Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2015

Cụ Nguyễn Hữu Đang (3)

Ngày Lễ Độc lập

Anh im lặng rất lâu, dùng đũa tém lại những mảnh vụn thịt cóc, nhái trong đĩa, gắp bỏ vào bát mình những mảnh khác rớt xuống mâm ván. Anh chăm chú nhìn vào cái đĩa đã tém gọn, như đang gắng đọc những hồi ức in lại trong lớp men sành... Anh chợt nói, mắt vẫn không rời cái đĩa:
“Thấm thoát thế mà đã bốn mươi bảy năm trôi qua... Tôi còn nhớ như in ngày hôm đó là ngày 28 tháng 8... Tại sao tôi nhớ, vì đó là thời khắc lịch sử phải được tính từng phút một... Năm đó tôi bước vào cái tuổi băm ba. Chính phủ cách mạng lâm thời họp tại Bắc Bộ phủ, để quyết định ngày lễ ra mắt quốc dân đồng bào... Hôm đó, tôi có việc cần giải quyết gấp, nên đến nơi thì phiên họp vừa giải tán. Vừa bước lên mấy bậc thềm thì thấy cụ Nguyễn Văn Tố từ trong phòng họp đi ra. Cụ mừng rỡ, chụp lấy tay tôi, nói: “– Anh vào ngay đi, Cụ Hồ đang ngồi đợi anh trong đó”.


Tôi theo cụ Tố vào phòng họp. Đó là lần đầu tiên tôi được gặp mặt ông Cụ. Ông Cụ ngồi ở ghế tựa, mặc bộ áo quần chàm, tay chóng lên ba toong. Cụ Tố kéo tôi lại trước mặt Cụ, giới thiệu: “– Thưa Cụ, đây là ông Nguyễn Hữu Đang, người mà phiên họp quyết định cử làm Trưởng ban Tổ chức ngày lễ”. Cụ Hồ nhìn tôi một thoáng vớí cặp mắt rất sáng, cặp mắt mà về sau này nhân dân cả nước đồn rằng có bốn con ngươi – như muốn cân nhắc, đánh giá người mà Cụ quyết định giao trọng trách. Cụ hỏi tôi với giọng Nghệ pha rất giống giọng Cụ Phan Bội Châu mà có lần tôi đã được nghe: “– Chính phủ lâm thời quyết định làm lễ ra mắt quốc dân đồng bào vào ngày mồng hai tháng chín. Chú có đảm đương được việc tổ chức buổi lễ không? ”. Tôi tính rất nhanh trong đầu : tháng 8 có 31 ngày, như vậy là chỉ còn có 4 ngày nữa thôi... Tôi suy nghĩ cân nhắc trong một phút. Hình dung ra tất cả những khó khăn như núi mà tôi phải vượt qua... để tổ chức được một ngày đại lễ như vậy, trong khi đó mình chỉ có hai bàn tay trắng.
Tôi nói với Cụ Hồ: “Thưa Cụ, việc cụ giao là [quá khó, vì gấp quá rồi”. Cụ Hồ nói ngay: “Có khó thì mới giao cho chú chứ!”]” Anh Đang ngẩng phắt lên nhìn tôi. Vẻ già nua cùng quẫn trên con người anh như được trút bỏ hết. Dáng dấp oai phong, khí phách của người chiến sĩ cách mạng luôn luôn đứng ở hàng xung kích lại hiện nguyên hình.
“– Như chú biết đấy – giọng anh vụt trở nên sang sảng – tôi là một nhà tuyên truyền, động viên thiên hạ, chuyên nghiệp. Thế mà lần này tôi lại bị ông Cụ động viên, động viên một cách tài tình, bằng một lời thật ngắn gọn, giản dị! Nghe ông Cụ nói vậy, lúc đó tôi thấy trong con người mình bừng bừng khí thế, muốn lập nên được những kỳ tích, những chiến công thật vang dội... Tôi nói với ông Cụ: “– Thưa Cụ, Cụ đã nói như vậy, con xin nhận nhiệm vụ. Con xin hứa sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành trọng trách”.
Cụ Hồ đứng lên bắt tay tôi, dáng bộ, gương mặt nom rất vui vẻ, bằng lòng: “– Thế thì chú trở về bắt tay ngay vào việc đi. Đến sáng ngày kia, chú đến đây báo cáo với tôi công việc được tiến hành như thế nào”. Tôi chào Cụ, ra về, lòng rạo rực lâng lâng... Nhưng khi vừa bước xuống hết những bậc thềm rộng thênh thang Bắc Bộ phủ, tôi chợt nghĩ ra một điều. Tôi liền quay trở lại phòng họp. Cụ Hồ vẫn còn đứng ở đó. Cụ hỏi ngay: “– Chú còn cần gì nữa? ”. “– Thưa Cụ, để hoàn thành trọng trách, xin Cụ trao cho con một quyền...”. “– Quyền gì chú cứ nói đi!”. “– Thưa Cụ, quyền được huy động tất cả những gì cần thiết cho việc tổ chức buổi lễ, về người cũng như về của...”. “– Được, tôi trao cho chú cái quyền đó. Nếu ai hỏi huy động theo lệnh của ai, cho phép chú được trả lời: theo lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh!”.
Công việc đầu tiên là tôi thảo một thông cáo ngắn gọn – anh gắp thêm mấy viên chả cóc trong bát hương, bỏ ra đĩa, rồi kể tiếp – Nội dung như sau : ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chính phủ Cách mạng lâm thời sẽ làm lễ ra mắt quốc dân đồng bào, tuyên ngôn Độc lập tại vườn hoa Ba Đình. Đồng bào nào có nhiệt tâm, muốn đóng góp sức, góp của vào việc tổ chức ngày lễ lịch sử trọng đại này, xin mời đến Hội quán Trí Tri phố hàng Quạt gặp Ban tổ chức. Thông cáo được gửi ngay đến tất cả các báo hàng ngày, yêu cầu đăng lên trang nhất, với hàng chữ tít thật lớn chạy hết trang báo [... mất một dòng...] ngoài chật kín Hội quán.
Người ghi tên vào các công tác, người góp tiền, góp vàng, góp vải vóc, gỗ ván. Nhiều người từ chối không lấy giấy biên nhận:
“– Biết bao nhiêu anh hùng, liệt nữ góp xương máu cho nền độc lập, đâu có lấy giấy biên nhận”, họ nói vậy. Tôi mời m ọi người dự cuộc họp chớp nhoáng, và đưa ra ý kiến: Việc cần thiết trước tiên là phải dựng một lễ đài Độc Lập thật đẹp, thật lớn, thật uy nghi, xứng đáng với ngày lịch sử trọng đại này, tại trung tâm vườn hoa Ba Đình để Chính phủ cách mạng lâm thời đứng lên ra mắt. Vậy đồng bào nào hiện có mặt ở đây có thể đảm nhiệm trọng trách đó?
Một người trạc ngoài ba mươi tuổi, ăn mặc lối nghệ sĩ, đeo kính trắng, bước ra nói: “Tôi là hoạ sĩ Lê Văn Đệ. Tôi xin tình nguyện nhận việc dựng lễ đài. Trưa nay tôi sẽ mang bản phác thảo lễ đài đến để ban tổ chức xem xét”. Tôi bắt tay hoạ sĩ, nói: “– Tôi được biết tên tuổi anh từ lâu và cũng nhiều lần được xem tranh của anh. Tôi xin thay mặt Ban tổ chức hoan nghênh nhiệt tâm đóng góp của anh. Nhưng Lễ đài Độc Lập là một công trình kiến trúc, tuy dựng gấp rút, tạm thời, nhưng phải đạt được những tiêu chuẩn không thể thiếu của nó như sự vững chắc, sự hài hoà công trình với tổng thể... Nói ví dụ nếu không vững chắc, mấy chục con người đứng lên, nó đổ sụp xuống thì ngày lễ coi như thất bại. Bởi vậy cần có một kiến trúc sư phối hợp với anh”.
Một người trẻ tuổi ăn vận chỉnh tề từ trong đám đông bước ra, tự giới thiệu: “Tôi là kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh (2), cùng hoạt động trong Hội văn hoá cứu quốc với anh Phạm Văn Khoa. Hôm qua tôi được anh Khoa cho biết ý đồ của Ban tổ chức, tôi đã vẽ xong bản đề án thiết kế lễ đài”. Anh Quỳnh trải rộng cuộn giấy can cầm sẵn trong tay lên mặt bàn. Đó chính là toàn cảnh lễ đài Độc Lập mà sau này chú được nhìn thấy in hình trên báo chí. Bản vẽ thật đẹp, thật chi tiết, tỉ mỉ... Lễ đài với tổng thể vườn hoa Ba Đình, vị trí dựng lễ đài, chiều cao, chiều rộng, mặt bằng, mặt cắt ngang, cắt dọc lễ đài, độ lớn các xà gỗ, tổng diện tích mặt ván ốp lát...
Sau khi nghe anh Quỳnh thuyết trình, tôi xem xét, cân nhắc rồi đặt bút ký duyệt vào bản thiết kế, đóng dấu Ban tổ chức. Tôi nói với anh Lê Văn Đệ và anh Ngô Huy Quỳnh:
"Ban tổ chức quyết định giao công trình này cho hai anh [Các anh cần gì, chúng tôi] sẽ lo chạy đầy đủ. Hiện chúng tôi có một kho ba ngàn thước len đỏ (000), cần dùng bao nhiêu, các anh cứ lấy dùng. Lễ đài phải được dựng xong trong vòng 48 giờ đồng hồ. Đúng 5 giờ sáng ngày mồng 2 tháng chín, tôi sẽ đến nghiệm thu lễ đài. Chúc các anh hoàn thành nhiệm vụ”.
Sáng ngày 31 tháng 8, tôi đến Bắc Bộ phủ gặp Cụ Hồ như cụ đã chỉ thị. Sau khi nghe tôi báo cáo ngắn gọn, đầy đủ về tất cả mọi việc có liên quan tới ngày lễ, cụ nói giọng hết sức nghiêm trang: “Chú phải nhớ ngày Mồng Hai tháng Chín sắp tới sẽ là một ngày lịch sử. Đó là ngày khép lại cuộc Cách mạng tháng Tám, và ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”.
“– Ông Đang ơi! ông Đang!” , tiếng con nít gọi nheo nhéo ngoài cửa, ngắt ngang câu chuyện của anh. Tôi nhìn ra, thấy hai chú bé trạc 9, 10 tuổi, mỗi chú cầm một cành tre, đầu cành tre thõng thượt một con rắn nước, mình nhỏ bằng chuôi dao, đầu bị đập dập còn rỉ máu tươi: “– Ông có đổi rắn nước không ạ?”. Anh Đang bỏ bát đũa bước ra cửa, xem xét cẩn thận hai con rắn nước, rồi hỏi: “– Các cháu định đổi như thế nào?”. “– Ông cho cháu mỗi con hai cái vỏ bao ba số”. “Các chú đừng có giở thói bắt chẹt”, giọng nói và dáng bộ của anh đã chuyển hẳn sang giọng của dịch vụ đổi chác, “Mỗi con rắn này chỉ giá trị bằng hai con cóc. Nhưng thôi thì ông đành chịu thiệt vậy, mỗi con một vỏ bao ba số, các chú có đổi thì đổi, không đổi thì thôi!” .
Hai chú bé ngần ngừ một lúc, rồi nói: “Chúng cháu đổi ạ”. Anh quay vào mở khoá tủ, chọn lấy ra hai cái vỏ bao ba số đưa cho mỗi chú một chiếc, và cầm lấy hai con rắn. Hai chú bé cũng xem xét hai cái vỏ bao cẩn thận không kém ông Đang xem xét hai con rắn. Một chú nói: “Ông đổi cho cháu cái vỏ bao khác, cái này bên trong không có tờ giấy vàng”. Anh cầm cái vỏ bao xem lại cười: “Được, ông sẽ đổi cho vỏ bao khác. Sau này chú mà làm cán bộ thu mua thì Nhà nước sẽ không phải chịu thua thiệt”.
