Năm
1955, khi mới 45 tuổi, nhà cách mạng Trần Đăng Ninh (Chủ nhiệm đầu tiên của Tổng cục Cung cấp – nay là Tổng cục Hậu cần – Bộ Quốc
phòng) – đã qua đời sau một cơn bạo bệnh. Được ví như “Bao công” của Việt Nam,
người luôn có những cách giải quyết sáng suốt, công bằng, có tình có lý, nên
Thượng tướng Trần Văn Trà kể rằng, sau khi Trần Đăng Ninh qua đời, mỗi khi có sự
kiện gì phức tạp xảy ra, đúng sai chưa rõ ràng, ông và nhiều cán bộ lại bảo
nhau: “Đảng ta phải có những người như anh Trần Đăng Ninh”!
“Bao
công” Việt Nam và vụ án có một không hai thời chống Pháp
Nhà cách mạng Trần Đăng
Ninh tên thật là Nguyễn Tuấn Đáng, ông sinh năm 1910 tại thôn Quảng Uyên, xã Quảng
Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Đông. Nhà nông dân nghèo, đông con, nên sau khi học
hết 3 năm tiểu học, Trần Đăng Ninh đã phải bỏ quê lên thành phố xin vào học nghề
ở nhà in, rồi trở thành công nhân ở nhà in. Lúc mới lên thành phố, Trần Đăng
Ninh luôn hy vọng rằng ở thành phố, ông sẽ kiếm được một cái nghề để thoát khỏi
cái nghèo, đỡ đần cha mẹ nghèo khó ở quê. Nhưng những năm tháng làm công nhân với
đồng lương ít ỏi, Trần Đăng Ninh mới hiểu, dù có ở quê hay ra thành phố, mình vẫn
là tầng lớp dưới của xã hội, vẫn mang thân phận của kẻ nô lệ bị thực dân, phong
kiến bóc lột.
Năm 1930, sau khi Đảng
Cộng sản Đông Dương được thành lập, phong trào cách mạng lên cao, cùng với nhiều
anh em công nhân, Trần Đăng Ninh bắt đầu được giác ngộ và tham gia cách mạng.
Ông trở thành một trong những cán bộ nòng cốt của Đảng, từng 2 lần bị bắt vào
tù (năm 1941 và năm 1943), và cũng từng hai lần vượt ngục, trong đó có cuộc vượt ngục
nhà tù Sơn La nổi tiếng cùng với đồng chí Nguyễn Lương Bằng và Nguyễn Văn Trân.
Trần Đăng Ninh mất rất
sớm. Năm 1955, sau một thời gian dài bị căn bệnh lạ khó chữa, ông qua đời ở tuổi
45, cái tuổi mà một người Cộng sản có thể cống hiến nhiều nhất cho Đảng, cho
Dân tộc, cho Đất nước. Sự ra đi của ông để lại nhiều luyến tiếc cho những người
ở lại.
Thiếu tướng Nguyễn Hữu
Lê – người đã từng có 5 năm làm bí thư cho nhà cách mạng Trần Đăng Ninh kể rằng,
sinh thời, nhà cách mạng Trần Đăng Ninh là một người nổi tiếng chí công vô tư,
luôn phân xử sai đúng
rất nghiêm minh, có tình có lý. Chính vì thế, ông được mọi người đặt cho biệt
hiệu “Bao công” của Việt Nam.
Sau Cách mạng tháng
Tám, Trần Đăng Ninh được Bác Hồ và Trung ương giao cho nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo
lực lượng Công
an. Người làm việc trực tiếp với Trần Đăng Ninh khi đó là đồng chí Lê Giản (Tổng
giám đốc đầu tiên của Nha Công an Trung ương).
Theo lời kể của đồng
chí Lê Giản, khi nghe tin Trần Đăng Ninh được giao phụ trách Công an, suy nghĩ
đầu tiên của Lê Giản là một người từng là công nhân, có trình độ văn hóa thấp
như Trần Đăng Ninh thì làm sao có thể giúp Nha Công an Trung ương tháo gỡ những
khó khăn những ngày đầu non trẻ. Sau này, khi có điều kiện làm việc thường
xuyên với Trần Đăng Ninh, Lê Giản đã thay đổi hoàn toàn nhận định đó. Ông thường
nói về Trần Đăng Ninh với thái độ khâm phục, kính trọng đối với một người “có
nhân cách, có trình độ”. Trần Đăng Ninh chỉ phụ trách Công an trong khoảng thời
gian chưa đến 1 năm, nhưng trong thời gian ngắn ngủi đó, ông luôn dặn dò lực lượng
Công an một câu: “Khi công an cấp dưới báo về một người có tội này, tội nọ,
mình là người xét xử trước hết không được định kiến và coi ngay là có tôi mà phải
suy đoán xem người đó có tội hay vô tội…phải xem khẩu cung…,xét hỏi kỹ càng,
khách quan” – lời khuyên đó đặt vào hoàn cảnh bây giờ vẫn vô cùng chính xác.
Trần Đăng Ninh tuy
không phải một vị quan tòa, nhưng ông lại được mệnh danh là “Bao Công” của Việt
Nam, nhờ những lần “xử án” rất tài tình, đúng đắn, có tình có lý, không bao giờ
để lọt người có tội, nhưng cũng không làm oan người vô tội. Vụ án “Gián điệp
H122” chính là một trong những vụ án nổi tiếng nhất mà “Bao công” Trần Đăng
Ninh đã xử lý vô cùng độc đáo nhưng cũng rất chuẩn xác, giúp minh oan cho mấy
trăm cán bộ và quần chúng vô tội.
Năm 1948, cơ quan quân
báo nhận được tin phòng Nhì Pháp đã gài một gián điệp mang bí số H122 vào cơ
quan chỉ huy của ta ở liên khu Việt Bắc. Theo tin này, H122 đã lấy được báo cáo
về kế hoạch quân sự Thu – Đông năm 1948 của ta và chuyển về cho địch. Đây thực
chất chỉ là một kế hoạch ly gián của địch. Nhưng do tâm lý chủ quan, nóng vội,
quan liêu và kinh nghiệm còn non kém của ta, hậu quả của sự việc đã trở nên rất
nghiêm trọng.
Ngày đó khi có tin gián
điệp H122 được cài vào lực lượng của ta, khắp các đơn vị ở liên khu Việt Bắc đã
nhìn nhau với ánh mắt nghi kỵ. Một hôm, có một anh giám mã (chuyên làm nhiệm vụ
chăn dắt ngựa) đã vô tình chạy ra sân lấy cái khăn mặt màu trắng vào nhà đúng
lúc có máy bay địch bay qua. Một người trong đơn vị nhìn thấy, cho rằng anh
giám mã đó đã dùng “cờ trắng” để báo hiệu cho máy bay địch. Anh giám mã bị bắt
ngay sau đó và bị gán cho cái tội là gián điệp H122. Vì quá nóng vội, các cán bộ
làm nhiệm vụ thẩm tra anh giám mã đã áp dụng những biện pháp nặng tay không cần
thiết với anh giám mã, khiến anh này không chịu được, đành đánh liều thừa nhận
mình là H122. Sau khi thừa nhận mình là gián điệp, “H122” còn chỉ ra thêm những
cán bộ khác trong đơn vị cũng là “gián điệp” của phòng Nhì Pháp cài vào. Cứ như
vậy, cán bộ này khai ra cán bộ kia, người này “chỉ điểm” người kia, dần dần vụ
án mở rộng ra đến mức có vài trăm cán bộ, trong đó có các cán bộ cấp cao, làm
việc ở cơ quan Bộ Tổng Tham mưu, nhiều cán bộ ở các tỉnh Thái Nguyên, Bắc
Giang, Vĩnh Yên, Phúc Yên cũng bị liên đới. Việc bắt bớ diễn ra, gây hoang mang
cho các đơn vị. Không chỉ thế, nhiều người dân bình thường, trong đó có những
người phụ nữ bán xôi rong, cũng bị gán tội “làm gián điệp” do bị người quen
“khai” ra.
