3- Chống gián điệp,
tiễu phỉ, bảo vệ Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.
Ngày 20 tháng 11 năm 1953, Pháp cho 6 tiểu
đoàn nhảy dù xuống lòng chảo Điện Biên Phủ. Sau gần 4 tháng xây dựng và củng cố
trận địa, địch đã tạo ra một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất ở khu vực Đông Dương.
Tổng quân số địch lúc cao điểm lên tới 16.200 tên, được bố trí ở 49 cứ điểm, tổ
chức thành 8 cụm liên hoàn, chia làm 3 phân khu. Ở phân khu Bắc và phân khu
Nam, địch đã xây dựng 2 trận địa pháo binh mạnh với vũ khí mới của Mỹ là Mường
Thanh và Hồng Cúm. Đồng thời địch cũng xây dựng hai sân bay dã chiến để phục vụ
việc vận chuyển, tiếp tế cho tập đoàn cứ điểm từ Hà Nội và Hải Phòng lên.
Bác Hồ chụp ảnh với học viên lớp Trung cấp Công an (năm 1951) tại Sơn Dương - Tuyên Quang. |
Về phía ta, sau khi địch nhảy dù xuống
Điện Biên, Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy đánh giá tình hình và quyết định chọn
chiến trường Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược, cầm chân và tiêu
diệt một bộ phận lớn sinh lực địch, tạo bước chuyển biến cơ bản cho cuộc kháng
chiến. Ngày 6 tháng 12 năm 1953, Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tác chiến của
Bộ Tổng tư lệnh. Cả bộ máy kháng chiến của chúng ta huy động cho trận quyết
chiến, quyết thắng này.
Trong lúc bộ máy kháng chiến của ta đang
dồn sức cho chiến trường Điện Biên Phủ, thì ở huyện Phong Thổ (Lai Châu), nổi
lên hoạt động vũ trang của bọn đặc vụ Tưởng câu kết với phỉ. Đầu tiên ở khu vực
Giào San, bọn phỉ do các tên Hai Nùng, Đèo Văn Ngảnh và Đèo Văn Nộng chỉ huy đã
nổi dậy chống phá chính quyền. Ngày 12 tháng 5, chúng đánh chiếm xã Bản Lang;
ngày 30 tháng 5, bọn phỉ tiếp tục đánh chiếm huyện lỵ Phong Thổ. Đến tháng 6
năm 1953, Pháp cho tên Nông Văn Kiếm nhảy dù xuống trực tiếp chỉ huy nhóm này,
được sự hỗ trợ về vũ khí của Pháp, bọn phỉ ra sức phát triển lực lượng, chúng
vào các bản bắt thanh niên các dân tộc Dao, Mèo, Thái… vào phỉ. Đến tháng 10
năm 1953, lực lượng phỉ tại Phong Thổ đã lên đến 2.000 tên, chúng đã liên kết
với bọn gián điệp, biệt kích do tên Lý Triều Dương chỉ huy và nhóm Quốc dân
đảng do tên Lý Sư chỉ huy. Để đảm bảo trật tự trị an vùng hậu phương kháng
chiến và bảo vệ cho chiến dịch Điện Biên Phủ, tháng 12 năm 1953, lực lượng công
an phối hợp với bộ đội đã tiến công cụm phỉ lớn ở Tam Đường (huyện Phong Thổ),
tiêu diệt và bắt sống hầu hết phỉ tại đây. Sau nhiều đợt bị lực lượng vũ trang
của ta truy quét, đến tháng 5 năm 1954, trên địa bàn huyện Phong Thổ, tình hình
hoạt động của phỉ đã cơ bản chấm dứt.
Đầu năm 1954, tại vùng phía Bắc tỉnh Lai
Châu, các nhóm phỉ lại đồng loạt gây ra nhiều vụ bạo loạn chống phá chính
quyền, giết cán bộ. Đến cuối tháng 2 năm 1954, phỉ đã chiếm gần hết huyện Mường
Tè. Các căn cứ của phỉ được xây thành đồn, bốt kiên cố, khống chế một khu vực
rộng 8.000km2. Các căn cứ của phỉ thường
xuyên được máy bay của Pháp thả dù tiếp tế về lương thực, vũ khí, khí
tài chiến tranh và cả sĩ quan cố vấn. Cũng trong thời gian này, bọn tàn phỉ ở
Pu - Sam - Cáp, Bình Lư (huyện Phong Thổ), Mường Cang (huyện Than Uyên), Mường
Giôn (Quỳnh Nhai), Hồng Thu, Nặm Cắn (Sìn Hồ) cũng câu kết với nhau nổi dậy
chống phá chính quyền nhân dân.
Bộ đội ta trong chiến dịch ĐBP. |
Lúc này, công tác bảo đảm an toàn vùng
hậu phương kháng chiến và bảo vệ chiến dịch Điên Biên Phủ đã đặt ra cho các cấp
ủy, chính quyền, quân đội và và lực lượng Công an những yêu cầu hết sức cấp
bách, trong đó công tác tiễu phỉ, bảo vệ các tuyến giao thông huyết mạch là
nhiệm vụ hết sức quan trọng. Đại
tướng Tổng Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng uỷ mặt trận Võ Nguyên Giáp chỉ thị cho lực
lượng Công an khu Tây Bắc là: "Bằng
mọi cách không được để tắc đường". Hằng ngày, hàng giờ địch dùng phi,
pháo, biệt kích đánh phá các tuyến đường rất ác liệt nhằm cắt đứt đường tiếp tế
của ta từ hậu phương ra mặt trận. Đặc biệt, ở ngã ba Cò Nòi, hàng ngày cứ 5
phút máy bay địch lại ném bom dữ dội. Còn ở các nơi xung yếu như cầu, phà, đèo,
dốc ở các tuyến quốc lộ, ngoài việc ném bom, địch còn sử dụng cả bom nổ chậm,
bom bướm, bom dù để ngăn chặn bộ đội hành quân và dân công hoả tuyến.
Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”, dưới sự chỉ
đạo của Khu ủy Tây Bắc, đồng chí Trần Quyết đã chỉ đạo lực lượng công an các
địa phương triển khai lực lượng thực hiện nhiệm vụ cụ thể: đồng chí Lê Quân,
lúc đó là Trưởng ty Công an Yên Bái chịu trách nhiệm chỉ đạo bảo vệ các kho
tàng, trạm trung chuyển đóng trên địa bàn tỉnh và đảm bảo trật tự giao thông
các khu vực bến phà Âu Lâu, đèo Lũng Lô…; Đồng chí Hoàng Cẩn, Trưởng ty Công an
Sơn La chịu trách nhiệm bảo vệ tuyến đường và các khu vực phụ cận từ Suối Rút
qua Tạ Khoa lên Thuận Châu; Đồng chí Trần Quốc Mạnh, Trưởng ty Công an Lai Châu
đảm nhận khu vực từ Thuận Châu lên Tuần Giáo vào Điện Biên Phủ. Trong đó, đáng
chú ý nhất là đảm bảo an toàn cho Sở chỉ huy chiến dịch. Tháng 2 năm 1954, lực
lượng Công an Lai Châu được sự hỗ trợ của Công an Liên khu Tây Bắc đã phối hợp
với lực lượng bộ đội và du kích địa phương ra quân mở đợt truy quét bọn phỉ và
tề, ngụy, phản động, do thám, bắt 121 tên dọc các tuyến đường giao thông, bảo
vệ an toàn cho việc chuyển quân, tải đạn, gạo cho tiền tuyến. Bên cạnh công tác
truy quét, bắt giữ bọn gián điệp, biệt kích, phỉ, lực lượng Công an đã thiết
lập các trại tạm giam và tiến hành phân loại, xét hỏi, xử lý những tên có nhiều
nợ máu.
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng
và Khu ủy Tây Bắc, Ban cán sự tỉnh Lai Châu đã chỉ thị cho lực lượng vũ trang
của tỉnh và Ty Công an chuẩn bị các phương án đánh phỉ. Để công tác tiễu phỉ
đạt kết quả, Ban cán sự tỉnh đã thành lập Ban chỉ huy tiễu phỉ ở cấp tỉnh và
các huyện. Sau một thời gian chuẩn bị, tháng 3 năm 1954, các đội công tác tiễu
phỉ của lực lượng Công an phối hợp với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương đã
tiến hành bao vây các cụm phỉ lớn trên địa bàn Mường Tè, chặt đứt các đường
tiếp tế và dùng loa gọi hàng, làm bọn phỉ rất hoang mang và dẫn đến tan rã.
Trước sức tấn công, uy hiếp và vận động của lực lượng tiễu phỉ, đến cuối tháng
3 năm 1954, các cụm phỉ ở Mường Tè nói chung và căn cứ cuối cùng của phỉ ở
Mường Mô bị tiêu diệt hoàn toàn. Ta đã tiêu diệt tên đặc vụ nguy hiểm, chỉ huy
phỉ nổi loạn ở Mường Tè là Đào Gia Trụ và những tên cầm đầu khác. Sau đó các
cụm phỉ ở Phong Thổ, Sìn Hồ, Than Uyên, Quỳnh Nhai cũng lần lượt bị tiêu diệt.
Kết quả trong chiến dịch tiễu phỉ, ta đã làm tan rã hầu hết các cụm phỉ ở vùng
phía Bắc tỉnh Lai Châu. Việc ta đánh tan các cụm phỉ lớn ở Lai Châu đã giáng
một đòn mạnh vào âm mưu của Pháp, hòng mở rộng vùng chiếm đóng, phá hoại hậu
phương kháng chiến và cắt đứt các tuyến đường vận chuyển của Việt Minh cho mặt
trận Điện Biên Phủ. Cũng trong thời gian cuối năm 1953, đầu năm 1954, tại các
địa phương thuộc Liên khu Tây Bắc, các Đội công tác tiễu phỉ với phương châm
“Lấy vận động chính trị làm chính, kết hợp với tiến công quân sự”, đã làm tan
rã phần lớn lực lượng phỉ trên địa bàn: tại Cao Bằng hơn 1.000 tên; tại Lào
Cai, Hà Giang, phá rã hơn 3.000 tên; địa bàn Sơn La (Thuận Châu, Sông Mã), phá
rã hơn 2.000 tên phỉ.
Được các cấp ủy, chính quyền, lực lượng
công an và nhân dân các dân tộc Tây Bắc hết lòng ủng hộ, giúp đỡ và đảm bảo an
toàn cho chiến dịch, sau nhiều tháng trời chuẩn bị, ngày 13 tháng 3 năm 1954,
bộ đội chủ lực đã nổ súng tấn công tiêu diệt cứ điểm Him Lam, mở đầu cho chiến
dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Sau gần hai tháng chiến đấu vô cùng anh dũng, ngày
7 tháng năm 1954, quân ta đã cắm lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” lên nóc hầm
của viên bại tướng Christian
de Castries, kết
thúc thắng lợi chiến dịch. Buộc chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Giơnève về lập
lại hòa bình ở Việt Nam
và Đông Dương.
1 nhận xét:
LÂU NAY CHƯA ĐC BIẾT NHỮNG TƯ LIỆU LỊCH SỬ VỀ BẢO VỆ CHIẾN DỊCH ĐBP. CÁM ƠN TÁC GIẢ VÀ BÁO LIẾP.
Đăng nhận xét