Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012

NGHỆ SĨ BẠN TÔI, NHỮNG NĂM THÁNG SAU QUÂN NGŨ (KQ)

                                                        

Sinh viên Lợi "kèn" (đứng thứ 2 từ trái) cùng các thầy và bạn học.
Ngày học Đại học Quân sự, ở lớp có anh Đỗ Khôi lính cũ, người HN. Anh có cây đàn cello (violoncell) to tổ bố, gác ngay đầu giường. Chiều chiều lại mang ra kéo. Nghe ông đang tập violin kéo đã mệt tai, nay nghe kéo cello còn mệt hơn. Nghe kể, anh học nhạc từ bé ở Trường Nhạc tư thục HN (chỗ đầu Nam Bộ bây giờ).

Vì thích chơi đàn (chúng tôi lập bồ đàn ghi-ta Huấn-Quốc-Hòa, lại chơi với anh mà thân quen cánh bạn bè học Nhạc viện của anh, trong đó có anh Đức Lợi học kèn clarinete. Những lần rủ nhau về HN, đúng dịp cánh sinh viên Nhạc viện rủ nhau “hội đàn” là tôi và Chí Hòa hay được mời dự. Nhóm các nhạc công kèn cla, trompet, contrabass… tổ chức hòa nhạc ở nhà anh Lợi ngay Rạp chiếu bóng Công Nhân, gần chợ Hôm. Vào tôí thứ bảy, đang thời chiến, tụ bạ như thế là vụng trộm, lại toàn các nghệ sĩ, chơi toàn các bản nhạc Tây. Ô là là, ấy là điều chính quyền không sướng. Còn anh em thì tự xưng là CLB Pê-tô-phi. Cứ chơi.


Trong nhóm có Đức Dậu, em anh Lợi, cũng học kèn, chân cà nhắc vì nhảy tầu điện mà què cùng mấy anh em. Dân Nhạc viện tự do, bay bổng; gặp cánh lính cũng mê âm nhạc và mê tự do; thế là kết. Chúng tôi thân anh Lợi từ đó. Nay có bài viết về anh.

*

Tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội, chuyên ngành kèn, năm 1970, như bao thanh niên thời ấy, Đức Lợi đã lên đường nhập ngũ. Được điều về Đoàn ca múa TCCT, anh cùng đồng đội đi khắp các chiến trường phục vụ cho tới ngày toàn thắng. Giữa thập kỷ 80, với quân hàm đại uý, anh xuất ngũ về với đời thường. Với những kiến thức đã học cùng kinh nghiệm tích lũy của những năm tháng khoác áo lính, anh trăn trở: sẽ làm gì đây? Cùng Đức Dậu - em trai (trung uý, nghệ sĩ trống của Đoàn TCCT) - anh quyết “thử sức mình” trong lĩnh vực văn hóa dân gian, điều mà ai cũng nghĩ sẽ là trái tay với các nghệ sĩ “chơi nhạc Tây”(!)

Anh Lợi điêu luyện bên các nhạc cụ dân tộc.
Thực ra cái chất văn hóa dân gian đã thấm vào anh từ thuở ấu thơ. Những kì nghỉ hè, cả tháng trời được cha mẹ cho về Đông Lao, Hoài Đức, Hà Tây, vùng quê không xa Chùa Thày. Chiều chiều, lũ bạn cùng lứa lại rủ đi chăn trâu, mò cua bắt ếch. Có chiều bắt chước chúng bạn nằm dài trên lưng trâu thả hồn lắng nghe tiếng sáo diều vi vu, có đêm một lũ một lĩ í ới xách đuốc chạy ra sân đình theo tiếng gọi của trống chèo. Rồi khi vào Nam sinh sống, anh lại có dịp tiếp xúc với âm thanh của lễ hội cồng chiêng. Như những ngày trong quân ngũ, hai anh em xách ba-lô lên cao nguyên bám dân, bám bản “tầm sư học đạo”. Bằng tình yêu nghệ thuật, các anh đã gặp được các thầy Thảo Giang, Vũ Lân (Đoàn ca múa Đắk Lắk) - “pho tự điển sống” về văn hóa các dân tộc Tây Nguyên. Những bí ẩn của loại hình nghệ thuật này dần được hé mở và các thày đã không quá lời khi nhận xét: họ đã có được “cái hồn, cái vía” của nghệ thuật cồng chiêng.

