GM FB - Có lẽ đến bây giờ, khi đã có hàng nghìn người ra thăm Trường Sa, hàng trăm nhà báo đến tác nghiệp ở Trường Sa... thì hẳn Trường Sa không còn là điều gia xa lạ với mọi người nữa. Nhưng không phải vậy, khách thăm chơi thì không nói làm gì nhưng sự thật là vẫn có những nhà báo mơ hồ về Trường Sa đến mức "đắng lòng".
Năm ngoái thôi, có nhà báo trẻ nọ làm ở tờ báo không nhỏ còn than với mình, chả hiểu mọi người ra Trường Sa để làm gì, chi phí 50-60 triệu cho một suất đi, tiền đấy để đi chơi Thái Lan còn sướng hơn... Rồi mới đây thôi, có cô phóng viên kia ra Trường Sa còn hồn nhiên hỏi "Chính trị viên" đảo, chị đang ở Trường Sa hay Hoàng Sa ý em nhỉ, làm anh bộ đội đảo suýt nữa bật khóc vì ức chế... Hay trên chuyến tàu HQ 561 mới vừa đi Trường Sa tháng 5, có cậu phóng viên báo có tiếng thẳng thắn phỏng vấn "thuyền trưởng" rằng, các anh thuê ở đâu đội phục vụ trên tàu mà tốt thế, làm quần quật từ tinh mơ đến đêm khuya mà chẳng than kêu một lời, có hơn chục người mà phục vụ gần 200 thành viên tàu, giỏi thế cơ chứ... Nói ra thì đắng lòng nhưng mình nghĩ đã gắn cái mác phóng viên, nhà báo gì đó, trước khi đến đâu, gặp ai, viết về điều gì... hãy trang bị cho mình những kiến thức tối thiểu về đề tài đó đã rồi làm gì hãy làm...
Nhân dịp lễ ngành, GM và Nguyễn Văn Minh xin gửi đến mọi người 2 bài ký sự viết về những nhà báo đầu tiên ra Trường Sa sau ngày giải phóng cách đây 39 năm trước:
Những nhà báo đầu tiên ra Trường Sa
Kỳ 1: Chuyến đi sau “phút 90”
Ký sự của NGUYÊN MINH - TRƯỜNG GIANG
Ngày 29-4-1975, Trường Sa-quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc hoàn toàn giải phóng. Nhận thức tầm quan trọng của việc tuyên truyền khẳng định chủ quyền, có hai nhà báo của Báo Quân đội nhân dân đã được giao nhiệm vụ theo chuyến tàu đầu tiên tiếp quản Trường Sa. Một trong hai nhà báo có mặt ở Trường Sa khi đó nay còn sống là Thiếu tá Nguyễn Khắc Xuể, hiện sống ở Thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi đã tìm gặp ông để ghi lại những ký ức đẹp đẽ, hào hùng của người lính cầm bút lần đầu đến Trường Sa.
“Kỷ niệm vĩ đại”
Mấy năm rồi, cứ gần dịp 29-4, kỷ niệm giải phóng Trường Sa là tôi gọi điện xin gặp ông nhưng năm nào ông cũng từ chối. Nên năm nay, bất ngờ lắm khi ông đồng ý. Lý do có thể cũng vì câu trình bày của tôi: “Sắp 40 năm rồi mà chú. Các chú là những nhân chứng lịch sử nhưng có hai người thì chú Nguyễn Thắng cũng đã ra đi…”.
Sau gần 40 năm, ở tuổi 65 nhưng ông vẫn tráng kiện như thừa sức đi biển tiếp. Ông gọi lần đi Trường Sa đó là “kỷ niệm vĩ đại”!
Hà Nội, sáng 2-5-1975. Nhà số 7 Phan Đình Phùng. Hai ngày liền hai số báo ra đỏ rực tin chiến thắng huy hoàng. Tòa soạn hừng hực dõi theo tin, bài gửi về từ mặt trận. Cánh phóng viên không được đi, phải ở nhà “gác gôn” thì ngẩn ngơ vì không được ra trận. Khắc Xuể cũng thế. Nhưng sau “phút 90”, chàng phóng viên trẻ bất ngờ được Tổng biên tập Nguyễn Đình Ước gọi lên, đưa cho một tờ giấy giới thiệu. Giọng ông Ước nghiêm trang:
- Giấy có chữ ký của Trung tướng Lê Ngọc Hiền, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày mai, cậu đi Sài Gòn ngay!
