Thứ Năm, 1 tháng 5, 2014

NHỮNG THẰNG BẠN CÙNG LÀNG (Duy Đảo)

Câu chuyện tôi kể cho các bạn nghe về thân phận của lớp thanh niên nông thôn sinh vào những năm 1953-54, lứa tuổi tôi. Họ đã đã đi qua chiến tranh, là nhân chứng... Chiến tranh đã qua lâu nhưng nỗi buồn thì cứ mãi mãi. Nhân ngày 30-4 tôi gửi các bạn câu chuyện về những năm tháng ấy.

... Chúng tôi sàn sàn tuổi nhau sinh ra và lớn lên ở vùng quê bốn bề sông nước. Quê tôi là vùng đất bãi nên quanh năm làng xóm ẩm ướt lụt lội. Làng tôi có tên hẳn hoi nhưng thiên hạ có việc tới thăm khi tìm đường chỉ hỏi tên tục của làng, làng “Lằn”. Chả biết vì sao làng tôi lại có tên như thế. Theo các cụ cao niên thì “ Làng Lằn ” đã có từ lâu lắm, từ cái thời mà cụ tổ đầu tiên của chúng tôi tới mảnh đất này khẩn đất.
Chiến tranh đã qua tự lâu thằng chết đã yên phận thằng sống cũng ngót nghét trên dưới 60. Chơi với nhau từ thuở cởi truồng chăn trâu cắt cỏ mài đít ở trường làng, may mắn “Ơn Đảng, ơn chính phủ” hầu như chúng tôi đứa nào cũng học được tới lớp 5. Đa phần học tiếp đến lớp 7, chỉ có tôi và Vinh là leo được đến cấp 3. Đại học ư! Hai từ đại học ngày ấy đối với chúng tôi, những đứa trẻ ở một vùng quê hẻo lánh, nghèo khó sao nó xa xôi thế, giống như ngôi chùa Cao trên đỉnh Yên Tử mà chiều chiều đi dậm cáy, dậm tôm đứng trên con đê bên dòng sông Văn Úc ngước nhìn qua lớp lớp mây xám.
Tất cả lứa chúng tôi trừ những thằng quặt quẹo, không đủ tiêu chuẩn lý lịch, năm 70-72 sau trước đều nhập ngũ trở thành người lính. Cuộc đời mỗi đứa sướng khổ hình như trời đất đã sắp đặt cả, chả đứa nào thoát được số phận

Thắng chơi với bọn tôi nhưng nhiều tuổi hơn khi học lớp 4 chúng tôi có trò chơi “chong chóng”, trò này do tôi bày ra. Bằng cách lấy cắp cái môi múc canh bằng nhôm của bà già trong chạn bát, đập bẹt, cắt thành hình cánh quạt như cánh quạt máy bay. Sau đó dùng đinh đục hai lỗ nhỏ ở giữa. Lấy cuộn chỉ bằng gỗ đã hết, đóng hai cái đinh guốc vào đầu cuộn chỉ sao cho khớp với hai cái lỗ trên cánh quạt, cắm cánh quạt vào. Lấy đũa ăn cơm chọc vào lõi cuốn chỉ giữ chặt. Tay kia dùng một sợi dây cuộn quanh ống chỉ giơ lên ngang đầu kéo thật mạnh sợi dây. Thế là cánh quạt quay tròn vút lên không trung. Trong một lần sơ suất, cánh quạt xoẹt vào mắt Thắng, thế là hai “cửa sổ tâm hồn” thằng bạn mất toi một. Ngày ấy lấy đâu ra thuốc thang mà chữa, bệnh viện tỉnh thì xa … Thế là Thắng có biệt danh “chột” từ đấy. Chỉ là chuyện không may thời con trẻ thò lò mũi, chân đất, toét mắt nhưng tôi cứ day dứt mãi.
Thắng không phải đi bộ đội vì chột mắt mà giả tỉ như hai mắt có sáng đi chăng nữa thì cũng chẳng bao giờ Thắng được đi bộ đội vì bố Thắng “xỏ nhầm giầy tây”. Nghe các cụ trong làng, ngày xưa có thời gian bố Thắng đi lính Dõng. Những năm ấy lý lịch như thế thoát ly làm anh công nhân cầu đường, hay chân ba toa trong trại lợn huyện còn khó huống hồ đi bộ đội, thế là Thắng phải ở lại quê. 
Thắng có nhiều tài nhưng sau này làm được nhà, sắm tủ Buyphê, giường Modec cũng là nhờ ở tay thợ mộc giỏi. Thắng lấy vợ sớm, vợ Thắng đẹp. Vợ Thắng là người thiên hạ chả biết ở đâu lang bạt tới làng tôi rồi được sư chùa thu gom về làm công quả ở chùa làng. Sau khi cưới, Thắng đưa vợ về nhà không ở chùa nữa. Vợ Thắng “sòn sòn, sòn đô sòn” ba năm hai đứa, đẻ một mạch năm sáu mặt con, nhà kinh tế vững thóc khoai trong buồng lúc nào cũng có. 
Thắng chết lâu rồi cũng dễ trên dưới chục năm, chết vì bệnh gan, vì rượu. Thắng là thằng về với ông bà ông vải sớm nhất trong mấy đứa bọn tôi. 
Những thằng còn sống lâu lâu gặp được nhau, trên chiếu rượu đứa thì nói Thắng sướng, cả đời chỉ nằm nhà sờ vú vợ chẳng phải nếm mùi chiến tranh. Đứa lại kêu Thắng khổ, chết mà chả biết chiến tranh là gì. Sướng hay khổ ở đời cũng là tuỳ theo suy xét của mỗi người, nhưng tóm lại Thắng đã yên phận mình.

