Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

Vợ chồng mình đi phượt (Quang Việt)


Bến xe Nghĩa Yên.
          Nhân nghỉ Quốc giỗ, vợ chồng tôi rủ nhau đi Mai Châu chơi. Sáng sớm, bắt taxi ra bến xe Yên Nghĩa, Hà Đông. Chẳng bao giờ đi xe ngoài, cứ nghĩ sẽ phải chen chúc vất vả lắm. Nhưng không, bến xe cực vắng, vào hỏi mua vé đi Mai Châu. Cô bán vé bảo: "Xe Mai châu chạy rồi, anh chị ra lên xe Quan Hóa đi. Nhanh lên, xe sắp chạy đấy!”.



Hai tên vội vàng dắt nhau chạy ra tìm xe Quan Hóa. Xe đỗ ở một góc bến. Lên xe thấy vắng tanh, có mỗi một hành khách ngồi chờ. Khoảng 40 phút sau, khách được khoảng 10 người, xe bắt đầu chạy. Ra khỏi bến, xe chạy chậm bắt thêm khách. Ra khỏi địa phận Hà Đông, khách đã gần đầy xe. Phụ xe bắt đầu thu tiền. Giá rẻ, chỉ 70K/người đến Mai Châu. Trên xe, ngồi cạnh một cô giáo – hiệu trưởng một trường mẫu giáo ở Quan Hóa – Thanh Hóa (cách Mai Châu độ 50 km). Vừa đi vừa chuyện trò, khoảng hai tiếng sau thì đến TP Hòa Bình.


Bến vắng ngắt. Lên xe đi Quan Hóa.
Khi gần đến Mai Châu, cô giáo mới quen ngỏ ý: "Thôi, anh chị đừng xuống Mai Châu nữa, đến chỗ em chơi đi. Em mời thật lòng”. Hai vợ chồng hội ý chớp nhoáng rồi quyết: đi Quan Hóa. Hỏi phụ xe thêm bao nhiêu tiền? Rẻ bất ngờ, thêm có 10K/người. Cách Mai Châu độ 10km có một dãy phố núi tên là Co Lương. Cậu lái xe bảo, dân ở đây không có nước, toàn phải mua nước sạch dùng thôi. Cứ 10K/can 20lit. Mà ngay đằng sau dãy phố là sông Mã, nhưng do bị ô nhiễm nên không dùng được, vẫn phải mất tiền nước hàng ngày. Ở đây có khách xuống khách lên. Có một cô bé lên ngồi ngay cạnh. Hỏi chuyện cô, cô nói là học sinh lớp 12 học ở Quan hóa về nghỉ lễ. Cô bảo cháu đi học xa nhà chỉ 40km, có bạn còn cách đến 60-70km cơ. Hỏi ra mới biết cả huyện Quan Hóa chỉ có 1 trườngcấp 3. Cả huyện phải về đấy học.
Từ Co Lương, xe chạy đoạn đường rất dài dọc theo sông Mã. Chợt nhớ mấy câu thơ Quang Dũng “Tây tiến đoàn quân không mọc tóc, Sông Mã gầm lên khúc độc hành”. Dọc hai bên đường toàn luồng là luồng. Giá mỗi cây luồng bánh tẻ khoảng 14-16K. Thỉnh thoảng gặp một xưởng làm đũa (cung cấp cho các nhà hàng ở các nơi). Có một nhà máy của Đài Loan chuyên làm giấy vàng mã từ nguyên liệu là phoi làm đũa. Giấy làm ra toàn chở về nước tiêu thụ.Chứng tỏ bên Đài Loan dùng nhiều vàng mã có khi còn hơn ta.

Bến dừng đầu tiên. Làm nồi lẩu. Bộ đội ăn cực dễ.

Sông Mã đây rồi. Cảnh đẹp ven đường.

Phi xe ôm giữa rừng luồng. Thơ mộng quá!


