Thứ Năm, 11 tháng 6, 2015

DIỄN VĂN KHAI MẠC SỰ KIỆN "QUẢNG NGÃI 06/2015"


Kính thưa: Các quý vị đại biểu
Kính thưa: Các thầy cô giáo Trường VHQĐ-TSQ Nguyễn Văn Trỗi
-         Các anh chị, các bạn các khóa từ 1 đến 9
Cùng các bạn khóa 5 trường VHQĐ-TSQ Nguyễn Văn Trỗi vô cùng yêu mến!
Thay mặt ban tổ chức xin chân thành cảm ơn quý vị đại biểu, thầy cô giáo cùng các anh chị và các bạn đã thu xếp thời gian quý báu của mình từ 2 đầu Tổ quốc về đây tham dự sự kiện “Quảng Ngãi 06/2015” của khóa 5 Trường VHQĐ-TSQ Nguyễn Văn Trỗi kéo dài từ ngày 10 đến 13/6/2015 với trung tâm là “Gặp mặt thầy trò khóa 5 kỉ niệm 50 năm nhập trường (1965-2015) và 45 năm ra trường – nhập ngũ (1970-2015)”.


Kính thưa các quý vị,
Thấm thoắt đúng nửa thế kỉ trôi qua, từ khi chúng tôi - những cậu bé,cô bé 12-13 tuổi, rời xa gia đình, xa  thành phố lớn HN, HP, Nam Định… khoác ba-lô lên doanh trại của Tiểu đoàn 126 (Trường VHQĐ – Bộ Tổng tư lệnh) đóng ở Trại Hòe, Hiệp Hòa, Hà Bắc (nay là Bắc Giang).
Cuộc sống mới lạ với lũ trẻ thành thị được sống trong trại lính bắt đầu… Được biên chế theo từng tổ tam tam trong từng tiểu đội, trung đội, các khóa bố trí theo đội hình đại đội… Hết giờ học, nghe tiếng kẻng là xếp hàng đi đều đến nhà ăn… Sau những buổi chiều tự tu (lại 1 từ mới) là những trận bóng nảy lửa trên sân, sau đó là thời gian vẫy vùng thỏa chí tang bồng trên con mương thủy lợi bên cống 4 cửa… Cũng thời gian này, chúng tôi được học thêm kiến thức đào giao thông hào, làm hầm chữ A để tránh bom Mỹ. Đó là những ngày hè nóng bỏng năm 1965.
Giặc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Chúng tôi phải tạm rời doanh trại, sơ tán vào dân cách xa dăm cây số mỗi ngày. Đi từ sáng sớm, chiều tối mới trở về. Những bài học “dân vận” đầu tiên được học từ đây. Giúp dân quét dọn nhà cửa, chăm sóc em bé, gặt hái thu hoạch mùa màng… với hình ảnh những cái cối giã gạo, những cối xay lúa, quạt thóc được nhập vào đầu óc trẻ thơ.
Những lần báo động có máy bay Mỹ bay qua không làm bọn trẻ con lo sợ. Chúng cả gan đứng trên miệng hào theo dõi. Cũng vì lí do này mà trong 1 đêm tháng 8/1965, nhà trường nhận lệnh bí mật hành quân từ Trại Hòe, Trại Cờ lên An Mỹ, Đại Từ, Bắc Thái – ATK thời gian kháng Pháp. Đoàn xe quân sự bịt bùng, bật đèn gầm, đi theo “con đường chiến lược” sang đất Thái Nguyên, lên Đại Từ. Sáng hôm sau, hầu hết bọn trẻ ngỡ ngàng trước cảnh núi rừng hùng vĩ mờ trong sương sớm sau 1 đêm lăn lóc trên xe.
Ngày khai giảng 15/10/1965 tại cửa rừng xã An Mỹ, nhà trường của chúng ta chính thức được mang tên Trường VHQĐ Nguyễn Văn Trỗi, đúng 1 năm sau ngày Anh Trỗi hy sinh. Đây là mái trường đầu tiên trên miền Bắc XHCN được mang tên Anh.