Hà là con ông Rĩnh chả biết có họ hàng gì không mà tôi cứ gọi bố của Hà là Chú Rĩnh. Chú Rĩnh là đội trưởng đội sản suất. Ngày ấy đội trưởng sản xuất là khá lắm trong buồng cót thóc bao giờ cũng đầy. Ấy vậy mà nhà chú quanh năm phải ăn gạo cũ vì thóc thừa từ những vụ trước lưu cữu. Chú chết đã được vài năm, chết vì ung thư dạ dày. Lúc chú ốm nặng đúng dịp tôi về quê. Tôi có tới thăm biếu chú ký đường và mấy hộp sữa. Thời gian sau thì nghe tin chú mất. Trong đội sản xuất ngày ấy có cô Khánh, cô Khánh ở sát nhà tôi. Chồng cô tái ngũ, là lính pháo phòng không, chú hy sinh khi cùng đơn vị đánh trả máy bay Mỹ bảo vệ nhà máy xi măng Hải Phòng. Lúc đó cô còn trẻ, tướng mạo phốp pháp lắm, đám đàn ông trai tráng trong làng đi bộ đội sạch cả, chả còn ai để cô cũng như cánh đàn bà đơn chiếc trong làng lườm nguýt, chuyện trò. Nghe bà con trong làng đồn cô Khánh ngủ với chú Rĩnh. Ngày ấy đâu có sẵn dụng cụ tránh thai như bây giờ mà chả thấy cô chửa đẻ. Mấy ông cán bộ xã bênh chú chửi những kẻ độc miệng: “ Nếu chúng nó ngủ với nhau thì phải đẻ đái! Đừng có mà nói mò, vu vạ cho cán bộ đảng viên là theo đuôi phản động, vi phạm vào chủ trương chính sách của đảng, của chính phủ tù mọt gông”. Nên bà con ngọng, sợ vãi đái chỉ dấm dúi chõ mồm vào tai nhau thì thào, vớ vẩn! nghe chửi dại mặt còn là nhẹ. 
Có tối tôi sang nhà chú Rĩnh chơi, thấy chú chổng mông trên cái chõng tre, trước mặt là ngọn đèn dầu và cuốn sổ cộng điểm chấm công cho xã viên. Chả biết chú tính toán ra làm sao mà thấy miệng chú lúc nào cũng lẩm bẩm như cúng giỗ, thỉnh thoảng lại thấy chú xoè hai bàn tay ra trước mặt đếm từng ngón một. Cái bút chì trên tay lâu lâu lại thấy chú đưa đầu bút lên miệng “mút”. Tôi hỏi chú, chú bảo “ Cho chì thấm nước bọt viết cho rõ nét.”
Có hôm vừa thấy tôi vác mặt sang chơi chú đã hét toáng lên như đi câu vớ được cá to: 
- May quá tao đang bí! Mày lại đây! Lại đây! cộng hộ chú. Mấy ngày dồn lại điểm nhiều quá tao đang hoa hết cả mắt lên đây. Cứ tính đi, tính hộ chú, nếu cần tao chi thêm công điểm cho phần của mẹ mày. 
Đã nhiều lần tôi giúp chú, vì cái khoản cộng trừ của chú hơi bị yếu.
Tám giờ tối mỗi ngày bà con trong đội sản xuất đều phải có mặt ở nhà chú, ai cũng mang theo cuốn vở như những ngày “ bình dân học vụ” trong phong trào diệt dốt của Đảng phát động sau chiến thắng Điện biên.
- Bà Đa hôm nay được 10 điểm.
- Cô Hữu được 12 điểm.

