Thứ Tư, 7 tháng 1, 2015

Kỉ niệm tôi và hắn (Duy Đảo)

  
Tôi và hắn có nhiều kỷ niệm. Thời học Trỗi có biết chó gì về nhau đâu, thằng khóa trên, thằng khóa dưới. Ấy vậy mà vừa gặp nhau ở chân thang máy Học viện Giucopxki ở Matxcova, sau mười mấy năm trường Trỗi giải tán bốn mắt đã lườm nhau “tình tứ”, y như là đã quen, đã biết từ lâu, rất lâu rồi.
Chả biết cắt nghĩa ra làm sao? Hình như nó là cái  “mùi” Trỗi thì phải, lạ thế! Hiểu thì dễ mà giải thích và nói cho nó rành rẽ thành  “nhời” sao lại khó thế?
    - Đưa tôi xách hộ, cái quái gì mà nặng thế? Chuẩn bị về nước à? - Thay cho câu làm quen, vừa nói tôi vừa lôi thốc một bao lao vào thang máy
 - Có chó gì đâu, hơn chục cái quạt tính gửi về giúp bà con Hà Thành chống nóng.   Cảm ơn ông! - Vừa tựa lưng vào thành thang máy vừa nói hắn vừa đưa tay vén áo gãi vào mạng sườn sồn sột. (Về sau này tôi mới biết hắn có cái tật hay gãi, cũng chả phải dị ứng hay bệnh tật gì, bác sỹ bảo thế. Có nhẽ chỉ là do thói quen lâu dần đâm nghiện mà thôi).


 - Ông học ở học viện này à? - Hắn hỏi tôi.
 - Không, tôi đi thăm thằng bạn.
 - Còn ông?
 - Tôi ở “Len” xuống, cũng tới thăm thằng bạn.
Cuối cùng thế quái nào hai thằng tôi cùng nhao đến một địa chỉ cũng của một ông bạn Trỗi và thế là từ giây phút ấy chúng tôi nối tình thân.
Hôm nay nhìn mấy tấm hình của Bác sỹ Học chụp với hắn đăng trên Báo liếp tự nhiên tôi thấy chột dạ. rồi không thể chịu “lổi” “ tức mình "còm mèn” vào cuối bài viết: “Sao hắn lại chơi cái cavat chói thế nhỉ?". Hắn là người thầy đầu tiên chỉ vẽ cho tôi cách chọn màu và các kiểu "thắt nút" cổ. Hết đưa đầu gối lên làm giáo cụ trực quan đến bắt hắn giơ cổ ra cho tôi thắt, lắm lúc quá tay xiết mạnh quá lưỡi hắn lè ra ngáp như người già bị bệnh phổi  thiếu ô-xi-gien. Thế mà học mãi mà vẫn thắt như thắt cổ chó. Mẹ tiên sư! Thế mới biết nghề chơi thật lắm công phu.
Tôi còn có cái hình kỷ niệm của hắn ở nước Nga Xô-viết. Hắn mặc “một cây” toàn "bò" từ mũ tới quần áo, chân Adidas đểu, đứng nghiêm trang trên Quảng trường Đỏ, cặp môi gợi cảm của hắn tái ngắt vì cái lạnh cuối thu. Dưới vành lưỡi trai của chiếc mũ bò vểnh ngược 45 độ như thách thức với gác chuông điện Cremlin. Riêng đôi mắt thì rất lạ vẫn cứ ánh lên lấp lánh rất ngiêm trang hướng thẳng vào Lăng Lê-nin ưu tư. Trông "hoài cổ" vô cùng, đáng yêu vô cùng. Tôi rất thích tấm hình này và nằng nặc xin hắn được giữ làm kỷ niệm và trên thực tế tôi đã giữ nó cho tới hôm nay.
Chẳng nhẽ bài học về cách phối màu khi sử dụng phục trang năm nào dạy tôi, hắn đã quên? Hay xu thế thời trang nhân loại đã đổi thay? Hay tuổi già mắt kém lại thêm chứng “mù màu”… Cái gì cũng có thể xảy ra!!! càng già càng đâm ra hay nghi ngờ vẩn vơ.
Một lần tới “Len” thăm hắn. Hắn bỏ hẳn một ngày “giời” tháp tùng tôi “lê la” ở bảo tàng Er-mi-ta-giơ. Sao kiến thức hội họa của thằng bạn mình lại mênh mông thế nhỉ. Giới thiệu họa sỹ, tác phẩm, trường phái, xuất xứ… cứ y như một nhà nghiên cứu mỹ thuật. Tôi rất phục và khen hắn. Hắn tủm tỉm cười rồi nửa đùa nửa thật:
      - Ấy thế mà suýt nữa ông mất đi một thằng bạn “tài năng”, nếu quả đúng như lời khen của ông. Số là thế này, - hắn kể - Một buổi sáng  đi bát phố, tự dưng tôi gặp ba bốn thằng mắt xanh mũi lõ chúng nó nhìn chỉ trỏ một hồi rồi hầm hầm lao vào tôi. Một thằng nói: “Đúng thằng này! Hôm trước tao mua cặp kính “giọt lệ” của một thằng giống y chang thằng này. Kính gì mà đeo vào nước mắt nước mũi dàn dụa. Đang đeo tự dưng lại rơi bố nó mất một mắt, mà phải rút hầu bao những 15 rúp có bỏ mẹ không?”.
Thế là chúng nó xúm lại đấm tôi. Được cái tôi dân thể thao nhanh nhẹn lại nhỏ con nên luồn qua háng tụi nó ba chân bốn cẳng lỉnh vào đám đông chuồn mất. Ông tính, dưới con mắt bọn tây thằng  “Cộng ” nào mà chả giống thằng nào, cho nên mình mới tai bay vạ gió. Thật hú hồn. - Thằng bạn tôi cười buồn.
  Tôi hay lưu giữ những kỷ niệm vui về bạn bè và rất sợ làm tổn thương người khác, nhất là những ông bạn Trỗi đáng kính. Lỡ chân còn cố lết đứng dậy được, chứ lỡ miệng, lỡ viết ra thành nhời làm bạn bè buồn thì tôi cứ thấy nó làm sao ấy, không hợp với tạng của mình, có cố cũng chịu, không thể “làm lổi”.


Không có nhận xét nào: