Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2012

Bản “Serenade” tình yêu của cố Bộ trưởng Đoàn Trọng Truyến

Năm 1993, khi làm lễ kỷ niệm đám cưới vàng sau 50 năm chung sống, được nghe lại bản “Serenade” của Schubert, Bộ trưởng Đoàn Trọng Truyến đã ôm  người vợ hiền của mình vào lòng, cố giấu đi những giọt nước mắt xúc động. Cái lần đầu tiên kéo violon để tỏ tình với bà bằng bản “serenade” bất hủ ấy, ông mới 17 tuổi; khi đám cưới vàng diễn ra, ngồi bên cạnh vợ, ông đã là một ông lão 72, nhưng ông  vẫn thấy lòng mình vẹn nguyên cảm xúc như thời trai trẻ. Với ông, bản “serenade” mà nhờ đó ông đã có được tình yêu của bà, là bản nhạc định mệnh của cả đời ông – bản nhạc đã đưa ông đến với mọi điều tốt đẹp nhất mà ông có được trong cuộc đời mình.
Kỳ 1: Chàng thanh niên nghèo trường Quốc học và mối tình với cô nữ sinh Đồng Khánh
Lời tỏ tình lặng lẽ
Có nhiều điều mà một nhà báo như tôi có thể nói khi viết về cuộc đời cố GS -NGND. Đoàn Trọng Truyến, nguyên Bộ trưởng, Tổng Thư ký Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng: ông là một nhà khoa học, một nhà chính trị và là cha đẻ của nguyên Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ Đoàn Mạnh Giao… Nhưng trong bài viết này, tôi chỉ xin được viết về câu chuyện tình của vợ chồng ông – câu chuyện tình khiến một kẻ hậu thế như tôi sau khi nghe xong vẫn chưa nguôi được nỗi  xúc động.


Bộ trưởng Đoàn Trọng Truyến sinh năm 1922, trong một gia đình nhà Nho xứ Huế. Nhà nghèo nhưng thông minh, hiếu học, người thanh niên Đoàn Trọng Truyến là một trong những học sinh xuất sắc của trường Quốc học Huế. Thấy ông nhà nghèo, nhưng học hỏi, có chí, kỹ sư cầu đường Nguyễn Văn Kiểm đã mời ông về làm gia sư cho người cháu gái Nguyễn Thị Kim Sa. Bà Kim Sa vốn là con gái một gia đình khá giả ở nông thôn. Bà được người chú ruột Nguyễn Văn Kiểm yêu quý, nhận làm con nuôi, cho ra học tại trường Đồng Khánh.
Ngày trẻ, Đoàn Trọng Truyến gầy guộc, đen nhẻm và có biệt danh là “Truyến đen”. Nhưng trí tuệ của ông và nghị lực phi thường của cậu học trò nghèo vượt khó trong ông đã khiến ông lọt vào mắt xanh cô tiểu thư Nguyễn Thị Kim Sa. Trước ông, có nhiều chàng trai kiểu “công tử con nhà” đến làm quen với bà. Nhưng bà đều chê, vì họ giàu nhưng “học dốt”. Chỉ có người “thầy” dạy bà học mỗi tối là khiến cho cô nữ sinh Đồng Khánh ngày ấy xao xuyến, nhất là khi bà thỉnh thoảng bắt gặp ánh mắt lạ lùng ông dành cho bà.
Hồi đó, Đoàn Trọng Truyến đã thầm thương trộm nhớ  cô học trò nhỏ của mình. “Tình trong như đã, mặt ngoài còn e…”, có lần vì muốn bày tỏ tình cảm, ông đã thu hết can đảm…đá chân bà dưới gầm bàn. Lúc bắt gặp đôi má ửng hồng của bà, là lúc ông hiểu rằng tình yêu của mình đã được đáp lại. Ông bà mến nhau giữa cái thời quan niệm lễ giáo phong kiến còn rất ngặt nghèo, chẳng thể hẹn nhau đi chơi chung, cũng chẳng dám mạnh dạn bày tỏ tình yêu như trai gái bây giờ. Một buổi tối sau giờ học, ông đã kéo đàn violon cho bà nghe bản nhạc “Serenade” bất hủ của thiên tài Schubert. Khi chơi bản “Serenade” ấy, ông chẳng nói một lời nào, nhưng ánh mắt ông nhìn bà khiến bà hiểu tất cả. Bản nhạc đó là lời tỏ tình chính thức của ông dành cho người con gái trong mộng của mình. Bản nhạc đó đã giúp Đoàn Trọng Truyến hoàn toàn chinh phục cô tiểu thư trường Đồng Khánh. Sau bài hát đó, ông bà đã cùng nhau hẹn ước sẽ nên duyên vợ chồng. Nhưng lời ước hẹn đó, phải đến 5 năm sau  - năm 1943, mới thành hiện thực. Cũng kể từ đó cho đến những năm tháng sau này, xuyên suốt chặng đường tình yêu suốt 60 năm của ông bà, luôn có dấu ấn của những giai điệu ngọt ngào trong bản bản “serenade” định mệnh. Sau này, khi đã nên vợ nên chồng, ông bà đã có một tuần trăng mật đẹp như mơ ở Đà Lạt. Những ngày trăng mật ấy, ông và bà thường đi dạo quanh hồ Xuân Hương và ngày nào, ở xứ Đà Lạt thơ mộng đó, bà cũng lặng đi vì xúc động và hạnh phúc khi nghe ông kéo bản “serenade”  đầy kỷ niệm. Bà rất hay kể cho con cái nghe những kỷ niệm tình yêu của ông bà, mà lần nào kể, ánh mắt bà cũng đắm say, hạnh phúc, nên 7 người con của ông bà, người nào cũng cảm thấy có một mối liên hệ kỳ lạ với bản “serenade”  - bản nhạc mà nhờ đó, cha mẹ họ đã nên vợ nên chồng, cùng sinh con đẻ cái, tạo dựng ra gia đình họ Đoàn sum vầy con cháu như bây giờ.
Gia đình bà Kim Sa, đặc biệt là cụ Nguyễn Văn Kiểm, tuy giàu có nhưng không bao giờ khinh người nghèo. Cụ là người đặc biệt quý trọng người tài. Biết cậu học trò nghèo ham học có tình cảm với cháu gái mình, kỹ sư Nguyễn Văn Kiểm đã hết sức vun vào cho tình yêu của cháu gái. Sau khi Đoàn Trọng Truyến học xong trường Quốc học Huế, cụ Nguyễn Văn Kiểm đã bỏ tiền nuôi ông đi học ở trường Nông Lâm Đại học đường. Trong suốt 5 năm ông đi học, một mình ở lại  Huế, bà vẫn một lòng chờ đợi ông. Những năm tháng học ở Hà Nội, để động viên bà, ông có gửi về Huế  cho bà một bức ảnh của mình, mặt sau ghi dòng chữ bằng tiếng Pháp: “Hòa nghị lực và ái tình, đó là lý tưởng cuộc đời chung hai ta muốn tạo lập” – bức ảnh đó bà giữ bên mình cho đến tận khi về già, thỉnh thoảng lại mang ra khoe với các con các cháu.
Ngày bà về làm dâu nhà ông, mẹ ông là người hạnh phúc nhất. Cụ hạnh phúc vì có được một người con dâu hiền thảo, là tiểu thư nhà giàu, nhưng không nề hà chuyện làm dâu nhà nghèo. Sau này khi kể cho con cái nghe về bà nội, lúc nào bà cũng rưng rưng cảm động: “Bà nội là người rất tâm lý và hiện đại. Về làm dâu, mẹ chẳng phải chịu áp lực gì. Bà lo mẹ là con nhà giàu, không chịu được khổ, nên chuyện gì cũng không cho con dâu làm”. Có được một người mẹ chồng tâm lý, nhưng bà vẫn là một nàng dâu đảm đang chuyện nữ công gia chánh, vẫn đối nhân xử thế vẹn tròn. Những món ăn Huế cầu kỳ, những món bánh trái xứ Huế tỉ mẩn, bà đều làm rất khéo, rất ngon mỗi khi nhà có việc. Mẹ chồng bà không bao giờ nói ra, nhưng luôn tự hào về cô con dâu khéo léo, biết trên biết dưới.
