Hẹn với mấy thằng em, dân xuất khẩu lao động, cách thành phố tôi học hơn 200 km, thế là còn ít ngày của kỳ nghỉ đông năm ấy tôi thực hiện lời hứa của mình. Xách ký “Giăm bông” mua trong cửa hàng của học viện dành cho sỹ quan nước ngoài và hai chai Vodka giá cao mua lụi của đám taxi đầu phố, tôi nhảy “Tramvai” phi ra ga. Một mình lầm lũi làm một cuộc “chia li”.
Tàu chuyển bánh. Tới ga tôi phải xuống khoảng 8 giờ tối. Trên đường ke giữa mênh mông tuyết trắng tôi đã thấy ba đốm đen mũ lông sùm sụp, áo khoác choàng dài từ đầu tới đít, mặt mũi tái mét co ro đang đứng đợi. Tự nhiên tự đâu đó trong sâu thẳm tâm hồn mình trào dâng một niềm thương cảm rất khó diễn tả đối với những thằng em, những đồng loại đang tha hương kiếm ăn bươn trải trên đất khách.
- Anh! Chào anh! Chào anh! Cùng một lúc cả ba thằng vừa chào vừa lao vào ôm chặt lấy tôi như ôm cái bao tải quà “lạnh ngắt” được gửi tới từ một miền nào đó xa xôi lắm mà người nhận đang mong ngóng chờ trông.
- Bọn em đợi anh cả tiếng đồng hồ, sợ tàu đến không ra kịp, anh lại đi tìm rồi lạc nhau giữa trời giá lạnh thế này thì khổ.
- Đưa túi đây em xách cho. Mấy anh em vừa nói vừa dắt díu kéo nhau xuyên qua hầm, chui ra ngoài cửa ga.
Xa xa cách cửa ga tôi đã thấy một chiếc “Moxcovich ghẻ ” đứng chờ sẵn. Lái xe là một bố già khoảng hơn sáu mươi mũi đỏ sần như vỏ giống cam sành đặc sản mạn Hà Tuyên xứ ta. Mặt mũi râu ria tua tủa, quần áo xộc xệch đặc điểm chung của những tay nát rượu của thời hậu xô viết.
Vừa leo lên xe thằng em vừa giải thích. Đây là “Papa” của bọn em, rồi thằng em kể. Một lần đi làm đêm về, trời đã khuya cả toa tàu điện chỉ thấy có mỗi mình bố đây và con chó con. Bố nằm co quắp trên ghế, đầu vật sang bên, chắc là say lắm, tay vẫn giữ chặt xích con chó.
Con chó con cứ miệt mài bao nhiêu thứ trong miệng bố “chảy ra” con chó kiễng chân lên liếm sạch sẽ giống như hai người tình một già một trẻ âu yếm quyến luyến nhau vậy. Nhìn cảnh vừa buồn cười vừa thương ông lão. Bọn em lay ông ta, hỏi địa chỉ và dìu ông về nhà.
Thế rồi quen. Bố nói bố đã từng tham gia chiến tranh vệ quốc. Để làm tin bố chỉ chỉ lên ngực mình, chỉ lên những cuống huân chương đã xỉn màu trên áo ( ở Liên xô trước đây những ai có công trạng đối với tổ quốc thường người ta hay đeo những cuống huân chương trên ngực áo kể cả ngày thường, ngày lễ thì người ta đeo đủ bộ ).
Một lần bố cùng với mấy bạn nhậu dùng lưới bắt vịt trời làm mồi nhậu bị “Milixia” (công an) bắt. May có giấy chứng nhận “ từng tham gia chiến tranh vệ quốc ” nên được tha bổng. Còn mấy ông bạn cùng hội cùng thuyền phải đếm muỗi trong trại mất mấy ngày giời.
Mùa đông bố có nghề “ gia truyền” là cào “trùng” ở ao, ở hồ để bán cho dân câu cá làm mồi. Mỗi “bao diêm” mồi giá một rúp ( đơn vị đo là vỏ bao diêm đã hết ). Một ngày bố kiếm khá. Nhưng công việc vất vả lắm. Đầu tiên phải chịu được lạnh, cái này đối với bố thì quá dễ vì trong túi áo bố lúc nào cũng thủ sẵn chai rượu “ Samagôn”, dạng cuốc lủi ở ta, được đựng trong một chiếc chai bằng kim loại “mỏng dính”. Khi lạnh quá bố lôi chai từ ngực áo đưa lên miệng mở nắp tợp một “phát” là người ngợm lại nóng ran bao nhiêu lạnh lẽo trong người bay đi hết.
Thứ hai là phải tinh mắt, phải xác định được ao hồ và vị trí nào có nhiều Trùng. Sau đó dùng khoan, quan trọng nhất là có sức để khoan lớp băng trên mặt hồ ( phải dùng loại khoan tay chuyên dụng để khoan ) rồi dùng xà beng triển khai thành một lỗ lớn hơn. Công việc tiếp theo là dùng một cây vợt tự chế có cán dài có thể chọc tới tận đáy hồ rồi cứ thế cào, vớt Trùng lên cho vào chậu đãi. Có mẻ được “ bao diêm”, có mẻ thì “phèo”, nhưng có mẻ khá, vớ được 2-3 “bao diêm” cũng không chừng.
Ngoài ra bố còn có nghề “ tay phải” là nấu rượu lậu. Nguyên liệu của thứ rượu “Samagon ” này không phải từ lúa mạch, cao lương hay táo, mận hoa quả…phế thải sau thu hoạch mà bố sử dụng nguyên liệu từ đường cát nguyên chất. “Nghề này” mà chính quyền nó tóm được thì cứ gọi là đi Xiberi mút mùa chứ chả chơi. Thằng em kể tiếp: Có lần bọn em vác mấy kg đường đến nhờ bố chuyển thành chất “cay” hộ. Bố nói một ký đường thì chúng mày được một lít rượu ngon phải biết đấy. Rồi nhe hàm răng xỉn màu Pho mát mốc ra cười hềnh hệch ( Bọn em biết tỏng, chí ít mỗi kg bố cũng lãi được nửa lít )
Chả biết lần ấy thế quái nào vội quá hay sao? bố khử “Aldehyt” không kỹ. Bọn em đem về uống say và đau đầu gần chết, ói mật xanh mật vàng, mấy ngày giời sau mới hoàn hồn. Tuần sau cả bọn kéo đến ăn vạ. Thế là bố phải đền cho chầu nhậu rồi sau đó bị bố “lừa”, dí cả bọn làm “quân xanh” cho mấy bà bạn gái sồn sồn đang độ hồi xuân của bố. Trận ấy tưởng “bẹp ruột” cả đám. Về nhà cứ hãi mãi.
( hết phần 1)
Bài đăng Phổ biến
- Bài hát chế "HN - niềm tin và hy vọng"
- Nguồn Gốc Chữ Nôm của Đỗ Thành (ST: Quốc Việt)
- Anh Chu Thành: "Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc lần đầu đến thăm nhà"
- Làng Cổ Nhuế qua bài viết của Phạm Thế Việt (ST: KC)
- Nghề lạ 5: "Nghề" nhổ tóc bạc (ST)
- Hồ Xuân Hương và bài thơ Vịnh cái quạt (Huỳnh Văn Úc)
- Tiệc mừng Ts Bs Văn Công Phước nhận nhiệm vụ mới
- Gặp lại nhau
- TẠI SAO GIỚI TUYẾN HAI MIỀN LẠI LÀ VĨ TUYẾN 17? (Việt Dũng)
- CLB Giữa lửa truyền thống gặp mặt kỉ niệm 80 năm QĐNDVN
Thứ Năm, 10 tháng 4, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
2 nhận xét:
ĐÓN XEM PHẦN TIẾP THEO CỦA BÁC. CÁM ƠN.
Thang k6 nay hom phet!thanks
Đăng nhận xét