Thứ Hai, 25 tháng 6, 2012

Chuyện muộn về Tết Đoan Ngọ (ST)

Ngày mai mồng 5 tháng 5, gọi là tết Đoan Ngọ. Những ngày này trời thường oi nồng. Trước đây vào ngày này, ông lang vườn thường dậy trước 5h sáng đi hái cây thuốc. Đến chỗ có cây thuốc phải căm hơi (nín thở) cách cây thuốc 7 bước chân. Hái cây thuốc xong rồi ra 7 bước mới được thở. Làm như thế thì thuốc khi dùng mới hiệu nghiệm.

Có lần tôi đã thấy bố cắt về cả một lượm lúa, bó gọn rồi gác gác bếp. Hạt thóc lấy ngày hôm ấy được sao rang cháy xém rồi đun sôi làm nước uống chữa cảm sốt.


Những nhà có cây ăn quả như mít, bưởi, dâu da... đã lớn mà chưa ra hoa trái người ta thường cho trẻ con sắp sắn cái vồ gỗ để canh gốc. Tinh mơ, đứa lặng lẽ trèo lên cây, đứa kia vác vồ lẩm bẩm câu chú chúng tự nghĩ ra: Dâu dả dâu da, ra quả cho bà, không bà đánh chết...Mồm nói, tay vung vồ đập mạnh gốc cây. Đứa trên cây ra giọng sợ hãi: xin bà nhẹ tay, năm nảy năm nay, con xin ra quả.

Tưởng chuyện đùa nhưng khảo gốc khá hiệu nghiệm. Thường là sau khi bị gõ trầy da rách vỏ thì năm ấy cây trổ hoa. Nhà anh rể tôi có cây dâu da trên sáu năm không ra quả bị hai đứa con khảo vào ngày 5 tháng 5, thế là cuối hạ hoa trổ dày như lộc vừng. Năm ấy bói mà có đến dăm chục kí quả. Những năm tiếp theo cây ra quả đều đều. Nhiều nhà cũng đi khảo mít bưởi khế đều hiệu nghiệm.

Lời hứa của đứa bé trèo trên cây giả làm lời của cây hứa với chủ nhân ở gốc xem ra hiệu nghiệm hơn lời hứa của các ngài bộ trưởng trước Quốc hội.

Với dân gian, cây cối cũng có chữ tín dù nó chẳng được ai dạy dỗ làm người!



Nguồn: FB Đỗ Đức.

1 nhận xét:

Viên Thạch nói...

Chuyện này vui thật đấy ! Có khi đem áp dụng với người trong lĩnh vực sinh sản, khi cần sinh con theo ý muốn cứ áp dụng cách này lại hay !