Cô tiểu thư xứ Huế trên chặng đường kháng chiến
Khi còn sống, GS. NGND – cố Bộ trưởng Đoàn Trọng Truyến từng kể rằng người đã giác ngộ ông, đã đưa ông đến với cách mạng chính là nhà thơ Tố Hữu. Năm 1945, ông tham gia dành chính quyền ở Huế, và được cử là một trong những Ủy viên Hành chính Huế ngay từ những ngày đầu tiên. Tháng 12 năm 1946, sau ngày Bác Hồ kêu gọi Toàn quốc Kháng chiến, ông xin phép cha mẹ đưa vợ con đi sơ tán. Ngày chia tay, ông bà hẹn với  cha mẹ hai bên 2 năm sau sẽ quay lại, chẳng ngờ rằng sau đó, vì nhiệm vụ cách mạng của ông, mà cuộc chia ly đó đã trở thành cuộc chia ly dài suốt hai cuộc kháng chiến của dân tộc, dài đến nỗi, 30 năm sau, khi hai miền Nam – Bắc thống nhất, ông mới có cơ hội đưa vợ con về thăm quê hương, vái lạy ông bà, tổ tiên.
Ngày bà theo chồng ra miền Bắc kháng chiến, ngoài người con trai đầu lòng Đoàn Mạnh Giao, bà còn đang thai nghén người con thứ hai. Là con gái nhà giàu, cả đời chưa bao giờ biết đến mưa nắng, vất vả, nhưng khi theo chồng đi kháng chiến, bà đã trải qua đủ khó khăn, vất vả của một người phụ nữ. Sau khi rời Huế ra Quảng Bình, ông bà tản cư về Nghệ An. Bà chở dạ trên đường tản cư, sinh con trong một ngôi nhà hoang 4 phía xung quanh đều không có vách. Người con đó sinh trên đất Hưng Nguyên, được bà đặt tên là Đoàn Mạnh Hưng.
Năm 1949, sau khi bà sinh người con thứ 3 ở Thanh Hóa, ông được lệnh rời khu 4, lên nhận nhiệm vụ công tác mới ở chiến khu Việt Bắc. Ông đi trước để kịp làm nhiệm vụ, bà ở lại Thanh Hóa nuôi hai con nhỏ và chờ đến 2 năm sau, khi con cái cứng cáp, bà mới bồng bế con lên Việt Bắc đoàn tụ với chồng. Có lẽ khi theo chồng từ Huế ra Bắc theo lời kêu gọi kháng chiến của Bác,  bà – cô tiểu thư lá ngọc cành vàng xứ Huế – chẳng ngờ được chặng đường mình đi sẽ gian khổ như thế. Sau này, mỗi lần kể với các con về những ngày một nách ba con đi bộ từ Thanh Hóa lên chiến khu Việt Bắc, bà vẫn ứa nước mắt. Ngày ấy, con trai lớn nhất của bà mới được 6 tuổi, chạy lút cút sau lưng mẹ. Người con trai thứ 2 – mới 4 tuổi, bà thuê một người gánh. Người con út chưa tròn 2 tuổi, bà địu sau lưng, phía trước buộc một cái ruột tượng đựng gạo cho cả mấy mẹ con. Suốt chặng đường ấy, bà vừa địu đứa con nhỏ, vừa chăm lo hai đứa lớn, vừa lo chạy sao cho kịp đoàn. Giữa đường đi, có lúc vì kiệt sức, hai mẹ con bà đã rơi xuống sông, nhưng may được người trong đoàn vớt lên kịp. Trên quãng đường lên chiến khu lần ấy, con trai lớn của bà – Đoàn Mạnh Giao không may bị căn bệnh sốt rét ác tính, cổ sưng một cục hạch to bằng quá trứng. Bà tuyệt vọng ôm con trong lòng, vừa bất lực, vừa đau đớn khi thấy con mình đang mỗi lúc đến gần hơn với thần chết. Bác sĩ Đặng Văn Ngữ - vị bác sĩ nổi tiếng với công trình nghiên cứu thuốc ký ninh chống sốt rét cũng có mặt trong đoàn. Lúc bấy giờ Việt Nam chưa có thuốc ký ninh, nhưng may mắn là bác sĩ Đặng Văn Ngữ còn giữ một chút bột thuốc kháng sinh penicilin mang từ Nhật Bản về.  Nhưng ngày ấy, trên đường lên chiến khu, chẳng lấy đâu ra nước cất để tiêm. Bác sĩ Đặng Văn Ngữ đã lấy nước suối chưng thành nước cất để hòa với bột thuốc kháng sinh. Có lẽ  trời vẫn còn thương gia đình bà.  Nhờ bác sĩ Đặng Văn Ngữ có mặt trong lúc nguy kịch ấy mà con trai bà đã vượt qua cơn hiểm nghèo. Người con ấy sau này trở thành Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ Đoàn Mạnh Giao. Sau khi được bác sĩ Đặng Văn Ngữ tiêm thuốc, cơn sốt rét ác tính cũng bị xua đi, cục hạch trên cổ con trai bà cũng dần xẹp xuống. Tử thần đã không thể chạm đến được gia đình bà. Sau này mỗi lần nhắc lại, bà vẫn nói với con cháu: nhà chúng ta chịu ơn bác sĩ Đặng Văn Ngữ nhiều lắm. Bởi nếu không có bác sĩ Đặng Văn Ngữ, có lẽ hạnh phúc của gia đình ông bà bây giờ sẽ không được trọn vẹn; và có lẽ bà cũng không bao giờ có cơ hội nhìn con trai mình lớn lên, trưởng thành, kế bước cha trở thành một chính trị gia có tiếng tăm – một người con luôn khiến bà mãn nguyện và tự hào.