Sài Gòn… Ngày đó với Xuể là một cái gì xa lắc xa lơ. Nó ở đâu, đi vào bằng cách nào, đâu có biết? Ngồi ngẫm một lúc, Xuể chợt nhớ ra mình có quen anh Nguyễn Duy Hiền là Phó tham mưu trưởng Trung đoàn 918 máy bay vận tải quân sự. Anh cuống cuồng phi xe đạp sang. Nhìn tờ giấy có chữ ký của Trung tướng, anh Hiền đồng ý. Thế là sáng hôm sau, Xuể được quá giang trên chuyến bay vận tải vào Sài Gòn.
“Đoạt” siêu xe, thẳng tiến Cam Ranh
Trưa 3-5-1975. Sân bay Tân Sơn Nhất hừng hực nắng. Xuể xuống máy bay, mắt anh cứ dán vào những tấm biển quảng cáo kem đánh răng. Lò dò hỏi mãi, anh mới về tới cơ quan đại diện Tổng cục Chính trị ở gần cầu Thị Nghè. Lúc này, cấp trên mới cho biết, anh sẽ cùng phóng viên Nguyễn Thắng đã vào Sài Gòn trước đó, tham gia đoàn công tác của Bộ Tổng tham mưu ra kiểm tra quần đảo Trường Sa. Ngày N, giờ G, phải có mặt ở Cam Ranh để nhận nhiệm vụ.
Trường Sa! Nơi chưa một lần đặt chân, cũng không biết nó xa cỡ chừng nào. Nhưng chỉ nghe tên, nghe nhiệm vụ đã thấy lòng chộn rộn, lo lắng và dâng lên bao cảm xúc khó tả. Nhưng đi bằng cách nào? Từ Sài Gòn ra Cam Ranh những hơn 500 cây số? Hai phóng viên trẻ chạy sang gặp Bộ chỉ huy Tiền phương thì được câu trả lời là tự tìm cách đi, bởi xe thì… không có.
Chợt nhớ ra bên Quân chủng Không quân đã vào tiếp quản sân bay, Xuể ra sân bay để hy vọng “xem có mượn được cái xe máy nào không?”.
Ra sân bay, câu trả lời là “không”. Thất thểu ra về, Khắc Xuể đành hỏi đại một chiến sĩ vệ binh:
- Này, cậu có thấy gần đây có cái xe máy nào không?
Bất ngờ, cậu ta thủng thẳng:
- Cuối sân bay kia kìa, trong đống ngổn ngang có một chiếc to lắm, anh thích thì ra mà tìm!
Xuể chạy lại cuối đường băng, nơi ô tô, giày dép, mũ áo, đồ đạc tàn quân vứt ngổn ngang. Một chiếc Kawasaki 250 phân khối đỏ chót, mới cáu cạnh, mang biển vàng quân cảnh còn cắm nguyên chìa khóa nằm chình ình đó. Mừng rỡ nhưng rồi lại… lo, vì bản thân Xuể chưa bao giờ đi xe máy. Anh suy ngẫm rồi quyết định “liều”. Bởi lẽ, thời gian ở Hà Nội, có lần đi công tác cùng phóng viên Triệu Hùng, anh đã chứng kiến cách phóng viên Triệu Hùng đi xe Hải Âu ba bánh. Xuể cố căng đầu nhớ những thao tác của anh Hùng. Cũng vặn chìa khóa, cũng đạp cần khởi động. Xoay xoay, vặn vặn, chả biết đâu là côn, đâu là số, cuối cùng chiếc xe cũng lao đi trong sự choáng váng, loạng choạng của người lính trẻ. Giật cục. Chết máy. Đi. Dừng. Đi… Cứ thế đi. Mãi đến 8 giờ tối, Xuể mới về tới cơ quan.
Sáng hôm sau, đổ xăng đầy bình, còn cẩn thận chở thêm hai can xăng 20 lít to uỳnh hai bên, Xuể chở Thắng hùng dũng lao khỏi Sài Gòn. Dọc đường, gặp nhiều xe đò đi cùng chiều, họ lạ lẫm nhìn hai anh giải phóng quân đi xe kiểu gật gù, lúc lạng bên này, khi tạt bên kia. Một vài tài xế ngó đầu ra chửi đổng:
- Đi kiểu gì vậy, khùng à?
- Mới tập xe sao đi ngu thế cha nội?
Mặc kệ, hai anh cứ thế đi, vượt qua những cung đường lạ hoắc. Dọc đường, quân trang quân dụng vứt ngổn ngang. Trưa 5-5-1975, họ đến Quân cảng Cam Ranh.
Tại Cam Ranh, họ gặp Đại tá Hoàng Hữu Thái, Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân. Nhìn hai phóng viên trẻ từ đầu tới chân, ông Thái bắt tay:
- Khá lắm! Đúng chất lính chiến đấy! Nhưng thử thách trên bờ chưa nhằm nhò gì khi ra biển đâu!
“Qua anh Thái, tôi chỉ biết được tham gia đoàn phái viên của Bộ Tổng tham mưu ra kiểm tra quần đảo Trường Sa vừa được giải phóng ít ngày. Đoàn khá đông, khoảng 10-20 người, đi trên 3 con tàu…” - ông Xuể bồi hồi nhớ lại.
Nhiệm vụ “5 không”
Khi giao nhiệm vụ cho phóng viên, ông Xuể còn nhớ rất rõ “5 không” mà ông Thái dặn dò gồm: Không được chụp quân cảng, không được chụp đoàn tàu đang hành quân, không được chụp toàn cảnh đảo và những vũ khí khí tài lớn, không được chụp chân dung cán bộ chỉ huy và chiến sĩ, không được chụp cảnh ông Thái ngồi làm việc với Ban chỉ huy các đảo.
Trừ “5 không” đó ra thì nhiệm vụ của phóng viên là làm sao chụp ảnh, viết bài để thấy được bộ đội ta huấn luyện, đánh chiếm đảo; chụp sao nêu bật được việc ta đã làm chủ chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, trong đó có nhiều điểm nhấn như cột mốc, cờ Tổ quốc, sinh hoạt của bộ đội…
“Lúc đó, anh Thái dặn gì thì làm thế. Tôi không được phép hỏi lại và cũng không được hỏi ai, hỏi tại sao. Nhưng mãi sau này tôi mới hiểu những điều anh Thái dặn. Bởi lẽ, phía trước Trường Sa, xung quanh còn rất nhiều đối phương rình rập ta từng giờ, từng động thái quân sự; họ lại ở những hòn đảo gần ta, có thể quan sát rất rõ. Đó là chưa kể các tàu đã bỏ chạy của quân đội Sài Gòn đều là tàu tốt, mới chỉ loanh quanh ở các hòn đảo gần Phi-líp-pin” - ông Xuể cho hay.
Nợ bạn một tiếng còi chào
Một đêm mùa hè biển lặng, 3 con tàu trong bộ dạng tàu cá rời Quân cảng Cam Ranh đi thẳng xuống Nha Trang. Lần đầu ra khơi trên vùng biển vừa giải phóng của quê hương, lòng ai cũng lâng lâng một niềm xúc động khó tả.
Quá nửa đêm thì một cơn giông lớn nổi lên. Sóng, gió càng ngày càng dữ dội. Cả 3 con tàu đã mất liên lạc với nhau. Chiếc tàu ông Xuể đi cũng chết máy, chỉ còn thả trôi trên biển. Sự lo âu đã hằn trên trán thuyền trưởng.
Giữa lúc hoang mang đó, từ xa xa, bóng một chiếc tàu lớn đen ngòm đi tới. Tàu “ta” hay “địch”? Nửa mừng, nửa lo. Phải đợi đến khi nó áp sát, nhìn rõ chữ Vladimir Vostok, anh em trên tàu mới reo lên: “Tàu Liên Xô rồi!”. Nhận thấy “tàu cá” Việt Nam đang gặp nạn, tàu bạn cho phép buộc dây để cứu hộ. Nhưng do thiếu kinh nghiệm, lẽ ra chỉ buộc một dây, anh em lại buộc cả hai. Tàu chạy, dây kéo xoay ngang. “Rầm”, con tàu nhỏ xô boong vào chiếc tàu buôn. Ca-bin móp ngay một khoảng lớn. “Chặt dây!” - có tiếng ai đó hét to khi con tàu sắp lao vào một lần thứ hai.
