Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2013

Nơi bắt đầu câu chuyện và... (3)

Còn một phương tiện đã đi vào nếp sinh hoạt của người Hà Nội mà người ta đã dỡ bỏ đi vào đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước là tàu điện. Từ Bờ Hồ đoạn giữa nơi rạp Hòa Bình với kem Hồng Vân – Long Vân các chuyến tàu điện tỏa về 5 bến cuối là Mơ - Bưởi - Cầu Giấy - Hà Đông – Vọng. 
Nhờ những lúc đợi tàu ở bến người ta mới được nghe làn điệu sẩm của các nghệ sỹ lang thang bị mù lòa, họ không phải là người ăn xin mà chỉ đem tiếng hát với cây nhị của mình ca lên những khúc cổ thi để mọi người cùng nghe rồi tùy tâm gửi lại 5 xu hay 1 hào.


Tàu điện ở Hà Nội chỉ có 3 toa được nối lại với nhau, toa đầu có một cần cao lên lấy điện cho cả ba toa chạy từ một cáp điện treo trên cao dọc suốt tuyến đường, hai đường ray thì chỉ cao bằng mặt đường nhựa có rãnh một phía để các bánh sắt lăn ở trên. Tôi cứ nhớ mãi những cảnh hành khách đi tàu điện đến ga Hàng Cỏ để vào ga đi tàu hỏa hay lũ trẻ con chúng tôi xếp nắp sắt của chai bia lên đường ray tàu điện, chờ tàu chạy qua là có đủ một nắm xèng tha hồ chơi cả ngày.
Những âm thanh thanh bình của Hà Nội thời đó chỉ là tiếng kính coong của chuông xe đạp, tiếng lách cách của chuông xích lô, tiếng leng keng của tàu điện, tiếng boong - boong của vệ sinh viên giục đổ rác buổi chiều và tiếng tu - tu của tàu hỏa. Phố nào có nhà thờ hay ngôi chùa cổ người dân còn được nghe những âm hưởng của đức tin và tâm niệm vọng xa từ những quả chuông đồng có tuổi vài trăm năm. Vậy thôi. Thế nên Hà nội rất yên bình.
Nơi Cung văn hóa Hữu nghị ngày nay thời Pháp thuộc được xây dựng làm khu Đấu Xảo. Còn ít người biết về từ “cũ” này, khái niệm mới bây giờ hay dùng là Hội chợ hay triển lãm. Bên cạnh Chợ là nơi buôn bán hàng hóa thực phẩm cả ngày, Búa là nơi tụ họp ngắn theo giờ thường là giao buôn rau hoa quả, thịt thà, Đấu Xảo là chỗ được tổ chức có nét “chính quy” hơn cho những hàng hóa đã có tiếng hay những giống súc vật, rau hoa được nhiều người biết tới. Đây là cách thương nghiệp của phương Tây mà người Pháp đưa vào. Phía trước của khu này là một khoảng đất rộng rãi chừng 800.000 mét vuông để đón các “thương nhân” từ phía tây hay phía nam đến, từ ga Hàng Cỏ về đưa hàng hóa vào bày bán, bên phải ở góc đường Trần Bình Trọng có một tòa nhà cổ bát giác bây giờ vẫn còn lưu giữ được. Cuối bãi để tổ chức đấu xảo là hai con sư tử ngồi bằng đồng rất to được chở từ bên Pháp sang màu đồng hun sáng bóng do mưa nắng phong hóa và trẻ em trèo lên, cảm giác trèo để ngồi lên đầu sư tử rất thích trông oai phong, hùng dũng! Bức tường cao dựng lên sau hai sư vương này là phía cuối sân khấu có mái che của rạp ngoài trời với các dãy ghế xi-măng đánh số xếp hàng từ thấp lên cao. Nơi đây người ta có thể biểu diễn kịch xiếc hay chiếu phim, bán vé cho khách đến dự đấu xảo. Đằng sau khu ghế ngồi xem ở phía dưới là một đường hầm, lũ trẻ con hay mò vào để tìm đường sang khu biểu diễn khi không có vé. Bây giờ chỗ này là đường Trần Quốc Toản kéo dài sang phố Yết Kiêu. Trước khi người ta phá đi để xây Cung văn hóa Hữu nghị nơi đây từ khoảng năm 1955 có tên là nhà hát Nhân Dân. Những ngày nghỉ hay các buổi chiều hè thanh thiếu niên ở phố Trần Hưng Đạo, Quán Sứ, Yết Kiêu hay ra đây đá bóng, tụ tập tán gẫu như một thú vui tuổi thơ.
Năm 1962, cha tôi trong đợt công tác về nước, lúc này ông đang là Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền tại Trung Quốc và Mông cổ, theo đề nghị của Văn phòng Trung Ương Đảng cần tìm một ngôi nhà để gia đình ở cho đàng hoàng vì ông là cán bộ cao cấp không thể ở mãi khu tập thể quân đội 38 phố Trần Phú được. Những ngôi biệt thự ở phố Phan Đình Phùng, Nguyên Du, Nguyễn Gia Thiều…có nhiều và rất đẹp, rất yên tĩnh phù hợp với công việc trí óc căng thẳng và những lúc bàn thảo gặp gỡ riêng nhưng cha tôi muốn chọn một nơi có nhiều ý nghĩa lịch sử gắn liền với cuộc đời cách mạng của ông. Ông đã chọn ngôi nhà 99 phố Trần Hưng Đạo.

(Còn tiếp)


Không có nhận xét nào: