Cô vẽ bầu trời xanh
Em gắn con chuồn ớt
Vuốt cong đôi cánh mỏng
Trời trong thêm mênh mông…
Cô vẽ thêm dòng sông
Em gắn con thuyền giấy
Thuyền êm êm gối bãi
Đôi bờ canh giấc say.
Nào cô vẽ đám mây
Em gắn ngay cò trắng
Đang rẽ mây tìm nắng
Thả ánh vàng bay bay…
Kìa cô vẽ ban mai
Chân trời hình rẻ quạt
Em gắn luôn chú vạc
Trở về đón bình minh.
Lung linh cờ Tổ quốc
Em xếp chữ Bác Hồ
Trời cao xanh muôn thuở
Giữ sắc cờ thắm tươi!
(Rút trong tập: “Bầu trời qua đôi cánh chuồn", NXB Hội nhà văn, năm 2007).
Bài thơ như một bức tranh với gam màu sáng tươi vui, trong đó cô vẽ “bầu trời xanh”, “dòng sông”, “Đám mây”, “ban mai”, “cờ Tổ quốc”, gợi mở cả một chân trời mới về quê hương, đất nước. Còn em học sinh nhỏ lại “gắn” vào đó những ước mơ của tuổi thần tiên. Đây không chỉ là những trò chơi “Gắn hình xếp chữ” mà còn là một trong những bài học làm người đầu tiên cô giáo đã trao cho em bằng tất cả tấm lòng để em có thể cảm nhận được thế giới quanh em ngọt ngào và vô cùng đáng yêu.
Những cặp từ: “Cô vẽ” – “em gắn” được sử dụng nhịp nhàng, làm cho cô và trò trở thành một cặp đôi rất tự nhiên, ăn ý, mỗi lần cô “vẽ” là một lần gợi mở và mỗi lần em “gắn” là một lần reo vui trong sự tìm tòi khám phá cuộc sống. Cô luôn dịu dàng hướng dẫn cho em trên con đường đời, sự tăng tiến từ những hình ảnh của thiên nhiên vô tư, trò chơi đã dẫn trẻ thơ đến với lá quốc kỳ thiêng liêng và hình ảnh vị lãnh tụ kính yêu. Tình yêu quê hương đất nước, những ước mơ khát vọng bay bổng hòa quyện với những tình cảm công dân trong sáng, mẫu mực được tác giả thể hiện một cách nhuần nhị, tự nhiên. Bài học giáo dục lớn lao thấm vào lòng trẻ thơ một cách nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, đồng hành trong suốt cuộc đời, ăm ắp những sắc màu và những âm thanh trong trẻo của sự khám phá. Bài thơ khép lại mà hình ảnh bầu trời hòa bình cao xanh muôn thuở và sắc đỏ thắm của lá quốc kỳ để lại những ấn tượng thật là đẹp.
Tác giả đã thực sự sống với đời sống tình cảm và nhận thức của trẻ thơ, bởi vậy bài thơ chuyển tải những điều lớn lao của mục đích dạy và học nhưng không hề nặng nề khiên cưỡng. Nhà thơ Lê Văn Lộc là một nhà giáo yêu nghề mến trẻ đã xuất bản nhiều tập thơ dành cho thiếu nhi và “Gắn hình xếp chữ” là một trong nhiều bài thơ hay viết cho thiếu nhi của anh.
Trần Vân Hạc
Bài đăng Phổ biến
- Bài hát chế "HN - niềm tin và hy vọng"
- NHỚ DUY ĐẢO
- Thơ gửi từ Úc: THƯỜNG DÂN (Ngô Hà, dân Guilin 1950)
- Lần đầu công bố: Những phút cuối cùng của Lưu Thế Dũng (Tư liệu gia đình)
- CÂU CHUYỆN TẬP KẾT RA BẮC (1954 – 1956) - (Việt Dũng)
- Thăm tư gia của Nhất Trung
- Bài thơ Xứ Quảng (Phan Hoài Thuận)
- Hồ Xuân Hương và bài thơ Vịnh cái quạt (Huỳnh Văn Úc)
- Y học thường thức: Địa chỉ chữa Gout tốt (Phong- con cô Thục)
- Câu đối của dân Đè Nẽng (Hoài Lưu k5)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét