Thứ Tư, 16 tháng 4, 2014

NHỮNG NGƯỜI TRONG BỨC ẢNH LỊCH SỬ (Kiến Quốc)

Tháng 3 rồi có dịp ra Hà Nội, tôi thu xếp đến thăm Đại tá Lê Trọng Nghĩa, một nhân chứng có mặt trong Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Con người từng chứng kiến 60 năm chiến thắng vĩ đại của dân tộc, năm nay đã vào tuổi 93, trước chồng tư liệu lịch sử quý giá, vẫn nhanh nhẹn tìm ra bức ảnh “Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các sĩ quan cao cấp đang thông qua phương án tác chiến tại Sở chỉ huy mặt trận ở bản Nà Táu”. Ông tinh tường, sôi nổi kể lại sự kiện như vừa mới xảy ra ngày hôm qua.
*
… Sở chỉ huy mặt trận ban đầu đóng ở hang Thẩm Púa (từ 17/12/1953 đến 17/1/1954) vừa chuyển sang bản Nà Táu được một hôm. Theo tin quân báo, đêm 19 và 20/1/1954, quân Pháp đã phát lệnh mở Chiến dịch Atlande đánh vào Tuy Hòa (vùng tự do Khu V Trung bộ). Sau khi hội ý, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã yêu cầu toàn bộ Sở chỉ huy1 phải tiếp tục ra mặt trận thị sát. Trưởng ban Tác chiến Đỗ Đức Kiên và Cục phó Cục 2 Cao Pha cùng Tổng tham mưu phó Hoàng Văn Thái lập tức lên đường.
Từ phải qua: Các đ/c Lê Thiết Hùng, Lê Trọng Nghĩa, Lê Liêm, Võ Đại tướng.
Sau lưng Đại tướng: đ/c Trần Văn Quang, Phạm Kiệt. Ngay trước tay Đại tướng: Hoàng Xuân Tùy.


