Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2012

Khánh Ly: Đa đoan một kiếp cầm ca (ST: Đạt)

Khánh Ly hát hay, Khánh Ly nổi tiếng, nhưng cuộc đời thì sao? Câu trả lời là: Tài hoa cũng lắm, đa đoan cũng nhiều! Tài hoa thì do  thiên phú. Còn đa đoan thì hầu như do Khánh Ly chọn lựa.                

Khánh Ly là nghệ danh được ghép từ tên của hai nhân vật lừng lẫy trong truyện "Đông Chu Liệt Quốc": Khánh Kỵ và Yêu Ly. Nhưng xem ra, cách sống và xử sự của Khánh  Ly chẳng giống chút nào với hai con người khí khái  này.

Chào đời tại Hà Nội vào năm đói Ất Dậu (1945), tên cúng cơm của Khánh Ly là Nguyễn Thị Lệ Mai, bạn bè  thương gọi là "Mai Đen". Được trời ban cho một chất giọng đặc  biệt, 9 tuổi Khánh Ly đã bước lên sân khấu tham gia một cuộc thi   ca hát với ca khúc "Ngây thơ", nhưng chẳng nhận được một thứ  hạng đáng kể nào cả. Năm 1956, sau khi theo gia đình vào định cư tại Đà Lạt, Khánh Ly đã tham gia cuộc thi hát nhi đồng, do Đài  phát thanh Pháp Á tổ chức tại Sài Gòn. Với nhạc phẩm "Ngày trở  về" của Phạm Duy, Khánh Ly đoạt được giải nhì. Mãi đến năm 1962,  Khánh Ly mới thật sự bước vào đời ca hát chuyên nghiệp tại phòng    trà Anh Vũ trên đường Bùi Viện, Sài Gòn. Chưa có tiếng tăm gì,   khó cạnh tranh, chỉ một thời gian ngắn, Khánh Ly phải quay về Đà Lạt hát cho một vài hộp đêm tại đó.


Mãi đến năm 1967, Khánh Ly mới thật sự nổi tiếng. Cô nhanh chóng chinh phục được người nghe bằng dòng  nhạc của Trịnh Công Sơn, trở thành một trong ba giọng ca nữ hàng  đầu của Sài Gòn thời đó, theo thứ tự là Thái Thanh - Lệ Thu - Khánh Ly. Năm 1968, cô đứng ra thành lập hội quán Cây Tre ở số 2bis Đinh Tiên Hoàng, Đakao, thu hút đông đảo văn nghệ sĩ và  thanh niên, sinh viên, học sinh tìm đến.

Hội quán Cây Tre tuy rất nổi tiếng nhưng  không có hiệu quả về kinh tế. Đến năm 1972, Khánh Ly trở thành  bà chủ phòng trà cùng tên (Khánh Ly) tại số 12 - 14 đường Tự Do  (Đồng Khởi). Nhưng tiền của kiếm được bao nhiêu, hầu như Khánh Ly đều nướng sạch vào những canh bạc thâu đêm suốt sáng, thường xuyên tổ chức tại phòng trà cũng là nơi ở của mình. Tại địa chỉ  này, Khánh Ly còn tập họp một số "bằng hữu" toàn là những tay  anh chị khét tiếng trong đám sĩ quan người nhái, có mặt hằng  đêm, như: Phong Nhái, Chánh Râu, Chất Lựu Đạn… Đám giang hồ áo lính này coi phòng trà Khánh Ly như trụ sở, từ đó bung ra đi thu  tiền bảo kê hầu hết các vũ trường, snack bar, night club khắp trung tâm Sài Gòn, rồi quay về "trụ sở Khánh Ly" chia chác chiến lợi phẩm. Hai món cờ bạc mà Khánh Ly say mê nhất là xì phé và  xập xám. Dường như câu nói cửa miệng của dân đổ bác: "Tiền xâu,  đánh đâu, thua đó" đã hoàn toàn ứng nghiệm vào cuộc đỏ đen của Khánh Ly.

Tài danh có thừa, nhưng đời ca hát của   Khánh Ly không chỉ toàn vinh quang, mà cũng có khi lắm nỗi nhục nhằn. Năm 1973, Khánh Ly tổ chức một chương trình ca nhạc tại Đà  Lạt. Nhiều ngày trước đó, người ta thấy trên những băng rôn  quảng cáo có nhiều tên tuổi ca sĩ nổi tiếng. Thế là khán giả nô  nức đến xem, vé đã được bán sạch sành sanh. Vậy mà xuyên suốt  chương trình, chỉ có Khánh Ly và Ngọc Minh thay nhau bao hết.  Ngoài ra không có một ca sĩ nào khác. Cho là mình bị lừa, khán   giả bắt đầu la ó, rồi tràn lên sân khấu đập phá. Khánh Ly phải chui ván sàn thoát thân. Ngày hôm sau, một tờ nhật báo tại Sài Gòn đã đưa tin với tựa đề giựt gân "Khánh Ly chui lỗ chó chạy  trốn tại Đà Lạt". Khánh Ly cay lắm, nhưng đành ngậm bồ hòn.

Dân văn nghệ Sài Gòn trước năm 1975,  thảy đều biết rằng Khánh Ly rất kỵ Lệ Thu, chỉ vì con gà ganh  nhau tiếng gáy. Dạo đó nhiều bầu sô và người làm chương trình  đến mời Khánh Ly tham gia, đều bị hỏi một câu: "Có Lệ Thu không?  Có bà ấy là không có tôi!". Một lần, nhân dịp họp mặt khóa 10 trường Võ bị Đà Lạt được tổ chức tại hồ nước trong khuôn viên   Tiểu đoàn 61 Pháo binh, tại Gò Vấp (nay là UBND quận Gò Vấp),  người làm chương trình cố tình sắp xếp cho Lệ Thu hát mở màn và  Khánh Ly hát phần sau để tránh cho hai người gặp nhau. Chẳng  may, sau khi hát xong, thay vì về sớm thì Lệ Thu lại được tướng  Lê Minh Đảo mời ngồi lại đến mãn tiệc. Khi đến nơi, thoáng thấy Lệ Thu, Khánh Ly lập tức bỏ hát quay về. Người làm chương trình hết lòng nài nỉ, nhưng Khánh Ly vẫn không đổi ý: "Anh nói với  tôi là không có Lệ Thu, tôi mới nhận lời. Tôi đã nói trước với anh rồi, có Lệ Thu là không có tôi".

Có một dạo, dư luận xã hội đồn ầm lên rằng, chất giọng được mệnh danh là "giọng hát ma túy" của Khánh Ly có được là do chơi thuốc phiện. Kỳ tình "Mai Đen" không hề   dính líu tới ả phù dung. Nhưng một lần, Khánh Ly đi từ Sài Gòn lên Thủ Đức trên một xe du lịch với một ông cò Cảnh sát. Khi đi  ngang qua lãnh địa của một ông cò khác, thuộc phe đối nghịch, xe bị chặn lại khám xét. Mở cốp xe ra thì thấy một bàn đèn để hút  thuốc phiện. Tuyệt nhiên, thuốc phiện thì không thấy. Khánh Ly nhận là của mình, nhưng cho đó chỉ là vật trang trí. Vậy là hôm  sau, đi đâu cũng nghe người ta bàn tán việc Khánh Ly hút xách một cách sôi nổi với những tình tiết được thêm mắm, thêm muối thật hấp dẫn.

Khánh Ly có vóc dáng mình hạc xương mai, phảng phất nét liêu trai chí dị. Khuôn mặt dễ nhìn, không thuộc  loại "hồng nhan", nhưng đường tình ái cũng rất "đa truân!". Thuở  mới thành danh, Khánh Ly gá nghĩa vợ chồng với một tay chơi, có  cái biệt danh kèm theo tên cúng cơm rất ấn tượng: "Minh Đĩ". Anh  chàng này vốn con nhà giàu, có bà chị lấy chồng là một đại tá  không quân. Nhờ vào tiền của và thế lực của ông anh rể, Minh Đĩ    chui vào làm lính kiểng với cấp hàm trung sĩ, thuộc binh chủng không quân, để tránh ra trận. Được hai mặt con thì Khánh Ly và Minh Đĩ ca bài chia tay. Chẳng bao lâu, Khánh Ly lấy Mai Bá  Trác, một Đại úy biệt kích, khi ông ta đang làm trưởng trại Lực  lượng đặc biệt (LLĐB) Thiện Ngôn ở biên giới Tây Ninh. Thời đó  mà được làm trưởng trại LLĐB là coi như trúng số. Dưới quyền, có từ 4 đến 5 Đại đội biệt kích quân, phần lớn là người Miên và dân   tộc thiểu số. Thứ lính này không có số quân, do Mỹ trang bị và trả lương. Mỗi đại đội chỉ cần vài chục lính ma, lính kiểng là   mỗi tháng, sau khi chia chác cho đàn em, trưởng trại dễ dàng đút  túi cả chục cây vàng. Cứ tưởng tượng, lúc bấy giờ ông Trác đã   sắm xe du lịch Mustang, để sẵn ở Sài Gòn thì đủ biết. Tháng nào,  ông ta cũng về ăn chơi xả láng, tiêu tiền như nước, nên dễ dàng  chinh phục được Khánh Ly.