Chỉ có thể là tình yêu!
Lên đến chiến khu Việt Bắc, đoàn tụ với chồng, nhưng bà vẫn phải một mình nuôi con. Những năm kháng chiến chống Pháp cuộc sống khó khăn, cứ 2 tháng ông mới về nhà thăm vợ con một lần, một mình bà tăng gia sản xuất, trồng rau, nuôi gà, nuôi lợn…để lo cái ăn cho cả đàn con nhỏ. Với những người phụ nữ khác, sự hy sinh đó lớn lao một, thì với bà, sự hy sinh đó đáng được ghi nhận gấp mấy lần. Những người con của cố Bộ trưởng Đoàn Trọng Truyến và bà Kim Sa vẫn còn giữ hai bức ảnh chụp bà: một bức ảnh bà chụp khi là nữ sinh Đồng Khánh tiểu thư lá ngọc cành vàng với tóc thề ngang vai, áo dài tha thướt, ngồi trên chiếc xe tay có người kéo đến trường mỗi ngày; một bức ảnh bà mặc bộ quần áo bà ba giản dị, tóc búi sau đầu, đang cuốc đất trong mảnh vườn nhỏ của gia đình ở chiến khu. Chẳng ai dám nói hai bức ảnh đó cùng chụp một người.  Chẳng điều gì có thể khiến một tiểu thư nhà giàu được yêu chiều có thể trở thành một người phụ nữ hy sinh tận tụy vì chồng con như thế nếu không phải là vì một tình yêu mãnh liệt.
Hy sinh là thế, nhưng bà vẫn có những sở thích con gái rất dễ thương, mà ngày ấy nhiều người có thể cho là “tiểu tư sản”: theo chồng đi kháng chiến, bà từ bỏ cuộc sống sung túc, từ bỏ khăn áo lụa là và học trở thành một người vợ, người mẹ nông dân thực thụ. Chỉ có một thứ bà không bỏ được, đó là nước hoa. Bà thích dùng nước hoa từ thời thiếu nữ, đến lúc lên chiến khu, ăn mặc có thể úi xùi, có thể quần nâu áo thâm, nhưng bà vẫn thích sức nước hoa. Bạn bè của ông bà biết sở thích này của bà, nên mỗi lần đi nước ngoài về, họ đều cố gắng tìm mua tặng bà một lọ nước hoa nho nhỏ. Vì cái thói quen khó bỏ đó, mà có một thời gian dài, bà vẫn bị mọi người chê là quá “tiểu tư sản” .
