Thứ Hai, 5 tháng 8, 2013

Dân Quế Lâm là "đại ca" của chúng em (KQ)

Hôm qua được dự Kỉ niệm 60 năm Trường Thiếu nhi VN Quế Lâm, tôi được mời lên phát biểu. Chả có gì khó khăn vì có ông anh cả là Quế Lâm út (học vỡ lòng 1954) rồi sau này có cả "tiểu đoàn đại ca" là dân Quế Lâm.
Những năm 60 mới lớn, nghe kể về mấy ông anh Quế Lâm nghịch ngợm: từng tự tay làm mô hình máy bay, tầu thủy (anh Nông Mạnh Luân), từng lấy chăn làm dù nhảy từ tầng 2 (hay tháp nước) xuống rồi ngày nghe tin Đại nguyên soái Stalin chết thì rủ nhau (cánh anh Giao, Ngân, Niệm, Vũ Cao Phan, Tôn Gia Khai...) vào hang trong núi, đốt lửa và trương ảnh Hitler lên... thì thán phục.
Gặp nhau cánh lớp 3 thường xuyên vào ngày 10 tết.

Năm 1970 khi lên trường Đại học Quân sự ở Vĩnh Yên, gặp mấy ông anh Quế Lâm (anh Lê Khôi - chị Huyền, các anh Đinh Bá Trụ, Huy Túc, Chu Việt Cường, Giao, Ngân, Kính...) là giáo viên thì kết thân ngay. Cùng một lò mà. Mấy anh em ngoài giờ lên lớp còn đá bóng, đàn địch, ca hát. Có lần cưỡi xe Robur lên Hòa Bình đá với Sư 308; đường đang làm, bên là vực, bên là rừng, anh Giao cảm xúc: "Mẹ, giống đường vào Trường Sơn quá"; rồi trận đi đá ở Sơn Tây mưa như trút nước, hòa TCKT 1-1, trên đường về dừng xe đánh trọng tài. Và những đêm biểu diễn văn nghệ (tôi chả là tay ghita bass) tại trường hay đi các tỉnh giao lưu. Thế mà cũng đã hơn 40 năm.
Với tôi có thể nói "đại ca Quế Lâm" có nhiều người thân "hơn cả anh em ruột thịt"; vui, buồn có nhau. Sau này về SG thì chơi với cánh anh Đức, anh Quang Trung... Gần gũi, thân thuộc, chả phải nói nhiều. Các bà chị cũng vậy.
Hôm qua, anh Niệm "khịt" mang 1 lô ảnh cũ ra khoe. Vội chụp lại và post lên cho các bác xem. Lớp bác Niệm có truyền thống họp mặt vào ngày 10 tết ở HN. Trong ảnh này nhận ngay ra bác Đoàn Mạnh Giao với nụ cười rất hóm và quái. Tóc còn xanh rì chứ không bạc trắng như đầu năm vừa gặp. "Ngày đó thằng Giao đã lên Văn phòng rồi nhưng chưa làm to", bác Niệm giải thích, "Còn tay áo vàng, mũ đen là Trần Hùng, con cụ Trần Lư dân Tổng Thanh tra. Nó mất cách đây cả chục năm rồi, vì ung thư phổi".
Với tôi 2 bác này đều rất thân. Thầy Giao cùng trường Quân sự, đến giờ vẫn thân thiết, có việc là a lô, nhắn tin. Còn anh Trần Hùng, nhà phố Bà Triệu, ngày học Quân sự bố mày trông trẻ lắm, đầu tiên cứ nghĩ "xêm xêm chúng tôi là cùng" (cứ định mày, tao!); sau anh về TCKT nên chơi thân với Khương Tú Anh.
Có vài ghi chép tặng mấy ông anh đại ca.

2 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Ông anh Giao mê hội họa, thích làm thơ. Đọc tập thơ ngày mới đi lính 1961, rồi những nằm 1970 nằm thối lưng ở Trường Sơn vì sốt rét rừng thấy thơ lai láng lắm, rất nghề. Những năm sau này chả được đọc thơ của ông anh nữa, thắc mắc thì được trả lời: "Hết tình là hết thơ, mày ơi".
Ông anh chơi bời quảng bá: "Ai tốt với mình thì là bạn mình, ngay cả tay xích lô". Tôi hợp ông anh điểm này nên dù thời gian nào 2 anh em luôn gắn bó (ngay cả khi anh làm quan to, còn tôi chỉ là dân).

Nặc danh nói...

Đàn em của thầy Giao, thầy Ngân - dân QL 53-57 - trên QS còn là Dương Minh Đức, Xu Đại, Vũ Toàn Thắng, Dương Tuấn, Phan Nam... nhiều, nhiều lắm.