1.
Không có gì thể hiện sự khinh bỉ đàn
bà sâu sắc như tệ sùng bái gái trinh của đàn ông một số nước châu Á, đặc biệt
là Việt Nam và Trung Quốc. Ngẫm nghĩ về việc săn trinh những cô gái trẻ để lấy
đỏ trong làm ăn, tôi từng sa vào những thắc mắc: Trinh tiết đàn bà giúp được gì
cho business? Tăng nguồn đầu tư chăng? Phá trinh một em xong thì trúng
tuyển công chức chăng? Mấy em gộp lại thì đủ trúng thầu một cầu vượt? Hay tổng
thể và hoành tráng hơn, bao nhiêu cái trinh hùn vào thì giúp được một đại gia
khám phá triết lí mở đường cho kinh doanh thành đạt, kiểu “nền
dân chủ cà phê” chẳng hạn?
Đương nhiên không có câu trả lời khả
dĩ nào mà không xúc phạm đến lí trí bình thường. Nên một thời gian dài tôi lí
giải hiện tượng này theo hướng những tín điều u minh, về bản chất hoàn toàn
giống việc tranh đoạt ấn Đền Trần, cướp hoa tre Hội Gióng. Cửa Phật, cửa Thánh,
cửa Mẫu, hay cửa mình của chị em đều là chỗ để đặt niềm tin vào tài lộc do các
thế lực siêu nhiên ban phát theo quota. Nhưng nếu đã thế thì vì sao các
đấng mày râu không đeo cái chiến lợi phẩm trinh nữ ấy như bùa hộ mệnh ở cổ? Sao
không dâng lên bàn thờ?
Song siêu nhiên hóa hay tâm linh hóa
cái màng trinh không chỉ là ngớ ngẩn, mà trước hết là lãng mạn rởm. Đằng sau
hiện tượng sùng bái mấy giọt máu này không có gì huyền nhiệm mà thuần túy là
một phép tính lạnh lùng [1]. Nó bắt
nguồn từ tập quán đàn ông đi nhà thổ để giải đen. Họ tin rằng toàn bộ sự xui
xẻo trong mình sẽ theo dòng tinh trùng mà xả ra. Sau cơn mây mưa họ sẽ được tẩy
trần, sạch dơ dớp nhớp nhúa của vận hạn.
Nhưng vì sao họ chọn gái điếm chứ
không phải vợ hay người yêu để phục vụ sứ mệnh ấy? Rất đơn giản: Cái mà họ xả
ra cũng là cái mà họ trút vào người đàn bà. Vận đen, theo niềm tin của họ, tuần
hoàn bất diệt trong nhân gian, không tự nhiên sinh ra và không tự nhiên mất đi,
chỉ chuyển từ người này sang người khác. Người khác tất nhiên không thể là
người thân của họ. Đằng sau sự thản nhiên trút tất cả vận rủi của bản thân vào
một cô gái làng chơi để tẩy rửa mình cho vận hên ấy là một triết lí vụ lợi
trắng trợn và một văn hóa khinh miệt phụ nữ vô tận. Thân thể đàn bà là bãi chứa
xú uế của đàn ông.
Các cô gái nhà chứa sẽ làm gì khi
chìm trong cái biển nhầy nhụa rủi ro phun ra từ khách hàng đó? Câu hỏi này đám
đàn ông coi việc chơi đĩ để giải đen cũng bình thường như đi nhậu hiển nhiên
không bao giờ đặt ra. Nhưng họ biết rõ sức chứa có giới hạn của một người đàn
bà đã nhận vô vàn trận xả xui trong cuộc đời bán thân của mình. Đã bão hòa. Rót
một giọt đen thêm vào đó là vòng tuần hoàn nói trên có thể đổi hướng. Họ điên
tiết. Khả năng đụng phải vài ba thằng cha khác xả xui cùng một lỗ là rất lớn.
Họ khát khao một cái lỗ mới toanh. Còn nguyên niêm phong. Nơi họ không phải gặp
một thằng cha nào khác. Nơi họ là kẻ đầu tiên xả như chưa bao giờ được xả. Đến
đây, cuộc săn trinh gái trẻ bắt đầu và trẻ đến đâu dường như cũng không đủ.
Không phải để lấy đỏ như tôi ngớ ngẩn tưởng. Mà để giải đen với hiệu ứng cao
nhất và chất lượng đáng tin cậy nhất, thậm chí có
thể chữa lành Aids.
2.
Hồi tôi lấy chồng, một anh bạn nhà
văn chân thành chúc mừng rằng: “Hoài may mà có thằng Tây khuân đi, chứ ở nhà
thì ế.” Tôi chưa bao giờ lọt vào dù chỉ vòng ngoài cùng của tấm bia sắc đẹp mà
đàn ông mê bắn. Đi cạnh chồng ở Hà Nội, tôi đã quen nghe bình luận ngay trước
mũi rằng bọn Tây có cái gu kì cục, thiếu gì gái Việt đẹp mà chọn toàn những cô
không ra gì. Nên khi nghe anh bạn nói thế tôi chỉ lo cho anh, lỡ lời rồi phải
nói tiếp đúng điều mình nghĩ thì thật bất tiện. Nhưng lời giải thích sau đó
không đến nỗi khó nuốt. Anh bảo, đàn bà thông minh như tôi thì bố thằng nào dám
sờ đến.
Tôi thầm cảm ơn anh vì chữ dám
tế nhị. Thực tế không được nhã nhặn như thế. Thực tế là đàn ông Việt Nam không
phải không dám, mà họ tránh xa những người đàn bà có nhiều hơn một phút tư duy
trong đầu. Sau bao nhiêu thử thách của 200.000 năm tiến hóa cùng nhân loại cộng
thêm extra bonus 4014 năm văn hiến riêng, đích hôn phối của đàn ông Việt
đã hoàn toàn được xác định. Đó là một thiên thần xinh xắn, tóc dài, da trắng ở
cả những chỗ hay bắt nắng và hệ thần kinh trung ương cũng trắng triệt để, làm
lụng luôn tay, ngoan cả ngày lẫn đêm, hiền lành, hi sinh, chịu khó chịu thương
và trên hết là chịu đựng. Không có tài khoản riêng. Không có ý kiến riêng.
Không có nguyện vọng riêng. Đấy là gói basic. Tùy nhu cầu có thể đặt
thêm các khoản phụ trội khác như biết đẻ con trai, tận tụy với nhà chồng, hết
lòng vì sự nghiệp làm vợ và làm mẹ… Tôi đáp ứng được không đầy năm phần trăm lí
tưởng ấy. May mà có thằng Tây khuân đi.
Đàn ông Việt Nam là một chủng loại
đặc biệt chăng? Câu hỏi này, dù thế nào, dứt khoát nên trả lời phủ định. Trừ
những cơn thỉnh thoảng lại giống, trở về thời bầy đàn cắn xé vì một tảng thịt,
một góc hang, một con cái, thì hiện tại tôi thấy họ có nhiều điểm chung với
giới mày râu khắp thế giới đấy chứ. Họ cũng chiếm đa số trong các câu lạc bộ
quyền lực, các danh sách triệu phú và các thống kê tội phạm. Họ cũng hói, cũng
liệt dương, viêm tinh hoàn, rối loạn tuyến tiền liệt và bụng càng ngày càng
phệ. Họ cũng chia sẻ hai sở thích nổi bật của đàn ông mọi châu lục: những bộ
ngực đàn bà đồ sộ và những chiếc xe hơi khổng lồ. Với vóc dáng nhỏ xinh nhất
hành tinh, giữa những chiều kích cực đại ấy trông họ bất giác giống một bức hí
họa. Nhưng can họ là vô ích, sự điên rồ này họ cũng chung với anh em bất kể
giống nòi: chỉ đàn ông mới nhầm lẫn giữa size và độ lớn. Chỉ đàn ông mới
có thể mắc chứng vĩ cuồng.