Ngày còn con gái, là tiểu thư nhà giàu, dù vẫn được cha mẹ dạy cho đủ nữ công gia chánh, nhưng bà hầu như chẳng phải động chân động tay vào bất cứ việc gì. Nhưng sau này, khi đã trở thành vợ và thành mẹ của 7 đứa con, không việc gì bà không biết làm. Những năm kháng chiến gian khổ, không có điều kiện, có gì ăn đó. Nhưng sau năm 1954, trở về Hà Nội, cuộc sống đỡ hơn, ngày cuối tuần nào bà cũng nấu các món ăn Huế cho chồng con, như một cách cả gia đình bà nhắc nhở đến quê cha, đất mẹ. Chị Thu Hà và Thu Hương – hai người con gái của bà Kim Sa kể với tôi rằng, bà là người phụ nữ chu đáo hiếm có. Bà chu đáo đến nỗi, từ hồi còn ở chiến khu đến sau này trở về Hà Nội, bà chưa bao giờ quên sinh nhật của chồng và 7 đứa con. Các con bà được bà tổ chức sinh nhật từ khi còn bé, dù sinh nhật ngày ấy, chỉ có vài cái kẹo, vài cái bánh, nhưng những buổi sinh nhật thời chiến đến giờ vẫn để trong lòng những người con của bà một thứ cảm giác ấm áp, dịu dàng và đầy biết ơn với người mẹ của mình; với các con bà, những buổi sinh nhật thời bao cấp ấy hẳn quý giá hơn mọi bữa tiệc sinh nhật linh đình của họ sau này. Sau này, khi bà Kim Sa bị liệt, phải ngồi xe lăn, kể cả lúc các cháu nội ngoại đầy đàn, bà vẫn không bao giờ quên sinh nhật của bất cứ ai. Bà luôn chuẩn bị cho con cháu, dâu rể những món quà nho nhỏ, xinh xinh, như một cách bà thể hiện tình yêu với mỗi người thân của mình.
Cố Bộ trưởng Đoàn Trọng Truyến cũng chưa bao giờ có thể chê bất cứ điều gì về sự đảm đang, chu đáo của vợ. Mỗi lần ông đi công tác, bao giờ bà cũng xếp sẵn quần áo phẳng phiu cho ông. Bà chuẩn bị cho ông từ cái áo lót, từ đôi tất, đến cái tăm, vài viên thuốc. Nhờ bàn tay của bà, đi đến đâu ông cũng có thể tìm được mọi thứ mình cần trong cái vali nhỏ bé. Dù bận công việc nhà nước, bà vẫn thu vén đâu vào đấy công việc gia đình, chẳng để chồng phải bận tâm lo lắng điều gì. Chính vì vậy mà lúc sinh thời, Bộ trưởng Đoàn Trọng Truyến có thể rất giỏi về nghiên cứu khoa học, rất am hiểu các vấn đề chính trị, nhưng chuyện nhà, chuyện tiền nong, những công việc vụn vặt, không tên hàng ngày, thì ông hoàn toàn phó mặc cho người vợ hiền của mình. Còn bà thì gánh vác việc gia đình, coi đó như một thứ hạnh phúc giản dị của người phụ nữ.
60 năm vợ chồng, tình yêu vẫn đẹp
Khi ngồi nói chuyện với hai người con gái của ông bà, tôi nhận ra trong ánh mắt các chị tình yêu và sự ngưỡng mộ vô bờ với cha mẹ mình. Hôm tôi đến nhà, các chị mang lá thư ông viết trước lúc mất ra đọc cho tôi nghe. Lá thư viết lúc còn tỉnh táo, với những điều giản dị về gốc gác tổ tiên, về những sự kiện chính trong cuộc đời ông bà, và những lời dặn dò giản dị mà ông dành cho con cái; lá thư gạch gạch, xóa xóa khắp các trang viết ấy, các chị coi đó là lời di chúc của ông dành cho 7 người con của mình. Hẳn là những người con của ông đã đọc lá thư ấy rất nhiều lần trong những năm qua, sau khi ông mất, nhưng khi ngồi đọc cho tôi nghe, các chị vẫn phải đưa qua đưa lại cho nhau đọc thay mỗi khi nghẹn ngào không thể cất lên lời. Cả hai chị đều bảo với tôi: 7 người con của ông bà, tất cả đều yêu thương ông bà, ngưỡng mộ ông bà; ngưỡng mộ về cái cách ông bà đã sống, đã yêu nhau cho đến phút cuối cùng của cuộc đời.
Chị Thu Hà và Thu Hương kể rằng, khi về già, cha mẹ hai chị vẫn yêu nhau lãng mạn, say đắm như hồi trẻ. Cả hai ông bà đều là trí thức, yêu thơ ca, âm nhạc. Những lúc rảnh rỗi, hạnh phúc lớn nhất của họ là ngồi cùng nhau, nghe một bản nhạc, đọc một bài thơ hay cùng nhau bàn chuyện về một tác phẩm văn học nổi tiếng nào đó.  Hồi còn ở bên nhà 70 Phan Đình Phùng, chiều nào ông bà cũng khoác tay nhau đi dạo quanh hồ Tây, tình cảm không kém bất cứ đôi tình nhân trẻ nào. Có những người ngồi quanh hồ nhìn thấy ông bà thường trêu: “Ông bà dành hết chỗ của con cháu mất rồi”.
