Thứ Bảy, 20 tháng 9, 2014

Tuổi già hạnh phúc - Bs Đỗ Hồng Ngọc (ST: ĐB)


  Mãi đến nay nhóm “kỹ thuật” mới “dựng” xong cái đĩa bài nói chuyện của mình về “Một tuổi già hạnh phúc” ở Chùa Xá Lợi trong dịp Vu Lan vừa qua, vào ngày 8-8-2014 tức 13 tháng 7 âm lịch. Xin gởi đến bạn như đã hứa và nếu bạn có nhã hứng và kiên nhẫn thì thử nghe vậy!
IMG_7969

Lúc này có tuổi rồi, thỉnh thoảng mình cũng thích đi chùa. Gần nhà có chùa Xá Lợi còn nhiều cây cao bóng cả, sáng sáng đế đó còn có… bắp, khoai, xôi, trà, café và được gặp nhiều bạn hữu để đàm đạo rất hay. Chùa có một Ban nghiên cứu Phật học do thầy Trụ trì phụ trách, mỗi tuần có một buổi học kinh sách, có tạp chí Từ Quang từ thời Cư sĩ Mai Thọ Truyền nay tiếp tục tục bản, lại có “Nhóm học Phật” mấy anh em cùng chia sẻ kinh nghiệm, ứng dụng Phật pháp vào đời sống hiện đại. 


Cách đây khá lâu, mình được mời nói chuyện về “Vận dụng kinh Kim Cang vào cuộc sống”, lần này, là “Một tuổi già hạnh phúc”. Dĩ nhiên, đây là dịp để mình học và áp dụng lời Phật dạy một cách sâu sắc hơn trong đời sống hàng ngày.
Vẫn như thường lệ, cách nói chuyện của mình dù ở đâu cũng là kiểu “tào lao chi địa” như bạn nói. Buổi này mình đã dẫn từ ông Khai Trí đến Trịnh Công Sơn, từ Sư bà Diệu Không đến Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Bỉnh Khiêm, từ Tuệ Tĩnh Thiền sư đến Trần Nhân Tông, và dĩ nhiên từ sinh y học đến tâm lý xã hội học và… Phật học.
Nhắc lại định nghĩa về sức khỏe của người gìa theo Tổ chức Sức khỏe Thế giới (WHO) : “Sức khỏe của người già là phát triển và duy trì được sự sảng khoái và hoạt động chức năng tốt nhất về tâm thần (mental), xã hội (social) và thể chất (physical)”.
 Bạn thấy đó, Phát triển và duy trì được sự sảng khoái (well-being) và hoạt động chức năng (function) , bởi đa số các hoạt động chức năng xài lâu quá đều rệu rả, phần lớn đã quá date, dễ cảm thấy chán nản, tuyệt vọng, lo âu, trầm cảm…nói khác đi là khó mà… hạnh phúc. Thể chất thì “ba cao một thấp” đã đành mà tâm thần thì tám vạn bốn ngàn phiền não! Cho nên đưa vấn đề “tâm thần” lên hàng đầu là hoàn toàn hợp lý.
KHỔ thì dĩ nhiên không thể có hạnh phúc. Con đường của Phật là con đường “Diệt Khổ”, con đường dẫn đến giải thoát: Khổ, Tâp, Diệt, Đạo.

Ở góc độ y sinh học, tâm lý xã hội học, thì những điều kiện để có một tuổi già hạnh phúc gồm:

 Có sức khỏe tương đối;
 Tài chánh tự chủ;
 Nhà ở an toàn; an ninh, môi trường thuận lợi;
 Tự tại: sắp xếp cuộc sống riêng của mình,
 Duy trì các mối quan hệ gia đình/ bè bạn;
 Có ký ức tốt về tuổi thơ và tuổi thanh niên,
 Hoạt động phù hợp để thấy luôn hữu ích;
 Gần gũi với thiên nhiên;
 Hiểu luật vô thường/ Từ bi hỷ xả với mình!

Ta cũng có thể nhìn theo góc độ của Tháp NHU CẦU của MASLOW, theo đó:

a) Nhu cầu sinh học: gồm những vấn đề cơ bản của tồn tại như : Ăn, Ngủ, Thở, Tình dục… nếu thực hiện đúng thì thân sẽ An, mà thân an thì tâm lạc (physical well-being).
b) Nhu cầu an toàn: nhà ở an toàn, môi trường xã hội tốt đẹp, an ninh, bảo đảm về kinh tế, đời sống quân bình…
c) Nhu cầu xã hội (social well-being): các mối quan hệ xã hội trong gia đình, hàng xóm, cộng đồng tốt đẹp…
d) Nhu cầu tự khẳng định: để luôn có được tôn trọng, đóng góp theo công sức cho xã hội, thấy mình sống có ích…
e) Nhu cầu tâm linh (mental well-being): hướng thượng, có một tôn giáo lành mạnh, tin tưởng ở sự sống thiện, nhân quả, nghiệp báo…
Có thể nhìn ở góc độ “Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức” ta cũng có thể hình dung gần giống với Tháp Nhu cầu của Maslow, và nếu có Chánh kiến để thấy Vô Thường/ Khổ/ Vô ngã/ Không/ Duyên sinh… thì đã có thể “độ nhất thiết khổ ách”!

Hơn hai ngàn năm trăm năm trước, Phật dạy trong Kinh Đầy Đủ (Tăng Chi Bộ) 4 yếu tố xây dựng Hạnh phúc lâu bền(theo bản dịch của Thầy Thích Minh Châu: trích Tuyển Tập “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”):

1) Đầy đủ Tháo Vát (thiện xảo/ chuyên nghiệp/ cần mẫn)
2) Đầy đủ Phòng Hộ (an toàn)
3) Bạn với Thiện (tín tâm, giới đức, bố thí, trí tuệ)
4) Sống thăng bằng/điều hòa

Thân mến,

Đỗ Hồng Ngọc 

Kính mời quý vị xem Video Buổi nói chuyện với đề tài " MỘT TUỔI GIÀ HẠNH PHÚC" tổ chức tại Chùa Phật học Xá Lợi ngày 08-08-2014. Diễn giả: Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Đơn vị tổ chức: Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam - Ban Phật học Chùa Xá Lợi.

                            

                    http://tinyurl.com/mkgkjho

Không có nhận xét nào: