khiển được đôi chân. Ba Hiệp đưa nó lên tận Sài Gòn kiểm tra. Bà bác sĩ già động viên, nói sẽ đến lúc nó phải ngồi trên xe lăn đi học. Nó nhìn xuống đôi chân với chiếc giày màu hồng ba Hiệp mua tặng nó hôm sinh nhật, ngân ngấn nước mắt. Ba nó còn ngồi trong phòng của bà bác sĩ thêm một lúc nữa rồi mới đưa nó ra bắt xe khách về nhà. Mẹ Ly nó chết lặng khi nghe ba Hiệp nói lại lời bà bác sĩ: “Bây giờ con muốn gì thì nên chiều theo ý nó”.
***
Lúc tôi đến thăm chị Hiền, con Bảo Thi đã về sống với bà ngoại được gần một năm. Nó nói mẹ Ly cần nhiều thời gian chăm sóc em Bảo Khánh. Bà ngoại hàng ngày đẩy xe đưa nó đến trường.
Bảo Thi đọc rất nhiều. Sau giờ học, nó ngồi trông quán sách báo giúp bà ngoại và tranh thủ đọc tất cả các cuốn sách mới nhập về. Ba Hiệp tặng nó chiếc máy nghe đĩa CD cầm tay để nó hát theo những bài yêu thích. Con bé có chất giọng trong trẻo, vang xa. Nó thích bài “Nụ cười” của Nga.
Buổi sáng, khi chị Hiền bế nó từ giường xuống xe lăn, nó thường ghé vào tai bà ngoại hát véo von: “Cho trời sáng lên cùng với bao nụ cười…”.
Bảo Thi hỏi:
- Bà trẻ ở Mỹ đã từng đến công viên Disney chưa?
Tôi kể cho nó nghe về những trò chơi trong Xứ sở Thần tiên, về màn nhạc kịch “Giấc mơ thành hiện thực”, nơi chuột Mickey và Minie cùng bè bạn của mình đã lấy niềm tin vào giấc mơ để chiến thắng cái ác. Tôi kể cho Bảo Thi nghe về màn múa “Đi tìm Nemo”. Chú cá vàng lần đầu tiên muốn tự mình đi xa, khám phá thế giới đã hét lên: “Con ghét bố”. Bảo Thi nói, dù có đi xa đến đâu nó cũng sẽ mãi mãi yêu thương ba Hiệp.
Tôi ở chơi với chị Hiền hai ngày. Buổi tối, Bảo Thi ngỏ ý muốn ôm tôi ngủ. Hai bà cháu nằm ôm nhau kể chuyện và hát đến tận nửa đêm. Bảo Thi hỏi tôi về nàng tiên cá. Tôi kể cho nó nghe về nàng công chúa có chiếc đuôi dát vàng lấp lánh. Nàng công chúa có giọng hát mê hồn. “Thế nhỡ hoàng tử không đến kịp thì sao?”, con bé lo lắng hỏi. Khi chàng hoàng tử chìa tay bế công chúa xuống khỏi mòm đá, chiếc đuôi của nàng bỗng nhiên biến mất và một đôi chân trần tuyệt đẹp hiện ra. Hai người đã nhảy múa suốt đêm bên nhau. Bảo Thi thầm thì: “cháu cũng ước mơ được biến thành nàng tiên cá”.
Tôi trở về Mỹ. Công việc cuốn hút với nhiều mối quan tâm khác đã khiến tôi gần như quên bẵng đi những chuyện của Bảo Thi. Một hôm bỗng nhiên tôi nhận được email của Ly. Nó nói Bảo Thi đã phải vào bệnh viện. Thời gian chỉ tính được bằng tháng. Trong thư, Ly viết: “Bảo Thi luôn miệng nhắc đến bà và câu chuyện Nàng tiên cá. Lúc nào tỉnh táo, nó thường hát cho cả phòng bệnh nghe. Nó bảo phải hát thật to để át được tiếng sóng biển. Nó mơ ước có một chiếc đuôi cá vảy dát vàng lóng lánh…”.
Tôi gọi điện cho cô bạn ở Orlando nhờ đến công viên Hollywood mua giúp chiếc váy của Nàng tiên cá rồi gửi chuyển phát nhanh về New York. Dịp may cơ quan tôi có đợt tập huấn ở Bangkok – Thái Lan.
Tôi nhờ người chuyển đến cho các bạn đồng nghiệp của văn phòng Viêt Nam. Bảo Thi nhận được khi nó chưa rơi vào hôn mê sâu. Nó diện chiếc váy rồi ngồi trên xe lăn để chụp ảnh gửi sang cho tôi. Phía sau tấm ảnh, nó nắn nót ghi: “Nàng Tiên Cá Bảo Thi đang ngồi hát trên mỏm đá. Cháu yêu bà trẻ”.
Đám ma Bảo Thi tôi không về được. Tấm ảnh “Nàng tiên cá Bảo Thi” được phóng to đi đằng trước quan tài. Ba Hiệp nó ngồi lặng như pho tượng, ôm khư khư chiếc máy CD có ghi âm tiếng con gái hát: “Cho trời sáng lên cùng với bao nụ cười”.
“Bảo Thi ơi, nhất định chàng hoàng tử sẽ đến kịp”.
Bài đăng Phổ biến
- Bài hát chế "HN - niềm tin và hy vọng"
- Nguồn Gốc Chữ Nôm của Đỗ Thành (ST: Quốc Việt)
- Làng Cổ Nhuế qua bài viết của Phạm Thế Việt (ST: KC)
- Thơ gửi từ Úc: THƯỜNG DÂN (Ngô Hà, dân Guilin 1950)
- Bài thơ Xứ Quảng (Phan Hoài Thuận)
- Hồ Xuân Hương và bài thơ Vịnh cái quạt (Huỳnh Văn Úc)
- TẠI SAO GIỚI TUYẾN HAI MIỀN LẠI LÀ VĨ TUYẾN 17? (Việt Dũng)
- CÂU CHUYỆN TẬP KẾT RA BẮC (1954 – 1956) - (Việt Dũng)
- Bia “MET" Berlin (Trần Đình - Berlin)
- Câu đối của dân Đè Nẽng (Hoài Lưu k5)
Thứ Hai, 12 tháng 3, 2012
Truyện ngắn "Giấc mơ Nàng tiên cá" - được chia sẻ và gửi qua Đoàn Phú Hòa
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
2 nhận xét:
Rất nhân bản. Đây cũng là tiêu chí của BT5.
Tác giả là Thanh Chung, một nữ bloger có tiếng tăm hiện đang làm việc ở UNICEF - New York. Thanh Chung thường tổ chức và tham gia các cuộc từ thiện cho học sinh nghèo khó ở Việt Nam và mẩu chuyện ngắn này là một trong những mẩu chuyện ngắn trong cuốn sách sẽ được phát hành ở Việt Nam trong dịp tới. Thanh Chung bỏ tiền túi của mình để lo cho toàn bộ kinh phí in ấn, phát hành sách và tiền bán sach sẽ được sử dụng cho việc từ thiện. Tôi rất mong anh em mình Trỗi cùng chung tay giúp đỡ Thanh Chung thực hiện được nguyện vọng này.
Đăng nhận xét