Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2015

XIN ĐỪNG ĐỤNG VÀO CÂY… (Nhà thơ NGUYỄN TRỌNG TẠO)

 Đi qua một con đường Hà Nội, bỗng người lái xe hỏi: Anh ơi, sao con đường trống trải thế? Thì ra, rất nhiều cây lớn bên đường đã bị đốn. Chúng tôi quan sát, thấy nhiều cây bị đánh dấu nhân (X) để đốn tiếp. Rồi thấy những xe cẩu đưa người lên ngọn cây để cưa cành cao, rồi hạ xuống cưa cành thấp… rồi cưa luôn gốc cây. Tôi lặng người, biết đây là cả một phong trào đốn cây của Hà Nội văn hiến, Hà Nội xanh sạch đẹp, Hà Nội hào hoa… 

Xin đừng giết tôi!
Xin đừng giết tôi!
"Xin đừng động vào cây, mùa lá rụng" -  Nhắc suốt đường cũng chỉ bấy nhiêu thôi!
“Xin đừng động vào cây, mùa lá rụng” -
Nhắc suốt đường cũng chỉ bấy nhiêu thôi!
“Dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi!” – Câu thơ Bằng Việt dịch Olga Bergoltz bỗng vọng lại một điều gì chua xót chưa từng thấy.


Tôi nhớ những tấm biển treo trên cây dọc những con đường Nga: “Coi chừng, lá rụng!”. Là nói cho hình ảnh vậy, thực ra, đó là một lời nhắc nhở con người hãy tôn trọng cây xanh, một lời nhắc nhở nhẹ nhàng mà lịch lãm biết bao. Và nhà thơ Bằng Việt thêm một lần xúc động trước lời nhắc ấy khi dịch Olga, và anh đã biến nó thành một lời khẩn cầu nhẹ nhàng mà thống thiết: “Xin đừng động vào cây, mùa lá rụng”.
Hình như những người đốn cây Hà Nội, những người quyết định đốn cây Hà Nội đã không biết bài thơ đó? Hình như họ không yêu cây cũng chẳng yêu thơ, nên đã đốn từ cây già đến cây trẻ, đốn từ đường rậm sang đường quang, họ đốn không thương tiếc.
“Xin đừng giết tôi!”…

May sao, vẫn còn những cô cậu trẻ măng tâm hồn đầy nhạy cảm đã biết nhắc nhở cô chú ông bà: “Tôi đang khỏe mạnh, xin đừng giết tôi!”. Nếu Olga sống lại và tới Việt Nam giữa mùa đốn cây này, chắc chị không thể viết thành thơ, vì nỗi sợ hãi đã giết hết cảm xúc của nhà thơ.

May sao, bài thơ chị viết bên nước Nga cách đây gần tám mươi năm vẫn còn sống với người Việt chúng tôi khi những đường cây đang bị đốn hạ, và hôm nay, nhờ những kẻ đốn cây mà tôi bỗng nhớ lại và muốn đăng lên cho mọi người cùng đọc. Biết đâu anh Thảo và những kẻ đốn cây Hà Nội tình cờ đọc được bài thơ này, và họ bỗng hồi tâm…

MÙA LÁ RỤNG

(Thơ Olga Berggoltz – Bằng Việt dịch)
Mùa thu ở Mátxcơva người ta thường treo những tấm biển trên các đại lộ, với dòng chữ: “Xin đừng động vào cây, mùa lá rụng!”
Những đàn sếu bay qua. Sương mù và khói toả.
Matxcơva lại đã thu rồi!
Bao khu vườn như lửa chói ngời,
Vòm lá sẫm ánh vàng lên rực rỡ
Những tấm biển treo dọc đại lộ
Nhắc ai đi ngang dù đầy đủ lứa đôi
Nhắc cả những ai cô độc trong đời:
“Xin đừng động vào cây, mùa lá rụng”
Ôi trái tim, trái tim một mình tôi
Đập hồi hộp giữa phố hè xa lạ
Buổi chiều kéo lang thang mưa giá
Khẽ rung lên bên khung cửa sáng đèn
Ở đây tôi cần ai khi xuôi ngược một mình?
Tôi có thể yêu ai? Ai làm tôi vui sướng?
“Xin đừng động vào cây, mùa lá rụng” –
Nhắc suốt đường cũng chỉ bấy nhiêu thôi!
Nếu không có gì ao ước nữa trong tôi
Thì có nghĩa chẳng còn gì để mất
Anh từng ở đây, từng là người thân nhất
Sao phút này làm người bạn cũng không?
Tôi chẳng hiểu vì sao cứ ngùi ngẫm trong lòng
Rằng sẽ phải xa anh vĩnh viễn
Anh – con người không vui, con người bất hạnh
Con người đi đơn độc quá trong đời
Thiếu cẩn trọng chăng? Hay chỉ đáng nực cười?
Thôi, hãy biết kiên tâm, mọi điều đều phải đợi
Dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi!
Mưa thầm thì rơi mãi lúc chia ly
Mưa tối rầm nhưng ấm áp nhường kia
Mưa run rẩy trong ánh trời chớp loá…
Anh hãy cố vui lên dù con đường hai ngả
Tìm hạnh phúc bình yên trong ấm áp cơn mưa!…
Tôi ra ga, lòng lặng lẽ như xưa
Một mình với mình thôi, chẳng cần ai tiễn biệt
Tôi không biết nói cùng anh đến hết
Và bây giờ còn phải nói gì thêm!
Cái ngõ con đã tràn ngập màu đêm
Những tấm biển dọc đường càng thấy trống:
“Xin đừng động vào cây,
mùa lá rụng…”
1938


2 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Một lần nữa cành cho thấy: dân mất lòng tin nghiêm trọng. Họ là người dám bảo vệ lẽ phải.

Quang Vinh nói...

"Tôi đang khỏe mạnh Xin đừng Giết tôi". Ngày trước Bác nói "mùa xuân là Tết trồng cây" cón năm nay "mùa xuân là hội chặt cây". Để trồng được một cây đến khi cho bóng mát mất mấy chục năm, còn chặt một cây đại thụ mất mấy chục phút. Hà Nội sau "thẳng lợi" của "mùa xuân chặt cây", phải vài chục năm sau Hà Nội không có bóng mát. Sài gòn ngày nào cũng có chỗ chặt cây, cây già bệnh được thay bằng cây mới, lớp sau thay dần lớp trước. Nhưng chặt cây trụi cả một con đường như Hà Nội thì khủng khiếp thật. Thế mà người ta lại "nghênh ngang" nói CẦN GÌ PHẢI HỎI DÂN. Có lẽ câu nói này được ghi vào lịch sử Hà Nội.