Theo phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” thì chỉ còn vài ngày nữa là tới “ngày N”2. Các sĩ quan có mặt vây quanh bàn lớn đặt giữa hầm có trải tấm bản đồ lớn của chiến dịch. Đại tướng (người mặc áo đại cán màu đen) đang đưa tay chỉ vào các cứ điểm của địch. Chính ngày hôm đó đã củng cố quyết tâm để Đại tướng chuyển hướng chiến lược.
Đứng chếch bên tay phải Đại tướng là đồng chí Phạm Kiệt, vốn là chỉ huy trưởng của Đội du kích Ba Tơ, Quảng Ngãi. Sinh năm 1912 tại Quảng Ngãi, năm 1945 tham gia lãnh đạo khởi nghĩa ở quê hương. Năm 1946 là đại đoàn trưởng 31 của Khu V, đến năm 1953 là Cục phó Cục Bảo vệ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trong cuốn “Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử”, Đại tướng đã đánh giá rất cao vai trò Cục Bảo vệ và đồng chí Phạm Kiệt khi đi thị sát chiến trường đã phát hiện việc bố trí pháo binh trên trận địa dã chiến quá trống trải, không an toàn, tránh được tổn thất rất lớn cho bộ đội. Năm 1959 đồng chí được phong hàm thiếu tướng và năm 1961 là Tư lệnh kiêm Chính uỷ Công an Vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng). Năm 1975, Trung tướng Phạm Kiết mất tại Hà Nội, thọ 63 tuổi.
Sau lưng đồng chí Phạm Kiệt là đồng chí Trần Văn Quang, em ruột lão thành cách mạng Trần Văn Cung (người đã cùng Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Phong Sắc… họp tại số nhà 5D phố Hàm Long để thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên ở Hà Nội). Sinh năm 1917, tham gia cách mạng từ 1935, đến năm 1938 là thành uỷ viên Sài Gòn-Chợ Lớn. Năm 1945, đồng chí tham gia lãnh đạo khởi nghĩa Nghệ An; sau đó lần lượt là chính uỷ Khu IV, chỉ huy trưởng kiêm chính uỷ phân khu Bình-Trị-Thiên và chính uỷ đầu tiên của Đại đoàn 304.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí là Cục trưởng Cục Tác chiến, cơ quan giúp việc đắc lực cho Đại tướng khi hạ “quyết tâm chiến đấu”, đặc biệt là trong việc chuyển từ phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc,  tiến chắc”. Hòa bình lập lại, đến năm 1959 là Phó tổng Tham mưu trưởng; sau 1975 là thứ trưởng Bộ Quốc phòng và được phong hàm thượng tướng năm 1984. Năm 1992 đồng chí được bầu làm Chủ tịch Hội CCB VN và mất năm 2013, hưởng thọ  96 tuổi.
Sát bên tay trái Võ Tổng là đồng chí Lê Liêm, Chủ nhiệm chính trị mặt trận Điện Biên Phủ. Sinh năm 1922, đồng chí là xứ uỷ viên Bắc Kì, lãnh đạo khởi nghĩa ở Hưng Yên tháng 8/1945. Tháng 8/1948 nhận nhiệm vụ Cục trưởng Cục Dân quân và tháng 10/1949 thay Tướng Văn Tiến Dũng làm Cục trưởng Cục Chính trị. Trong các chiến dịch Biên giới, Tây Bắc… đống chí theo sát Võ Đại tướng với tư cách Chủ nhiệm chính trị  mặt trận.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí là Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, tham gia trong Bộ chỉ huy mặt trận. Đến năm 1958 đồng chí chuyển ra làm Thứ trưởng kiêm bí thư Đảng-đoàn Bộ Văn hoá nhưng cán bộ, chiến sĩ trong quân đội vẫn gọi với cái tên trìu mến “Tướng Lể Liêm”. Tại Đại hội Đảng 3 (1960), đồng chí được bầu là uỷ viên dự khuyết BCHTƯ và có nhiều đóng góp trong việc xây dựng nền văn hoá, văn nghệ cách mạng, là người trực tiếp điều hành xây dựng Trường Nhạc Hà Nội vào cuối thập kỷ 50. Năm 1985 đồng chí mất tại Hà Nội, thọ 63 tuổi.
Người kề bên là đồng chí Lê Trọng Nghĩa, vốn hoạt động trong phong trào học sinh Bonnal Hải Phòng, cùng lứa với nhạc sĩ Văn Cao, nhà văn Nguyễn Đình Thi… Năm 1942 lên HN hoạt động trong tổ chức Thanh niên Cứu quốc, bị bắt khi rải truyền đơn và bị kết án rồi giam ở nhà tù Hỏa Lò. Tháng 3/1945 lợi dụng Nhật đảo chính Pháp, đồng chí bảo vệ “tử tù” Trần Đăng Ninh trèo tường rào vượt ngục.
Sau đó được giao nhiệm vụ tham gia Dân chủ Đảng rồi ủy viên Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội. Đồng chí thay mặt Việt Minh vào điều đình với cụ Phan Kế Toại Khâm sai đại thần và Thủ tướng Trần Trọng Kim. Ngày 19/8/1945 khi quần chúng cách mạng đã cơ bản làm chủ Hà Nội nhưng quân đội Nhật vẫn còn lực lượng khá mạnh với hàng vạn quân cùng nhiều vũ khí. Tối 19/8, dưới sự chỉ đạo của 2 uỷ viên Thường vụ Xứ uỷ Bắc Kì - Nguyễn Khang và Trần Tử Bình, Lê Trọng Nghĩa cùng cố vấn  Trần Đình Long trực tiếp vào Tổng hành dinh quân đội Nhật (nay là 33 Phạm Ngũ Lão) điều đình với viên chỉ huy. Họ đã chấp nhận không đụng độ vũ trang, tránh được tổn thất lớn cho Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội. Năm 1946, Lê Trọng Nghĩa được bầu là đại biểu Quốc hội khóa I.
Năm 1950 được giao nhiệm vụ cục phó Cục Quân báo, và phụ trách quân báo trong Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Cục Quân báo đã cung cấp nhiều thông tin chính xác về địch để Đại tướng đưa ra phương án tác chiến đúng đắn. Năm 1958 đồng chí được phong hàm đại tá, giữ chức Cục trưởng Quân báo từ 1960-67. Nay nghỉ hưu tại Hà Nội. Cùng với Đại tướng Nguyễn Quyết, đồng chí là một trong 2 uỷ viên Uỷ ban quân sự cách mạng Hà Nội trong Tổng khởi nghĩa còn sống đến ngày hôm nay.
Thiếu tướng Lê Thiết Hùng ngồi sát bìa phải tấm ảnh, sinh năm 1908 và là một trong những thanh niên được Cụ Hồ gửi sang Trung Quốc học Trường quân sự Hoàng Phố (cùng Lê Hồng Phong, Nguyễn Sơn, Phùng Chí Kiên, Trương Văn Lĩnh…) năm 1926. Những năm 1940-45, Lê Thiết Hùng hoạt động ở chiến khu Cao-Bắc-Lạng, rồi lãnh đạo khởi nghĩa ở Lạng Sơn. Đầu năm 1946, đồng chí được tấn phong Thiếu tướng tiếp phòng quân, tướng lĩnh đầu tiên của nước Việt Nam mới. Những năm 1950-54 là hiệu trưởng Trường Lục quân Việt Nam.
Đầu năm 1954, trên cương vị Tổng thanh tra quân đội, đồng chí có mặt thanh tra chiến dịch. Hoà bình lập lại, đồng chí chuyển sang công tác ngoại giao - là đại sứ tại Triều Tiên và phó trưởng ban Đối ngoại Trung ương. Lê Thiết Hùng mất năm 1986 tại Hà Nội, thọ 78 tuổi.
Người ngồi đầu bàn phía tay phải Đại tướng là đồng chí Hoàng Xuân Tuỳ. Sinh năm 1922 tại Thừa Thiên-Huế, năm 1941 Hoàng Xuân Tùy ra Hà Nội học Cao đẳng Công chính, được giác ngộ cách mạng và tham gia khởi nghĩa ở thủ đô. Tháng 10/1945 vào quân đội, đồng chí được cử đi học Trường Quân chính Việt Nam rồi được giữ lại làm cán bộ khung và được bí thư chi bộ Trần Tử Bình giới thiệu kết nạp Đảng. Năm 1950 là Chủ nhiệm chính tri sư đoàn 308 và cuối năm 1951 được điều về Tổng cục Chính trị làm ở Báo QĐND. Tháng 11/1953 đồng chí được điều lên làm Trưởng ban Tuyên huấn kiêm phụ trách Báo QĐND tại mặt trận. Trong hội nghị Nà Táu, đồng chí có mặt để nắm thông tin, kịp đưa lên mặt báo tuyên truyền động viên bộ đội bước vào chiến dịch.
Có một câu chuyện vui, đúng ngày 29 Tết Quý Tỵ (2/2/1954) đám cưới nhà binh của Tổng biên tâp Hoàng Xuân Tuỳ và diễn viên Song Ninh được tổ chức ngay tại mặt trận. Anh em trong cơ quan vội chặt tranh tre, nứa lá dựng cho đôi tân hôn căn chòi hạnh phúc. Chủ nhiệm Chính trị mặt trận Lê Liêm đứng ra làm chủ hôn. Võ Tổng nghe tin cũng sang dự và mừng hạnh phúc.
Hòa bình lập lại, năm 1956, đồng chí được điều ra làm hiệu phó, rồi hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội. Từ 1965-89 liên tục là thứ trưởng Bộ Đại học, đến năm 1990 thì nghỉ hưu tại TPHCM.
*
Khi chia tay, lão tướng Lê Trọng Nghĩa không khỏi bồi hồi: “Thế mà đã 60 năm!… Sau này trong nhiều lần gặp mặt các chiến sĩ Điện Biên, ca sĩ Song Ninh vẫn được đến phục vụ Đại tướng. Bài mà ông luôn yêu cầu hát lại là Tình ca Tây Bắc” – ông trầm ngâm nhắc lại lời bài hát – “Rừng cây xanh lá muôn đóa hoa mai mừng đón xuân về. Vui trong nắng vàng từng đàn bướm trắng bay khắp rừng hoa… Bà Song Ninh đi  trước, năm rồi ông Hoàng Xuân Tùy cũng quy tiên. Trong số những người có mặt hôm đó tại Sở chỉ huy ở bản Nà Táu còn lại mỗi mình tôi…
  Có thể tự hào mà nói rằng, các đồng chí có mặt hôm ấy luôn là những chiến sĩ trung kiên trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và cả thời kì xây dựng quân đội lên chính quy hiện đại. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có một đội ngũ cán bộ giúp việc tuyệt vời!
Tiếc là Người anh cả của lực lượng vũ trang nhân dân ra đi năm trước, không được chứng kiến lễ kỉ niệm trọng đại này…”.

Những ngày tháng 4-2014.

(Bài được đăng trên Phụ nữ Thủ đô ngày 15/4/2014).






1 Bộ chỉ huy và Đảng uỷ mặt trận gồm Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Hoàng Văn Thái, Lê Liêm, Đặng Kim Giang.
2 “Ngày N” theo phương án “đáng nhanh, thắng nhanh” là ngày 25/1/1954.

4 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Vì yêu cầu của báo giấy mà bài viết trên Phụ nữ Thủ đô ngày 15/4/2014 có bị biên tập, cắt bớt. Bài này mới là bản gốc có những thông tin tác giả muốn nói.

Nặc danh nói...

xin cam on ban KQ .TR DUNG VUA DOC XONG BAI NAY TREN BAO PN 16/4. DG TRAN DUNG ,,

TranKienQuoc nói...

Nhớ và hiểu Dũng. Ngày 6/5 nhớ đến nhà cụ Liêm mừng 60 năm ĐBP.

Nặc danh nói...

CHAN THANH RAT NHIEU BAN KQ DA NHAC NHO.MINH CUNG CO SUY NGHI NHU VAY, TINH CAM THIENG LIENG LA ANH RUOT CUA ME MINH MA.CAM ON KQ NHIEU NHE.