- Bà Dần 6 điểm. 
- Ơ! sao tôi được có 6 điểm! Bà Dần cãi lại 
- Bà già rồi, đội giao cho mỗi con trâu ghẻ mà chăm sóc cũng chả ra đâu vào đâu. Nghe bà con phản ảnh con trâu toàn bị đi ỉa mà hay bị bỏ đói, cho nên 6 điểm là ưu tiên rồi còn thắc mắc gì nữa. Đáng lý ra bà hết tuổi lao động, phải được nghỉ ngơi theo đúng chính sách của Đảng mới phải. 
Bà Dần nghe chú Rĩnh giải thích tự nhiên quai hàm cứng lại, chả dám nói gì thêm
….
Đại loại việc chấm công báo điểm tối tối ở nhà đội trưởng sản xuất mang tính ước lệ hơn là tính hợp lý và công bằng. Thường chả ai thắc mắc. Điểm cộng dồn tới mùa thì chia bằng thóc. Sau khi gặt đập ở sân hợp tác là tới phần chia thóc. Dụng cụ chia là một cái thùng vuông bằng gỗ. 
- Bà A hai thùng. 
- Bà B một thùng rưỡi …. ( thùng rưỡi mới là rầy rà vì đong nửa thùng đâu có phải chuyện dễ)

Sau khi đổ đầy thóc vào thùng dùng một cái ống tre gạt ngang miệng là xong một đơn vị “thùng”. 
Thóc đem về nhà phơi, sảy, dần, sàng phần phải nộp thuế theo nghĩa vụ số còn lại các gia đình dè dặt độn thêm sắn khoai mà sống. Rồi lại úp mặt vào đất, còng lưng phơi mông cho giời mòn mỏi năm này nối tiếp tháng kia như cái kim đồng hồ quả lắc nhà ông Thùng đầu làng đựơc đội công tác chia ngày cải cách ruộng đất, đều đặn quay tròn.
Hà là con cả của chú Rĩnh. Hà chơi thân với tôi. Hà lắm tài từ làm súng phốc bắn quả rau đay, tới câu cá bẫy chim, dậm tôm, dậm cá… Học hết lớp bảy Hà nghỉ không học nữa. Hà nói “ Thầy em có biết chữ quái nào đâu mà cũng làm tới chức đội trưởng sản xuất. Chả biết anh thế nào? chứ em cứ động đến chữ, đến sách vở là đầu nó mỏi, hai mắt tự dưng muốn díp lại chỉ muốn lăn quay ra giường . Em tính rồi học cũng chả để làm gì. Nghỉ học ở nhà sáng sáng dậy sớm đi nhặt cứt chó chăm cho miếng ruộng phần trăm trồng thuốc Lào tới vụ còn giúp thầy bu em được tí tiền chứ trông chờ vào thóc chia hợp tác thì có mà …”


2 nhận xét:

Nặc danh nói...

Hành văn mộc mạc, giản dị, hóm hỉnh. Đọc mà sướng!

Đàm Thị Ngọc Thơ nói...

Chuyện rất thực được kể một cách nôm na mà cảm động.Nhưng Duy Đảo ơi!Đâu có trời đất nào sắp xếp chuyện ta ra trận.Chỉ có Tổ quốc gọi ta lên đường và ta đã đi theo tiếng gọi thiêng liêng ấy.(Em thật hóm hỉnh)Và các em,những người lính cụ Hồ đã không tiếc máu xương mình chiến đấu cho nhân dân này và Đất nước này.Em làm tôi nhớ tới bài thơ "Đồng chí" của Chính Hữu.Đất nước có được ngày hôm nay vì Đất nước có được những người như các em.