Lại sống ở trong dân, lại được dân đùm bọc. Ban đầu ở các xóm Cao Chùa, La Yến, Đồng Cháy… Sau này, nhờ được QK1 và nhân dân địa phương giúp đỡ dựng lán trại mà có doanh trại (với nhà ở,lớp học) tươm tất hơn ở cửa rừng, Trại Bưởi, rồi Trại Cờ, Suối Trì… Chỉ 16 tháng sống ở đây (tới cuối năm 1966) nhưng An Mỹ là địa chỉ khó quên.
Chiến tranh chống Mỹ càng ác liệt hơn. Đảng, Bác thống nhất cho trường ta cùng các trường HSMN Nguyễn Văn Bé, Dân tộc TW và Nhi đồng Võ Thị Sáu sang tá túc ở Quế Lâm, TQ. Những ngày ngừng bắn từ Noel 1966 đến đầu năm 1967, chúng ta đã có “cuộc hành quân ngoạn mục” bằng ô-tô từ An Mỹ về HN, rồi bằng tầu hỏa từ HN lên Bằng Tường, sang TQ, đến Quế Lâm.
Lũ học sinh chúng ta lại như đàn gà lạc mẹ, ngơ ngác sống xa Tổ quốc. Cuộc sống mới trong hòa bình nhưng chưa hẳn là thuận lợi với lứa tuổi học sinh đang lớn. Chúng ta vừa học tập nhưng nghịch ngợm không kém và gây không ít lo lắng cho bác Quỳnh Chính ủy và các thầy cô.
Dần dần khó khăn cũng qua đi, chúng ta tích cực tham gia phong trào thi đua “Hướng về tiền tuyến, thi đua dạy tốt và học tốt” với thành tích từng được ghi nhận trong FB của em Nguyễn Thị Thái k8: Hôm nọ lục lại được một lá thư bác Quỳnh ký gửi các bậc phụ huynh và gia đình ngày 22/12/1968. Trong thư có nói thành tích năm học 67-68 là 98,5% học sinh lên lớp và tốt nghiệp, 52% khá và giỏi.
Có 18 tháng sống ở Quế Lâm – mảnh đất có phong cảnh “sơn thủy hữu tình” nhưng lại đúng thời kì Cách mạng Văn hóa nên chúng ta cũng được chứng kiến cảnh “Thiên hạ đại loạn”. Dân TQ đói khổ, thầy trò TQ bỏ học, đi làm “cách mạng”. Và nhà trường ta cũng chịu cảnh mất điện, mất nước, không có gạo ăn... Bọn trẻ con VN ngày đó đã có những chính kiến của mình, bất đồng với những gì mà Mao Chủ tịch đã làm.
Trong thời gian này, chúng ta cũng đau xót phải chia tay 2 em Nguyễn Văn Hòa k7, Hoàng Châu Linh k8 và bạn Lưu Thế Dũng của k5. Mất mát đồng đội, bạn bè đến với bạn Trỗi quá sớm.
Tháng 8/1968, chúng ta được lệnh lên đường về nước.
Chúng ta có 2 năm học – lớp 9, lớp 10 ở Hưng Hóa, Phú Thọ (cũng có 1 số bạn “ngoan quá” được về học tập ở Thạch Thất như Quang Việt, Hoàng Sùng…). Ở miền đất trung du ấy, chúng ta đã có những trưởng thành hơn. Nhiều bạn được gia nhập Đoàn, riêng bạn Nguyễn Thế Thịnh được kết nạp Đảng.
Bạn Nguyễn Thiện Nhân, Nguyễn Thanh Chương từng tham gia Thi học sinh giỏi Toán miền Bắc tại trường Hùng Vương, Phú Thọ và mang về giải đồng đội.
