Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2012

Những hàng xóm tọc mạch giữa Thủ đô (ST: ĐB)


Nhà ai có khách là đi qua ngó một cái, đi lại ngó một cái. Bịa chuyện để con gái nhà người không lấy được chồng. Lôi chuyện riêng tư nhà người khác ra bàn tán, xuyên tạc. Ở những con ngõ nhỏ, chung cư cũ ngay giữa lòng Hà Nội vẫn có những kiểu sống tọc mạch, soi mói chuyện người khác như thế.

“Con bé ấy tịt rồi”
Sống ở khu tập thể cũ, toàn các bà các mẹ rỗi việc sống nhờ đồng lương của chồng, chị Hường (Nghĩa Tân, Cầu Giấy) bảo hôm nào phải ở nhà đúng là cực hình với chị. Bởi các bà các mẹ ở đây không có việc gì khác ngoài soi mói chuyện hàng xóm.

Chị Hường kể: “Nói ra thì bảo kể xấu hàng xóm nhưng ức chế không chịu được. Toàn các bà các mẹ rỗi hơi, chả có việc gì làm nên lôi chuyện nhà người ta ra bàn tán rồi xuyên tạc, nói xấu lẫn nhau. Nhà mình toàn người đi làm cả ngày, ít khi tiếp chuyện các bà nên bị gắn mác là “kiêu”. Thế nên mới trở thành tâm điểm các cuộc “họp chợ” của các bà”.

Nhà chị Hường chỉ có hai vợ chồng sống với nhau. Hai vợ chồng mới cưới, muốnổn định kinh tế nên kế hoạch chưa muốn sinh con ngay. Hàng xóm thấy chị “mãi không chịu đẻ” liền kết tội ngay là chị “tịt”.

“Cái bà ở trên nhà mình một tầng, có đứa cháu trai cũng kháu khỉnh lắm. Mỗi lần bà bế cháu xuống sân chơi gặp mình là lại đá cho một câu “cô nhà bao giờ mớiđẻ, hay là tịt rồi, tôi chỉ chỗ chữa cho hay lắm”. Thỉnh thoảng mẹ chồng mình xuống chơi, mấy bà còn sang hóng hớt bảo toàn thấy chồng nhà này nấu cơm, rửa bát, còn vợ thì ngồi xem ti vi. Thế có lộn tiết không cơ chứ”, chị Hường kể.

Ngồi lê đôi mách, nhòm ngó chuyện riêng tư của người khác rồi nói xấu nhau theo kiểu cộng đồng làng xã ngày xưa vẫn tồn tại đâu đó quanh đây, ngay giữa lòng thủ đô Hà Nội hào hoa. Ngay cả ở khu tập thể của một trường đại học, nơi tập trung nhiều trí thức, tình trạng soi mói, nói xấu nhau vẫn cứ diễn ra.

Chị Lan Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) kể: “Nhà cũ của mình ở khu tập thể của trườngđại học, xung quanh toàn trí thức cả. Ấy vậy các bà các mẹ ở đấy thì lắm chuyện thôi rồi. Hồi đi học mình toàn chơi với con trai, đi học toàn đi cùng con trai. Thế là bị đồn thổi là vớ vẩn, lăng nhăng. Còn có tin đồn mình yêu 3, 4 chàng một lúc. Cứ có ai đến hỏi thăm mà mình không có nhà là y như rằng hàng xóm cho một tràng thông tin xuyên tạc chuyện tình sử của mình miễn phí. Có bà độc mồm còn bảo mình ế vì lăng nhăng, như mình chả ma nào thèm lấy.

Khi mình yêu và cưới anh già hơn nhiều tuổi, hàng xóm đồn ra đồn vào, thêu dệt không biết bao nhiêu là chuyện. Nào là mình ham giàu, nào là anh này chắc có 1 đời vợ rồi cũng nên. Nào là mình bẫy anh ấy vào tròng mới lấy được. Nào là mình đã ăn cơm trước kẻng nên mới phải cưới vội…”

“Đến bây giờ lấy chồng, thoát khỏi cái khu tập thể ấy rồi thì lại gặp phải một bà hàng xóm “tốt bụng” quá mức. Vợ chồng mình ăn cơm sớm cũng hỏi, ăn muộn cũng hỏi. Cứ lần nào đang ăn cơm là y như rằng bà xộc vào xem ăn cái gì rồi bla bla cho đến hết bữa mới thôi. Chả có bữa nào được ăn cơm yên với bà”, chị Lan Anh nói thêm.

Hơi tí là kêu ca

Công bằng mà nói, sống kiểu cộng đồng làng xã cũng có cái hay, hàng xóm gần gũi nhau khi cần gì là có người giúp đỡ ngay. Nhưng đôi khi, sự quan tâm đến mức soi mói của hàng xóm khiến con người ta ức chế.

Chị Lan Anh kể tiếp: “Nhìn chung thì bà cũng tốt, vẫn thường giúp nhà mình thu quần áo mỗi khi mưa dông mà hai vợ chồng không kịp về. Thế nhưng bà sang nhà mình chơi nhiều quá khiến hai vợ chồng mất hết không gian riêng tư. Đi làm cảngày về mệt rồi chỉ muốn xem tivi chút rồi đi ngủ nhưng cứ phải tiếp chuyện bà. Mà toàn chuyện trời ơi đất hỡi rồi soi mói chuyện nhà này nhà kia. Đến là nản”.

Các cụ ta vẫn bảo “bán anh em xa mua láng giềng gần”, có hàng xóm thân thiết quả rất quý. Tuy nhiên, thân thiết quá nhiều khi cũng đem đến rắc rối, đặc biệt là ở môi trường đô thị, nhà cách nhà chỉ một bức vách.

“Bà hàng xóm thân với nhà mình lắm, vẫn qua lại nói chuyện với nhau suốt. Ấy thế mà nhà mình vẫn suốt ngày bị bà kêu. Khi thì kêu nhà mình mở tivi to quá. Khi thì kêu con bé nhà mình khóc to quá bà không ngủ được. Khi thì kêu nhà mình phơi đồ ở lan can chắn hết ánh nắng làm chết cây cảnh nhà bà. Đủ các kiểu”, chịThu (Khu đô thị Mỹ Đình II) kể.

Chị Thu cho biết thêm, hàng xóm thân thiết đến mấy nhưng khi chung đụng vẫn không tránh khỏi mâu thuẫn. Nhiều hàng xóm còn có thói ghen ăn tức ở, tị nhau từng tí một.

“Chả hiểu nhà mình gây thù chuốc oán gì mà cô hàng xóm đầu dãy có vẻ ghét lắm. Cứ mỗi lần mình về đến gần cửa nhà cô là cô đóng cửa sầm một cái thật mạnh làm giật cả mình. Rồi đi qua nhà mình là lê cái dép loẹt xoẹt. Trưa nào mình vềnhà là y như rằng cô không ngủ, đóng mở cửa rầm rầm làm mình không ngủ được. Góp ý mấy lần mà vẫn đâu vào đấy. Chị Thu nói thêm.
Theo Tiến sĩ Thế Hùng, giảng viên ĐH Quốc gia Hà Nội, do nguồn gốc là một nền văn minh làng nghề lúa nước manh mún nên người đô thị phát triển vẫn mang nặng bản chất tiểu nông. Bản chất ấy là ích kỷ, hay soi mói người khác, tốt đấy nhưng vẫn phải tính toán có lợi cho mình.

“Tất cả những cái đặc trưng này vẫn tồn tại đến bây giờ dù đã sang thế kỷ 21. Vì là bản chất nên không thể một sớm một chiều mà thay đổi kịp thời đại được. Thế nên chúng ta phải chấp nhận thôi. Nhưng chấp nhận theo hướng tích cực là phải giáo dục, giúp họ thay đổi tư duy”, TS Hùng nói.

Theo thầy Hùng, việc thay đổi lối sống tiểu nông này không phải một sớm một chiều mà phải thay đổi từ thế hệ mới.

“Cần có sự vào cuộc của các phương tiện thông tin, chính quyền, pháp luật tạo ra cái mới. Giáo dục tư duy mới, văn hóa mới cho thế hệ trẻ”, thầy Hùng nói.

 

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

HN giờ khác xưa nhiều, như 1 cái làng lớn, sinh hoạt xô bồ, giao tiếp thô tục, lói ngọng tràn nan, rác rưởi khắp nơi... Ôi!