          Khoảng 12 giờ, xe đến thị trấn Hồi Xuân – thủ phủ huyện Quan Hóa. Cô giáo mới quen định lấy xe máy gửi ở đó và gọi thêm người đưa hai vợ chồng về luôn trường cô. Cái cửa hàng cô gửi xe mới nhận thêm hàng, vướng chưa lấy xe ra được. Thế là ba anh em sang một nhà hàng cạnh đó đặt nồi lẩu gà cho bữa trưa. Vừa đợi lẩu, vừa bàn kế hoạch. Nhờ luôn cậu chủ quán gọi thuê hộ một chiếc xe để ăn xong đi chơi. Khoảng 30 phút sau nồi lẩu đã sẵn sàng. Cụng ly (bia) và bắt đầu xì xụp. Gà đi bộ thật ngon. Vừa ăn vừa trò chuyện vui vẻ. Cậu lái xe sang, lại cụng ly rồi hẹn giờ xuất phát. Ở đấy rau ăn thật ngon và yên tâm. Ăn xong, ngồi nghỉ một lúc thì xe đến. Thế là xuất phát. Đích đến là suối cá thần ở Cẩm Lương – Cẩm Thủy. Cô Lới (tên cô giáo mới quen – người Mường) đề nghị: "Nhà bố mẹ em trên đường đi, có mấy đứa cháu nó ở đây nhưng chẳng bao giờ được đi đâu. Cho chúng đi cùng được không?”. “Ô kê, đằng nào cũng vào thăm ông bà luôn”. Đi được độ hơn 30 km thì đến chỗ rẽ vào nhà bố mẹ cô Lới. Ngay đấy có cửa hàng. Xuống mua hai túi đầy bánh kẹo, đường sữa. Cô Lới cứ bảo: "Thôi anh không phải mua gì đâu”. “Ô hay, tôi mua biếu ông bà chứ có cho cô đâu?”.

Vào tới nơi, ông bà đi vắng cả, chỉ gặp cô em dâu của Lới ở nhà với lũ trẻ con. Mới ngoài 40 mà cô ta đã có 8 con – 6 gái, 2 trai. Đứa lớn đã lấy chồng, có hai thằng con sinh đôi. Hai đứa ở trong miền Nam với họ hàng. Ở nhà còn 5 đứa. Mấy đứa đều muốn đi, nhưng xe chật, chỉ nhét được cu bảy (học lớp 7) và cu Tám (học lớp 1). Chúng nó sướng quá vì lần đầu tiên được ngồi lên một chiếc xe du lịch. Trên xe, nói chuyện mới biết cậu lái xe là cán bộ văn hóa huyện. Cậu có tài văn thơ, nhạc họa, nói chuyện dí dỏm. Câu chuyện luôn rôm rả, động chạm đến cả vấn để “chỉnh cái hư đốn của Đảng”.
Người mẹ có 8 con ở tuổi ngoài 40 cùng đám con cháu
 Đithêm độ 20 km nữa thì đến Suối Cá thần. Gửi xe vào bến, mua vé (trẻ con không mất vé) 2K/người. Con suối chảy ra từ chân núi đá. Cửa nguồn nước không lớn, chỉ độ 60-70 phân chiều ngang. Cá cứ ở trong đấy chui ra hàng đàn. Sáng chui ra, tối lại chui vào. Người ta bảo có con to quá, chỉ nằm trong đó nghếch mõm ra. Nhìn chúng giống cá Trắm. Thân chúng mầu xanh đen, có viền mắt, viền mồm mầu cam. Viền đuôi cũng thế . Chúng lượn lờdưới làn nước trong suốt của con suối rộng độ 3 m, sâu chưa đến 1m. Ngắm cá một hồi thì kéo nhau lên động.
Động này cũng có thạch nhũ nhưng không thể sánh được với hang động của Hạ Long hay Phong Nha –Kẻ Bàng. Một cậu bé lớp 7 người địa phương xin làm hướng dẫn viên với thù lao 50K (kể cả tiền thuê 2 cái đèn pin). Có những tảng nhũ hỏi cậu về ý nghĩa thì cậu bảo: "Cái này không có trong kịch bản”.
Cầu treo vào suối cá thần

Nàng, cô Lới cùng cậu 7, cậu 8

Sưới cá.

Nhiều cá quá.

Cá thần đây chăng?

Hạnh phúc bên cá thần.

Tác giả cùng HDV nhân dân

Hoàng hôn núi rừng
 Trênđường về, qua chợ, vợ chạy vào mua ít đồ ăn, rau cỏ, dưa chuột. Về đến cửa hàngăn lẩu lúc trưa, cô chủ quán đưa cho túi gà rang (con gà to quá, ăn lẩu không hết). Lới gọi thêm một cô giáo mang xe ra đón. Trời tối dần, khi cô giáo kia ra tới nơi thì tối mịt. Vợ ngồi sau xe Lới, mình đèo cô kia (tên là Mâu, người Thái). Đường vào xã Phú Nghiêm nhiều dốc, cứ lên lại xuống, lại lên. Vợ kể lại, ngồi sau xe vừa đi vừa sợ. Trời tối đen, xe lao vun vút, lại lên xuống dốc, lượn vòng cung liên tục. Chỉ sợ ngộ nhỡ ngã xe giữa đường rừng hoang vắng thì... Mình đèo Mâu, cô ta hỏi: "Anh có biết đi đường trường không đấy?”. “Yên tâm đi, cứ ôm chặt lấy anh là được”. Chỉ độ 5 km nhưng vì chưa quen nên cảm thấy thật xa. Các cô đưa tới một căn nhà sàn sáng trưng ánh điện. Lới giới thiệu hai vợ chồng với chủ nhà. Anh chủ nhà tên Tạo, vợ tên Đang. Cả hai là người Thái. Cô Đang cũng là cô giáo trường mầm non của cô Lới. Hai vợ chồng chủnhà vồn vã mời khách lên nhà. Anh chồng vừa đi đánh bóng bàn về (đời sống văn hóa ở bản cũng được đấy chứ!). Mấy cô xúm vào làm cơm. Vợ mình xuống bếp trò chuyện với các cô. Anh chồng tắm vội xong ra ngồi tiếp khách. Qua câu chuyện, biết anh là chủ tịch Mặt trận của xã (lúc ấy mới biết hệ thống chính trị của xã gồm: Chủtịch, BT ĐU, PCT, CT Mặt trận, BT Thanh niên, CT Phụ nữ, CT CCB, CT hội Người cao tuổi và các ban ngành: tài chính, kế hoạch, văn hóa, Nông nghiệp, GD-ĐT, Địa chính, TB-XH). Nhà có 2 thằng con trai lớn cả rồi. Cuối năm cậu cả sẽ lấy vợ.
Hỏi đến đời sống của dân, anh bảo tỷ lệ hộ nghèo (thu nhập dưới 200K/người/tháng) chiếm 40%. Còn nhiều gia đình đứt bữa. Học sinh nhiều đứa chẳng đủ quần áo mặc. Mùa rét cũng chỉ có manh áo mỏng. Chuyện trò một hồi thì cơm đã xong. Mọi người quây quần ấm cúng. Lại cụng ly mừng gặp mặt, chúc sức khỏe. Trong mâm có món đặc sản mới được ăn lần đầu: canh nõn chuối rừng. Ngon và mát. Mới gặp lần đầu mà thấy rất thân quen.

Hoàng hôn phố núi
 Cơmnước xong, chuyện trò quanh ấm trà một lúc. Hỏi thăm ở đây có mấy gia đình liệt sĩ, cựu chiến binh hoàn cảnh khó khăn (định bụng sáng hôm sau sẽ đến thăm). Anh chủ nhà và cô Lới hẹn sáng hôm sau sẽ đưa vào tham quan hồ du lịch Vinh Quang gần đó. Nghe nói còn có một cái hồ mà muốn lên đó phải leo núi, trong bụng đã muốn đi. Cô Lới mời vợ chồng về nghỉ ở trường Mầm non, thế là tạm chia tay với chủ nhà.

Ngôi trường Mầm non tương đối khang trang được xây dựng năm 2007 với kinh phí 850 triệu đồng do tổ chức “Tầm nhìn thế giới” tài trợ. Năm ngoái, họ lại cho 90 triệu xây nhà Ban giám hiệu và tường rào. Bây giờ họ vẫn cho tiền để cấp cho mỗi cháu học ở đây 70K/tháng. Lớp học của các cháu tương đối đàng hoàng, nhưng chưa thấy có các đồ chơi ngoài trời (cầu tượt, bập bênh, đu...). Sân vẫn là nền đất. Đặc biệt là chưa có nước. Có khoan giếng mà chưa trúng mạch. Nước là do các cô đi gánh về dùng.
Trường MN Phú Nghiêm nhìn từ nhà BGH

Nhà sàn người Thái

Trước cổng trường Mầm non.

Với bạn mới.

Bịn rịn chia tay.
 Cô Lới nhường vợ chồng tôi phòng ngủ, lấy chăn màn xuống ngủ ở lớp học. Vốn khó ngủ (TMK mà), lạ nhà, lại quên mang theo thuốc an thần, nàng trằn trọc suốtđêm, chỉ chợp mắt được độ nửa tiếng. Thế là sáng sớm, nàng bảo: "Về luôn thôi anh ạ. Em chẳng còn sức đi đâu nữa đâu”. Đành vậy. Thế là bao kế hoạch cho buổi sáng đó tan thành mây khói. Gọi điện cho Lới thông báo tình hình. Lới gọi cô Đangđưa xe đến và hai người đưa chúng tôi ra thị trấn bắt xe. Khoảng 6h30 bắt được xe đi Hà nội. Có chỗ ngồi hẳn hoi. Xe này chạy theo đường Hồ Chí Minh. Từ Quan Hóa, chạy qua Bá Thước, Ngọc Lặc là hết địa phận Thanh Hóa, vào Lương Sơn, Hòa Bình. Dọc đường, nhà xe cứ thế là lèn người. Nhồi nhét xếp người như xếp cá hộp. Phần đông là các cháu sinh viên về nghỉ lễ trở ra HN học tiếp. Số người say xe không ít. Nhà xe đã chuẩn bị sẵn rất nhiều túi cho họ. 11h30 ra đến Viện 103. Hai vợ chồng xuống bắt taxi về nhà, kết thúc tốt đẹp chuyến phượt tùy hứng. Xin chia sẻ với các bạn những tấm ảnh chụp được trong chuyến đi.


Bình minh nhìn từ cầu qua sông Mã
 Về nhà, vợ thấm mệt. Mình thấy bình thường. Có đi mới thấy tuy đời sống dân có lên nhiều so với trước: rất nhiều người có điện thoại di động, TV mầu tương đồi nhiều trong bản người Thái, đường xá đi lại tương đối thuận tiện...
Song cũng còn không ít người vất vả, mức sống thấp: dọc đường vẫn thấy các ngôi nhà tranh tre lụp xụp, trẻ con đi học xa quá vất vả, dân các bản (không xa phố huyện là mấy) vần thiếu ăn, thiếu mặc...
Và ở tận vùng xa đó, người ta cũng nhận xét: “Các quan chưa lên đã chỉ chăm chăm xem đút được bao nhiêu tiền vào túi thì dân còn hy vọng gì?”. Lại lăn tăn “không biết lần này có chỉnh được hết những cái hư đốn không?”.
Bình minh núi rừng
Lại chạnh lòng thương các cụ phụ huynh Trỗi đã đổ bao mồ hôi xương máu để bây giờ ra thế này. Và áy náy chưa thực hiện được tâm nguyện đến thăm mấy gia đình chính sách nghèo. Đành hẹn đến lần sau vậy.

6 nhận xét:

Nặc danh nói...

Vợ chồng bác đúng là những tay phượt mới nhưng rất hay, có thể nói là "du lịch theo cảm xúc". Chả cần motor, chả cần car, chỉ ít tiền găm túi và các máy ảnh và hướng dẫn viên là nhân dân.
Đi thế mới thấy hết cuộc sống của dân ta cùng cảnh đẹp hoang sơ, nguyên thủy.
Mà chưa thấy bác gửi ảnh?
BT5

TranKienQuoc nói...

Du hí với 1 niềm tin và say mê, hơn nữa cái cần là tìm cho mình sự thoải mái nhất. Hay!

Nặc danh nói...

Great !

thang LPZ nói...

cám ơn anh đã viết lên đôi dòng phóng sự hay quá

Nặc danh nói...

Chính cô hiệu trưởng trường Mầm non mới là người làm marketing khéo, mời được cả ông bà khách HN chuyển hướng đi, không lên Mai Châu mà về quê mình. Giỏi, giỏi!

Nặc danh nói...

Cái chính là TÌNH NGƯỜI!