Chúng tôi đến Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn vào một
ngày đầu xuân. Ở nơi nằm lại của hơn 10.000 người con ưu tú của đất Việt, cảm
giác ấm cúng với những hồn chiến sĩ thiêng linh đã làm cho bất kỳ ai đến đây,
dẫu là lần đầu tiên đều tràn ngập xúc cảm yêu thương, gần gũi đến lạ.
Ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn,
chúng tôi ghi nhận nhiều chuyện cảm động về nghĩa tình của người đang sống
với người đã khuất. Trong rất nhiều câu chuyện thấm đẫm ân tình ấy, điều lạ
là có những người dẫu chẳng phải thân nhân của người nằm xuống nhưng chẳng
ngại vượt dặm đường xa tìm đến, lặng thầm thắp hương, nguyện cầu cho biết bao
linh hồn chiến sĩ được ngủ yên.
Những chuyện cảm động ấy ăm ắp đạo
lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam. Và trên hết, càng minh định
một điều đã trở thành chân lý rằng, trong tâm khảm của người dân Việt, những
hùng binh Trường Sơn đã trở thành bất tử, các anh không chết, các anh sống
mãi, sống trong lòng nhân dân theo suốt chiều dài lịch sử của dân tộc.
1. Mùng 6 Tết âm lịch, theo đường mòn Hồ
Chí Minh, chúng tôi đến Quảng Trị, vùng đất lửa một thời mà khi nhắc đến,
những ai quan tâm đến cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đều liên tưởng đến
những đau thương, mất mát và những tháng năm hào hùng, những cuộc chiến, trận
đánh oanh liệt của bao người con bất khuất đã nằm xuống. Từ thành cổ Quảng Trị, chúng tôi đến
bản Cồn (xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, Quảng Trị), lối dẫn vào Nghĩa trang
liệt sĩ Trường Sơn.
Ngay từ đầu bản, khi dừng lại
hỏi đường vào nghĩa trang, chúng tôi rất đỗi bất ngờ khi biết người chỉ đường
cho mình - bà Trần Thị Liên, 55 tuổi, là công nhân quản trang, thường xuyên
chăm lo việc tu bổ, coi sóc, tiếp đón các gia đình liệt sĩ cùng các
đoàn khách trong và ngoài nước đến thăm viếng anh linh các liệt sĩ: "Từ
năm 1984, tôi theo chồng về sống ở đất này và gắn bó với anh em từ bấy đến
bây giờ. Từ trước Tết đến hôm nay, các đoàn khách, người dân từ khắp nơi đến
viếng thăm nghĩa trang đông lắm".
Chồng bà Liên là ông Nguyễn Tấn
Quang, từng là bộ đội Trường Sơn, hiện là bảo vệ nghĩa trang nằm ven con
đường mòn lịch sử mang tên Bác. Bà Liên kể trong cuộc đời binh nghiệp của
chồng mình, ông đã chứng kiến và đã từng ôm siết nhiều đồng đội lúc trút hơi
thở cuối cùng nơi chiến trường ác liệt.
Quặn lòng khi biết cuộc chiến tàn
khốc đã qua không chỉ cướp đi tuổi trẻ, sức khỏe mà còn để lại nhiều di
chứng, bệnh tật cho vợ chồng người lính Trường Sơn này vì những cơn mưa chất
độc hóa học mà kẻ thù rải trắng trời: "Dầu gì thì mình cũng may mắn hơn
hàng ngàn vạn anh em, còn được sống để chứng kiến ngày Vĩ tuyến 17 chia hai
miền Nam - Bắc bị xóa sổ, đất nước hòa làm một" - bà Liên bộc bạch.
Bên đường Hồ Chí Minh, ở đầu
bản Cồn, ngay lối vào Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, tôi biết có không ít
gia đình nữ thanh niên xung phong với lính Trường Sơn như trường hợp của vợ
chồng bà Liên. Tôi biết thời bình, trong khi bao người mê mải với chuyện làm
giàu, tranh đoạt thì họ vẫn sống cùng đồng đội, ngày đêm hương khói, quét
dọn, lau chùi cho mộ phần những người từng chiến đấu trên cùng mặt trận, ở
cùng chiến hào của mình được sạch đẹp. Sống thầm lặng, và hy sinh lặng thầm,
một ngày nào đó, nếu có dịp đi trên cung đường Hồ Chí Minh lịch sử này, nếu
tiện đường ghé viếng anh linh liệt sĩ ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, bạn
đừng quên ghé thăm những gia đình như thế.
|
Ngày lại ngày, nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn luôn ấm cúng với
nhiều đoàn khách viếng thăm.
|
2. Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn không có tiếng khóc,
không có những gương mặt thẫn thờ, không có những tiếng thở than ai oán và
càng không có những hình ảnh - thanh âm xô bồ, những cảm giác rờn rợn như
thường thấy ở tại không ít nghĩa địa nơi phố thị.
