Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

NƠI BẮT ĐẦU CÂU CHUYỆN VÀ NGÔI NHÀ 99 (Thanh Trần)


Cha tôi dạy: Chỉ có lao động mới có tự do chân chính!

Người ta vẫn thường nói ai đã ở Hà Nội được vài năm, khi đi xa chỉ cần nghe nhắc đến 2 từ “Hà Nội” là cũng thấy lâng lâng phảng phất cảm giác khắc khoải. Rất lạ, cảm xúc mà đất kinh đô hay thủ đô này để lại trong lòng mỗi người đều rất giống nhau và lại rất khác nhau mà đó phải là nét riêng được mỗi cá nhân thẩm thấu qua âm thanh, nhịp điệu, sinh hoạt và phong cảnh bao phủ lên cuộc sống cứ vô tư hồn nhiên trôi đi ở mảnh đất kinh kỳ này.


Hà nội “cũ” từ năm 1990 trở về trước vẫn gieo những ký ức sâu đậm để người ta rất khó quên. Đành rằng, ngày hôm nay Hà nội đã đổi thay quá nhiều, mở rộng diện tích của mình đến mức “nuốt chửng” cả xứ Đông, xứ Đoài vốn là bờ phên dậu và lớp gấm lụa của mình; đã kiến tạo nên các khu chung cư đô thị mới đến mức vượt rất nhiều lần nhu cầu sử dụng của người dân; đã tạo ra một cách sống khác trước mà dùng từ “phong phú” hay “đa dạng” và kể cả “hỗn tạp” cũng đều đúng! Nhưng chẳng lẽ cái nếp cũ thanh lịch của Tràng An đã chết đi trong lòng người đang sống?
Đã có một thời, người Hà Nội mang những nét riêng của nơi mình sống để cộng lại tạo ra một nét chung của Hà Nội. Người ở Yên Phụ, Quảng An, Quảng Bá hay đi ngược ra Nhật Tân, Phú Thượng có cái “gần gũi” trong tính cách không chỉ vì địa dư nối liền như một dải theo hữu ngạn sông Hồng, mà chính là họ làm nghề trồng hoa, cây cảnh, cá cảnh mang cái đẹp cái sinh động lãng mạn theo tuổi tác cho cả người già đến trẻ thơ. Dân trên phố cổ, gọi vui là dân “Hàng” vì hay bắt đầu tên phố theo nghề, theo phường làm ăn buôn bán, cũng có nhiều nét riêng trong phong cách, mà nổi trội là dí dỏm, linh hoạt và chịu chơi. Dân các “phố Tây” như Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Du, Quang Trung…lại giữ nếp kín đáo, ý tứ, trầm tĩnh. Cứ như thể ở khu nào của Hà Nội người ta cũng dễ dàng quan sát và nhận thấy một cách sống riêng trong sinh hoạt của thị dân, và rồi các nét riêng đó đan xen, hòa quyện tạo ra một bản sắc chung nhưng cũng rất riêng của Hà Nội và được gìn giữ rất lâu.
Người Hà Nội khi ngồi với nhau hay trao đổi những nhận xét của riêng mình về nhân vật và thời cuộc, họ không “tranh luận” hay “tranh cãi” để tìm ra cái đúng về một vấn đề gì, họ biết lắng nghe và rồi im lặng trước cái “thô kệch” “khăng khăng” trong tư duy hay ngôn ngữ nếu người đối thoại bộc lộ, phải chăng đó là nét Thanh lịch vốn có? Họ cũng có thói quen hay nhắc cho nhau về quá khứ, về kỷ niệm hay nhận thức của từng thế hệ qua mỗi thời kỳ Hà nội phải trải qua. Đúng rồi, ở đời ai mà luôn luôn nhớ đến quá khứ, tự điều chỉnh để sống đúng trong thực tại thì tương lai sẽ được yên bình, vì đó là các chặng đường đời được nhận thức và điều chỉnh theo một văn hóa truyền thống. Nếp sống của người Hà Thành là như vậy: êm đềm, gọn gàng và ý tứ. Thế nên nó đã bị ngơ ngác, hoảng hốt, dồn ép và đẩy lùi dần trước một Hà Nội “mới” bùng nổ, khi nhiều triệu người đổ về mảnh đất bình yên này để tìm cơ hội kiếm sống! Ngày hôm qua ở những tiệc rượu người ta đâu có hô to “một, hai, ba…zô”, trên đường phố chẳng có ai dám vượt đèn đỏ kể cả khi không có công an, xếp hàng lần lượt thậm chí còn nhường chỗ cho người già chứ đâu có xô đẩy trơ trẽn chen hàng, mà cũng chẳng có ai dám dúi tiền cho cán bộ công quyền khi làm nhiệm vụ. Mới có hơn hai mươi năm mà Hà nội bị đổi thay nhiều quá!
Đêm nay, bầu trời thu tím sẫm sâu thẳm không một gợn mây, dải ngân hà như một dòng sông trôi trên biển sao, mỗi vì sao như một cột mốc của quá khứ còn lưu lại giá trị của một thời rực rỡ, thi thoảng một vì sao “tự” bỏ ngôi của mình rồi vụt tắt khiến ta đặt câu hỏi: phải chăng nó đã quá mệt mỏi cùng với thời gian vì cố giữ lấy hình ảnh cao quý đã được tôn thờ mà giờ đây không còn ai nhận ra được chân giá trị đó? Hay là “tiêu chuẩn cao quý” giờ đây đã thay đổi nhiều đến mức phải vùi lấp cái cao quý cũ để không còn gì mà so sánh?. Thôi! đây chỉ là sự suy tưởng của người đời, ám hợp vào những biến dịch của thiên nhiên. Còn trong vòm trời bao la kia, mặt trăng vằng vặc muôn thuở vẫn tỏa sáng một cách tự tin và tự tôn. Tự tin vì so kích thước với các vì sao, mặt trăng có thể nhỏ hơn vài chục, vài trăm, vài ngàn có khi vài vạn lần nhưng trăng vẫn mang lại ánh sáng trung thực nhất, hào hoa nhất, lãng mạn nhất cho cuộc đời này khi màn đêm buông xuống; mà chỉ với trăng nhân loại mới nhận thấy sự ẩn náu, lộ dần, xung mãn của một hành tinh như trong dân gian bài đồng dao vẫn được trẻ thơ lưu giữ: “mùng một lưỡi trai… mười rằm trăng náu… hai mốt nửa đêm”, chứ có ai nhìn thấy sự sinh trưởng của mặt trời hay các vì tinh tú đâu!
Tự tôn, vì chỉ có trăng mới mang lại nguồn cảm hứng vô tận cho các bậc thi sỹ khi “gọi hồn thơ”, khi Thánh thi Lý Bạch đời Đường uống rượu một mình dưới trăng mà thành ba người: ta – trăng – cái bóng của ta do trăng họa vẽ bằng ánh sáng! Hay Hàn Mặc Tử để lại những áng “thơ điên” vì có trăng trong đó! Rồi trăng đóng bao nhiêu vai trong kịch đời? ông trăng, chị Hằng, bà Nguyệt kể cả một gã lãng du như nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã viết: “con sông là quán trọ, còn trăng tên lãng du”, mà cũng chỉ có trăng mới vỗ về, san sẻ, thôi thúc, xoa dịu hay gợi nhớ những trạng thái tình cảm mà con người trải qua, đến Lãnh tụ Hồ Chí Minh khi nhìn trăng cũng phải “khất nợ” vì rung động: “Trăng vào cửa sổ đòi thơ - việc quân đang bận xin chờ hôm sau”.
Hà Nội đẹp nhất là mùa thu, mà ngày thu thì đẹp nhất vào lúc hoàng hôn trước khi những tia nắng cuối cùng tắt hẳn và đêm khuya khi bộn bề đã gác lại chỉ còn sự yên tĩnh trong ánh trăng bàng bạc xen vào màn sương đêm.






(Còn tiếp)

6 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

HN luôn để lại nỗi nhớ cho mọi người, nhất là những ai đi xa. Sáng nay xem phóng sự trên VTV1 về gánh xôi xéo, xôi bắp của bà chị ngoài 60 ở phố Bát Đàn làm mình nhớ HN đến nao lòng. Phần xôi được đổ ra lá gói, tay cầm nắm đỗ xanh đã đồ chín, tay cầm dao sát từng lớp mỏng rải lên trên... tay chị khéo léo gói lại, quấn lạt... Ôi, thèm miếng xôi xéo HN làm sao.
Chị bán hàng bảo, bán xôi ở Bát Đàn đã 40 năm và nay thấy người HN khác xưa lắm...

TranKienQuoc nói...

Có cô bế con ra mua bát xôi còn khen: hành phi của bác ấy thơm và thật chứ không đểu như hàng khác.

Nặc danh nói...

QK còn nhớ : Kiệm ? Cho vài "nỗi nhớ" về " Phở Kiệm" ở sát ngõ 23 PBC. Q nhớ đừng quên tiếng bập bập rất rền của tiếng con dao phở đang thái nhỏ một lát gừng vừa bị đập bẹt trên thớt, để nêm vào bát phở bò tái ngút khói lúc nửa đêm. Trời vào tháng 12. Mưa bụi lất phất...(Trần-B)

TranKienQuoc nói...

Phở Kiệm trên đường Phan Bội Châu nhìn ra phố Nam Ngư. Tay này băm chặt thì thôi rồi, nghe phầm phập, chan chát như nghệ sĩ trống ở dàn nhạc. Sau khi băm nhừ miếng thịt bò bằng những tiếng chan chát luôn tay... Bỗng nghe bốp phát, cả miếng thịt mỏng tang như tờ giấy, nhẹ cho vào bát phở... lại bốp phát thêm miếng gừng tươi, hành củ...
Ngon nhất là đêm đông, đi dâu về muộn, bụng đói, rủ bác Ngân trú ở Trạm khách 23 ra Kiệm, được hắn cho chén bốc mả xả láng. Xà xà xì xụp bát phở tái, cắn rôm rốp những củ hành tươi to bằng ngón chân cái, được nhắm những mẩu thịt thừa bốc mả và tu chai bia hơi đóng nút cao su... Ôi, sáo làm xương!

TranKienQuoc nói...

Chêm thêm:
Sau khi dùng sống dao băm nhừ miếng thịt bò...

Nặc danh nói...

Các bạn nói về Hà Nội với một tình cảm yêu mến và trân trọng. Hà Nội đáng được như thế! Tôi ở Hà nội lâu hơn bất cứ đâu nhưng chả dám nhận mình là người Tràng An. Tôi cũng hiểu dân HN chính gốc nhẹ nhàng thanh lịch, không ồn ã phô trương. Gắng học tập ở họ nhưng cũng khó. Tuy thế tôi cũng luôn cố gắng không làm điều gì xấu đến Hà thành. Mỗi lần đi xa nghe bài hát về HN mới nhớ da diết làm sao. Tự nhiên tôi ước gì HN trở lại ngày xưa, VN trở lại ngày xưa, vắng lặng, lich sự, yêu thương.... Liệu ý nghĩ ấy có điên rồ không nhỉ?