Anh cầm hai con rắn bỏ vào cái rổ con ở góc nhà, mặt tươi hẳn lên, như người buôn bán vừa vớ được món hời: “Thịt rắn còn bổ hơn thịt nhái. Tối mai tôi sẽ đãi chú món rắn om riềng mẻ...”.
Tôi ở lại chơi với anh Đang ba ngày, thuê một anh phó nháy ở xã trên xuống chụp mấy pô ảnh làm kỷ niệm. Bữa cơm tiễn tôi, anh có vẻ buồn. Vừa dùng đũa tém tém mấy khúc rắn om mặn chát nổi muối trong đĩa, anh vừa nói: “Hiện tôi đang cố gắng hoàn thành thiên hồi ký thuật lại tất cả những gì có liên quan đến thế sự, kể từ khi tôi bước chân vào con đường hoạt động cách mạng cho đến những năm tháng gần đây...
Trong hồi ký, tôi sẽ đề cập đến những sự việc mà từ trước đến nay tôi chưa hề tiết lộ với ai. Ví dụ như bản thảo bản Tuyên ngôn Độc lập cụ Hồ viết... còn hay mất, nếu còn thì bây giờ đang ở đâu... Hoặc cụ định sửa hai câu trong bản Tuyên ngôn, nhưng không kịp vì bản chính đã đưa in mất rồi. Là Trưởng ban Tổ chức ngày lễ, tôi phải phụ trách việc in ấn những tài liệu có liên quan đến vận mệnh đất nước này, nhưng... như chú biết đấy, hiện nay trong Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng như Bảo làng Lịch sử, không có bản thảo Tuyên ngôn Độc lập... Tôi sợ sẽ làm không kịp mất, gần tám chục tuổỉ đầu rồi còn gì, mà lại không có điều kiện làm việc, ban đêm coi như chịu chết, đèn đóm tù mù, đúng là đóm thật”...
Anh im lặng một lúc lâu, rồi ngẩng lên nhìn tôi, hỏi tiếp:
“ Chú có biết điều lo lắng nhất hiện nay của tôi là gì không?” không đợi tôi đoán, anh nói luôn: “ Tôi lo nhất là không biết chết ở đâu. Lúc sống thì tôi ở nhờ nhà ai chẳng được, ở đây cũng như ở trên Hà Nội... Nhưng lúc chết thì người thân mấy cũng làm phiền người ta. Có ai muốn một người không phải ruột rà máu mủ lại nằm chết trong nhà mình? Ngay cả cái chái bếp này cũng vậy, tôi nằm chết sẽ làm phiền đến nhà trường, các thầy cô giáo, các cháu học sinh... Bởi vậy mà hai năm nay tôi không muốn lên Hà Nội. Ở đây, tại quê hương bản quán, tôi đã chọn sẵn chỗ để nằm chết. Chú ra đây tôi chỉ cho, đứng ở đây cũng nhìn thấy...”
Tôi theo anh ra đứng lên cái trụ xi măng cầu ao cá. Gió mùa đông bắc lạnh thấu xương thổi thốc vào mặt hai anh em. Anh chỉ tay về phía một búi tre gần cuối xóm, đơn độc giữa cánh đồng, ngọn tre đang vật vã trong gió buốt. “ Đấy, dưới chân búi tre ấy có một chỗ trũng nhưng bằng phẳng, phủ dày lá tre rụng, rất vừa người tôi... Tôi sẽ nằm ở đó chết để khỏi phải phiền ai... Tôi đã chọn con đường ngắn nhất để có thể bò kịp đến đó, trước khi nhắm mắt xuôi tay...”.
Trở vào nhà, cả người tôi nổi gai, ớn lạnh, chắc là vì bị cảm... Tôi dốc hết rượu ra bát uống ực một hơi chống lạnh. Rượu vào lời ra, tôi cất giọng ngâm to mấy câu thơ của Phùng Cung gửi tôi mang về tặng anh:
... Mặt ra giông chớp
Rạc mái phong lưu
Gót nhọc men về thung cũ
Quