Thứ Sáu, 4 tháng 4, 2014

NGUYỄN MẠNH TƯỜNG VỊ LUẬT SƯ HUYỀN THOẠI (Phần II) (Kiều Mai Sơn)


   3-VỤ XỬ QUẢN DƯỠNG DƯỚI CHÍNH THỂ  VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Luật sư Nguyễn Mạnh Tường 1952.
Sau khi dự Hội nghị Đà Lạt về, GS Nguyễn Mạnh Tường quay trở về nghề luật sư, nhưng lần này do Chính phủ cử ra để bào chữa cho bị cáo. Hồi ký của GS Nguyễn Mạnh Tường viết: “Hồi đó ông Bùi Lâm có đến bảo tôi là Chính phủ yêu cầu luật sư bào chữa cho những vụ xét xử hiện nay và nay mai rất là quan trọng, cần phải những luật sư có tên tuổi”.

Tôi nói: “Tôi là giáo sư, là luật sư, nếu Chính phủ muốn giao cho tôi nhiệm vụ luật sư, tôi xin sẵn sàng”.
Luật sư ở trong nước thì có nhiều nhưng những người được bà con biết tên tuổi như Bùi Tường Chiểu, Trần Văn Chương, Nguyễn Mạnh Tường, Phan Anh, Đỗ Xuân Sảng… thì còn ít. Lúc đó luật sư Trần Văn Chương đang trong nhà lao, còn các vị khác như luật sư Hồ Đắc Điềm, Phan Anh, Phan Mỹ... thì bận nhiều việc hành chính trong chính quyền mới nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vụ án luật sư Nguyễn Mạnh Tường được mời bào chữa lần này là vụ Quản Dưỡng. 



Vào thời kỳ Cách mạng tháng Tám 1945 đã xảy ra nhiều cuộc biểu tình của quần chúng để ủng hộ Việt Minh. Sáng ngày 19 tháng Tám, sang Phủ Khâm sai theo thông lệ hàng ngày, giáo sư Nguyễn Xiển, Giám đốc Đài Thiên văn Phủ Liễn – từ Kiến An (Hải Phòng) về Hà Nội đã can ngăn Khâm sai đại thần Bắc Bộ mới (thay cụ Phan Kế Toại vừa từ chức) là bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ, không được nổ súng vào quần chúng biểu tình đang tiến vào chiếm Phủ Khâm sai.
Ông Nguyễn Xiển nhớ lại: “Bấy giờ bên cạnh ông (Nguyễn Xuân Chữ), tôi (Nguyễn Xiển) nhìn thấy có mặt một số người tôi không quen. Chưa nói chuyện được bao nhiêu thì đoàn người biểu tình có vũ trang kéo đến bao vây Phủ Khâm sai, sau này mới được gọi là Bắc Bộ Phủ. Cái cảnh nhân dân bao vây và vượt vượt qua hàng rào sắt xông vào tòa nhà đó thì máy ảnh đã ghi vào lịch sử. Còn chuyện gì xảy ra ở bên trong, có lẽ tôi là một người hiếm hoi có may mắn tình cờ được chứng kiến.
Thật tình sáng hôm ấy tôi cũng bị bất ngờ như Nguyễn Xuân Chữ. Nhiều người bạn của ông Chữ tháo chạy ra cổng sau. Tôi ở lại vì không nỡ bỏ mặc một mình ông ấy. Lúc đó đội bảo vệ Phủ Khâm sai đã dàn quân, tì súng vào bao lơn trước cửa chính dẫn vào phòng khách. Có cả lính núp ở dưới nhà hầm chĩa súng ra bên ngoài. Tôi khuyên ông Chữ ra lệnh cho đội bảo vệ rút lui vì nghĩ rằng một tiếng súng nổ có thể gây tai họa. Sau này tôi mới được biết anh em đội bảo vệ đã được cách mạng vận động từ đêm trước nên đã sẵn sàng nộp súng cho Việt Minh. Ông Chữ có lẽ quá bàng hoàng trước tình thế đột ngột diễn ra nên cứ đờ ra không biết làm gì. Tôi phải dẫn ông ra gặp đại biểu của quần chúng. Ông Chữ ra đối diện với đoàn biểu tình nhưng không nói được một lời nào. Quần chúng ùa vào chiếm Bắc Bộ Phủ…
Tôi đi ra tìm xe đạp về nhà, trong lòng rất phấn khởi trước khí thế cách mạng của nhân dân, vui mừng một phần vì đã quyết định theo tình cảm tự nhiên của mình, ngả về phía quần chúng, không chần chừ ngay trong giây phút vừa qua, giây phút mà sau này được coi là lịch sử” (Theo Hồi ký của cụ Nguyễn Xiển, Tạp chí Xưa & Nay số 78 – tháng 8-2000).
Nhưng ở Hà Đông, Trần Văn Dưỡng, người gốc Quảng Yên, trước làm lính khố đỏ cho thực dân Pháp, thường gọi là Quản Dưỡng đã ra lệnh cho lính Bảo an binh bắn vào đoàn người biểu tình làm 70 người chết.
Vụ án được xét xử tại Hà Đông. Đây là vụ án lớn đầu tiên kể từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được thành lập. Chánh án phiên toà là luật sư Phan Mỹ (em ruột luật sư Phan Anh thời điểm đó là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng).
Hồi ký của LS Nguyễn Mạnh Tường cho biết: “Khi ô-tô tôi (Nguyễn Mạnh Tường) vào đến Hà Đông, vào trong phòng đợi, hai bên quần chúng đều đeo khăn tang, toàn là gia đình người bị nạn. Khi bào chữa cho Quản Dưỡng, mỗi lời tôi nói lên là kèm theo tiếng khóc của một bà vợ hay một người con”. Với những bằng chứng rõ ràng, với những lập luận đanh thép của LS Nguyễn Mạnh Tưởng, phiên tòa đã xử Quản Dưỡng mức án tử hình. Đây cũng là kết cục xứng đáng cho một kẻ suốt đời làm tay sai cho thực dân, đến phút cuối cùng của sự sụp đổ chế độ áp bức do ngoại bang dựng lên, đã ngoan cố cho lính dưới quyền tàn sát dân lành.
Sau này luật sư Nguyễn Mạnh Tường còn tham gia bào chữa nhiều vụ án khác tại các Toà án Quân sự, Toà án Nhân dân, Toà án trong Cải cách Ruộng đất theo yêu cầu của Nhà nước.
4 – XỬ ÁN TẠI LÀNG SÊU (HÀ ĐÔNG). 
Đã sắp bước sang tuổi 80, nhưng nhà giáo Nguyễn Lâm (sinh năm 1932), quê xã Viên Nội, huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Tây cũ, từng là giáo viên cấp 3 tại thị xã Bắc Kạn, rồi trường Trung học Nguyễn Trãi và Chu Văn An - Hà Nội cho đến khi nghỉ hưu, vẫn lưu giữ trong ký ức của ông những kỷ niệm đẹp về một vùng quê và một con người – người trí thức huyền thoại – luật sư Nguyễn Mạnh Tường. 
Thôn Trinh Tiết, xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Đông cũ, là một làng quê trù phú, thanh bình, đứng soi mình bên dòng sông Đáy thơ mộng với tên nôm rất hóm: làng Sêu. Làng Sêu có chợ Sêu ở giữa làng, mỗi tháng họp sáu phiên, mồng một, mồng sáu, mười một, mười sáu, hăm mốt, hăm sáu. Làng nằm trên dải bậc thềm phù sa cổ, nhiều truyền thuyết.
Làng Sêu đẹp và thơ mộng với những ngôi đình, chùa cổ kính khắc dấu ấn thời gian lên từng mạch gỗ. Đường làng lát vỉa, sạch sẽ sau mỗi cơn mưa. Những ngõ xóm hẹp ẩn hiện những ngôi nhà nhỏ sau lớp rào râm bụt hoặc chuối được cắt tỉa vồng lên thành những cái cổng xinh xắn. Đẹp nhất vẫn là dòng sông Đáy chảy lững lờ bên làng. Bãi dâu xanh ngát trải dài ven sông… Có chợ, có trường, có đường, có bến sông. Buổi chiều về, những cánh buồm đủ kiểu no gió đưa những con thuyền lướt trên sông nước khi ẩn, khi hiện trong màn sương buông xuống mờ đục.
Trong kháng chiến chống Pháp, Sêu là một trong những thị trấn sầm uất của Liên khu III. Cuộc sống thanh bình, thơ mộng khi đó vẫn diễn ra bất chấp chiến tranh đang đến gần. Cách xa Hà Nội khoảng 50 cây số, Sêu là điểm dừng chân xuôi ngược trên đường lên Việt Bắc hoặc vào khu Tư… Nhiều nhân vật có tên tuổi trong kháng chiến đã qua đây.
Cũng nơi đây, dưới mái đình làng, trường Trung học Nguyễn Huệ trong kháng chiến đã ra đời theo phương pháp giáo dục Hoàng Xuân Hãn. Trường làng Sêu hồi đó hay tổ chức xử án, có luật sư Nguyễn Mạnh Tường nổi tiếng, bào chữa cho các bị cáo rất hùng biện, hấp dẫn quần chúng. Các phiên toà được diễn ra vào ban đêm, ngoài giờ học nên đã lôi cuốn nhiều bà con và các em học sinh tới dự không chỉ vì tò mò hay giải trí mà muốn nghe tài biện hộ của luật sư 
Nhà giáo Nguyễn Lâm ghi nhớ mãi phiên toà của toà án Quân sự đặc biệt Liên khu III được mở để xét xử bị can là vợ của một lãnh tụ Quốc dân đảng ở Vĩnh Yên. Phiên tòa hồi đó đã được tổ chức trong ánh đèn măng-sông. Chánh án là luật sư Lê Văn Chất.
Luật sư Nguyễn Mạnh Tường khoác chiếc áo thụng đen, tay áo rộng đã vung vẫy đôi tay “biểu diễn” những lời bào chữa dành cho thân chủ của mình:
- “Đối với nhân thân người phụ nữ này, tôi cho rằng đó là một người phụ nữ có nhan sắc, nói năng lưu loát và sắc sảo, đã có một đời chồng là thợ may, sau này làm vợ của một tên tướng Quốc dân đảng, bà ta còn đảm nhiệm việc cung cấp lương thực cho đội quân của chồng. Tuy là người có tội vì phục vụ cho bọn Việt gian phản động, với mức án dự kiến là tử hình, nhưng xét về khía cạnh nào đó, bà ta là một người có tài mà không dễ gì một phụ nữ có thể đảm đương được”.
Luật sư Nguyễn Mạnh Tường cho là người thợ may làm sao xứng đáng làm chồng của người vợ này. Vì vậy bà ta đã có đời chồng thứ hai là tướng của Quốc dân đảng. Lấy chồng thì phải theo chồng kể cả phải đảm nhiệm là người tổ chức hậu cần cung cấp lương thực cho đội quân của chồng là điều có thể hiểu được.
Chánh án Lê Văn Chất, viện dẫn ở Pháp đã có trường hợp một phụ nữ bị án tử hình, ông còn nêu tên tuổi của người đó. Luật sư Nguyễn Mạnh Tường liền đáp một cách nhanh nhẹn:
 - “Thưa ông Chánh án, làm sao chúng ta lại bắt chước thực dân Pháp, chính thể của chúng ta là chế độ Dân chủ Cộng hoà. Ngoài ra chúng ta còn đang chiến đấu chống lại thực dân Pháp để bảo vệ nền dân chủ còn non trẻ. Vì vậy tôi đề nghị Hội đồng xét xử không áp dụng án tử hình cho người phụ nữ này”.
Sau thời gian nghị án một cách chóng vánh, phiên toà được kết thúc với mức án tuyên không phải là án tử hình và tính mạng của người phụ nữ này đã được bảo toàn nhờ tài năng của Luật sư Nguyễn Mạnh Tường.


2 nhận xét:

Nặc danh nói...

Tài năng thực sự và luật sư không bị chi phối bởi cái gì không luật.

Minh Tâm nói...

NẾU KHÔNG CÓ ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC TÀI NĂNG THAM GIA KHÁNG CHIẾN CHÔNG TD PHÁP NHƯ CÁC CỤ TẠ QUANG BỬU, VŨ ĐÌNH HÒE, TRẦN ĐẠI NGHĨA, NGUYỄN VĂN TỐ, PHAN ANH... THÌ CUỘC CHIẾN ĐẤU CỦA DÂN TỘC CHẮC SẼ RẤT KHÓ KHĂN. GIỜ NHÂN TÀI ĐẤT NƯỚC KO ĐƯỢC TRỌNG DỤNG.
CÁM ƠN BÁO LIẾP DÃ CHO BẠN ĐỌC BIẾT NHIỀU GƯƠNG SÁNG TIỀN NHÂN. THẬT TỰ HÀO.