Thứ Bảy, 12 tháng 7, 2014

Vết thương lòng (Ngô Hạnh)



Đồng đội tôi bị thương thời chống Mỹ
Mảnh bom bi đã phá hỏng mắt rồi
Lính bị thương cũng là chuyện thường thôi
Một con mắt vẫn thấy thù để bắn.
Chẳng để tâm mảnh giấy ghi thương tật
Lúc cháy nhà giấy cũng đã thành than.
Xét thương tật phải có đủ chứng nhân
Nếu thiếu nó không thể nào qua nổi.
Người lính quê có biết đâu mà hỏi
Sự việc trôi đi lặng lẽ tới giờ.
Vết thương trên người thì chẳng mất cho
Bằng chứng sống người đời không chấp nhận.
Cứ phải đủ giấy tờ in dấu triện.
Vì chiến tranh đã thất lạc mất rồi
Người lính già đành chấp nhận vậy thôi
Từ sâu thẳm thấy đời chua chát quá.
Giá chính sách đừng gợi về quá khứ
Để bao người nuôi hy vọng mong manh.
Gây nỗi oan cho tấm thẻ thương binh
Trao nhầm kẻ chưa một ngày quân ngũ.
Người lính chiến có tiếc chi máu đổ
Nhưng xót lắm thay bởi vết thương lòng.
                                                        27/7/2012



       Người thương binh mất mắt mãi chưa được là thương binh


4 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Thật quá và chua sót quá, anh Hạnh ơi! Xin được chia sẻ với đồng đội của anh.

NH nói...

Chẳng nhìn đâu xa, những đồng đội tôi ngày nay có người con bị điên dại do ảnh hưởng da cam, nhưng vẫn nắm trong số 1 triệu trường hợp chưa được giải quyết như bộ TBXH nói trên TV. Họ gần 70 tuổi, chiến tranh qua 40 năm rồi họ đợi đến lúc nào? Nếu chiến tranh nữa thì họ có con cháu lành lặn mà ra chiến trường không đây! Xin chia sẻ với các anh em đồng đội.

Nặc danh nói...

Tại sao các nước khác làm rất tốt chế độ cho quân nhân của họ , thậm chí cả những người đã phục vụ guồng máy họ dựng lên ở thuộc địa ? Đơn giản ,họ coi con người là quí nhất và phải có hành động đúng ( chứ không nói rồi buông bỏ).Cái nguy nhất ở ta là guồng máy vô cảm ,cả một hệ thống vô cảm !chỉ còn những người dân , đồng đội mới chia xẻ được nỗi buồn này ,nhưng họ lại không làm ra chính sách ! bi hài quá Việt nam ơi .
Thanh Trần

Nặc danh nói...

Có người nói quan chức ngày nay đang "ăn mày quá khứ", nhưng theo tôi có lẽ nói là "ăn cướp quá khứ" thì đúng hơn. B. Chương