Chúng ta cũng có thể tự hào là khóa có nhóm Ngũ hổ phải đi "cải tạo trên C10, là khóa có 4 bạn dũng cảm bí mật xung phong vào Nam chiến đấu. Đó là Huỳnh Tấn Lợi, Nguyễn Phước Ngọc, Lê Hòa Bình, Nguyễn Trung Nam.
Khóa 5 chúng ta vinh dự được là khóa học sinh được sống ở mái trường thân yêu này từ khi vừa thành lập (đầu hè 1965) đến khi giải thể (hè 1970). Sau kì thi tốt nghiệp, chúng ta phải vội vã chia tay nhau. Gần 200 bạn cùng khóa thì ngày đó có 60 bạn nhập ngũ, thi vào các trường khối quân sự - 30 bạn về Quân y, 30 bạn lên Quân sự. Nhiều bạn cha mẹ đang chiến đấu trong Nam được cử đi học Tổng hợp, Bách khoa, Thủy lợi hoặc được đi học ở các nước XHCN.
Hôm nay, chúng em vô cùng sung sướng được gặp các thầy Ninh Cử Trực, Mai Duy Vọng, Đỗ Đức Ứng, Phan Trung Chinh, Đỗ Xuân Khoát, Phạm Khang, Lã Khắc Tiệp, chị Phạm Thị Oanh.
Chỉ sống ở trường 5 năm, nhưng chúng ta xin chân thành cảm ơn thầy cô giáo của nhà trường đã yêu thương chúng em hơn cả con em mình, đã truyền đạt cho chúng em tất cả những tri thức cần thiết là hành trang đi vào cuộc sống. Các thầy cô không chỉ dạy các bộ môn văn hóa mà cả TDTT, cả mỹ thuật (đàn, hát, kịch, thơ văn…), cả Điều lệnh nội vụ cùng môn quân sự như: hành quân, mắc tăng võng, bắn súng... để chúng em được phát triển toàn diện.
Cũng hôm nay, cũng xin chân thành cảm ơn cha mẹ chúng ta đã dũng cảm giao những đứa con thơ cho quân đội để giáo dục, rèn luyện. Chừng ấy năm, khi trưởng thành, chúng con đều là những công dân có ích cho xã hội; và không ít trong chúng con đã trở thành những sĩ quan, cán bộ trong LLVTND.

Kính thưa các vị khách quý, thầy cô, anh chị và các bạn,
Trải qua 50 năm, có thể tự hào mà nói rằng: học sinh k5 Trường VHQĐ-TSQ Nguyễn Văn Trỗi chúng tôi rất trưởng thành.
Trong số đó có bạn Nguyễn Thiện Nhân được tín nhiệm bầu là Ủy viên BCT BCHTW Đảng, nay là Chủ tịch MTTQVN. Nhiều bạn có hàm thứ bộ trưởng như Nguyễn Đoan Hùng, Dương Thành Bắc; có bạn là Tỉnh ủy viên như Huỳnh Tấn Lợi. Trong đó có bạn Nguyễn Duy Anh là Trung tướng, nguyên Giám đốc BVTWQĐ 108; các thiếu tướng Nguyễn Quang Bắc, Trần Quốc Việt cùng hàng chục bạn mang hàm đại tám, thượng tá. Hầu hết là kĩ sư, bác sĩ, sĩ quan QĐ, nhiều bạn là TS, PTS, GS, PGS trong các nhà trường, học viện, viện nghiên cứu…
Hôm nay được gặp lại thầy, bạn của 50 năm trước, chúng em không thể quên Đại tá Chính ủy Bùi Khắc Quỳnh và các cố hiệu trưởng Nguyễn Hữu Điền, Dương Hưng Tuấn cùng 2 thầy giáo LS Nguyễn Đăng Đạo và Nguyễn Văn Phố, chúng em cũng nhớ mãi các thầy cô đã ra đi vì tuổi cao sức yếu, bệnh tật.
Hôm nay đây, chúng em nhớ tới AHLS Nguyễn Văn Trỗi và 28 bạn Trỗi đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến Chống Mỹ cứu nước và chống quân bành trướng TQ, bảo vệ biên giới của Tổ quốc.
-            Đó là LS Bùi Hữu Thích (khóa 1).
-            Đó là 3 LS khóa 3: Ngô Ngời, Lê Minh Tân, Cao Quốc Bảo.
-            Đó là 4 LS khóa 4: Lâm Duy, Vũ Chí Dũng, Nguyễn Văn Ơn, Nguyễn Văn Ngọc.
-            Đó là 6 LS khóa 6: Chu Tấn Quang, Võ Nguyên Trọng, Nguyễn Mạnh Minh, Đặng Bá Linh, Nguyễn Tiến Quân, Đỗ Khắc Tiến.
-            Đó là 7 LS khóa 7: Y Hòa, Lại Xuân Lợi, Đặng Đình Kỳ, Ngô Tất Thắng, Nguyễn Khắc Bình, Trần Hữu Dân, Nguyễn Đức Thảo.
-            Và LS Bùi Thọ Tuyến (khóa 8).
Cùng với 7 bạn LS là lính Trỗi k5:
-   AHLS Huỳnh Kim Trung, hy sinh ngày 20/8/1972, vừa tròn 20 tuổi, tại Bến phà Sông Gianh khi đang là học viên Đại học CSND, nhận nhiệm vụ tăng cường giải tỏa giao thông cho mặt trận.
-               Đó là LS đầu tiên của Trường Trỗi - Nguyễn Văn Ngọc hy sinh ngày 10/10/1968 tại TP Vinh, khi chỉ còn ít ngày nữa là Mỹ phải ngừng ném bom hạn chế ra miền Bắc.
-               Đó là LS Phạm Văn Hạo, dám đổi họ tên để được đi bộ đội, hy sinh ngày 28/6/1971, tại biên giới Campuchia. Gia đình và bạn Trỗi đã đưa Hạo từ NTLS Long An về quê ở Gia Lộc, Hải Dương.
-               Đó là LS Võ Dũng, con chú Sáu Dân, kiên quyết xin các thầy cho nghỉ học, về Nam chiến đấu, trả thù cho má và 2 em. Võ Dũng  được phân công làm lính thông tin ở BTL SG - Gia Định nhưng xin về làm lính trinh sát Khu 9 “cho gần má hơn” và anh dũng hy sinh ngày 21/4/1972 tại Rạch Giá.
-               Đó là LS Vũ Kiên Cường, mới 19 tuổi trẻ măng, đã anh dũng hy sinh trên tay bạn Lê Bình, ngày 28/7/1972, ngay tại Dinh Tỉnh trưởng trong Thành Cổ.
-               Đó là LS Nguyễn Lâm đầy tài hoa, cũng hy sinh ở Thành cổ, ngày 5/9/1972, nay chưa tìm thấy mộ phần.
-               Đó là LS Trịnh Thúc Doanh, hy sinh mờ sáng ngày cuối cùng 16/9/1972 của 81 ngày đêm chiếm giữ Thành cổ Quảng Trị. Doanh ngã xuống ngay bên bờ sông Thạch Hãn, khi được lênh rút quân. Thế mới thấu hiểu câu thơ của CCB Lê Bá Dương:
Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ.
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.
Có tuổi hai mươi thành sóng nước.
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”.
Theo thống kê của bạn Tô Thắng; Khóa 5 chúng ta có 204 bạn. Đến năm nay, đã hy sinh và mất 31 bạn, chiếm 15% tổng số.
*
            Uống nước nhớ nguồn là những gì mà chúng ta đã học được từ mẹ cha và các thầy cô.
