Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2013

Phúc ấm con ban 2

Con cái ở nhà cha mẹ thì hạnh phúc, cha mẹ ở nhà con cái thì nhẫn nhục, chính là chổ này.
          Một buổi sáng bác gọi tôi tới nhà, chỉ cho tôi một tờ giấy con gái bác viết để lại trên bàn cho bác, tôi cầm lên đọc :
          "Theo luật bên nầy, chủ nhà có quyền gọi cảnh sát đến bắt buộc người thuê phải ra đi, nếu người chủ đã thông báo cho người thuê hai lần bằng thư. Ba không trả tiền nhà, nhưng con cũng coi ba như người thuê nhà, đây là lần thứ hai con yêu cầu ba dọn ra, ba đừng ép con phải gọi cảnh sát".


Tôi đọc đến đây, bổng nhiên nước mắt tôi trào ra, bác nhìn tôi và nấc lên thành tiếng, bác cũng bật khóc. Tôi ôm hai vai bác và nói "Hãy yên tâm, không có luật như vậy đâu, nếu cô ấy gọi cảnh sát, bác có thể nói cô ấy ngược đãi người già, con bác chỉ hù bác thôi". Và rồi bác bắt đầu kể cho tôi nghe hết tự sự.
          Thoạt đầu là gạo, chúng nó than phiền, "nhà người ta một năm chỉ tốn hai bao gạo thôi, sao nhà mình mỗi tháng một bao", Tôi mở cassette ngồi ngoài garage nghe nhạc, ngoài garage thì nóng, tôi mở cửa bên hong ra cho bớt nóng, nó đóng lại, và bảo mở cửa chuột chạy vào nhà. Tôi hiểu ý là nó sợ tốn điện, tôi tắt cassette vào nhà.
          Ông cũng biết, ở bên này, người già chỉ lấy cái TV làm bạn, nhưng nó mắng vào mặt tôi và bảo không biết xài thì đừng xài, TV cứ mở hoài chịu sao nổi, thế nào cũng có ngày TV bị cháy.
          Mỗi ngày, chúng nó đi làm về trễ, có khi 7:30 hay8:00 tối mới về đến nhà , và tôi đều cố gắng ăn trước để không chạm mặt chúng nó trong bữa ăn, ăn trước thì thú thật chỉ ăn sơ sài cho no bụng thôi, thức ăn của chúng tôi không dám đụng vào, vợ tôi thì chờ cho chúng ăn hết đã, cái gì còn lại bà ấy mới ăn, chúng tôi chỉ dám ăn những thức ăn thừa thải mà thôi. Công việc lặt vặt trong nhà như lau dọn, rửa chén bát, đưa đón các cháu, chúng tôi đều làm hết, nhưng nó bảo với tôi là tội nghiệp thằng chồng nó phải còng lưng gánh hai ông bà già. Những ngày nghỉ, hay cuối tuần, vợ chồng con cái chúng đi ăn tiệm, những năm đầu khi cháu út chưa thể gởi đến trường, thì chúng còn gọi vợ tôi đi ăn với chúng, những ngày lễ Tết cũng tặng quà cho vợ tôi, nhưng từ khi cháu út lớn rồi, chúng cũng lơ là với vợ tôi luôn, cho đến sau này, chúng lạnh lùng đến như bỏ mặc, vợ tôi buồn quá đành đi tìm chổ giữ trẻ ở một tiểu bang khác, nên ông tới nhà không thấy vợ tôi là vậy.
          Bác lấy dưới gối ra một lá thư khác đưa cho tôi, bác bảo lá thư không có một chút tình người, thú thật tôi không dám đọc hết, nhưng trong trí tôi như vẫn in sâu những dòng này "ba người ta chết thì con cái khóc lóc tiếc thương, nhưng nếu ba chết con sẽ thở ra một cách nhẹ nhỏm. Con thật không muốn bảo lảnh ba sang Mỹ đâu, chỉ vì bắt buộc mà thôi, Ba hãy dọn ra đi để còn một chút gì gọi là tự trọng".
          Tôi cũng tự hỏi mình, bác đi đâu bây giờ? Một đồng bạc cũng không có, bà con, bạn bè cũng không luôn, bác dọn đi đâu? trong khi bác lại chưa phải là công dân Hoa Kỳ, làm cách nào để có thể xin trợ cấp, tôi đành an ủi bác, thôi bác cứ yên tâm, điều quan trọng bây giờ là hãy nhịn, nhẫn nhục đó mà, cứ coi như ngày nào bác bị bắt tại mặt trận, Việt cộng hành hạ bác kiểu gì, nhục mạ bác ra sao, bác cũng ngậm bồ hòn, thì nay, với con gái, bác ngậm lại bồ hòn một lần nữa đi rồi từ từ hãy tính.
     
(Còn nữa)

3 nhận xét:

CB nói...

Đây chính là cái vòng luẩn quẩn trong suy nghĩ đạo đức và xã hội của những nước chưa phát triển.
Người Việt thường nghĩ là sinh con để khi về già chúng nó trông nom mình, nên sinh thật nhiều, mỗi con là một của, con là tài sản riêng của mình.
Thế nhưng cũng có người đã nói: vợ mình người khác sinh ra, con mình là do vợ mình đẻ ra.
Nên người Việt sẽ rất ngạc nhiên khi thấy ở bên Mỹ, nếu nói với con cái là tao đã nuôi dậy chúng mày, thì chúng nó sẽ nói là bây giờ chúng nó còn phải lo nuôi con chúng nó!.
Tình cảm gia đình trong các nước phương tây là quan hệ tương hỗ, vợ chồng lấy nhau và sống với nhau vì tình yêu, cũng như vậy đối với con cái và ngược lại.
Trong các nước châu Âu, trông nom người già cũng như bệnh nhân là vấn đề của bộ y tế và xã hội, nó không để lại một gánh nặng cho bất kỳ ai, nên nó giữ được tất cả tình cảm cho một gia đình.
Bên Mỹ vấn đề y tế không được như châu Âu, nhưng vẫn có rất nhiều những tổ chức từ thiện làm việc đó, nhưng khổ nỗi người cha không biết tiếng, không biết phong tục nên cuối cùng để lại một gánh nặng cho mình và con cái.
Ai từ 40 tuổi trở lên không nên rời khỏi Việt Nam, hạnh phúc là thỏa mãn và sống với những cái gì mình đã làm, được trông nom bởi xã hội của mình theo mức sống đó.

Nặc danh nói...

Lí chí đấy, CB.

Viên Thạch nói...

Phải là chí lý chứ "Bác" ND ?.