Sống với Mai Bá Trác có một mặt con thì  năm 1972, nhân một chuyến đi hát tiền đồn để úy lạo binh sĩ,   Khánh Ly gặp Đỗ Hữu Tùng, Trung tá Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 6    Thủy quân lục chiến. Bị ngay một tiếng sét ái tình, dù trai đã có vợ, gái đã có chồng, họ vẫn rất say đắm nhau. Tuy là mối tình  "ngoài luồng" nhưng hầu hết những ai quen biết hai người trong  cuộc đều xác nhận đây là một đôi nhân tình rất xứng đôi, vừa lứa  về mọi mặt. Bây giờ, Tùng đã thành người thiên cổ. Ông ta tử    trận tại bãi biển Đà Nẵng năm 1975, nhưng Khánh Ly vẫn tâm sự với bạn bè thân thiết, rằng Tùng là người mà Khánh Ly yêu thương  nhất đời.

Sau tháng 1975, trên bước đường di tản,   định mệnh đã xui khiến Khánh Ly gặp Nguyễn Hoàng Đoan, người    chồng đang sống với Khánh Ly từ đó cho đến nay. Nhiều người đã tỏ ra tiếc cho Khánh Ly, vì có một người bạn (cuối cùng) đời thuộc loại văn dốt, võ dát dù ông ta mang danh là một nhà báo   của làng báo Sài Gòn cũ. Nguyễn Hoàng Đoan chỉ thật sự được nhiều người biết đến từ khi sang Mỹ và trở thành "ông Khánh Ly".                

Từ năm 1972 cho đến ngày chế độ Sài Gòn   sụp đổ, Nguyễn Hoàng Đoan thất nghiệp. Không một tờ báo nào nhận ông ta vì khả năng viết lách thì yếu kém nhưng lại giỏi ăn tạp.  Ông ta đã có vợ và 2 con gái, nhưng Nguyễn Hoàng Đoan lại sống   vô trách nhiệm. Chính xác, Đoan lo thân mình còn chưa xong, lấy   đâu ra để lo cho vợ con. Không chu toàn được cơm áo, Đoan cũng  chẳng là chỗ dựa tinh thần cho con cái. Suốt ngày, ông ta thường    xuyên có mặt chầu rìa tại sòng bài Ba Hóa ở khu vực nhà thờ     Huyện Sĩ. Dần dà, ông ta tán tỉnh được cô con gái của chủ sòng   bài khét tiếng này, để trở thành một "đấng trai bao"! Thời gian rảnh, Đoan thường xuyên có mặt tại hai động chứa gái hạng sang. Một ở trên đường Huỳnh Tịnh Của và một tại villa số 11, đường  Đặng Đức Siêu (nay là Nam Quốc Cang) để kiếm ăn và chơi lụi.                

Sang Mỹ, chẳng có nghề ngỗng gì, nên   Đoan phải bám váy Khánh Ly. Việc hát xướng của Khánh Ly tại hải ngoại cũng không đều đặn, thu nhập cũng chẳng là bao, đời sống   cũng khá chật vật. Nguyễn Hoàng Đoan đã "tham mưu" cho Khánh Ly   cách làm mình, làm mẩy và lật lọng với các bầu show. Ai mời đi hát ở đâu đó, dù rỗi rảnh, Khánh Ly vẫn hô hoán: "Chết rồi, chị  trót nhận lời hát cho một người quen, lỡ nhận tiền trước rồi!".   Nếu như đối tác tiếp tục năn nỉ, Khánh Ly sẽ dở chiêu đòi tăng giá vào giờ chót, lật bài ngửa: "Vậy thì em trả thêm cho chị   chút đỉnh!". Cô thường đồng ý tham gia chương trình để bầu show    quảng cáo tên tuổi ì xèo. Kề ngày diễn, Khánh Ly đột ngột đòi   tăng giá từ 3.000 lên 5.000 USD mới có mặt. Thế là bầu show phải  đắng cay ngậm quả bồ hòn. Giới bầu show hải ngoại đã đặt cho   Khánh Ly hai biệt hiệu rất lẫy lừng: "nữ hoàng nâng giá", và "ca  sĩ xù show". Ngay cả nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng cũng không được  Khánh Ly nể mặt. Cay đắng đến độ, trước khi qua đời, người nhạc   sĩ tài hoa này đã trăn trối với vợ con: Cấm cửa, không cho Khánh  Ly đến viếng!

Tháng 5/2000, Khánh Ly có về Việt Nam  thăm gia đình. Quay lại Mỹ, Nguyễn Hoàng Đoan và Khánh Ly, kẻ  xướng, người họa, nửa úp, nửa mở: "Việt Nam mời tôi về hát với     catse 2 triệu USD. Nhưng chắc không có chuyện đó với tôi". Chẳng   cần truy cứu hư thực, mới nghe ai cũng đã phì cười, bởi sự bịa đặt hết sức ấu trĩ của "nữ hoàng nâng giá".

Đúng là nồi nào   úp vung nấy. Đáng tiếc cho danh ca của một thời.

(Đoàn Thạch Hãn)

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Vang bóng 1 thời nhưng có lẽ không phải là nghệ sĩ thực thụ?