Lịch sử giải phóng dân tộc và lịch sử giải phóng Thủ đô sẽ không quên ghi công những đảng viên Dân chủ trong ngày tổng diễn tập khởi nghĩa 17 - 8 - 1945 của các chiến sĩ tuyên truyền xung phong thuộc Đội Thanh niên xung phong của đảng bộ Dân chủ Hà Nội, do hai đồng chí Chu Văn Tích và Trần Lâm cầm đầu. Hình ảnh tấm cờ đỏ sao vàng (do đồng chí Phan Hiền chuyển đến) to bằng chín chiếc chiếu hoa mà đồng chí Trần Lâm buông rủ từ ban công Nhà hát lớn.Hình ảnh cô nữ sinh mảnh mai Nguyễn Khoa Diệu Hồng nhảy lên bục, bằng một giọng Huế dịu dàng, thánh thót đọc Mười chính sách Việt Minh, sau khi anh Ngô Quang Châu đã hùng hồn kêu gọi đồng bào hưởng ứng phong trào. Khúc Quân hành ca của nhạc sĩ Văn Cao dậy lên từ một góc kín đáo trên quảng trường, trong tiếng hô vang như triều dâng thác đổ. Rồi muôn muôn đồng bào chuyển rùng rùng hàng ngũ tự phát, biến cuộc mít tinh ủng hộ Bảo Đại thành một cuộc tuần hành ủng hộ cách mạng. Hỉnh ảnh đẹp đẽ đó chắc hẳn vẫn in đậm trong lòng nhân dân Thủ đô ta (phỏng theo bài “Đội tuyên truyền xung phong Đảng Dân chủ những ngày tiền khởi nghĩa” của Trần Lâm, báo Độc lập, ngày 28 - 9 - 1988).
Buổi Tổng diễn tập đêm trước Cách mạng Tháng Tám báo hiệu cuộc
đổi đời vĩ đại. Các đồng chí Trần Lâm, Chu Văn Tích, Nguyễn Khoa Diệu Hồng,
Phan Hiền, Văn Cao… sau này đều là đảng viên Cộng sản. Chúng tôi, những người Dân
chủ thuần tuý không ai thắc mắc gì cả, và các anh chị ấy vẫn luôn luôn “trở về
nguồn” với tất cả nhiệt tình đồng chí, đồng đội. Duyên nợ thật là thiêng liêng.
Anh Trần Lâm một thời gian đã là Uỷ viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam . Chị
Nguyễn Khoa Diệu Hồng từng làm Hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội.
Vừa ra công khai, Đảng Dân chủ và báo Độc lập đã phải gánh những
nhiệm vụ nặng nề…
Gần 20 vạn quân của Tưởng Giới Thạch, dắt theo những đảng Việt
Nam
lưu vong, ùn ùn kéo vào miền Bắc từ cuối tháng 8 đến cuối tháng 9 - 1945. Giữa
tháng 9 họ tới Hà Nội. Các đảng ấy đòi giải tán “Chính phủ Việt Minh”, đòi loại
các bộ trưởng là đảng viên Cộng sản, đòi thay đổi Quốc kỳ, Quốc ca, thậm chí đòi
Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chức… Càng nghĩ lại hồi đó, càng thương Ông cụ và bái
phục Cụ! Người thường nếu không phát điên thì cũng lo lắng, buồn bực đến bạc đầu.
Thế mà Ông cụ vẫn cứ bình tĩnh, nhún nhường, nhưng kiên quyết bảo vệ nguyên tắc
chủ quyền và lãnh thổ; ôn tồn thuyết đạo lý với họ để tìm giải pháp cho những yêu
sách rồ dại của chúng đối với một dân tộc vừa tổng khởi nghiã oanh liệt. Cụ kiên
trì chiến lược, với chiến thuật thì khi cương , khi nhu. Trung ương Đảng Dân chủ
tham gia cuộc đấu tranh ấy. Vai trò của Đảng Dân chủ được Cụ Hồ khai thác cao độ,
trong hoàn cảnh nghìn cân treo sợi tóc mà Đảng Cộng sản thì lại phải tránh mặt.
Đấu tranh mạnh nhất, hăng hái và chua cay nhất trong những cuộc chạm trán nảy lửa
ở Hội nghị liên tịch các đảng phái, là đồng chí Hoàng Văn Đức, được nổi danh là
“l’Enfant terrible” (thằng bé đáng sợ). Bảy ngày trước cuộc bầu cử Quốc hội Cụ
Hồ đã viết bức thư sau đây:
“Anh Đức,
2 giờ rưỡi chiều nay, mời 5 đại biểu của Dân chủ Đảng đến Bộ
Nội vụ nói chuyện. Chào thân ái. 29.12.45. Hồ Chí Minh”
Cụ mời anh em Dân chủ cấp tốc đến bàn cách đối phó với các đảng
đối lập đang mưu mô tung quân ngăn cản đồng bào Thủ đô vận động tuyên truyền
cho bầu cử…
Rồi tình hình Hội nghị liên tịch trở nên căng thẳng, có nguy
cơ tan vỡ. Xung đột võ trang đã nổ ra đây đó ở địa phương. Cụ Hồ dùng mọi cách
ngăn chặn. Đảng Dân chủ góp vào đấy phần nhỏ mọn của mình: Hoàng Văn Đức, Uỷ viên
Trung ương Đảng Dân chủ, Chủ tịch Tổng hội viên chức Việt Nam, được Cụ cử mang
bức thư của Cụ lên thị xã Vĩnh Yên, trao cho Uỷ ban Nhân dân tỉnh, rồi tìm gặp Đỗ
Đình Đạo (con Đỗ Thống Thuật xưa kia), thủ lĩnh QZ (Quốc dân đảng), chủ một đồn
điền lớn ở trung du. Đạo đã được quen biết kỹ sư Hoàng Văn Đức, Giám đống Nha Nông
chính Bắc kỳ hồi Pháp thuộc. Đồng chí Hoàng Văn Đức hoàn thành tốt “sứ mệnh” làm
thuyết khách: dãn xa nhau bộ đội hai bên V.M và Q.Z đang đóng đối diện, “sát khí
đằng đằng” ở chân núi Tam Đảo…
Cuối cùng - có lẽ đèn xanh đã bật - các đảng thân Tưởng nhận
ghế trong Chính phủ Lâm thời. Cụ Nguyễn Hải Thần (Việt Cách) giữ chức Phó chủ tịch
Chính phủ, ông Nguyễn Tường Tam (Việt Quốc) - Bộ trưởng Ngoại giao v.v… Đó là
Chính phủ Lâm thời mở rộng, mang tên Chính
phủ Liên hiệp Lâm thời.
(Trích: Vũ Đình Hoè. Pháp quyền
Nhân nghĩa Hồ Chí Minh (Tập I). NXB Văn
hoá Thông tin & Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội - 2001)
1 nhận xét:
Kỷ niệm 70 năm Nhà nước Việt Nam dân chủ công hòa,đọc mấy giòng hồi ký của cụ Vũ Đình Hòe thấy được vai trò chính trị quan trọng của Đảng Dân chủ trong những ngày tháng 8-1945 (mà chúng ta biết rất ít). Chúng ta biết thêm về tái năng đoàn kết các lực lượng chính trị yêu nước của Hồ Chủ Tịch trong những ngày khó khăn nhất cùa đất nước. Qua đó tôi nhận ra việc hai Đảng Dân chủ và Xã Hội giải tán là một sai lầm rất lớn của các vỵ lãnh đạo Đảng công sản Việt Nam.
Đăng nhận xét