Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013

Đại tướng đã nói gì về điện hạt nhân? (ST: QV)

ĐĂNG BỞI TUANHAI - 21:44 11-10-2013
Giáo sư Phạm Duy Hiển là một chuyên gia đầu ngành nghiên cứu hạt nhân ở Việt Nam. Ông từng được Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ phụ trách Viện trưởng Viện hạt nhân Đà Lạt. Cuộc trò chuyện với giáo sư Phạm Duy Hiển chỉ xoay quanh mối quan tâm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với khoa học hạt nhân và những trăn trở của Đại tướng đối với việc phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam.
Võ tướng chỉ huy phát triển năng lượng hạt nhân cho hòa bình

Giáo sư Phạm Duy Hiển kể lại: Sau khi đất nước thống nhất, tại Đà Lạt còn lại một lò phản ứng hạt nhân được xây dựng từ năm 1963 nhưng đã bị rút hết nhiên liệu mang trở về Mỹ. Sau khi tiếp quản, Bộ Quốc phòng thành lập đoàn A1 quản lý lò phản ứng này.


Vào một tối mùa thu năm 1975, một sĩ quan đến tìm tôi chuyển lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp mời đến làm việc. Cả ngày hôm sau tôi cố phỏng đoán Đại tướng sẽ hỏi mình việc gì và sẽ phải trả lời như thế nào, nhất là nếu Đại tướng bàn đến chuyện rất nhạy cảm là chế tạo vũ khí hạt nhân.
Lúc này trong khí thế hừng hực ở nước ta, không ít người duy ý chí cho rằng sau khi thắng Mỹ thì việc gì ta cũng làm được. Trong số anh em khoa học cũng có xì xầm làm bom nguyên tử, không khéo lãnh đạo cũng có ý đồ đó chăng? Nếu có thì phản bác và giải thích như thế nào, nhất là trước một đầu óc siêu việt như Đại tướng?
Rất may mắn, điều đó đã không xảy ra (và trong suốt bao nhiêu năm tôi chưa bao giờ nghe ông nhắc đến chuyện này). Đến nơi đã thấy Đại tướng ngồi chờ sẵn cùng với Thiếu tướng Thứ trưởng Trần Sâm, anh Hoàng Đình Phu, Viện trưởng Viện Kỹ thuật Quân sự cùng anh Nguyễn Quỳ, trung tá, phụ trách khối Hóa trong Viện.
Đại tướng thông báo việc Chính phủ quyết định xây dựng Viện nghiên cứu hạt nhân, nằm trong Ủy ban khoa học kỹ thuật Nhà nước (nay là Bộ Khoa học và công nghệ) và giao việc đó cho anh Nguyễn Đình Tứ (lúc này là Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp) và tôi (lúc đó là trưởng phòng Vật lý hạt nhân, Viện Vật lý) phụ trách. Đại tướng còn nói thêm anh Nguyễn Quỳ sẽ tham gia cùng hai anh.
Việc làm cấp bách ngay lúc đó là phải khảo sát và tính phương án khôi phục lò phản ứng hạt nhân do Mỹ để lại. Trong hai năm 1976-1977 tôi cùng với một số anh em từ các trường và Viện ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã ba lần lên Đà Lạt làm việc này.
Lúc này thực phẩm phải phân phối, ở Đà Lạt gạo thiếu quá, phải thay bằng bo bo. Trước khi đi, tôi lên xin Đại tướng viết cho “mấy chữ” để vào đó được mua gạo theo giá cung cấp. Đại tướng cười: “Thế tại sao dân ta có câu hát rất hay: thương chồng nấu cháo bo bo nhỉ?”.
Như không muốn để tôi phải ngượng quá lâu, ông thảo ngay mấy chữ ngắn gọn. Trong đoàn chúng tôi có phân công anh Nguyễn Hữu Xý, chủ nhiệm bộ môn Vật lý hạt nhân, Đại học Tổng hợp Hà Nội phụ trách hậu cần. Một hôm, liếc mắt vào phòng, tôi thấy anh đang đong từng lon gạo. Tôi hỏi cậu làm gì mà cẩn thận thế? Phải đong thử – anh trả lời – để biết còn bao nhiêu, chia ra cho đều, kẻo hôm cuối cùng lại hết gạo.
Năm 1981, khi phía đối tác Liên Xô đã lập xong thiết kế và cần phải bắt tay xây lắp lò phản ứng mới, Đại tướng lại gọi tôi lên thông báo “tôi và anh Tô(Thủ tướng Phạm Văn Đồng) đã quyết định cử Phạm Duy Hiển trực tiếp vào chỉ huy công việc ở Đà Lạt”.
Trong thời gian xây dựng lò, Đại tướng hai lần lên thăm công trường. Một lần, làm việc xong đã muộn, Đại tướng yêu cầu tôi dẫn xuống nhà ăn. Mọi người đã ăn xong ra về, còn lại hai người ngồi trước hai đĩa cơm trong bóng tối mờ mờ. Ra khỏi cửa, Đại tướng than: ăn vậy mà làm hạt nhân à?
Đại tướng nhắc địa phương phải hết sức giúp chúng tôi cải thiện đời sống. Tuần nào, chúng tôi được cấp sữa tươi từ nông trường bò sữa. Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết thư cho các tỉnh duyên hải bán cá bể tươi cho Viện. Mỗi tháng một lần, anh phó phòng hành chính đưa xe tải xuống Phan Rang chờ chực thuyền về mua cá. Xe chở cá về qua trạm gác ở đèo Ngoạn Mục bị công an giữ lại, anh trưng chữ ký của Thủ tướng ra mới qua được.
Nhưng mối quan tâm hàng đầu của Đại tướng là an toàn trong vận hành lò phản ứng. Đại tướng yêu cầu chúng tôi mỗi tháng phải có một báo cáo tình hình gửi Hội đồng Bộ trưởng. Sau này có một số thông tin gây nhiễu báo động sự không an toàn của lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, ông gọi tôi ra tường trình, kiểm điểm, sau đó yêu cầu mỗi tuần gửi báo cáo một lần, ngắn gọn nhưng đầy đủ, qua con đường mật điện của tỉnh”.
Đại tướng nói gì về điện hạt nhân?
Giáo sư Phạm Duy Hiển kể tiếp:
Một chiều chủ nhật, khoảng năm 2006, tôi tình cờ đến thăm không báo trước, thấy Đại tướng đang ngồi xem chương trình khoa học công nghệ trên VTV1. Tôi đến vào phút chót, chỉ thấy trên màn hình một vài gương mặt quen thuộc đang hô hào làm điện hạt nhân.
Đại tướng cau mặt: Làm một chuyện có thể dẫn đến Chernobyl mà sao thấy họ nói dễ ợt thế? Ý kiến anh về việc này thế nào? Dạ – tôi nói ngay – trước sau gì cũng phải làm điện hạt nhân thôi, nhưng không thể vội vàng được, dân ta còn thiếu kỷ luật công nghiệp, luật pháp chưa có, nhưng khó nhất là thiếu chuyên gia có tri thức.
Đại tướng trách tôi: Sao anh không nói ý kiến của mình? Anh và anh Tứ được nhà nước giao cho xây dựng ngành hạt nhân, anh Tứ mất rồi, còn anh? Tôi phân trần: Dạ, tôi nói đấy chứ! Nhưng tôi càng nói người ta càng xốc tới.
Rồi như một mệnh lệnh ngắn gọn phát ra trên chiến trường ngày nào, Đại tướng nói to: Tôi phải gọi ngay Việt Phương!
Mấy hôm sau, tôi đến nhà đã thấy Đại tướng ngồi chờ cùng với anh Việt Phương, anh Trần Đức Nguyên, người Quảng Bình, nguyên trưởng ban nghiên cứu Chính phủ, và GS TSKH Võ Hồng Anh, con gái đầu của ông, trước kia có thời kỳ nghiên cứu vật lý plasma ở Liên Xô.
Tôi trình bày kỹ hơn quan điểm của mình. Sau cùng, Đai tướng yêu cầu anh Việt Phương thuật lại chuyện này với Thủ tướng Phan Văn Khải, và “nếu cần tôi sẽ gặp anh Khải”. Tôi nghe nói lại, Thủ tướng Phan Văn Khải bảo anh Việt Phương “tôi phải đích thân đến thăm anh Văn, chứ sao anh Văn lại phải đến tôi”.
Mấy ngày sau, tôi nhận được một bức thư gửi Thủ tương Phan Văn Khải do anh Trần Xuân Giá ký, lúc này anh là trưởng ban nghiên cứu của Thủ tướng. Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Trần Xuân Giá báo cáo Thủ tướng rằng nước ta còn nhiều nguồn tài nguyên, nhất là nhiên liệu tái tạo, chưa nên làm điện hạt nhân vội. Sau này nếu có làm, cũng không được vội vàng ồ ạt, an toàn cho môi trường và con người là trên hết. Viết mấy dòng này tôi bỗng thấy thương anh Trần Xuân Giá, vì sơ suất gì mà mang khổ vào thân.
Mấy ngày này, giới hạt nhân trong nước với đầy ân tình và tự hào chuyền nhau xem lại bài phát biểu của Đại tướng ngày 20/3/1984 trong lễ khánh thành lò phản ứng Đà Lạt. Cũng giờ đây, nhà nước đã chính thức quyết định làm điện hạt nhân, đối tác đang chờ, tín dụng đã mở, đồng hồ ghi tiền lãi đang điểm từng ngày. Trong khi đó, người am hiểu chưa có, pháp quy còn rất mong manh, mơ hồ, điện hạt nhân đắt lên sau tai nạn Fukushima, khó khăn trăm bề. Nhưng không dừng được rồi! Nếu ghi nhớ lời Đại tướng, chỉ còn cách bảo ban nhau không vội vàng, không được dẫm lên các sai sót kỹ thuật, biết đến đâu làm đến đó, dù chậm tiến độ cũng không được để cho người nước ngoài cầm tay ta làm việc của ta. Xin anh linh Đại tướng chứng giám!
Tuấn Ngọc (ghi)



1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Chán cho những ai chả chịu học, chả chịu nghe dân...