Kỳ
2: Đám cưới vàng của một mối tình vàng
Câu
chuyện cảm động về đám cưới vàng của một chính khách Việt
Đầu những năm 1990, bà
Kim Sa – phu nhân của cố Bộ trưởng Đoàn Trọng Truyến bắt đầu bị bệnh khớp rồi dần
dần không đi được nữa. Bà ngồi xe lăn kể từ đó. Suốt những năm tháng sau này,
bà bị bệnh tật hành hạ, dày vò, nhưng không bao giờ bà quên được cái ý nghĩ phải
chăm sóc chồng mỗi ngày. Khi còn khỏe mạnh, mỗi sáng bà đều tự tay chuẩn bị bữa
sáng cho chồng. Cái thói quen đó ăn sâu vào tiềm thức của bà. Đến nỗi mà khi bị
bệnh, có hôm đang nằm trên giường mê man, đau đớn cùng cực nhưng bà vẫn cố gượng dậy hỏi con cái: “Các
con lo cho bố ăn gì chưa?”.
Quãng thời gian nhiều
năm bà Kim Sa bị bệnh, Bộ trưởng Đoàn Trọng Truyến là người buồn hơn cả. Có những
tối ông ngồi bên cạnh bà, vừa bóp chân cho bà, vừa khóc. Những lúc ấy ông luôn
nói những câu động viên bà, nhưng chính ông lại mềm yếu hơn bao giờ hết. Nhà có
con cái, có người giúp việc cùng chăm sóc bà, nhưng đêm đêm, những lúc bà bị
cơn đau hành hạ, ông thường bỏ dở giấc ngủ của mình sang bên giường bà, nắn bóp
chân tay cho bà cho đến lúc cơn đau của bà tạm qua đi, ông mới chịu trở về giường
của mình.
Sợ bà buồn vì bệnh tật,
lại biết bà là người vui chuyện, nên mỗi khi có khách khứa đến chơi nhà, dù là
bạn bà hay bạn ông, đôi khi là đồng nghiệp của ông đến nói chuyện công việc,
ông cũng đẩy xe đưa bà ra ngồi cùng. Nhờ những cuộc trò chuyện, nhờ sự chăm sóc
của chồng và các con, bà quên đi một phần những nỗi buồn bệnh tật của mình. Có
một chuyện về bà mà khi nghe kể, tôi cứ thấy thú vị mãi: ngày trẻ đi kháng chiến,
bà từ bỏ mọi thứ, chỉ không bao giờ bỏ được thói quen dùng nước hoa. Đến lúc về
già, bà vẫn có những thói quen mà đã có một thời người ta cho là “tiểu tư sản”,
nhưng tôi thì gọi đó là biểu hiện của nữ tính: Dù phải ngồi trên xe lăn, bà vẫn
luôn có một ý thức kỳ lạ về chuyện làm đẹp. Mỗi khi ra ngoài, bao giờ bà cũng chau chuốt quần áo, thoa một chút
phấn, bôi một chút son. Khi nhà có khách hay những hôm con cháu đến tụ họp vui
vẻ, trước khi ra trò chuyện cùng mọi người, bao giờ bà cũng nhờ con gái trang
điểm giúp cho tươi tắn. Hình bóng của một cô nữ sinh trường Đồng Khánh năm nào
vẫn còn mãi trong bà, bằng những câu chuyện nhỏ như thế, kể cả khi đã trở thành
một bà lão. Và tôi nghĩ, chính cái sự nữ tính ấy của bà, cũng là một phần lý do
không nhỏ, khiến Bộ trưởng Đoàn Trọng Truyến rất yêu thương và chiều chuộng người
vợ hiền của mình.
Năm 1993, 50 năm sau
khi ông bà nên vợ nên chồng, 7 người con của ông bà – cùng các cháu hai bên nội
ngoại, đã cùng tổ chức đám cưới vàng cho cha mẹ.Với ông bà hay bất cứ đôi vợ chồng nào đã cùng nhau đi
được đến đám cưới vàng thiêng liêng ấy, đều có thể hiểu được vì sao đó là đám cưới hạnh phúc nhất của một đời người: một
đám cưới khi mà ta đã cùng nhau đi suốt một chặng đường đời và sẽ
cùng nhau đi nốt quãng đời còn lại; một đám cưới khi mà ta
có thể nhìn lại cả cuộc đời mình đã sống, mà vẫn thấy tình yêu vẹn nguyên như
thuở nào; một đám cưới khi
mà bên cạnh ta lúc ấy
có sự chứng kiến của đông đủ con cái, cháu chắt; một đám cưới khi mà ta đã già, nhưng hạnh phúc ngỡ ngành
khi phát hiện ra ta vẫn đẹp mãi trong
lòng người bạn đời của mình….Vợ chồng Bộ trưởng Đoàn Trọng Truyến đã
cùng nhau trải qua một đám cưới như thế, khi ông bà đã bước vào tuổi xưa nay hiếm.
Lúc sinh thời, ông bà
là người sống vui vẻ, hồn hậu, nên bạn bè con cái đến nhà chơi, ông bà đều yêu
quý như con. Trong đám cưới vàng của vợ chồng ông bà, ngoài các con các cháu,
còn có cả những người bạn học của con cái ông bà cũng đến chia vui, toàn những
người vui tính! Họ làm đủ các trò, hát đủ những bài hát vui, khiến ông bà cười
mãi không thôi. Sau này mỗi lần xem lại băng video quay cảnh đám cưới vàng của
mình, ông bà vẫn ôm nhau cười vì chịu sự hài hước của lớp trẻ. Nhưng trong đám
cưới vàng ấy, có một giây phút đặc biệt mà ông bà không cười. Khi NSUT Dương
Minh Đức đứng lên hát tặng ông bà bài
hát của nhạc sĩ Phạm Duy, phổ theo bản nhạc “Serenade”, thì cả ông và bà đều lặng
đi vì xúc động. Khi nhìn thấy nước mắt bà ứa ra, ông đã ôm chặt lấy bà, cố giấu
đi những giọt nước mắt. Tất cả những người con của ông bà chứng kiến giây phút ấy
đó đều khóc. Tôi luôn nghĩ
rằng, giống như một dân tộc, mỗi gia đình cũng đều có những khoảnh khắc lịch sử
của riêng mình. Cái khoảnh khắc khi những giai điệu quen thuộc của bản nhạc định
mệnh ấy vang lên trong đám cưới vàng, cái khoảnh khắc cả gia đình Bộ trưởng Đoàn Trọng Truyến đều
rơi nước mắt chính là cái khoảnh khắc lịch sử của gia đình họ Đoàn. Kể cả nhiều
năm sau này khi ông bà đã đi xa rất lâu, con cháu ông bà sẽ vẫn mãi nhắc nhau về
những giây phút ấy, thế hệ đi trước sẽ kể cho thế hệ đi sau, về một khoảnh khắc
thiêng liêng và diệu kỳ không bao giờ có thể lãng quên với cả gia đình.
Bản
“serenade cuối cùng” cho người sắp đi xa….
Lẽ ra vợ chồng Bộ trưởng
Đoàn Trọng Truyến có thể đã có một đám cưới kim cương với những giây phút lịch
sử khác nữa sau 60 năm vợ chồng, vì đến thời điểm khi bà mất, ông bà đã chung sống
với nhau 62 năm tròn. Nhưng quãng thời gian đó, bà nằm trên giường bệnh, sức khỏe
ngày càng suy sụp, ông bắt đầu mắc căn bệnh của tuổi già: căn bệnh lẫn lộn và
lãng quên. Và đám
cưới kim cương ấy đã không thể diễn ra…
Chị Thu Hà và Thu Hương
– 2 người con út của ông bà kể: “Năm 2005, khi mẹ mất, điều khiến tất cả con
cái lo lắng nhất chính là chuyện bố tôi sẽ chịu đựng cú sốc ấy như thế nào.
Nhưng căn bệnh lãng quên của bố tôi – lúc bình thường là điều không may của cả
gia đình, giờ lại trở thành cứu cánh cho
ông, giúp ông đi qua nỗi đau đó. Hôm tang lễ diễn ra, anh em chúng tôi đưa ông
đến nhà tang lễ gặp bà lần cuối, ông òa khóc khi biết tin bà đã ra đi. Nhưng tối
hôm đó, đến lúc về nhà, khi bác Đỗ Mười gọi điện đến chia buồn, ông lại trả lời:
“Chắc anh nhầm lẫn
thế nào. Bà nhà tôi vẫn còn sống. Bà ấy đang ở trên gác…”. Khi nghe tivi thông
báo tin buồn của gia đình ông bà, ông cũng gạt đi: “Sao họ lại đăng tin như thế?
Họ nhầm lẫn với ai rồi”. Kể từ ngày bà mất cho đến những năm sau này, tối tối đến
giờ cơm, ông vẫn luôn bảo con cái: “Các con mời mẹ sang
ăn cơm đi”. Mỗi lần
ông như thế, không một người con nào dám nhắc lại cho ông về cái chết của
bà, chỉ dám vâng vâng, dạ dạ, rồi lảng sang chuyện khác.
Năm 2009, ông theo bà
trở thành người thiên cổ. Những ngày cuối cùng ông nằm trên giường bệnh, những
người bạn của các con ông đều đến thăm, trong đó NSUT Dương Minh Đức – người đã
hát cho ông bà nghe bản “Serenade” trong đám cưới vàng năm nào. Hôm đó, từng người, từng người một
thay nhau ngồi bên cạnh ông, nắm tay ông – cái nắm tay có thể coi là cuối cùng
cho một cuộc chia ly lớn nhất của đời người , NSUT Dương Minh Đức là người vào
cuối cùng. Lúc ngồi cạnh ông trên giường bệnh, dù biết ông đã mê man, anh vẫn ghé vào tai ông, thì thầm câu hát: “Đợi
chờ em, anh ngỏ lời nguyện
ước / Anh đến
bên em khi chiều buông/ Cảnh rừng vắng nơi rừng chiều lắng/ Tiếng ca yêu đương
đang chờ mong….”. Không biết
ông có nghe được và có nhớ gì về bản nhạc ấy không, nhưng NSUT Dương Minh Đức,
con cái ông và tất cả những người có mặt bên cạnh ông lúc đó đều nhòe nước mắt: bởi khi NSUT Dương Minh Đức ghé vào tai ông
hát những câu tình ca quen thuộc trong bản “Serenade”, đôi mắt ông vẫn nhắm
nghiền, nhưng từ hai khóe mắt của ông, có hai giọt nước mắt trào ra…..
Hương
Thảo Nguyên
2 nhận xét:
Dạ khúc Serenade khởi đầu 1 mối tình và kết thúc 1 đời người - bài viết của nhà báo trẻ rất cảm động, đầy tình người. Hy vọng thế hệ trẻ không bao giờ quay lưng với quá khứ!
BT5
Tình yêu đẹp bao giờ cũng sinh ra những đứa con đẹp, con ngoan, con tử tế! Bạn tôi mấy người con cụ Đoàn toàn những người tử tế.
Đăng nhận xét