            Trường VHQĐ-TSQ Nguyễn Văn Trỗi chỉ tồn tại 5 năm (1965-1970) nhưng phải thay đổi địa điểm đóng quân đến 4-5 lần. Từ Trại Hòe, Trại Cờ, Hiệp Hòa (Bắc Giang) lên An Mỹ, Đại Từ, Thái Nguyên rồi sang nước bạn Quế Lâm, TQ. Địa điểm cuối cùng là Hưng Hóa, Tam Nông, Phú Thọ; Trung Hà, Ba Vì và Thạch Thất, Sơn Tây.
            Nhớ đôi câu thơ của Chế Lan Viên:
            Khi ta ở đất chỉ là đất ở
            Khi ta đi Đất bỗng hóa tâm hồn

Phát huy truyền thống “Đi dân nhớ, ở dân thương” của QĐNDVN, lính Trỗi không bao giờ quên mảnh đất mình từng tá túc, từng được nhân dân che chở, đùm bọc. Hàng năm, các khóa tự tổ chức những chuyến hành quân về thăm đất cũ, người xưa.
Xin thông báo với các vị khách quý cùng thầy cô, anh chị và các bạn: Chúng ta đã trồng cây và đặt được bia lưu niệm ở những nơi từng đóng quân:
-Nhân 26/4/2015, chúng ta đã trồng 2 cây kim giao lấy từ vườn nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên trồng ở xã Mỹ Yên, Đại Từ, Thái Nguyên.
-Ngày 4/3/ 2015, chúng ta đã trồng cây xoài tại Trường Trung cấp Lái xe quân chủng PKKQ tại Trại Cờ, Hiệp Hòa, Bắc Giang.
-Năm 2014, chúng ta đã đặt bia lưu niệm tại khuôn viên VHTT Trường Trung cấp Công binh Trung Hà.
-Tháng 10/2007, chúng ta đã trồng cây và đặt bia tại Trường Trung học số 1 Quế Lâm và Trường Đại học Hàng không vũ trụ Quế Lâm – nơi trường từng tá túc từ tháng 1/1967 đến tháng 8/1968.
*
Nửa thế kỉ trôi qua, đến hôm nay thật xúc động khi được gặp lại thầy cô và các bạn cũ. Mong rằng kỉ niệm này sẽ theo chúng em đến tận cùng trời cuối đất.
Thay mặt ban tổ chức, xin chân thành cảm ơn các bạn Huỳnh Tấn Lợi, Phan Nam và anh em chiến hữu ở Quảng Ngãi:
- Sở Công Thương Quảng Ngãi, Cục Hải quan Quảng Ngãi, Cty CP đầu tư XD Thiên Tân, Cty CP xây lắp điện An Ngãi, Cty đầu tư XD Thuận An, Cty CP đầu tư TM Đại Việt, Cty CP Bia SG- Quảng Ngãi, Cty CP Đường Quảng Ngãi, UBND huyện Lý Sơn… đã nhiệt tình giúp đỡ, ủng hộ, tài trợ cho sự kiện được thành công!
Xin cảm ơn chân thành sự giúp đỡ của Ban giám đốc và tập thể cán bộ, CNV KS Mỹ Trà đã phục vụ tận tình, chu đáo trong những ngày chúng tôi về sống ở Quảng Ngãi.
Xin cảm ơn anh chị em các khóa từ 1 đến 9 đã đến chia vui cùng khóa 5.
Xin cảm ơn các thành viên ban tổ chức đã dành thời gian cho sự kiện này thành công tốt đẹp.
Xin cảm ơn bạn Huỳnh Tấn Lợi và các cháu trong gia đình đã nhiệt tình giúp đỡ, hỗ trợ cà tinh thần và vật chất cho sự kiện này.
Xin kính chúc quý vị đại biểu, thầy cô, anh chị và các bạn dồi dào sức khỏe, hạnh phúc bên gia đình, con cháu.

TINH THẦN TRƯỜNG NGUYỄN VĂN TRỖI MUÔN NĂM!

Không có nhận xét nào: