Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

Câu chuyện về đôi lợn giống và Tháp truyền hình Tam Đảo (Trần Đình Ngân, Berlin)

Viết xong rồi đặt tựa đề cho câu chuyện định kể, tự tôi cũng thấy ngạc nhiên vì cái tên bài hơi kỳ!?    Hai con lợn và cái cột truyển hình thì có quan hệ gì với nhau?
Mà cũng xin thưa, cái cột truyền hình tôi định nhắc đến là cái cột Tam Đảo thời những năm 1976-80, chứ không phải là cái cột truyền hình bây giờ mà người ta gọi là “Tháp truyền hình cao 93m”, đặt trên đỉnh Thiên Nhị của dãy Tam Đảo, có độ cao phát sóng nổi tiếng thế giới (cao hơn mặt biển cỡ 1300m). Theo các catalogue Du lịch Vĩnh Phúc, hướng dẫn viên bắt buộc phải đưa khách theo con đường trải nhựa hoặc men theo gần nghìn bậc thang lèn đá mới xây, để lên thăm cảnh thiên nhiên ngoạn mục trong tua du lịch hai ngày.






Cột truyền hình Tam Đảo thời “Truyền hình thử nghiệm“ là cái cột phát truyền hình đen trắng. Hàng chục tấn sắt thép được vác lên đỉnh Thiên Nhị bằng sức người, từ hướng đường mòn phía Đại Từ (Thái Nguyên), lắp ráp thành cột phát sóng hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Chương trình thử nghiệm cứ phát được năm, mười phút lại tắt phụt, tối thui và màn hình loằng nhoằng một lúc rồi “Xin lỗi các bạn xem đài, cột phát Tam Đảo vừa bị sét đánh!”.
Do đơn vị đóng quân tại Vĩnh Yên, những khi trời trăng sao mà TV xảy ra sự cố, tụi tôi sốt ruột ngó lên ngọn Thiên Nhị, ngạc nhiên: trời quang mây tạnh thế này, Tam Đảo lấy sét ở đâu ra mà nhiều thế?…

***
Còn chuyện con lợn, thì quả là một chuyện dài và rất cảm động. Hơn 30 năm qua rồi, thế hệ chúng tôi, nhiều người còn nhớ về lợn. Lợn trong các gia đình thời đó được gọi là “Thủ trưởng“, là cơ nghiệp, là tài sản mà người tađặt vào đó bao nhiêu dự định cải thiện cuộc sống nên cũng dành vào đó nhiều tiền bạc, công sức, vất vả, chăm nom, mong sao lợn không sinh bệnh, ăn no, chóng lớn, nhanh trả ơn người. Người ở nông thôn nuôi lợn thì là chuyện thường tình nhưng ở thành phố, giữa thủ đô mà nuôi đượcđôi lợn thì là một chuyện lạ, một kỳ tích. Ngoài công sức, tình cảm dành cho con lợn còn phải tính đến thức ăn, nước tắm, nơi chăn nhốt và vệ sinh môi trường cho cả „thủ trưởng“ và người.
Gia đình 99 Trần Hưng Đạo (Hà nội) thời cuối những năm 1970 cũng nuôi một vài (có lẽ cả chục) lứa lợn. Nhưng riêng cặp lợn này là một lần hy hữu.
Tôi không nhớ rõ do duyên cơ nào mà Trần Kiến Quốc và tôi quen với anh Nguyễn Thanh Đồng. (Hình như ngày đó cụ Khái, bố vợ Phạm Văn Bính (cùng bộ môn Quốc), đang công tác ở Ủy ban Phát thanh truyền hình VN. Do vậy mà cụ giới thiệu anh Đồng với Bính, Quốc. Tiếc là cụ Khái và Bính đều đã là người thiên cổ!).
Cảm xúc của tôi ngay ban đầu quí anh Đồng vì được biết anh là “Tổng công trình sư“ lắp ghép cột truyền hình Tam Đảo. (Tổng công trình sư tôi viết trong ngoặc kép vì thời đó có thể khẳng định việc lắp ghép thành công một công trình lớn tầm cỡ nhà nước như cột truyền hình Tam Đảo (với chỉ bằng sức người , trong địa hình hiểm trở, trước sự đe dọa của sấm chớp bất cứ lúc nào trong ngày), thì anh Đồng phải là một cán bộ khoa học rất giỏi, có trình độ tổng hợp và nhiều năng lực. Nhưng, chức danh thực của anh Đồng mà người ta giới thiệu thì chỉ là tổ trưởng đội thi công cột truyền hình!).
Kiến Quốc ngoài sự nể phục tài năng, có thể còn có cớ gặp anhĐồng vì loanh quanh ba cái vụ Viba, thu phát sóng chính là nghề chuyên môn của Quốc. Còn lần đầu tôi biết anh là qua Quốc giới thiệu , sau đó thân quen là do cảm nhận cá nhân.
Anh Đồng cũng biểu hiện rất quí mến chúng tôi vì biết hai anh em đều là thầy giáo của Đại học Kỹ thuật Quân sự (ngày đó chưa lên Học viện). Lúc vui anh đùa: “Ngân, Quốc còn là kỹ sư-sỹ quan, trung úy-thượng úy; chứ anh, chức đội trưởng chắc chỉ trung sỹ, chuẩn úy là cao!”.
Một điều hết sức cảm động là hôm Quốc mời anh Đồng đến 99 Trần Hưng Đạo chơi, (tôi không có mặt), anh Đồng từ ngạc nhiên đến rất xúc động vì biết 99 Trần Hưng Đạo là địa chỉ gia đình cụ Trần Tử Bình. Mẹ Hưng như tất cả mọi lần đều hết sức quí mến bạn bè của con cái. Mẹ tiếp chuyện anh Đồng, thăm hỏi vợ và các con anh, rồi an ủi động viên anh về những việc mà anh đã tin cẩn bộc bạch. Gặp tôi lần sau , anh kể lại, do quá xúc đông, hôm đó anh đã khóc vì lâu lắm không được một người mẹ nào ân cần, chăm chút như vậy.
Tuần sau đó, tôi bận việc dạy cho khóa chuyển tiếp kỹ sư tại Trường sỹ quan Tham mưu chỉ huy kỹ thuật không quân (nay là Học viện Không quân Bạch Mai) nên không có dịp qua nhà. Chiều thứ bảy, Quốc đón tôi tại 23 Phan Bội Châu. Công việc mà tôi và Quốc dự định là, tìm phương tiện để hôm nay đến gia đình thăm vợ chồng anh Đồng và các cháu.
Ở Đại học Kỹ thuật quân sự , việc điều động một chuyến xe riêng không khó đối với tôi và Quốc. Chúng tôi ngoài quan hệ công tác còn có rất nhiều những mối thân tình với anh em trongđội xe. Tại 23 Phan Bội Châu vào chiều tối thứ bảy, chỉ cần chầm chậm một chút, đợi các em lái xe đưa đón xong các thủ trưởng về gia đình (hoặc tới nơi họ đến công tác) là mấy anh em tôi có thể vi vu chút việc riêng. (Cũng có xe con như thủ trưởng!).
Tôi, Quốc và chú lái xe tên Quân về qua 99. Cánh cửa sắt lạch cạch do cái xích cổng có cái mỏ sắt nặng, đen bóng đập vào. Nhận ra hơi người nhà, con Bông hiền từ gừ gừ hai ba tiếng rồi lững thững đi ra vẫy đuôi. Ngõ vào sân trong hôm nay khác mọi ngày vì bên tường giáp với nhà chú Trần Độ (nhà số 97) mới được vẩy ra cái mái tạm(!). Cự ly giữa hai cây na được nối với nhau bằng hàng gạch xây hờ, bít hai đầu, tạo thành cái chuồng nuôi khoảng hai mét vuông. Nhìn thoáng qua, tôi nhận ra ngay đây sẽ là "tư dinh của thủ trưởng“ mà hôm nay tôi với Quốc sẽ đón về.
Mẹ Hưng ngồi trong sân trên cái ghế mây thấp. Ghế đã cũ, một bên tay vịn bằng mây đã tuột lỏng tự bao giờ. Thấy chúng tôi về mẹ bèn hỏi, mấy anh em đã ăn cơm chưa, trong bếp hôm nay có cơm và cá kho đấy! Quốc nhìn xéo tôi, nói: chúng con ăn rồi và hai anh em chuẩn bị lên đường.
Chiếc GAZ-69 của chú Quân bon bon. Quốc chỉ đường. Ba anh em vượt cầu Long Biên ra ngoại thành Gia Lâm, trực chỉ phía Cầu Đuống. Chiến tranh đã qua khá lâu, nhưng cuộc sống và nếp sống thì còn nhiều khó khăn quá. Loanh quanh đến hơn tiếng đồng hồ, Quốc mới đưa chúng tôi đến gần được địa chỉ cần tìm. Trời tối, từ trên đê, xe rẽ xuống cánh đồng. Làng quê không ánh đèn. Bờ tre hun hút. Đường mương khúc khuỷu gồ ghề. Vệt sáng của pha đèn chiếu vào các bờ bụi tạo cảm giác chập chờn, bất ưng. Bên bờ một con máng nhỏ ngoài dệ làng có một xóm mới, le lói ánh đèn dầu. Thằng cháu con trai anh Đồng từ trong một bụi muồng muồng vụt nhảy ra, đứng chắn đầu xe: “Có phải xe chú Ngân , chú Quốc không ạ?”. Xe vừa kịp dừng, thằng cháu thò cổ vào xe liến thoắng: “Sợ các chú lạc đường, bố bảo cháu ra đón. Bố mẹ cháu vẫn đang chờ cơm các chú đấy ạ!”. (Tôi vỡ lẽ ra cái “nhìn xéo” của Quốc lúc chiều. Thì ra anh Đồng và Quốc đã có si-nhan với nhau từ trước. Anh Đồng hẹn có một bữa chiêu đãi khách Thủ đô về!).
Cái nhà tập thể lợp tranh, vách đất xập xệ của cán bộ nhân viên Đài Phát thanh Truyền hình VN chắc chắn được dựng từ thời sơ tán chiến tranh. Thật khó miêu tả đó là nhà! Hai vợ chồng và hai đứa con của “Tổng công trình sư“ có khoảng 12m vuông. Mâm cỗ thịnh soạn đặt trên giường. Góc học của trẻ con cũng ngay trên đó vì tôi thấy sách vở của các cháu xếp gọn một góc. Lẻn ra sau nhà là bếp, sân rửa và góc tối xa, nghe thấy tiếng ụt ịt của chú xề với bầy con.
Ở gian liền vách, có tiếng người hỏi vọng sang: “Bác Đồng hôm nay có khách à? Các thủ trưởng ở Hà Nội về, để xe ngoài máng, trời tối là phải coi cái đèn với bộ gạt nước đấy nhá!”. Tuyệt nhiên không nghe thấy tiếng phát thanh truyền hình, chợt nghĩ ra, xóm này không có điện!
Cả nhà cùng đói ngấu. Lâu lắm mới có bữa cơm tươi! Thịt gà, cá rán, chai rượu quê vơi dần. Có quà của bà ở Hà Nội gửi cho cùng quà của các chú. Hai đứa trẻ vui thật sự. Cháu trai lớn năm tới là thi đại học, hai chú cùng hứa hè lên Vĩnh Yên với các chú để học ôn thi (các khóa ôn thi đại học của các thầy trường Quân sự nổi tiếng đã vài năm nay).
Chị vợ anh Đồng giọng miền trong rất nặng, nói ít, cười nhiều . Chắc chị vất vả lắm mới xoay xở cho ra bữa cỗ thời bao cấp nhưng chị vẫn ái ngại vì cho rằng vậy là quá ngọ ngằn, đơn giản, mong các chú thông cảm!
Hơn mười giờ tối. Cơm vui. Chuyện về cái cột truyền hình Tam Đảo, chuyện nhà ông dựng cột truyển hình mà chẳng bao giờ được xem truyền hình vì nhà không đủ tiêu chuẩn cấp điện(!), chuyện về độ cao, về sấm chớp trên Tam Đảo... làm gian nhà tập thể chật chội, ánh sáng chập chờn theo ngọn đèn dầu trở nên ồn ào. Mấy anh em đông vui, là ngà, khật khừ trong hơi men.
Chuyện hay hơn, anh Đồng kể, dựng được cái cột truyền hình ấy là nhờ anh sống với dân sơn tràng. Họ đốn cây to cả chục người ôm giữa sườn núi dựng đứng, phải ngả thế nào, chống đỡ ra sao, rồi xẻ gỗ thành tấm… là bài học dựng cột của anh. Không có những người như anh thì còn lâu cả miền Bắc lúc bấy giờ mới xem được truyền hình.
Khào khào trong tiếng chia tay, anh Đồng hất tay cho hai đứa trẻ quay vào trong bếp. Bọn trẻ bế ra hai con lợn con hồng hào, bụ bẫm, mỗi con khoảng hơn hai cân được cuốn gọn trong tấm vải bố. Đôi lợn quả đẹp (chắc là đôi đẹp nhất trong đàn!). Anh Đồng trầm giọng nói:
- Anh gửi biếu để bà nuôi cho vui!
Nghĩ cảnh cán bộ nhân viên nhà nước như vợ chồng anh Đồng đầu tư nuôi lợn nái, nhìn thấy hoàn cảnh nơi ăn chốn ở của anh chị và các cháu làm tôi vừa cảm phục vừa chia sẻ nỗi vất vả của anh. Như Quốc đã bàn định từ trước, tôi đặt tay vào túi đưa ra ít tiền cho các cháu. Bọn trẻ rụt vội tay lại. Anh Đồng nghiêng mắt nhìn từ tôi sang Quốc mếu máo:
- Anh chẳng có gì, dám gửi sang biếu bà đôi lợn là của nhà làm ra nhưng lòng anh chị còn sợ phạm thượng với bà. Lẽ nào các chú lại trả tiền?!
... Hơn 11 giờ đêm, chiếc xe con lùi đít vào ngõ nhà 99. Mẹ vẫn thức đợi cả bọn. Cô em Minh mau mắn chạy ra đón. Chú út Trung vừa từ công ty về, tay cầm bó giấy, châm lửa đốt hơ quanh chuồng. Đôi lợn được thả vào nơi ở mới, khụt khịt vài tiếng rồi rúc vào cái ổ rơm lẫn lá chuối khô ở góc chuồng. Con Bông gầm gừ vẫy đuôi, chắc nó cũng nhận ra là từ hôm nay sẽ có thêm hai tên bạn mới.
Mẹ Hưng đứng nhìn đôi lợn rất lâu. Xoa tay lên lưng một chú lợn, mẹ khen: “Đôi lợn đẹp và sẽ dễ nuôi”. Qua ánh đèn hắt từ trong nhà ra, tôi chùng lòng nhìn mẹ. Nghĩ đến câu nói của anh Đồng, tôi thấy mẹ thật lớn lao. Mẹ nguyên là cán bộ lão thành, là cán bộ cấp bộ. Hiện nghỉ hưu, mẹ vẫn rất được kính nể, trọng vọng và bây giờ mẹ nhận nuôi hai chú lợn con như một lẽ rất tự nhiên, thời cuộc và đời thường.
Câu chuyện suốt dọc đường về giữa tôi và Quốc, thỉnh thoảng có thêm câu góp của chú lái xe, anh em cùng lo cho sự vất vả thêm của mẹ vì đôi lợn nhưng cũng già non đoán định cái cách mà mẹ dành cho con cháu qua chuyện nuôi lợn lần này.
***
Chuyện kể lại từ hơn 30 năm trước, nhiều tình tiết cụ thể bị xáo trộn, lãng quên, nên kể ra không còn nguyên văn, chính xác nhưng cốt của chuyện này xin kính tặng hương hồn Mẹ Hưng kính yêu.
Câu chuyện “Mẹ Hưng nuôi lợn thời bao cấp khốn khó” đến bây giờ nhắc lại vẫn cho con cháu nhiều lời khuyên, bài học quí giá.
Chuyện cái cột truyền hình, nếu có ai hỏi, tôi cũng xin nói thêm rằng, khi kể ra cùng đôi lợn, tôi chỉ coi đấy là cái cớ. Cột phát song Tam Đảo đã tồn tại gần 40 chục năm. Anh Nguyễn Thanh Đồng đã hưu trí từ lâu và chắc hai cháu con anh giờ đã thành đạt, phương trưởng. Nhà 99 vẫn còn nguyên địa chỉ cũ nhưng khu tập thể truyền hình giữa cánh đồng Gia Lâm đêm hôm đó, giờ không biết bị thuyên chuyển về đâu!?
Chúng tôi sau nhiều năm lăn lộn ở trời Đông Âu, giờ cũng đã vào tuổi 60-70. Mất liên lạc với anh chị Đồng và các cháu là điều đáng tiếc và băn khoăn của chúng tôi. Chuyện xưa được nhắc lại, cũng mong manh hy vọng, giá như anh chị và các cháu đọc được chuyện thời của anh em mình, xin cầu Trời cho anh chị còn khỏe mạnh và hẹn gặp nhau trong một ngày gần đây.
Berlin tháng 03-2012

5 nhận xét:

Nặc danh nói...

Nghèo, khổ và nhiều kỉ niệm hay. Nhớ cụ ông có dạy: chỉ có lao động sáng tạo mới có tự do chân chính. Có lẽ là vậy.

dathb136 nói...

Cái tình người ngày xưa đẹp biết bao.Buồn cho ngày hôm nay?Anh Ngân,anh Quốc sao để mất một người bạn tốt và chân thành thế?

Tualinh nói...

Chuyện chân thật và cảm động,thấm đậm tình người.

TranKienQuoc nói...

Vì làm ăn mưu sinh mà vắng xa HN, sau đó là những năm tháng xa quê hương. Chừng ấy năm với bao biến động của thời cuộc, vậy mà chưa có dịp gặp lại. Phải tìm chứ, vì anh Đồng tốt lắm.

QV nói...

Cốt chuyện hay và cảm động. Rất thật, rất nhân văn. Mẹ Hưng, anh Đồng thật tuyệt vời.
Ngày xưa thiếu thốn đủ thứ nhưng cuộc đời thật đẹp, đầy tình, đầy nghĩa. Bao giờ cho đến ngày xưa?
Cách viết của tác giả thật hấp dẫn.
Chắc anh Ngân còn nhiều chuyện hay như thế và hơn thế. Viết tiếp đi anh.