Thứ Năm, 10 tháng 4, 2014

ĐỖ ĐÌNH THIỆN – NHÀ TÀI TRỢ ĐẶC BIỆT CỦA CÁCH MẠNG VIỆT NAM (Phần III) (KIM HOA)

8. THÁNG 12-1946
          Kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Ông bà Thiện, với cương vị là Phó chủ tịch và ủy viên Ủy ban Kháng chiến Khu Hoàn Kiếm, Hà Nội, đã tình nguyện ở lại tham gia chiến đấu bảo vệ Thủ Đô, sau khi đã gửi cả bốn người con còn nhỏ sơ tán tới nhà một người bạn - ông bà Quách Văn Thinh - ở Vân Đình. Bà Thiện kể lại rằng, chiều ngày 19-12-1946 ông Phạm Ngọc Thạch còn ghé qua 54 Hàng Gai lần cuối để đón ông bà Thiện đi sơ tán, nhưng vì đã quyết ở lại tham gia chiến đấu, nên ông bà Thiện không đi. Sau 10 ngày đêm tham gia chiến đấu, có liên lạc vào đón, ông bà Thiện đã tổ chức đưa 300 cán bộ và nhân dân rút ra vùng tự do. Cuộc rút lui qua đường gầm cầu Long Biên cũng đầy gian nan nguy hiểm. Trong một phút gay go, ông bà Thiện đã nói nhỏ với nhau: “Trong hai người, phải cố sống ít nhất một để nuôi con!”.
Di tích xưởng in tiền VNDCCH của ông Thiện.


          Nhật ký của Bộ trưởng Bộ Tài chính-Lê Văn Hiến viết:
          “26.12.46
          Nghe tin vợ chồng Đỗ Đình Thiện đương còn ở lại chiến đấu tại phố mình và đường ra rất khó khăn và nguy hiểm. Gương dũng cảm của một gia đình đại tư bản.”
          “1.1.1947
          Vợ chồng anh Đỗ Đình Thiện về được đêm hôm qua 10 giờ. Những lo hai ông bà không lọt được tay người Pháp…Vợ chồng Thiện vẫn còn khỏe. Gặp chị Thiện chẳng có gì lạ! Tinh thần quả cảm của hai vợ chồng ấy cũng đáng khen.”
          Sau khi rút khỏi Hà Nội, ông Thiện được giao nhiệm vụ thu mua thóc để dự trữ cho Quốc phòng, còn bà Thiện nhận nhiệm vụ thu mua vàng của đồng bào tản cư để vừa giúp đỡ đồng bào, vừa tích lũy cho Nhà nước.


9. NHÀ MÁY IN TIỀN VÀ ĐỒN ĐIỀN CHI-NÊ.
          Để có máy in tiền, giải quyết những khó khăn lớn về tài chính của chính quyền cách mạng, ông bà Đỗ Đình Thiện đã bỏ tiền mua nhà máy in Taupin của người Pháp biếu cho Chính phủ, sau đó để Bộ Tài chính sử dụng một cơ sở của đồn điền Chi-nê, thuộc sở hữu của ông bà, để đặt nhà máy in tiền của Nhà nước ta trong thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp.
          Trong cuốn “60 năm Tài chính Việt Nam 1945-2005” có đoạn viết:
          “Để đảm bảo việc sản xuất tờ bạc Việt Nam được an toàn và ổn định lâu dài, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo Cơ quan Ấn loát tổ chức sơ tán toàn bộ thiết bị máy móc, nguyên liệu của nhà máy in bạc ra khỏi Hà Nội. Nhà máy này nguyên là nhà in Tô-panh Hà Nội được nhà tư sản yêu nước Đỗ Đình Thiện mua hiến cho Chính phủ. Địa điểm sơ tán là xã Cổ Nghĩa – Chi Nê thuộc huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình.”
          Tài liệu “Nhà in Ngân hàng – 50 năm xây dựng và trưởng thành” cũng viết:
          “Nhà tư sản yêu nước Đỗ Đình Thiện đã bỏ tiền mua nhà in Taupin hiến cho Chính phủ, tại đây tờ giấy bạc 100 đồng (tờ bạc con trâu xanh) đã ra đời.”
          Nhà máy in tiền được di chuyển toàn bộ về đồn điền Chi Nê trong tháng 11-1946. Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến đã có mặt tại đây từ 24 giờ ngày 19-12-1946. Trưởng Ban Tài chính của Đảng-Nguyễn Lương Bằng cũng đã có mặt ở đây ngày 24-12-1946.
          Nguyên bộ trưởng Bộ Tài chính xác nhận:
          “Trong những năm kháng chiến chống Pháp, ông bà Đỗ Đình Thiện đã có nhiệt tình đóng góp cho cuộc kháng chiến: ông bà đã dành một dịa điểm rất thích hợp tại Cổ Nghĩa Chinê (Hà Nam Ninh) để bộ tài chính xây dựng một nhà máy in bạc tương đối lớn, đáp ứng yêu cầu về tài chính trong thời gian đầu kháng chiến.”
          Trong một bài báo ông Lê Văn Hiến viết:
Giấy bạc Cụ Hồ.

