Entry này rất độc hại cho Quê Choa và Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, các ổng nhả mây như ống khói nhà máy nhiệt điện Ninh Bình.
Con người có cái đầu để suy nghĩ và có lá phổi để thở. Phổi cung cấp oxi cho não làm việc và não thì nghĩ cách làm thế nào thở hít cho phổi được khỏe mạnh. Không biết giữ gìn hoặc nhà nước không có chế tài xử lý nghiêm thì cả hai sẽ làm hỏng cả đời ta.
Chuyện hai anh bạn
Tôi có hai người bạn, mỗi anh có kiểu sống và bảo vệ sức khỏe riêng. Một chàng không hút thuốc vì muốn bảo vệ cho cái phổi, nhưng đi xe máy, không thích đội mũ bảo hiểm. Anh thứ hai đi xe máy, đội mũ bảo hiểm vì lo cho cái sọ, nhưng lại nghiện thuốc lá nặng.
Có chi tiết quan trọng, cả hai đều có vợ rất xinh như hoa hậu. Hóa ra các nàng thích các anh vì trông rất nam nhi, hút thuốc lá hay đi xe máy không…sợ chết.
Một lần tôi nhận được cú điện khẩn cấp vào bệnh viện Việt Đức. Anh chàng không đội mũ bảo hiểm bị tai nạn đang nằm trên giường cấp cứu. Đầu băng bó kín và đang thở ôxi.
Tay nghiện thuốc lá tới thăm và cười vào mũi “Đã bảo rồi, đời người có cái gáo thì phải giữ lấy. Bây giờ thì quá muộn”.
Nhưng độ một năm sau, tôi lại nhận được tin, anh chàng nghiện thuốc lá đang trong Bệnh viện Bạch Mai, bị nghi ung thư phổi. Tay không đội mũ bảo hiểm có dịp nói kháy “Thấy chưa, có cái phổi mà không biết giữ, suốt ngày phì phèo”.
Một anh đùa với cái đầu thì suýt bị mất đầu, anh kia đùa với cái phổi thì đang sắp mất phổi. Hiện nay một anh mất trí nhớ thường xuyên, anh thứ hai lúc nào cũng sẵn một máy trợ thở dù mới ở tuổi U50.
Thử hỏi, tay nào vừa nghiện thuốc và không đội mũ bảo hiểm thì tai họa sẽ như thế nào.
Qui định cấm hút thuốc lá
Hút thuốc lá không những ảnh hưởng đến người hút mà làm hại cả người bên cạnh. Các số liệu thống kê được phổ biến cho biết, 56% nam giới Việt Nam thường xuyên hút thuốc lá. Những người “ngửi ké” khói thuốc, dù không biết hút thuốc, lên tới trên 65%.
Về chuyện này, anh Xuân Sương từ Paris viết trên TTO “Trên thế giới 30% phụ nữ, 40% nam giới hút thuốc. Mỗi năm 4 triệu người chết trên khắp thế giới vì thuốc lá. Một điếu thuốc cướp đời ta 7 phút. Vậy mà vẫn có những người thích đời mình bị cướp như vậy, thật lạ!”
Cũng chẳng lạ, ở nước mình hay trên thế giới cũng thế, hút thuốc lá là do phần nhiều đua đòi từ thưở thanh niên. Giống như đi xe máy không dùng mũ bảo hiểm do muốn yêng hùng, ta đây không sợ chết. Một số khác thì không hiểu hết tác hại, bạn bè rủ rê, cứ thế đi theo thần chết. Các nàng trẻ đôi khi nhận lời yêu vì thấy chàng hơn người, biết hút thuốc.
Như báo chí đưa tin, từ ngày 1/1/2010 quyết định cấm hút thuốc lá nơi công cộng sẽ có hiệu lực, theo công văn số 1315 của Thủ tướng chính phủ.
Những địa điểm cấm nhả khói bao gồm trường, lớp học, thư viện, cơ sở y tế, nhà hát, rạp xi nê, nhà văn hóa, khu vực sản xuất, nơi làm việc trong nhà, nơi có nguy cơ cháy nổ cao, trên các phương tiện giao thông công cộng.
Dù qui định này đã có hiệu lực , nhưng như báo chí đưa tin, tại nhiều bến xe, nhà chờ xe bus, các khu chợ hay bên quán trà đá nơi vỉa hè người dân vẫn ngang nhiên hút thuốc mà không có lực lượng chức năng nào xử lý.
