Thứ Tư, 14 tháng 11, 2012

Truyện cổ tích đời thường (Mý)


  Thời gian tựa như dòng nước, cứ thế chảy. Cuộc sống cũng vậy, nó cứ thế trôi đi. Và nhiều khi chính cái cuộc sống tấp nập, xô bồ như guồng xoay này khiến con người không còn tin vào những câu chuyện cổ tích; những câu chuyện ấy thưa dần, hình như chẳng còn mấy ai để ý. Thậm chí khi nghe từ “cổ tích”, một số người còn cười khẩy, cho rằng đó chỉ thứ viển vông; nhưng em tin những câu chuyện cổ tích vẫn tồn tại trong cuộc sống ngày nay. Sau đây là một truyện cổ tích thời hiện đại mà em được nghe.


   Đứa trẻ nào chẳng muốn được đứng trên chính đôi chân của mình; được vui đùa, chạy nhảy với bạn bè. Nhưng không phải ai cũng có được điều đó và người bất hạnh em được nghe là anh Linh – người sống trong căn nhà thấp nhỏ cùng với gia đình, nằm cạnh cửa Lạch Cờn với những chiếc thuyền đánh cá neo đậu. Thật thương cho anh, luôn cố giấu đi nỗi mặc cảm với đôi chân teo tóp, duỗi vô hồn khi thấy khách đến; và hiếm khi nở một nụ cười trọn vẹn bởi hoàn cảnh của chính mình. Bố anh, một cựu quân nhân, rân rấn nước mắt nói rằng:  khi anh được 17 tháng tuổi thì sốt cao rồi sau đó biến chứng bại liệt. Lên 9 tuổi, anh vẫn ốm yếu lẻo khoẻo, thường bò lê ra đầu ngõ. Và chắc chẳng có đứa trẻ nào lại không muốn được cắp sách đi học; nhìn đám trẻ trong làng tung tăng đến trường, anh không giấu được sự thèm muốn. Anh đã khóc cho cái số phận éo le của mình; khóc vì sự ham muốn được học như bao đứa trẻ khác. Anh nằn nì xin bố mẹ cho đi học. Điều này làm cho bố mẹ anh hôm đó quên ăn bởi niềm vui nhưng cũng thấp thỏm nỗi lo trong lòng.
  Mấy hôm đầu, bố mẹ anh thay nhau cõng con đi học. Nhưng vì còn phải tất bật ra khơi đánh cá và chạy chợ kiếm cái ăn cho cả nhà nên về sau chị gái đầu (hơn anh Linh 2 tuổi) gánh trách nhiệm cõng em đến trường. Hình ảnh con cóc cõng con nhái trên con đường cát lún liêu xiêu còn ghi mãi trong tâm trí bà con lối xóm. Hết năm này qua năm khác, dù mưa lớn hay nắng rát bỏng bàn chân, người chị gầy guộc cần mẫn tay xách cặp, lung oằn xuống đưa đón em mỗi ngày.
 Mẹ anh nhớ lại: “Linh say mê học tập lạ kỳ, nó là niềm an ủi động viên lớn cho cả nhà…”. Quyển học bạ của anh ghi: Toán 9,9; Vật lý 9,4…“Xuất sắc”, “xuất sắc”…; “Học lực đủ tiêu chuẩn lên thẳng miễn thi chuyển cấp”… Ai cũng phải khâm phục nhưng mỗi lần có lời khen là anh Linh cúi đầu, mặt ửng đỏ. Và nụ cười bỗng rạng hơn khi một người bạn nhà cùng xã, học cùng lớp – anh Hồ Văn Sỹ, có nước da ngăm đen, mảnh khảnh – đến gặp bố mẹ anh.
  Đó là thời gian bắt đầu học cấp hai. Trường cách nhà khá xa, hình ảnh chị anh Linh người còm nhom, nhễ nhãi mồ hôi, vất vả cõng em đến trường làm anh Sỹ day dứt: “Mình phải làm chi đây để giúp bạn?”, rồi anh Sỹ đến xin bố mẹ anh Linh được cõng bạn đến trường. Cô chú Nguyên nghẹn ngào xúc động trước lời đề nghị ấy. Người đi đường không ít lần rơi nước mắt nhìn theo hai cậu học trò choài người trên con đường cát vàng. Đẹp sao cái tình bạn giữa hai người! Sự giúp đỡ của anh Sỹ lúc này chẳng khác gì sự giúp đỡ của một vị tiên, khiến cho gia đình anh Linh đỡ vất vả phần nào; và cũng khiến cho chính anh Linh ấm lòng, cảm thấy hạnh phúc.

  Năm chuẩn bị lên học cấp ba, nhà hai anh lo lắm. Trường THPT Hoàng Mai thì cách nhà 6 cây số, ngộ nhỡ anh Sỹ không có điều kiện theo học cấp ba thì anh Linh chẳng biết đi học ra sao. May sao đến đầu năm học, anh Sỹ được tiếp tục đi học. Anh Sỹ lại xin nhà trường cho được học cùng lớp với anh Linh để thuận tiện chăm sóc bạn. May mắn hơn, dịp ấy anh Linh được một nhà hảo tâm tặng cho chiếc xe đạp. Có khác gì một giấc mơ tiên. Báu vật này đã đỡ đần cho đôi bạn mỗi ngày đến trường.

Anh Linh bảo bạn: “Sỹ đưa mình đi học thật sớm nhé, khỏi người ta nhìn thấy”. Thế là ngày nào cũng vậy, trước giờ học nửa tiếng, hai anh đã ngồi trong lớp. Hôm nào học buổi chiều thì anh Sỹ đến đón bạn giữa trưa nắng chang chang. Từ dưới sân trường, anh Sỹ đỡ anh Linh xuống xe rồi cõng bạn lên lớp học tận tầng ba. Có hôm hết tiết năm mới tan học, cõng bạn xuống mà bụng đói lả, anh Sỹ khuỵu chân làm chân sưng đau mấy ngày. Không ít ngày trời mưa, đường trơn, nhiều hôm hai anh “đo đường”. Chú Nguyên với đôi mắt hoe đỏ, kể lại: “Mỗi lần trước lúc xuống bến để ra khơi, nhìn hai đứa đội mưa đi học mà ruột gan tôi thắt lại. Bà nhà tôi thì quay mặt đi ghìm tiếng khóc”. Hôm nào dọc đường xe hỏng, anh Sỹ “tăng bo” gửi nhờ anh Linh sang xe bạn khác để kịp giờ đến lớp.

  Có lần anh Sỹ ốm, mẹ anh Linh bỏ chợ, đưa con đi học. Cô kể: “Đến trường, tay dìu con xuống xe, mắt nhìn lên tầng ba cao ngất thêm thương con và càng thương cháu Sỹ. May mà cả lớp ùa xuống hò nhau khênh cháu lên”. Bao gian khó, bao lần anh Linh thở dài muốn buông tay viết khi nhìn mẹ cực nhọc thức khuya dậy sớm rồi nỗi mặc cảm, sợ phiền hà bạn nhiều quá… Nhưng tất cả đã qua đi và anh đã dành được một kết quả học tập đáng nể.

  Cô giáo Dương Thị Hương, chủ nhiệm lớp 12 D, đã nói về học trò: “Linh là đề tài trong các buổi sinh hoạt của lớp, của trường về tinh thần học tập. Còn Sỹ và Linh là một biểu tượng đẹp của tình bạn”. Thầy giáo Kiều Ngọc Bát, nguyên Trưởng Phòng Giáo dục huyện, hiện là Chủ tịch Hội Khuyến học Quỳnh Lưu thì bảo: “Linh sẽ đứng vững bằng nghị lực, niềm say mê học tập và tri thức của mình”.
  
  Có ai ngờ được một đứa trẻ khuyết tật, một đứa trẻ mặc cảm vì đôi chân tật nguyền, một đứa trẻ có hoàn cảnh éo le nay lại đứng trước một con đường rộng mở như vậy. Một tấm gương vượt qua số phận, bệnh tật để vươn lên. Không chỉ bằng nỗ lực bản thân của anh Linh mà nhờ cả sự giúp đỡ chăm sóc của cha mẹ, bạn bè mới có những sự kì diệu như thế. Đúng là một câu chuyện cổ tích thời nay.

Không có nhận xét nào: