Sắp kỉ niệm ngày thành lập trường ĐHKTQS, xin có vài dòng ghi chép nhớ lại trận tranh chức vô địch bóng đá ĐHKTQS năm 1974. Nhờ BBT chỉnh sửa lời văn, tên người và thời gian. Thú thật lâu quá không còn nhớ nổi.
Tác giả hôm nay. |
Tôi vừa bị bạo bệnh, đang dưỡng thương ở nhà, nhớ được như vây và ghi lại vài dòng ngắn ngủi. Hôm vừa rồi "Ngân lảo sư" từ Đức về, có đến nhà thăm.
Phạm Vĩnh Thắng, cựu học viên k5
Giải bóng đá thường niên năm 1975 của trường Đại học KTQS (Học viện KTQS ngày nay), diễn ra giữa lúc cả nước đang hừng hực khí thế Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Tới nay đã được 40 năm. Nhân dip kỉ niệm ngày thành lập trường, tôi nhớ lại trận chung kết năm ấy giữa đội Khoa Vô tuyến (K3) và đội khoa Cơ khí (K2 ) mà tôi được tham gia.
Ngày ấy cứ sau mỗi kì nghỉ hè, thế nào cũng có trận thư hùng giữa hai thế lực bóng đá nổi bật của trường là K2 và K3 tại sân bóng đá của trường. Tôi cũng được có mặt một vài trận đấu trong đội tuyển của K3 gặp đội K2 từ khi còn các anh Nghị, Đức, Trí...Tôi là học viên khóa 5 đại đội 153, khi còn ở khoa cơ bản K1 tôi ít ra sân vì thú thật tôi là lính ở đơn vị được gọi về học. Nhập ngũ từ năm 1963 sau khi tốt nghiệp phổ thông, đến ngày tựu trường ĐHKTQS năm1969 đã là 6 năm, nhiều kiến thức phổ thông, nhất là môn toán “sin cos”…đã quên gần hết vì thế tôi không ra sân để dành nhiều thời gian cho học tập. Mãi tới năm thứ 3 tôi mới chính thức ra sân, nhưng chỉ chơi với anh em học viên cùng khóa.
Nói trở lại sân cỏ là vì tôi chơi bóng đá phong trào từ nhỏ, năm cấp 2 được thày Luyến (hói) cựu cầu thủ CA Hà Nội và là kiện tướng tuyển quốc gia huấn luyện các bài tập ở sân bóng đá Long Biên. Năm 1963 nhập ngũ có thời kì được ăn tập ở đội bóng Bộ Tham mưu Quân chủng PKKQ ở sân bay Bạch Mai Hà Nội. Được luyện các bài tập thể lực, chiến thuật do HLV từ đội bóng PKKQ hạng A chuyên nghiệp hướng dẫn. Cũng trong thời gian này chính HLV Diệp Phú Nàm, kiện tướng, cựu đội trưởng Thể Công và cựu trung vệ tuyển quốc gia cùng thời với thày Bùi Đức lúc đó là giáo viên thể thao của trường (nguyên cựu thủ môn tuyển Quốc gia và Thể Công những năm 60) đã gợi ý tôi đá tiền về trong sơ đồ 4-2-4 thay vì trước đây tôi hay đá trung phong trong sơ đồ WM.
Nhớ lại năm1974, là giải đấu của trường lần đầu tiên qui định chỉ dành cho lứa cầu thủ không có tên ở đội tuyển trường. Năm đó đội K3 được bổ xung thêm các cầu thủ là giáo viên vừa tốt nghiệp các trường quân sự ở Nga về như các anh Tăng Cường, Hoàng Nam, Việt Hải…do thày Chiến cũng là giáo viên cùng lứa mới ở Nga về làm HLV.
Trong thời gian thi đấu đội K3 được ưu ái ăn trung táo ở bếp giáo viên Khoa, vào buổi chiều đội lại ra sân tập rất chăm chỉ. Do không có cầu thủ tuyển trường lại có nhiều anh em học viên quen biết, tôi được tín nhiệm hướng dẫn lại các bài tập đã được học như lập hàng rào, bài tập chiến thuật phòng ngự, phản công…Gần đến ngày thi đấu đội hình có sáo trộn lớn do anh Trần Kiến Quốc trung vệ của đội K3 đã quen đội hình, lại nhận nhiệm vụ lên đường theo chiến dịch Hồ Chí Minh. Thế là chúng tôi phải bổ xung anh Lý Anh học viên K6 vào vị trí này.
Buổi chiều trước ngày thi đấu đội họp kĩ thuật ở hội trường giáo viên K3. Tôi đã phát biểu phân tích chi tiết đội hình và cách đá của đội bạn, gợi ý lối đá của ta và cách thức chuẩn bị cá nhân trước ngày thi đấu. Rất may tuy trong đội có nhiều anh là giáo viên, nhưng vì cũng đã có một thời gian luyện tập cùng nhau, vả lại có lẽ tôi thuộc lứa nhiều tuổi hơn nên các anh khiêm tốn nghe và hỏi thêm một vài tình huống.
Hôm sau là ngày thi đấu chính thức, tôi cũng không nhớ chính xác là ngày nào nhưng chỉ nhớ là rất đông khán giả đến xem. Khối học viên K3 còn đem cả nồi xoong ra gõ rất náo nhiệt. Về đội hình tôi chỉ còn nhớ tên vài vị trí như thủ môn Lộc (Khóa 6), Hậu về Lý Anh, Nghị (Khóa 6), Mạnh Hùng (Khóa 5). Tiền đạo là các thầy Hải, Lập, Trọng Nam, Tăng Cường…Tôi vốn đá tiền vệ trái nhưng trận này tôi đá tiền vệ phải đánh chặn và thu hồi bóng, hỗ trợ phản công nhường Viễn Chiến đá tiền vệ trái cho thuận chân anh ấy. Trận đấu diễn ra rất hấp dẫn, đúng như dự đoán trước đó của đội. Nhưng thực ra khi mới nhập cuộc tuy đã được tập nhiều mảng miếng chiến thuật, vào trận đánh lớn có nhiều khán giả, không khí hừng hực nhiều vị trí bị khớp như Viễn Chiến đá dạt ra tận biên, không làm tốt nhiệm vụ kiến thiết bóng và hỗ trợ phòng ngự. Hàng hậu vệ và cặp trung vệ lúng túng trong nhiều pha tranh chấp bóng khi ngăn chặn tiền đạo đối phương. Trong khi đó anh Hải đang đá tiền đạo cánh phải, chuyển sang cánh trái đổi chỗ cho anh Lập. Những phút đầu đội bị dồn ép chỉ luần quẩn ở sân nhà, bóng không phát triển lên được. Với kinh nghiệm thi đấu của mình, tôi vừa đá vừa nhắc anh em giữ đội hình, kéo Viễn Chiến về đúng vị trí thi đấu của tiền vệ trái. Sau những phút bị dồn ép tưởng thua đến nơi, đội lấy lại thế áp đảo, rồi ghi liền hai bàn vào lưới đội bạn dành thắng lợi tuyệt đối.
Đến nay tôi chỉ còn nhớ được một tình huống ghi bàn của đội mình, ấy là sau khi về hỗ trợ hàng hậu vệ, nhận được bóng từ anh Mạnh Hùng hậu vệ phải tôi dắt bóng lên vài nhịp rồi xẻ khe giữa hai hậu vệ trái K2 tạo đường chuyền đẹp cho anh Lập tiền đạo trái băng tới, nhằm thẳng khung thành bạn ghi bàn giữa tiếng hò reo của khán giả nhà.
Trận đấu kết thúc đội chiến thắng với tỉ số 2-0, đoạt chức vô địch. Sau trận đấu, chúng tôi nhận được nhiều lời khen từ thầy Hải trưởng khoa và thầy Thuận phó khoa cũng như nhiều học viên khác.
Sau trận đấu ấy chúng tôi được về nhà nghỉ ít ngày, sau lễ tốt nghiệp lên đường về đơn vị. Từ ngày đó đến nay đã hơn 40 năm, tôi chưa có dịp nào được gặp lại các thày, các cầu thủ là học viên đã cùng tôi tham gia đội bóng K3 đoạt chức vô địch năm ấy. Tôi cũng rất thương tiếc, khi nhớ tới Lê Viễn Chiến học viên cùng khóa 5, cùng đá tiền vệ với tôi trận đó đã sớm ra đi vì bạo bệnh cách nay hơn chục năm.
Vĩnh Thắng
Nguyên học viên K5, đại đội153.
4 nhận xét:
Phạm Vĩnh Thắng có " Nicnêm" là Thắng gián điệp. Sau thời binh nghiệp với chuyên ngành Ks VTĐ, thì chuyển qua làm công tác Đảng!
Là đàn em (Sinh viên cũ của ĐHKTQS) nhưng hai thời mình ở Lx sau qua Đức, đều dưới sự lãnh đạo của Bí thư đảng ủy Thắng!
Tuy là bí thư Đảng nhưng ông bạn này chơi được, là người tốt và có nhiều bạn. Phu nhân Thắng là lính Trỗi, con gái chú Nguyễn Lam. Trận bóng mà Thắng kể, tỷ số thì đúng nhưng tình tiết phạm luật thuộc về trọng tài Bùi Đức thì tác giả lờ đi. Cựu lão tướng Bùi Đức tối trước trận đấu đã bị phía K3( Chí-Hòa...) mua bằng mấy ly Cafee "chén chú chén anh", thời đó ly Cafee ngon quý hiếm lắm! Vào trận, Nam xệ(k3) xút bóng vào, Hậu vệ Ngân(K2) tết đâu ra, bóng trúng mặt nên hậu vệ chảy cả máu mũi ...vậy mà trọng tài đang tâm thồi chạm tay, 11m!
Tham ô, hối lộ manh nha có từ thời đó!!! (TĐ)
Thắng gián điệp:
Mình vừa đọc commen sau bài viết về trận bóng đá chắc là của "lảo sư Ngân". Quả thực mình cũng khg nhớ có bác Ngân ở trận đó hay khg và cả tình tiết phạt 11 m nữa. Còn chi tiết nói Chí Hòa hối lộ bác Bùi Đức li cafe tối hôm trước ngày thi đấu có vẻ oan cho bác Bùi Đức vì khg chính xác. Bởi nếu khg nhầm mình nhớ Chí Hòa cùng với Kiến Quốc đã đi đoàn của Trường ĐHKTQS trước đó theo chiến dịch HCM, không có mặt từ trước ngày thi đấu cả vài tháng trời..
Hòa và KQ đã được theo đoàn tiếp quản kĩ thuật viễn thông của trường từ 24/4/1975, khộng có mặt.
Bác Ngân có thể nhầm trận khác. Đó là quả phạt penalty đúng luật. Khi Trung Nghĩa nhận đá phạt 11m, DMĐ bắt được. Chí dô sướng quá, chạy lại ôm DMĐ thì còi từ trọng tài Bùi Đức nổi lên: "Bóng trong tay Đức sau quả phạt 11m còn là bóng sống. Chí chạm tay vào người Đức là chạm tay vào bóng nên phạt tiếp 11m. Lí luận quá đúng nên phải chấp hành, dù rất giận.
Nhưng Trung Nghĩa 1 bên là đối phương nhưng 1 bên là bạn, đã xử rất văn hóa - đá cho bóng bay vọt xà.
Vì thế bác Ngân 'hoài nghi' và ghi lại như vậy.
Bài "Những ngộ nhân về nước Nga..." viết hơi bị kỳ công đấy.
Ghi là LS.QL sợ bị hiểu sai là lấy từ bên Blog của các anh chị lớp trên. Chỉ nên ghi tác giả là Cựu lưu học sinh của LBXV cũ thôi thì đúng hơn.
Cái vụ vắng bóng KQ, Chí Hòa trong trận bài của Vĩnh Thắng vui đấy. Râu ông nọ, cắm bà kia mà!!!
(TĐ)
Đăng nhận xét