Dư luận tin là qui định này khó thực hiện vì nhiều lý do. Ai phạt và phạt ai, lực lượng cảnh sát, nhân viên bảo vệ nơi công cộng chỉ có thể nhắc nhở chứ chưa có chế tài xử phạt.
Có thực hiện được không?
Chợt nhớ ra câu chuyện bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy trước đây. Nhiều người nhớ thì qui định này cũng do chính ông Nguyễn Tấn Dũng, khi đó là PTT, đưa ra. Hàng chục triệu người phản đối, số ủng hộ rất ít.
Sau hai năm, được tuyên truyền vận động, kể cả các nhà tài trợ quốc tế giúp đỡ, ngày nay trên đường chỉ còn vài người không đội mũ đi lén lút trong số hàng chục triệu xe máy lưu thông .
Lý do ư, khi đã là quy định của Thủ tướng, nếu được quán triệt từ trên xuống, và thực thi nghiêm túc thì không có lý do gì mà không thực hiện được. Ổng có tiền, có quyền, được dư luận ủng hộ, tại sao không? Làm đến chức Thủ tướng, ra quyết định mà bên dưới không thực hiện, hoặc phải xem lại quyết định hoặc đuổi việc cấp dưới.
Giống như qui định đội mũ bảo hiểm, cấm hút thuốc lá là vì sức khỏe của người đang hút và cộng đồng quanh người nhả khói. Việc này cần được thực hiện như giám sát người đi xe máy đội mũ bảo hiểm.
Qui định này chắc chắn được sự ủng hộ của 44% nam giới không hút thuốc lá tại Việt Nam, cộng với 99% các bà các cô.
Các bạn nữ trẻ chưa yêu chắc không ai thích những tay nghiện ngập. Cứ tưởng tượng, khi chàng trai mồm hôi như ống khói, hôn vào môi, lưỡi bạn, mùi kinh khủng gồm bia rượu và nicotin truyền sang. Hôn như hôn cái ống xả xe máy thì yêu đương cái nỗi gì.
Như vậy, cánh hút thuốc lá kia đứng về bên thiểu số. Chỉ cần thấy ai rút điếu thuốc ra nơi cấm, những người không hút thuốc lên tiếng, sẽ làm cho người vi phạm hết cơn thèm.
Các quan hãy làm gương
Đương nhiên, chế tài này cần được giao cho những cảnh sát, bảo vệ nơi công cộng, với điều kiện các vị này…không hút thuốc và được thưởng xứng đáng khi bắt được ai vi phạm.
Các quan chức cũng nên làm gương. Nếu các vị còn hút thuốc lá, chơi tá lả thì khó mà bảo được dân đừng phì phèo hay đánh bạc.
Mấy năm trước, còn nhớ hình ảnh ông Bộ trưởng Bộ Giao thông đi xe máy đến công sở với mũ bảo hiểm khi tuyên truyền cho dân.
Nếu các quan bên Bộ Y tế, Công an, kể cả chức sắc Chính phủ đang nghiện thuốc lá, lên tivi nói rằng, từ nay sẽ bỏ vì cộng đồng. Nếu quay phim chụp ảnh được các vị phì phèo thì hãy xin từ chức. Làm được thế, qui định cấm hút thuốc lá sẽ có hiệu lực và thi hành nghiêm túc.
Viết câu chuyện này, chợt nhớ ra anh bạn làm việc bên Mỹ. Anh đang tính bỏ thuốc, vì mỗi lần hút phải đi từ tầng 90 xuống đường, đứng giữa trời đông giá rét, hút một mình. Người qua lại nhìn anh như một kẻ phạm tội, rất xấu hổ. Cấm hút thuốc và chế tài phạt hàng ngàn đô la, kể cả đưa vào tù, đã làm cho những người yêu khói mây trở thành bơ vơ. Anh bảo rằng, số đồng nghiệp hút thuốc đang ít dần đi.
Con người có cái đầu để suy nghĩ và có lá phổi để thở. Phổi cung cấp oxi cho não làm việc và não thì nghĩ cách làm thế nào thở hít cho phổi được khỏe mạnh.
Ai không biết giữ gìn hai thứ đó thì dễ trở thành như hai anh bạn trên kia, dù cưới được vợ đẹp như hoa hậu. Các nàng cũng nhận ra, thứ yêng hùng rẻ tiền thời trẻ lại trở thành quá đắt trong cuộc sống gia đình sau này.
Hiệu Minh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét