Thứ Ba, 6 tháng 8, 2013

Bạn không thành người TQ được đâu (tiếp theo và hết)

Lý do cuối cùng thế giới không muốn “được” người Trung Quốc dẫn dắt trong thế kỷ XXI là ở chỗ, lãnh đạo đất nước này đầu cơ quá mức vào chủ nghĩa dân tộc. Họ lúc nào cũng nhắc nhau “một thế kỷ thua thiệt” (từ Chiến tranh thuốc phiện đến Đại chiến thế giới lần II). Họ hậm hực phương Tây khi bị Bát cường xâu xé, cay cú với sự thống trị của người Nhật, rồi kèn cựa với Liên Xô về vai trò lãnh đạo phong trào cộng sản. Cho nên nếu có ai đó nhắc đến Cao Hành Kiện với giải Nobel văn chương, hay Đạt Lai Lạt Ma với tiệc trà công khai, thì họ lại rên rỉ rằng bị “can thiệp công việc nội bộ”, hoặc bị “xúc phạm đến danh dự dân tộc”. Dường như bất cứ vụ việc gì không được như ý, là họ lại vật mình mẩy đau đớn, rồi hô hét sẽ “đáp trả đích đáng”.
Viễn cảnh được người Trung Quốc dẫn dắt thật khó tưởng tượng, trước hết bởi, chẳng lẽ thế giới lại muốn được cột vào mớ bùng nhùng nội bộ Trung Quốc? Khi đống bất động sản kia đổ vỡ thì sao? Khi hệ thống y tế và an sinh xã hội vượt quá sức chịu đựng của người dân thì thế nào? Năm 1911, cuộc cách mạng của Tôn Dật Tiên xảy ra chỉ vì có người vấp phải trái bom. Còn giờ đây thì mọi thứ đang sưng tướng lên. Liệu đống tiền chính phủ mua trái phiếu Mỹ có kịp quay về cứu việc nội bộ? Bởi điều đó lập tức sẽ khiến đồng đô la mất giá, dẫn đến xuất khẩu của Trung Quốc khó khăn, hàng loạt xí nghiệp sẽ đóng cửa, hàng triệu công nhân Trung Quốc sẽ ra đường.


Tôi hy vọng nếu có bề gì, thì mọi việc cũng sẽ êm đềm, và Bắc Kinh không mù quáng tấn công Đài Loan hay Philipines. Nhưng kiểu gì chăng nữa, thì Trung Quốc cũng sẽ đi đến cuối con đường tăng trưởng kinh tế, và giấc mơ cứu vớt loài người chỉ còn ý nghĩa mỉa mai.
Với riêng tôi, trước khi lo bị đối xử bất công vì là người nước ngoài, tôi thấy bất lực với việc đảm bảo cho gia đình mình an toàn. Từ thức ăn, nước uống không sạch, đến khí quyển ngoài đường, quanh nhà cũng bị ô nhiễm, sự vô cảm trong quan hệ với tất cả mọi ngườiNgười lớn đã vậy, nhưng các con tôi thì thế nào?
Hệ thống giáo dục cơ sở của Trung Quốc chả thấy có gì là giáo dục. Đó đơn thuần là hệ thống của các trung tâm thi cử. Các thầy cô chỉ nhăm nhăm luyện cho con trẻ vượt qua các kỳ thi. Ở nông thôn, nơi chúng tôi sống 7 năm, tình hình tưởng ít phức tạp hơn, hóa ra cũng vậy. Học sinh nào cũng cố ôn luyện, hy vọng đỗ đại học, để sau này kiếm việc nơi các thành phố lớn. Chẳng còn đâu là tình yêu thương, trách nhiệm công dân, sự tự tin hay hoài niệm nhân cách. Tất cả chỉ còn hai chữ “đỗ” và “trượt”. Đỗ thì sẽ trở thành “quan nhân”, trượt thì về ruộng đồng, các phân xưởng địa phương, nơi bố mẹ chúng cũng đang vùng vẫy để thoát khỏi.
Cũng có một ít hoạt động thể chất. Nhưng môn thể dục chính là để tìm ra những đứa trẻ có tố chất hầu gửi đến các trung tâm học cách đoạt huy chương Olympic. Những bạn có năng khiếu âm nhạc thì sao? Sẽ bị nhồi vào mấy nhạc viện bảo thủ, suốt ngày phải tập đàn cho đến lúc kiệt quệ cả tình yêu âm nhạc mới thôi (vợ tôi chính là một nạn nhân kiểu đó).
Rồi còn cái sự tuyên truyền nữa chứ. Ngày đầu tiên đến lớp, con gái tôi được xem một bộ phim có tiêu đề: “Cách nhân dân Trung Quốc, dưới sự lãnh đạo trực tiếp và không khoan nhượng của Đảng, được sự giúp sức của quân giải phóng nhân dân anh hùng, đã đánh bại thiên tai động đất ở Tứ Xuyên”. Đến tận ngày nay mà người ta vẫn lấy Lôi Phong ra dẫn dụ bọn trẻ, bảo rằng nhờ dẹp bỏ được cái tôi ích kỷ, anh ấy đã đạt được rất nhiều thành tích phi thường, mà những thành tích ấy chỉ được phát hiện khi anh ấy chết, đơn vị tìm thấy cuốn nhật ký ghi chép tỉ mỉ. Áp lực khiến lũ trẻ phát ốm. Các con tôi đạt điểm dưới 9,5 đã là loại kém của lớp, bị phạt. Bài về nhà hầu hết là những đề thi thử, ngày nào cũng một tập dày. Cuối tuần hoặc ngày lễ là dịp để học thêm. Lũ trẻ phờ phạc, đần độn vì học. Đám bạn của các con tôi rất sợ học, nhưng không còn cách nào khác. Tôi thấy mình không thể bắt các con chịu cảnh ấy mãi. Buồn nhất là ánh mắt ghen tị của đám trẻ địa phương, khi chúng tôi rời đi.
Một lựa chọn là về các thành phố lớn, cho các con vào học trường quốc tế. Nhưng tại đó cũng tệ không kém. Tiền học đắt vô cùng, đã đành, nhưng chính quyền vẫn bắt các trường này phải dạy quan điểm Trung Quốc. Rồi thì những sự làm tiền đủ kiểu của cán bộ, giáo viên.
Tôi thương lũ trẻ người Trung Quốc quá. Chúng không thể học các trường quốc tế (dù vẫn tệ như đã nói) vì bố mẹ chúng không thuộc đối tượng được ưu tiên. Cũng không thể đi du học, vì vừa tốn tiền, vừa phải đảm bảo lý lịch đặc biệt. Lãnh đạo Trung Quốc nói chung không muốn nhiều người dân tiếp xúc với văn minh phương Tây, trừ một điều họ học rất nhanh khi giao thương, mà thật mỉa mai, đó lại là tệ tham nhũng. Sống ở Trung Quốc mà từ chối được tham nhũng thì thực là không thể.
Trong đội ngũ của mình, Đảng Cộng sản Trung Quốc có hàng triệu đảng viên sáng suốt biết rằng phải làm gì đó để tránh khủng hoảng. Tôi đã gặp vài người như vậy. Họ muốn giúp nước giúp dân lắm, nhưng khó khăn chồng chất, mà hình như họ cô đơn.
Tôi cũng đếm được hàng trăm trí thức Trung Quốc có kiến thức tốt, có tấm lòng với hình ảnh dân tộc. Nhưng hình như, họ hiếm khi được trao cơ hội.
Và như thế, cái ngày tôi muốn, và có thể thành người Trung Quốc vẫn còn xa lắm.

2 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Chả khác gì Vn ta từ giáo dục đến tham nhũng.

TranKienQuoc nói...

Chính người TQ đã từng viết về những thói xấu của mình trong 'Người TQ xấu xí'.