Đồng bác Con trâu xanh.

          “Ở Chinê chúng tôi đặt cơ sở tại đồn điền của ông bà Đỗ Đình Thiện, một nhà tư sản lớn, giầu lòng yêu nước, đã từng tham gia chống thực dân Pháp ở Paris, bị Chính phủ Pháp trục xuất về nước. Ông Đỗ Đình Thiện dành cho chúng tôi nhà xưởng và nhiều tiện nghi khác để đặt cơ sở in tiền. Chỉ trong 1 tháng cơ sở đã bắt đầu hoạt động và đã in được một số tiền dự trữ cho Bộ Quốc phòng.”
          
10. NUÔI BỘ ĐỘI
         Những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, đồn điền Chinê là nơi nuôi dưỡng nhiều đơn vị bộ đội, là nơi bồi dưỡng những đơn vị của đoàn quân Nam tiến. Ông bà Đỗ Đình Thiện đã ủng hộ bộ đội Chiến khu 2 rất nhiều lương thực, thực phẩm. Nói riêng, trung bình mỗi ngày thịt một con bò. Riêng vụ lúa Thu năm 1946-1947 đã ủng hộ 200 tấn thóc để nuôi quân. Khu trưởng Hoàng Sâm và Chính trị ủy viên Lê Hiến Mai đã có thư cảm ơn. Bức thư viết:
          “…Toàn thể bộ đội Khu hai rất cảm động được Ngài ủng hộ vụ lúa Thu trong quí đồn điền năm 1946 và 1947. Vậy nhân danh Bộ chỉ huy tối cao Chiến khu hai, chúng tôi xin thay mặt toàn thể bộ đội trân trọng gửi Ngài lời cảm ơn.
Với lòng tha thiết của Ngài trước công cuộc kháng chiến hiện nay, toàn thể bộ đội Khu hai xin hứa luôn luôn nỗ lực chiến đấu, quyết hợp lực cùng toàn dân phá tan kế hoạch mùa đông của địch để xứng đáng với nhiệt tình Ngài đã dành cho.”

11. BÁC HỒ VỚI ĐỒN ĐIỀN CHINÊ.
          Những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ đã nhiều lần qua lại đồn điền Chinê, dừng chân hoặc nghỉ đêm tại nhà riêng ông bà Đỗ Đình Thiện.
          Có lần Bác đến vào buổi tối, chỉ nghỉ lại mấy tiếng đồng hồ. Trước khi đi, Bác vào tận phòng ngủ, vén màn hôn “thằng bé con” – Bác thường gọi con trai ông bà Đỗ Đình Thiện như thế – một cái rồi lại lên đường.
          Khi Bác đến, ông Thiện thường bảo các con hát múa cho Bác vui. Nghe đến câu hát “Bác chúng em mắt như sao râu hơi dài” Bác tủm tỉm cười, đôi mắt Bác cũng “cười”, rồi đưa tay lên vuốt chòm râu đã điểm bạc.
Góc làm việc của Cụ Hồ ở Chi Nê.
          “Nhật ký của một bộ trưởng” ghi:
          18.2.47 – Trúc Sơn
          - Đạp xe về Vân Đình để sắm sửa đi Chinê.
          - Đem theo anh chị Thiện để đón tiếp Cụ.
          - Trong đêm nay Cụ đến và nghỉ lại Chinê.”
          “19.2.47
          - Cụ ở Chinê. Dân chúng không ai biết gì hết. Ban Giám đốc yêu cầu yết kiến Cụ nhưng không nên cho, vì Cụ muốn giữ kín khi đi.
          - 7 giờ tối đưa Cụ lên đường đi Thanh Hóa.”
          Trước khi Bác đi Thanh Hóa, bà Thiện chuẩn bị hai chai sữa tươi để Bác dùng khi đi đường. Chẳng may, trên đường động cơ xe ôtô bị bốc cháy. Không có nước, đành dùng 2 chai sữa để chữa cháy!
          Ông Lê Văn Hiến viết:
          “21.2.47 – Chinê
          Cụ trở lại Chinê hồi 3 giờ sáng sau cuộc kinh lý Thanh Hóa. Cụ đi thăm nhà máy và lùng sục khắp các nhà …Nói chuyện với anh em công nhân và tự vệ ở đây, Cụ đã làm cho ai nấy đều thêm tin tưởng…”
          Bác cùng ông Nguyễn Lương Bằng và gia đình Đỗ Đình Thiện đi thăm một số cơ sở của đồn điền Chinê. Bác nói: “Đã nghe nói từ trước, nhưng vào đây mới thấy đồn điền này lớn thật”. Ông Thiện đùa: “Chi-nê nhất đái vạn đại dung thân”. Bác “hứ” một cái và cười vui.
          Trong khi đi thăm đồn điền, có máy bay do thám “bà già” của Pháp bay qua. Bác cùng mấy đứa nhỏ - con cháu ông bà Thiện – chui xuống một hầm cá nhân bên vệ đường. Mọi người khác tản ra xung quanh.
          Bác khuyên: “Chú thím cần tìm nơi sơ tán cho các cháu, tôi lấy làm lạ sao nó chưa đánh nơi này. Nó sẽ đánh đấy!”.
          Ngay hôm sau, 22-2-1947, ông bà Thiện đưa cả gia đình đi xem một cái hang có thể làm địa điểm sơ tán. Chiều đến, trên đường trở về nhà, chỉ còn cách nhà khoảng một cây số, 8 máy bay Pháp đến oanh tạc đồn điền. Cả gia đình ông bà Thiện nằm dưới các gốc cây trong vườn cà-phê chứng kiến vụ đánh phá này.
          Hay tin máy bay Pháp oanh tạc đồn điền Chinê, Bác Hồ đã gửi thư thăm hỏi đến ông bà Thiện:
          “Chú thím Thiện. Được tin chú thím, nhà Hiền và các cháu đều bình an, Tôi rất vui lòng. Mất cũa cãi không sợ. /Còn trời còn Nước còn non, thì còn cũa cãi bà con họ Hồ./ Kháng chiến thành công, ta làm ra cũa khác, chắc chắn hơn. Chúc các chú thím mạnh khõe. Hôn các cháu. Chào thân ái và quyết thắng.”

12. VIỆT BẮC (1947-1954)
          Ít ngày sau vụ máy bay Pháp oanh tạc đồn điền Chi-nê, ông bà Đỗ Đình Thiện đưa cả gia đình lên chiến khu Việt Bắc tham gia cuộc kháng chiến 9 năm, giao lại đồn điền Chi-nê cho Ban Kinh Tài của Đảng quản lý. Hành trình tản cư lên Việt Bắc của gia đình Đỗ Đình Thiện trải qua nhiều chặng: Nho Quan, Vụ bản, Phú Thọ, Tuyên Quang, Bình Ca, Chiêm Hóa, Trinh. Tại mỗi chặng dừng chân đều bị máy bay oanh tạc hoặc giặc tấn công nên lại phải vội vã di chuyển tiếp.
          Tại chiến khu Việt bắc, ông Thiện đã đảm nhận một số nhiệm vụ công tác như: Giám đốc trưởng nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, Trưởng phòng Quỹ Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Bà Thiện thì được giao giữ kho tiền và tài liệu của Đảng, và sau đó là Thủ quỹ của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Trong suốt thời gian được ông Nguyễn Lương Bằng mời làm Giám đốc trưởng Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo (1948-1950), với bí danh Hai Chi[23], ông Thiện tình nguyện không nhận lương để “dễ điều hành” công việc.
          Ông Thiện rất gần gũi với anh em công nhân. Có lần ông đã cùng anh em công nhân đẩy mảng trên suối, chở một đầu máy xe lửa cũ để làm máy phát điện cho nhà máy. Ông Thiện đã bị kẹp suýt gẫy chân! Ông cũng rất quan tâm đến đời sống của công nhân. Ông Nguyễn Nhân, Giám đốc chuyên môn của nhà máy thời bấy giờ, mãi sau này vẫn thường thích thú kể lại rằng, ông đã được chứng kiến cuộc thảo luận về công việc của nhà máy giữa ông Thiện – nguyên là một nhà tư sản, và ông Cả - một lãnh tụ cộng sản, trong đó ông Thiện một mực bênh vực quyền lợi của anh em công nhân.
          Cuốn “Tìm hiểu lịch sử một xí nghiệp” viết:
          “Ông Hai Chi là một nhân sỹ trí thức yêu nước đã từng học ở Pháp, hăng hái ủng hộ cách mạng từ lâu. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông đi theo cơ quan Đảng và Chính phủ lên Việt Bắc và đã hiến cả tài sản của mình là đồn điền Chi Nê cho cách mạng.
          Để khai thác hết khả năng của cán bộ có trình độ quản lý và kỹ thuật, anh Cả thành lập hẳn một ban giám đốc gồm có:
          - Ông Hai Chi, giám đốc trưởng.
          - Tống Minh Phương, giám đốc tiếp tế.
          - Nguyễn Nhân, giám đốc chuyên môn
          
          Anh cả thường nói: “Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo của chúng ta có một đặc điểm quan trọng là: thời kỳ đầu, quyền chỉ huy sản xuất được trao cho các chuyên gia ngoài Đảng, vì lúc đó các đồng chí đảng viên, chưa có ai am hiểu kỹ thuật sản xuất. Chúng ta tin tưởng ở tinh thần yêu nước của các cán bộ kỹ thuật ngoài Đảng nên phải hết lòng bồi dưỡng để anh em vững bước đi theo đường lối của Đảng” ”.
          Tại chiến khu Việt bắc, gia đình Đỗ Đình Thiện được Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo thường xuyên quan tâm, qua lại, thăm hỏi. Ngược lại, theo truyền thống, gia đình Đỗ Đình Thiện luôn hiếu khách, quan tâm đến mọi người, ngay cả trong hòan cảnh kháng chiến khó khăn gian khổ.
          Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng, tiếp theo đó là Đại hội thống nhất Việt Minh – Liên Việt, diễn ra năm 1951 tại chiến khu Việt Bắc. Nhà ông bà Đỗ Đình Thiện ở gần ngay nơi diễn ra Đại hội, cách không đầy 1 km, thuộc thôn Phúc Linh, xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Những ngày này không khí sôi nổi, nhộn nhịp từ Đại hội “tràn sang” cả nhà ông bà Thiện: nhà thường xuyên rất đông khách, trong đó nhiều vị là chỗ quen biết với ông bà Thiện từ lâu, và cũng nhiều vị mới, đặc biệt là các đại biểu từ miền Nam ra. Trong vài tấm ảnh còn lại, chụp tại nhà riêng ông bà Đỗ Đình Thiện ở Việt Bắc, người ta thấy có các vị: Nguyễn Lương Bằng, Phạm Ngọc Thạch, Dương Bạch Mai, Ung Văn Khiêm, Bùi Lâm, Hà Huy Giáp, Phan Trọng Tuệ, Vũ Đình Huỳnh, Vũ Xuân Sắc, Lê Văn Hiền và Đỗ Đình Thiện.
Cũng trong những ngày này, gia đình Đỗ Đình Thiện đã may mắn có dịp được gặp lại Bác Hồ nhiều lần: có lần Bác sang thăm gia đình, có lần Bác đón bọn trẻ con sang chỗ Đại hội xem phim, chụp ảnh với Bác, có lần Bác tới rồi nghỉ lại để hôm sau đi công tác sớm…
Có lần, các con ông bà Thiện biếu Bác trứng và rau nhà tăng gia được, Bác đã làm bốn câu thơ cảm ơn, đánh máy trên tấm thiếp chúc tết của Bác:
          “Cãm ơn các cháu,
          Biếu Bác trứng, rau,
          Bác chúc các cháu,
Học hành tiến mau.”
Trong một thư khác Bác viết”
“Các cháu nhà Thiện, nhà Hiền,
Nhân zịp bác Cả về, Bác không có gì gỡi biếu các cháu. Bác gỡi các cháu mượn xem 1 quyễn tiễu sữ cũa 1 cháu nhi đồng Nam-bộ. Các cháu xem xong, bác sẽ gỡi cho các cháu khác xem.
Cãm ơn Thím Thiện đã biếu 2 chai tương rất ngon.
Chúc các chú thím mạnh khõe, và Hôn các cháu.”

Trong một thư khác gửi ông bà Thiện, Bác viết:
“Gỡi Chú Thím Thiện,
Cãm ơn chú thím đã gỡi biếu 1 bộ áo rất đẹp, nhất là cái zì cũng tự tay mình làm lấy.
Nge nói các cháu thêu khéo. Bác gỡi lời khen các cháu và hôn các cháu.
Thân ái
12/48
Bác”

Năm 1952, ông bà Đỗ Đình Thiện chuyển sang nhận công tác ở Ngân hàng Trung ương vừa được thành lập. Cơ quan vừa mới chuyển đến Cầu Bì thuộc ATK (An toàn khu), Thái Nguyên nên còn rất khó khăn thiếu thốn. Gia đình ông bà Thiện ở nhờ và ở chung với một gia đình đồng bào địa phương, trên một ngôi nhà sàn, dưới gầm nuôi trâu, lợn, gà. Nhà ở cách đường mòn vài chục mét.
Năm 1950, ông bà Đỗ Đình Thiện đã được Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng thưởng Huân Chương Kháng chiến hạng Nhì vì “Đã hăng hái tham gia kháng chiến, xung phong hiến điền và hy sinh tài sản cho Chính phủ”. Ông Nguyễn Lương Bằng cho biết, lúc bấy giờ, mới chỉ có 2 trường hợp cả vợ lẫn chồng cùng được tặng thưởng huân chương: đó là ông bà Đỗ Đình Thiện và ông bà Tống Minh Phương.



            ************ @ ***********


4 nhận xét:

Nặc danh nói...

Một nén tâm nhang tưởng nhớ các cụ.

Nặc danh nói...

Mot trong nhung"thang be con" cua cu Thien hien la nha suu tam tranh hang dau,nhat la tranh "pho Phai",co galerie o 31(?)le quy don p7q3 tpHCM.khong ro trong"cai tao san" cu Thien cobi gi khong?khang chien,kien quoc,ai quoc...la su nghiep,la quyen cua moi Giai cap trong long dan toc.tu san,tieu tu san khong he xau,theo toi biet, trong toan bo BCH TƯ k2 1951, chi co cu Ton va cu Bui lam la khong co xuat than tts ma thoi.Tiec rang tu sau 1950 dang ta mac cai zich tu phuong bac va sieu bac,lam suy yeu rat nhieu suc manh tong hop cua Dan Toc.mong ban ta o MTTQ thay ro dieu nay.K5(con cua mot cu xuat than tts)

Bờm nói...

Nhiều Cb Lãnh đạo khi ngồi với bạn cũ thường KHOE cái LÝ LỊCH 3 ĐỜI BẦN CỐ NÔNG. Và thường "TỰ HÀO" với quá khứ khi đi THÓA LY chỉ có cái Ba-lô trên lưng. Vậy mà giơ đây TÀI SẢN của họ có hàng TRĂM, HÀNG NGÀN TỶ. Vậy ko hiểu họ làm CÁCH MẠNG kiểu gì mà "HAY" thế NHẨY? ? ?

Thắng k5 nói...

ND14:12 ơi, anh nói sai rồi.
"thằng bé con" chỉ là tiến sĩ toán học thôi, không biết sưu tầm tranh đâu. Trong cải cách, các cụ chả có một tí tài sản nào cả vì hiến cho CM hết rồi bạn ạ.