Trước tình hình đó,
nghi ngờ vụ án có uẩn khúc và cũng bởi tính chất nghiêm trọng của vụ H122, Bác Hồ dã cử Trần Đăng Ninh - khi đó là Trưởng ban Kiểm tra Trung ương đi
kiểm tra, xem xét vụ án nghiêm trọng này. Ông đã tổ chức một đoàn kiểm tra gồm
các cán bộ của Ban Kiểm tra Trung ương, của Bộ Quốc phòng, Quân khu Việt bắc,
Nha Công an Trung ương, Sở Công an liên khu Việt Bắc, liên khu ủy Việt Bắc và
các tỉnh có liên quan đến vụ án. Ông cũng yêu cầu đồng chí Lê Giản chọn những
cán bộ có trình độ nghiệp vụ và kinh nghiệm vững vàng tham gia đoàn kiển tra.
Ông yêu cầu các cán bộ tham gia công tác kiểm tra phải thật cụ thể, khách quan,
thận trọng, tôn trọng chứng cứ, tránh suy diễn tùy tiện, phải thực sự mạnh dạn
nêu ý kiến nếu phát hiện nghi vấn khác.
Khi điều tra vụ án
H122, điều khiến Trần Đăng Ninh cảm thấy rất không ổn là những tài liệu trong vụ
án có nhiều điểm mâu thuẫn với nhau, trong khi đó, các cơ quan liên khu đều không thể chỉ ra
được tài liệu bị mất là tài liệu nào. Hơn nữa, hoạt động gián điệp không thể lộ
liễu, xô bồ mà phải đơn tuyến, không thể có chuyện các mạng lưới gián điệp đều
nắm giữ thông tin của nhau được. Một điều
khiến Trần Đăng Ninh băn khoăn là H122 -
một “gián điệp” do phòng Nhì Pháp cài vào hóa ra lại chỉ là một anh giám mã
không biết chữ, ngày ngày chăm sóc ngựa, không có điều kiện tiếp xúc với những
hồ sơ, tài liệu quân sự quan trọng. Điều này làm nảy sinh trong lòng ông những
nghi vấn. Khi hỏi ra lý do vì sao anh giám mã bị nghi ngờ là H122, ông mới biết
chuyện vẫy cờ trắng gọi máy bay của anh giám mã. Là người tôn trọng chứng cứ, cẩn
thận trong việc kiểm tra, Trần Đăng Ninh đã đích thân đến tận cái sân mà “H122”
vẫy máy bay, ông lập tức thấy có chuyện không ổn: khoảng sân chỉ rộng bằng vài
manh chiếu nhỏ, nằm trong một khu rừng rậm,
từ vị trí đó không thể ra dấu cho máy bay được.
Từ nghi vấn này, ông đã
vận động anh giám mã “H122” và những cán
bộ bị bắt do có liên quan đến vụ án mạnh dạn khai nhận sự thật. Đến lúc này,
“H122” và các cán bộ bị bắt mới thú nhận do không chịu nổi sự tra khảo cực
đoan, vội vã của một số cán bộ thi hành nhiệm vụ, nên họ đã đành phải khai sai,
khai liều và làm oan thêm những người vô tội khác. Lập tức Trần Đăng Ninh ra lệnh
thả những cán bộ bị bắt trong vụ án gián điệp H122 và chính thức khép lại vụ
án. Mấy trăm người bị oan đã được trả tự
do, phục hồi công tác. Những cán bộ mắc sai lầm trong vụ án này bị kiểm điểm
xác đáng. Sau này, có lần có dịp đi trực thăng qua các khu rừng rậm, nhà cách mạng
Trần Đăng Ninh vẫn thử nhìn xuống dưới cánh rừng xem có thể nhìn thấy một cái
khăn trắng giữa một cánh rừng rậm thế không. Mỗi lần như thế, ông càng vững tin
quyết định của mình trong vụ án gián điệp H122 là đúng. Vụ án gián điệp H122 là vụ án oan lớn nhất
trong thời chống Pháp, sau này trở thành bài học kinh điển cho cả ngành Công an và ngành
Tình báo.