Gần đây có phong trào chị em so sánh
trai Việt với trai ngoại quốc, đặc biệt là trai Tây. Tôi cũng biết vài phụ nữ
Việt lấy chồng Đức ở đây, người tự hào thằng Tây nhà tao hiền lắm, người khoe
Tây nhà em cực chăm chỉ, Tây nhà mình dễ nuôi, Tây nhà tớ trung thành…, nghe
tuy hơi giống người ta khen một con ngựa, thêm kích thước, độ bền, độ khỏe nữa
thì thành quảng cáo cái máy xúc, nhưng trong đó có một sự thật nho nhỏ là khá
nhiều đàn ông Tây hiện đại đang được trang bị những đức tính mà khá nhiều đàn
ông Việt hiện đại không phải là không sở hữu mà không thèm sở hữu. Hiền lành,
chăm chỉ, chí thú gia đình, chung tình…, những phẩm chất đàn bà chán ngắt. Dù
nói chung không biết mình là ai, đứng ở vị trí nào, đàn ông Việt luôn biết chắc
một điều: mình là thằng đàn ông, đứng cao hơn đàn bà ít nhất dăm bảy bậc.
3.
Thật ra chẳng có điều gì khác nhau
giữa trai Tây và trai Việt, trừ quỹ đạo chuyển động. Đàn ông phương Tây phần
lớn hoàn toàn đơn giản: họ sống ở thế kỉ 21, tuyên ngôn ở thế kỉ 21, tư duy ở
thế kỉ 21, cảm xúc ở thế kỉ 21, yêu đương ở thế kỉ 21, lấy vợ ở thế kỉ 21. Đàn
ông Việt Nam phức tạp hơn gấp bội: sống ở thế kỉ 21, tuyên ngôn ở thế kỉ 30, tư
duy ở thế kỉ 19, cảm xúc ở thế kỉ 18, yêu đương ở thế kỉ 20 và lấy vợ ở thế kỉ
15. Điều đáng kinh ngạc là phần lớn phụ nữ Việt Nam trong cùng một ngày chịu
được chừng ấy niên đại.
©
2014 pro&contra
[1] Phần lớn mớ
tín điều đỏ đen chẳng những dai dẳng tồn tại mà còn ngày càng thịnh hành trong
xã hội Việt Nam cũng thế, thoạt nhìn thì rắc rối bí ẩn lắm, tưởng phải thuộc
làu pho văn hóa dân tộc mới cắt nghĩa nổi, nhưng thực ra chỉ dựa trên những cảm
nhận nhập nhằng, tùy tiện, không thể không gọi là ngây ngô. Cái mâm ngũ quả
ngày Tết chẳng hạn: nặng trĩu ý nghĩa và biểu tượng, nào ngũ phúc, ngũ hành,
nào ngũ thường, ngũ giới, nào năm mầu, năm phương, nào tổ tiên, nào phong thủy.
Vậy mà rốt cuộc thì miền Bắc nhất định bày cam và chuối, miền Nam lại sợ hai
thứ đó như hủi, chỉ vì chuối gần với chúi nhủi, cam mang vạ từ quýt
làm cam chịu. Miền Nam cúng bằng mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung để cầu
vừa đủ xài sung. Không lâu nữa người ta sẽ cúng bằng quả bí, để theo âm business.
6 nhận xét:
Tôi đọc "Thiên sứ" của Phạm Thị Hoài từ cuối những nna8m 80.Nữ tác giả này là một hiện tượng văn học hiện đại hiếm hoi của Việt Nam đầu nhựng na9m 90 ,khi trong văn chương của chị luôn xen lồng các tư duy triết học.
Gần đậy tôi có đọc các bài viết của nữ tac giả này,chị vẫn giữ được phong độ ,trong văn của chị luôn thấy cái quyết liệt ,không khoan nhượng với các vấn đề xã hội cần phê phán.
An ninh VN không thích chị vì sự thẳng thắn đó. KC
Đúng là những triết lý rất thật và rất dữ dội của Phạm Thị Hoài ít ai chịu nổi.
Văn của PTH chả giấu giếm, thẳng thừng, đanh đá, chua cay, trần truồng... Bà vạch những cái xấu của đàn ông ta - cũng chả sai, nhất là thời gian này.
Một lối nhìn riêng biệt .Tuy theo con đường duy lý chứ không phải là lịch sử nhưng đó là quan điểm sống của một cá nhân , một cá nhân bộc lộ sự tự lập , độc lập cao .Chính những biện luận này làm cho tinh thần phong phú hơn và cuộc sống rõ nét hơn.
Thanh Trần
Tác giả nói đúng nhưng sử dụng những câu chữ đầy chất hằn học nhằm xoa dịu bớt những nỗi đau của bản thân, đây không phải là cách nói thẳng, nói thật.
Giọng có hằn học!
Đăng nhận xét