Sau này khi bà bị bệnh, phải ngồi xe lăn cũng là lúc gia đình ông bà chuyển ra sống ở phố Nguyễn Du, chiều chiều ông vẫn giữ thói quen cùng bà đi dạo. Không còn khoác tay bà như những ngày xưa được nữa, ông đẩy xe đưa bà đi quanh hồ Thiền Quang, vừa đi vừa kể chuyện cho bà nghe, để bà vơi bớt nỗi buồn bệnh tật. Có lần vì muốn bà vui, ông đã có một quyết định ngẫu hứng: đưa bà ra Đồ Sơn tắm biển. Ở bãi biển Đồ Sơn, ngày nào ông cũng đẩy xe đưa bà đi dọc bờ biển lúc hoàng hôn. Có những khi ông tắm biển, bà ngồi bình yên trên bãi biển đợi ông, thư thái ngắm nhìn biển cả mênh mông và hồi tưởng lại cả chặng đường dài của cuộc đời mình.
Thời ông làm Bộ trưởng, có lần ông đi công tác sang Đức, nơi con trai của ông đang theo học. Hôm đến khách sạn thăm cha, con trai ông đã rất bất ngờ khi thấy bức ảnh bà được lồng trong khung ảnh, được ông đặt ngay đầu giường. Chỉ đi công tác một thời gian ngắn, ông vẫn giữ thói quen mang ảnh bà theo, để  bớt đi cảm giác trống vắng khi xa cách người vợ hiền của mình. Đến hôm trước khi ông về, ông rủ con trai đi mua quà cho bà. Và lần đó, ông đã khiến cậu con trai của mình – đang ở tuổi thanh niên yêu đương sôi nổi nhất cũng phải choáng váng về sự “galant” và cách thể hiện tình yêu rất “thanh niên” của ông: tiền công tác phí chẳng là bao, nhưng ông vét sạch túi, nhịn ăn nhịn tiêu, để mua tặng bà một chiếc túi xách tay điệu đà và một cái khăn choàng cổ đắt tiền. Không người con nào biết món quà đó của ông khiến bà vui đến mức nào, nhưng nhiều năm sau này, bà vẫn rất nâng niu cái khăn ấy. Mỗi khi đi ra ngoài, đi đám cưới, bà cũng đều choàng cái khăn đó với ánh mắt đầy hạnh phúc, đầy mãn nguyện và tự hào của một người phụ nữ đang yêu và đang được yêu. Có thể nói không quá rằng, đến tận khi về già, có với nhau 7 mặt con, lên chức ông, chức bà, ông bà vẫn yêu nhau như tình nhân.
Hương Thảo Nguyên
Kỳ 2: “Đám cưới vàng” của một mối tình vàng

4 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Câu chuyện tình giản dị nhưng tuyệt đẹp của bác Truyến và bác Sa - gia đình rất gần gũi với gia đình tôi - được nhà báo Hương Thảo Nguyên chấp bút cũng rất hay, cảm động.
Xin được giới thiệu, nhà báo này mới 26 tuổi nhưng sắc sảo, yêu quý tư liệu lịch sử, trân trọng quá khứ. Những bạn trẻ như thế được lớp hơi già chúng tôi trân trọng.

TranKienQuoc nói...

Tôi được vinh dự có mặt trong đám cưới vàng của 2 bác ở 71 Nguyễn Du HN và chứng kiến NSUT Dương Minh Đức hát tặng 2 bác Khúc nhạc chiều Serenade. Hai cụ cảm động lắm.
Lần thứ 2 là lần anh Giao, anh Hưng, anh Thanh đưa chúng tôi vào thăm ông lần cuối tại BV Việt-Xô. Cụ đang thở máy. Phòng hồi sức chật, từng thằng vào, nắm lấy tay lạnh ngắt của ông, cũng là những cái nắm tay vĩnh biệt. Riêng Dương Minh Đức vào cuối cùng. Khi ra thấy mắt anh đỏ hoe: "Vừa ghé tai ông hát Serenade. Chả hiểu ông còn cảm nhận được không mà thấy 2 giọt nước mắt tràn nơi khóe mắt".

tranbachai nói...

"Dạ khúc" mà anh Dương Minh Đức ghé tai hát thầm có phải là lần cuối cùng ông cụ được nghe?

Nặc danh nói...

Đúng. Sẽ có ở phần 2.