“Bộ đội hầu như say sóng cả, chỉ còn vài anh chạy lên. Tôi không bị say nên cũng lao ra, tìm được một cái rìu chuyên chặt đá lạnh, chặt cái dây đằng lái chỉ để dây đằng mũi bám đi theo cái tàu. Dây đứt. Con tàu ngoan ngoãn đi theo tàu bạn” - ông Xuể vẫn chưa hết thảng thốt khi nhớ lại khoảnh khắc sinh tử ấy.
Thoát chết. Nhưng câu hỏi đặt ra lúc này là làm sao để ra tín hiệu nhờ họ cứu hộ? Không thể đi về Trường Sa. Càng không thể nói mình là tàu quân đội! Mà muốn nói để họ kéo tàu về đâu phải có bản đồ, nhưng không thể là bản đồ quân sự. May mắn sao, anh em cũng kiếm được một chiếc bản đồ dân sự, rồi lấy mực đỏ khoanh vòng tròn vào cảng Nha Trang, vẽ thêm hình mũi neo rồi dùng sào đưa sang phía tàu bạn. Tàu bạn cứ thế kéo tàu ta.
“Lúc đó thật ra vẫn chưa hết hoang mang, không biết có phải tàu Liên Xô thật không? Nhỡ “nó” kéo mình sang Phi-líp-pin thì sao?” - ông Xuể cho hay. Dọc đường, ông Thái đã lệnh nạp đạn vào khẩu ĐKZ ở mũi tàu, sẵn sàng nổ súng nếu có biến. Lúc này, ông Xuể mới bàng hoàng nhận ra con tàu không phải là “tàu cá” mà chở đầy súng đạn bổ sung cho Trường Sa. Ơn trời, cú đâm móp ca-bin mạnh thế nếu một quả đạn phát nổ thì không chỉ tàu ta mà cả chiếc tàu buôn cũng tan tành trăm nghìn mảnh!
Chạng vạng sáng hôm sau, thấy biển yên bình và từ xa thấy dáng núi, anh em mới chạy ùa lên boong, biết mình đã thoát chết, đã vào tới Nha Trang. Ngó tìm tàu bạn thì tàu bạn đã cắt dây, tiếp tục hành trình tự lúc nào. “Đúng là tàu Liên Xô đã cứu mình. Chúng tôi còn nợ bạn một tiếng còi chào” - ông Xuể rưng rưng nhớ lại.
Ai cũng nghĩ hai con tàu còn lại đã bị làm mồi cho cơn giông biển. Về tới Nha Trang, ông Thái lập tức xin trực thăng đi tìm suốt cả buổi sáng vẫn không thấy đâu. Cả trưa hôm ấy, không ai ăn được cơm. Không khí buồn bã bao trùm lên cả đoàn công tác…
Kỳ 2: Trường Sa thuở ban đầu"
Bài đăng Phổ biến
- Bài hát chế "HN - niềm tin và hy vọng"
- MỘT ĐỜI NHỚ NHAU (Trần Phong k5)
- NHỚ DUY ĐẢO
- Thăm tư gia của Nhất Trung
- SINH VIÊN QUÂN SỰ CÙNG NHỮNG CHUYẾN TẦU (KQ)
- Lần đầu công bố: Những phút cuối cùng của Lưu Thế Dũng (Tư liệu gia đình)
- CÂU CHUYỆN TẬP KẾT RA BẮC (1954 – 1956) - (Việt Dũng)
- Hồ Xuân Hương và bài thơ Vịnh cái quạt (Huỳnh Văn Úc)
- Bài thơ Xứ Quảng (Phan Hoài Thuận)
- Trí thức (Ngô Hạnh)
Thứ Bảy, 21 tháng 6, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
1 nhận xét:
Có cô thí sinh hoa hậu biển trả lời thi ứng xử một cách cực kỳ nai tơ:"em mong TQ mở dàn khoan HD 981,tạo ra hạnh phúc cho người dân nước ta".tiên sư nó
Đăng nhận xét