Ngay từ lối vào cổng chính, cảm giác
ấm cúng, gần gũi, yên bình cứ theo chân người đến viếng ngàn vạn hương hồn
liệt sĩ Trường Sơn: "Nằm trên đồi Bến Tắt, tháng 4-1977, sau một năm
rưỡi xây dựng, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn được hoàn thành, là nơi yên
nghỉ của 10.333 phần mộ liệt sĩ hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh thời
kỳ chống Mỹ cứu nước. Các anh nằm xuống khi ở tuổi thanh xuân, mãi mãi tuổi
20, đa phần anh em ở các tỉnh phía Bắc".
Người chia sẻ với tôi dòng thông tin
này không phải là những người quản trang thầm lặng mà là ông Võ Bình, 69 tuổi,
ngụ huyện Bố Trạch, tỉnh Bình Trị Thiên (nay tỉnh Quảng Bình), anh trai liệt
sĩ Võ Trọng (sinh năm 1950, nhập ngũ năm 1967), hy sinh vào cuối tháng
12/1970: "Em tôi nằm lại chiến trường khi ở tuổi 20 cùng với hàng chục
ngàn đồng đội khác trên chiến trường khốc liệt này. Hồi mẹ tôi còn sống, đến
ngày giỗ em hoặc khi năm hết tết đến, năm nào tôi cũng đưa mẹ đến viếng nghĩa
trang và thăm em. Những lần như thế bao giờ mẹ cũng ôm em vào lòng, trò
chuyện với em, thắp hương không chỉ cho em mà cho tất cả".
Ông Bình tâm sự với nỗi thương nhớ
khôn nguôi về người em trai đã khuất và người mẹ chịu quá nhiều đau thương,
chồng chết, con hy sinh vì Tổ quốc, của mình. Trò chuyện, tôi biết cụ Hường,
mẹ ông, đã qua đời 2 năm trước. Cụ ra đi với niềm nhắn gửi duy nhất rằng dù
bận bịu như thế nào thì ông Bình cố thay mẹ duy trì việc hằng năm đến Nghĩa
trang liệt sĩ Trường Sơn thăm em cùng các đồng đội của em: "Mẹ thương em
ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ, thương em khi mãi dở dang với lời hứa ngày
đất nước hòa bình sẽ đưa mẹ ra Thủ đô thăm lăng Bác Hồ. Mẹ cũng thương biết
bao liệt sĩ nằm lại trên đất này, mẹ thương khi nằm xuống với núi rừng Trường
Sơn, các anh em trĩu nặng tâm can với nỗi canh cánh mẹ già nơi quê nhà mong
mỏi. Mẹ thương nhiều người mẹ ở các tỉnh phía Bắc có con nằm lại đất này vì
sức khỏe, vì không có điều kiện để có thể thường xuyên ghé thăm con, mà sống
vò võ với niềm thương nỗi nhớ".
Không hẹn mà gặp, cuộc trò chuyện
với ông Bình cho tôi hiểu một điều rằng, phía sau con số 10.333 phần mộ liệt sĩ
hy sinh ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, không chỉ có bản hùng ca về dũng
khí của hơn 10.000 người con quả cảm quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, mà còn
là câu chuyện của hơn 10.000 người mẹ: "Mỗi một ngôi mộ liệt sĩ là mỗi
một câu chuyện dài về nỗi đau, tình yêu thương, nỗi nhớ mong và trái tim đớn
đau của người mẹ có con hy sinh vì đất nước. Nhiều năm đưa mẹ đến thăm nghĩa
trang, tôi bắt gặp những người mẹ từ các tỉnh miền Bắc xa xôi vào đây thăm
con với nhiều nỗi sầu. Có những người mẹ cứ mãi khắc khoải vì chẳng biết ngày
mất của con. Và có người mẹ lòng quặn thắt khi đến hôm nay vẫn chưa tìm được
mộ phần của con, chỉ biết con nằm đâu đó nơi núi rừng Trường Sơn này và lặng
lẽ đến thăm với niềm nhớ mong vô hạn".
|
Trong những ngày Tết, có rất nhiều gia đình vượt hơn ngàn cây
số đưa con trẻ đến viếng các liệt sĩ.
|
3. Theo những con đường nhỏ rợp cây xanh
chẻ giữa nghĩa trang, tôi lên ngọn đồi nằm thoai thoải, nơi có tượng đài bất
tử ghi nhớ công ơn của ngàn vạn hùng binh Trường Sơn, nơi có biết bao người
con ưu tú Hà Nội nằm mãi với núi rừng Trường Sơn này. Tại nơi đây, chúng tôi
tiếp tục bắt gặp những hình ảnh, hòa mình vào từng câu chuyện thấm đẫm cái
tình giữa người sống và người đã khuất.
Xuất phát từ TP HCM, sau 3 ngày 3
đêm, gia đình chị Phong Lan, ngụ quận Tân Bình, đến Nghĩa trang liệt sĩ
Trường Sơn: "Tôi có mấy lần đến nghĩa trang, lần đầu tiên tôi đến từ hồi
còn chưa sinh cháu đầu lòng. Tôi đến viếng thăm và thắp hương cho các liệt sĩ
Trường Sơn chẳng phải vì gia đình có người thân nằm lại trên đất này, mà đơn
giản vì một niềm thúc giục vô hình rằng mình phải đến để thăm các anh, để
thắp cho các anh nén hương tri ân. Sinh ra sau chiến tranh, các con tôi không
biết gì về chiến tranh nhưng qua phim ảnh, sách vở, các cháu mong ước được
đến Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn và sau nhiều năm chuẩn bị, bây giờ chúng
tôi mới có điều kiện đưa các cháu đến viếng các chú các bác" - chị Phong
Lan tâm sự.
Con đầu của chị Phong Lan năm nay
17 tuổi, đang học lớp 11 và đứa nhỏ 9 tuổi. Nhìn hai đứa trẻ lặng lẽ theo bố
mẹ đi thắp hương cho những mộ phần liệt sĩ với thái độ nghiêm cẩn, thật xúc
động vô ngần. Mà đâu chỉ có gia đình chị Phong Lan, hôm ấy ở Nghĩa trang liệt
sĩ Trường Sơn, bên cạnh những đoàn khách là các cơ quan, tổ chức nhà nước,
đoàn thể, tôi bắt gặp nhiều ông bố bà mẹ cùng các con đến viếng và thắp hương
cho các liệt sĩ Trường Sơn. Dưới các tượng đài, có ông bố bà mẹ chậm rãi nói
với con về những người đã nằm xuống, giải thích cho các con rõ vì sao cả gia
đình vượt hơn ngàn cây số để đến đây viếng hương hồn người đã khuất. Tất cả
vì một niềm tri ân, cảm phục đến mãnh liệt!
Cũng ở tại Nghĩa trang liệt sĩ
Trường Sơn, tôi còn bắt gặp nhiều bạn trẻ phóng xe máy từ Sài Gòn, hay từ Hà
Nội, Hải Phòng… mà nhiều người quen gọi là "phượt" tìm đến
nơi anh linh trong ân tình, lặng lẽ. Trong khi nhiều bạn bè đồng trang lứa
đang vùi đầu ở các chốn ăn chơi, với các kiểu ăn chơi thì những bạn trẻ này
lại dành sự quan tâm đến các liệt sĩ Trường Sơn, còn gì cảm kích, xúc động
hơn: "Qua môn học lịch sử và các thước phim tài liệu, tụi em biết nhiều
về những chiến công bất khuất của các chiến sĩ tại chiến trường Bình Trị Thiên,
mà nổi bật là tại thành cổ Quảng Trị và sông Thạch Hãn với Vĩ tuyến 17
ngăn đôi đất nước. Cũng bằng tuổi tụi em bây giờ mà ngày ấy các chú, các bác
đã vác súng ra chiến trường bảo vệ đất nước, chẳng ngại mất mát, hy sinh. Thế
nên việc tụi em từ Bắc vào, từ Nam ra chiến trường xưa thăm các liệt sĩ đâu
có xá gì" - Phương Linh, 23 tuổi, đại diện nhóm bạn học năm 3
Trường đại học Kiến trúc TP HCM, bộc bạch.
|
Một góc Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.
|
4. Có hình ảnh nào lung linh hơn hình ảnh
những nhóm bạn trẻ chỉ biết chiến tranh qua lịch sử ngồi trầm ngâm giữa rừng
mộ chí liệt sĩ Trường Sơn. Có hình ảnh nào thiêng liêng, cảm động bằng hình
ảnh những bạn trẻ lặng người quệt vội dòng nước mắt trước những bia mộ liệt
sĩ vô danh, hay những bia mộ mà ngày tháng năm sinh, tháng năm nhập ngũ của
liệt sĩ còn để trống do thông tin bị thất lạc.
Bên mộ liệt sĩ Lê Trung Hồi người Hà
Nội hy sinh ngày 17/3/1971, Mai Hương, 22 tuổi, giới thiệu là sinh viên
Trường đại học Y dược Hà Nội, nghẹn ngào: "Không biết với dòng thông tin
còn bị thiếu này, gia đình, bố mẹ của liệt sĩ có tìm ra được con em mình
không".
Bây giờ đang xuân, mùa của sự sống,
mùa của yêu thương, mùa của niềm tin và hy vọng. Bây giờ, Nghĩa trang liệt sĩ
Trường Sơn vẫn thế, vẫn ấm cúng trong sự tôn vinh, tri ân, nhớ về của bao
người về những người đã chết cho sự sống được tiếp nối. Bây giờ, khi
đến với nơi yên nghỉ ngàn đời của ngàn vạn hùng binh Trường Sơn, tôi đã cảm,
đã thấu được thế nào là sự thiêng liêng, thế nào là chí khí quật cường, là
cái chết oanh liệt và những chiến công bất tử!
|
1 nhận xét:
Bài tùy bút "Cảm xúc Trường Sơn" viết tốt, bởi cảm xúc chân thành và nhất quán. Cùng với những câu chuyện bình dị mà xúc đông là lời bình tự nhiên, gợi cảm, với cách nhìn sáng rõ và nhân văn, chân thực.
Phạm Đình Trọng
Đăng nhận xét