Năm 1951, Trần Đăng
Ninh nhận được tin báo của Chi Cục Vân tải Bắc Cạn báo một trạm trưởng đã bị bắt
giam 2 tuần lễ mà chưa xét hỏi. Đang trên đường đi công tác, ông vẫn lập tức
quay xe về Bắc Cạn để hỏi đồng chí Chi cục trưởng – một người bạn chiến đấu cũ
và cùng ở tù của ông về lý do bắt giam người trạm trưởng đó, thì được đồng chí
này trả lời:
-Thưa anh, nó đã thụt
két một số tiền lớn.
-Anh đã đủ chứng cứ
chưa? – Trần Đăng Ninh hỏi
-Thưa anh, việc này anh
em kiểm tra làm, mấy hôm nay tôi bận quá chưa nắm cụ thể.
Khi đó Trần Đăng Ninh rất
giận dữ, ông nghiêm giọng: “Anh chưa nắm được cụ thể mà dám bắt người. Bắt người
không có chứng cứ xác đáng là vi phạm pháp luật. Tôi ra lệnh thả anh V (người
trạm trưởng bị bắt) ra ngay và phải xác minh đầy đủ trước khi xử lý. Đây là mệnh
lệnh quân sự. Ngày mai tôi cho người lên kiểm tra, nếu chưa làm tôi sẽ cách chức
anh”.
Quả nhiên sau đó, người
trạm trưởng được minh oan. Nguyên nhân cũng chỉ do người trạm trưởng này làm việc
cẩu thả, sổ sách chưa ghi chép kịp thời, nên cuối cùng, trạm trưởng V chỉ bị
phê bình rút kinh nghiệm và vẫn giữ được chức vụ cũ.
Nhà
cách mạng Trần Đăng Ninh – những câu chuyện giản dị bên đồng chí, đồng đội
Thiếu tướng Nguyễn Hữu
Lê, người từng có 5 năm làm bí thư cho nhà cách mạng Trần Đăng Ninh kể rằng,
trong 5 năm gắn bó với nhà cách mạng Trần Đăng Ninh, điều khiến ông cảm động nhất
chính là sự gần gũi, giản dị của Trần Đăng Ninh với anh em đồng chí, cũng như
tinh thần đồng cam cộng khổ, không phân biệt cấp trên, cấp dưới.
Năm 1949, nhà cách mạng
Trần Đăng Ninh là Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kiểm tra Trung ương, cơ
quan đóng ở Việt Bắc. Đêm nào cũng làm việc tới khuya, nhưng buổi sáng, khi anh
em đi tăng gia sản xuất, đi vào rừng lấy gỗ làm nhà, ông cũng đi theo. Anh em cản
lại, ông nói: “Tôi cũng là người như các đồng chí, tại sao việc các đồng chí
làm được, tôi lại không làm được?”.
Thời đó, mức sống của
cán bộ còn thấp. Gạo ăn mỗi bữa rất xấu, có hôm còn phải ăn gạo mốc. Tiêu chuẩn
mỗi bữa chỉ 2 lưng cơm một người. Dù là cấp trên, nhưng chưa một bữa ăn nào, Trần
Đăng Ninh ăn quá 2 lưng cơm tiêu chuẩn. Có hôm ông bận việc phải ăn sau, cấp dưỡng
thương ông vất vả, bồi dưỡng thêm một quả trứng thì bị ông nghiêm giọng phê
bình: “Anh em còn ăn uống thế, đồng chí cho tôi ăn thêm, tôi nuốt sao trôi!”.
Thiếu tướng Nguyễn Hữu
Lê kể: “Ngày còn ở Việt Bắc, có lần đi công tác xa phải đi ngựa, tôi và anh Trần
Đăng Ninh chỉ có một con ngựa. Đi được một đoạn, anh Ninh nhảy xuống ngựa, bảo
tôi lên ngựa ngồi cho đỡ mệt. Tôi bảo: anh là thủ trưởng, sao lại nhường ngựa
cho cấp dưới. Anh cười xòa: thủ trưởng hay cấp dưới thì cũng đều là người cả,
cũng biết mệt như nhau. Và suốt chặng đường sau đó, tôi ngồi ngựa một đoạn, anh
Ninh ngồi ngựa một đoạn, cứ thay nhau như thế, vừa đi vừa rôm rả tâm sự chuyện
công, chuyện tư, quên cả mệt nhọc, quên luôn cả khoảng cách cấp trên – cấp dưới.
Ngày xưa có khoảng thời gian tôi bị ốm nặng, sức khỏe suy sụp. Tiêu chuẩn cán bộ
của tôi hồi ấy ăn uống hết sức đạm bạc. Thương tôi ốm yếu nên bữa cơm, anh Ninh
thường gọi tôi sang ăn cùng, chia sẻ phần tiêu chuẩn cán bộ cao cấp của mình,
dù phần tiêu chuẩn đó chẳng đáng bao nhiêu. Sau này khi không còn làm bí thư
cho anh Ninh, và cả khi anh Ninh đã qua đời, tôi vẫn nhớ mãi những kỷ niệm đó”.
Có lẽ vì sự gắn bó ấy,
mà khi nhà cách mạng Trần Đăng Ninh qua đời, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Lê đã coi
gia đình ông như gia đình mình. Thiếu tướng Nguyễn Hữu Lê cũng là người được
tin tưởng giao cho nhiệm vụ chăm sóc, đảm bảo sự quan tâm kịp thời của Đảng và
Nhà nước đối với vợ con nhà cách mạng Trần Đăng Ninh sau này. Và chưa bao giờ
trong suốt những năm những người con của nhà cách mạng Trần Đăng Ninh chưa trưởng
thành, ông quên đi trọng trách đó.
Năm 1950, Trần Đăng
Ninh nhận nhiệm vụ phụ trách Tổng cục Cung cấp – sau này là Tổng cục Hậu cần của
Bộ Quốc phòng. Ông là Chủ nhiệm đầu tiên của Tổng cục Cung cấp. Nhận nhiệm vụ đúng lúc
chuẩn bị cho Chiến dịch Biên giới, Trần Đăng Ninh và
người thư ký Nguyễn Hữu Lê đã gấp rút lên đường. Trước khi đi, thấy
trong ba lô của thủ
trưởng chỉ có 2 bộ quần áo thường đã bạc màu, cũ rách, Nguyễn Hữu Lê đã đề
nghị Chủ nhiệmTrần Đăng Ninh cho phép đi lĩnh một bộ quân phục mới để “có tư thế
cán bộ chỉ huy quân sự”, nhưng Trần Đăng Ninh gạt đi: “Làm việc được hay không
đâu phải do mặc quần áo gì mà cốt ở tinh thần, trách nhiệm…Ra đi có tôi với anh
chứ ta đã có người lính nào đâu mà chỉ huy”. Sáng hôm sau, đồng chí Chủ nhiệm
đầu tiên của Tổng cục Cung cấp của Quân đội Nhân dân Việt Nam đầu đội chiếc nón
mũ lá, mặc bộ quần áo nâu cũ, chân đi dép cao su, lên đường ra mặt trận.
Sau ngày giải phóng Cao Bằng, trời lạnh nhiều, anh em lái xe suốt đêm rét
mướt , có trường hợp tay cóng không điều khiển được tay lái, đâm cả xe vào gốc
cây. Khi thu được nhiều chiến lợi phẩm, trong đó có nhiều áo ca pốt, những
chiến sĩ lái xe là người đầu tiên được Trần Đăng Ninh cấp cho những chiếc áo ấm
để đi đường trường.
Thời làm Chủ nhiệm Tổng cục
Cung cấp, nhà cách mạng Trần Đăng Ninh đặc biệt quan tâm đến đời sống anh em bộ
đội, đặc biệt là chị em phụ nữ. Có lần khi chuẩn bị phát đồ mới cho anh, chị em
cán bộ, ông nói: “Chị em cần quần áo mới đã đành, nhưng cũng cần cả những cái
khác nữa”. Thiếu tướng Nguyễn Hữu Lê nói, Chủ nhiệm Trần Đăng Ninh là người đầu tiên
để ý đến việc cấp cho chị em cán bộ từng mét vải xô để tiện cho những lúc khó nói của phụ nữ. Cũng có lần khi đi đến thăm một đơn vị giữa
mùa đông, thấy một người lính trẻ đang lạnh run người vì chỉ mặc một chiếc áo mỏng
manh, Chủ nhiệm
Trần Đăng Ninh đã không chần chừ cởi chiếc áo len mình đang mặc để tặng cho người
lính trẻ ấy, trước sự ngạc nhiên của rất nhiều người.
Thượng tướng Trần Văn
Trà đến bây giờ vẫn nhắc đến một kỷ niệm mà vợ chồng ông không bao giờ quên được
trong suốt mấy chục năm qua. Khi đó, quân đội ta có tiêu chuẩn ăn theo cấp bậc,
ưu tiên các cán bộ chỉ huy. Trần Văn Trà là cán bộ cao cấp, nên tiêu chuẩn ăn
cao hơn với vợ ông – lúc đó là y tá Bệnh viện 303 (sau này Bệnh viện Việt –
Xô). Thượng tướng Trần Văn Trà kể: “Vợ tôi sinh hoạt ở bệnh viện, chỉ chiều thứ
7 mới về chỗ chồng, sáng chủ nhật lại phải về bệnh viện thường trực. Nhưng khi
ăn cơm, anh em phục vụ dọn cho tôi ăn riêng, vợ tôi ngồi ăn riêng. Vợ tôi biết
đó là quy định song rất buồn tủi, bất giác cứ nhớ lại những ngày cùng cực khổ
trong kháng chiến. Thấy vậy tôi mang cơm và thức ăn sang ăn cùng, nhưng có chú
phục vụ cứ chăm chú nhìn. Bực quá, vợ tôi nói: ‘Anh Trà sang ngồi cùng tôi cho
vui, tôi có ăn vào tiêu chuẩn của anh Trà đâu?”. Sau đó mấy tuần liền, vợ tôi
không về chỗ tôi nữa”.
Sau đó, câu chuyện đến
tai nhà cách mạng
Trần Đăng Ninh. Ông đã nhắc các cơ quan phục vụ không được máy móc trong việc
thực hiện tiêu chuẩn, phải biết tôn trọng sinh hoạt của gia đình cán bộ. Ông
nói: “Cần phải biết rằng, người mẹ, người vợ Việt Nam chỉ có chăm sóc, nhường
nhịn chồng con, không ăn tranh của chồng con đâu”. Kể từ sau bữa đó, mỗi khi vợ
chồng Thượng tướng Trần Văn Trà sum họp, anh em phục vụ không còn dọn riêng hai
mâm cơm cho vợ chồng ông ăn riêng nữa. Điều đó khiến vợ chồng Thượng tướng Trần
Văn Trà vô cùng cảm động, bởi chiến tranh bao việc phải lo lắng, vậy mà chỉ một
việc nhỏ liên quan đến đời sống cán bộ, nhà cách mạng Trần Đăng Ninh cũng hết sức
chú ý.
(Còn tiếp)
(Bài viết sử dụng tư liệu
do Thiếu tướng Nguyễn Hữu Lê cung cấp) - HTN
1 nhận xét:
Thời nay cần lắm những ông Bao công như cụ Ninh mà chả thấy. Dân còn khổ!
Đăng nhận xét