Ban nhạc Phù Đổng trước Đền thờ
Vua Hùng trong Thảo Cầm Viên.

Tự xác định duy trì và phát triển loại hình nghệ thuật này là trách nhiệm của người nghệ sĩ. Nhưng nghệ thuật chỉ có nghĩa khi nó đến với công chúng. Và ý tưởng xây dựng một nhóm nghệ sĩ chơi bộ gõ kết hợp với nhạc cụ dân tộc được hình thành. Không ai khác, 7 anh em nhà Đức Lợi là những người “đặt những viên gạch đầu tiên”. Cùng lớn lên trong một gia đình có truyền thống gắn bó với âm nhạc, 7 anh chị em chia nhau đi học hỏi và tìm kiếm nhạc cụ. Trong tay họ dần có đủ các loại nhạc cụ từ đàn bầu, đàn kìm, đến trống, phách, chiêng, thanh la… Quý hơn họ còn là chủ của một bộ đàn đá quý hiếm.

Chọn cái tên Phù Đổng cũng là để nhắc nhở luôn nhớ về cội nguồn, truyền thống dân tộc. Đối tượng phục vụ đầu tiên là các vị khách du lịch yêu mến Việt Nam nhưng còn ngỡ ngàng với nền văn hóa dân tộc. Sở Văn hóa-Thông tin, Du lịch Đường sắt cùng Saigon-tourist đã ủng hộ ý tưởng ấy. Tại chính Khách sạn 4 sao Rex, các vị khách quý của thành phố đã được thưởng thức nghệ thuật của bộ gõ cùng những âm thanh cồng chiêng kết hợp với các loại nhạc cụ dân tộc. Ngồi tại Sài Gòn hoa lệ, khách du lịch được nghe tiếng suối róc rách trên cao nguyên qua âm hưởng của đàn tờ-rưng, cơ-lông-pút, hay thưởng thức điệu múa cung đình “Dâng rượu” từ những vũ nữ xinh đẹp. Khó thể tưởng tượng nổi, chỉ với một chiếc lá trầu bà đặt trên môi, vận dụng thanh khí Đức Dậu đã cho khán giả thưởng thức những giai điệu khèn trong những phiên chợ tình ở bản làng biên giới phía Bắc xa xôi.

Ngày từng ngày, bằng con tim và khối óc, bằng sự cần cù và sáng tạo, Đoàn nhạc gõ Phù Đổng đã lớn lên đúng như cái tên của nó. Đoàn được mời đi biểu diễn nhiều nước trên thế giới; từ những nước Bắc Au, cho đến Nhật Bản, Hàn Quốc… Thậm chí khi đến Mat-xcơ-va, nghệ sĩ Đức Dũng đã được khán giả gắn cho biệt hiệu “phù thuỷ” khi điều khiển một dàn với hàng chục chiếc trống dân gian lớn nhỏ. Đặc biệt năm 1996, theo lời mời của Hội Nhạc sĩ Mỹ, Đoàn đã đến thủ phủ âm nhạc Mi-net-sô-ta tham dự liên hoan nghệ thuật âm nhạc thế giới. Các tiết mục của Đoàn nhạc gõ Phù Đổng đã để lại những ấn tượng tốt đẹp cho những người vốn rất khó tính trong thưởng thức âm nhạc. Độc đáo hơn khi nghệ sĩ Đức Dậu trình diễn nhạc phẩm “Am vang đất nước” trên chiếc đàn đá cổ kính. Những vị khách thực sự ngỡ ngàng khi tận mắt xem, tận tai nghe những giai điệu và âm hưởng kì diệu phát ra từ những thanh đá với kích thước dài ngắn khác nhau thông qua sự điều khiển khéo léo của đôi tay nghệ sĩ. Cho đến bây giờ chắc họ mới hiểu một dân tộc có nền văn hóa, nghệ thuật độc đáo đến như vậy ắt sẽ chiến thắng bất cứ một cuộc xâm lược nào!

Một chiều cuối thu, đến thăm Bảo tàng nhạc cụ dân tộc của Đức Dậu, tôi được thả hồn theo giai điệu êm dịu của bản “Sô-nat ánh trăng”, dưới những ngón đàn tài hoa của Đức Lợi lướt trên phím dương cầm… Cuộc đời vẫn đẹp! Xin cảm ơn các anh, những người lính trên mặt trận văn hóa, văn nghệ!






1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Kỉ niệm xưa khó quên?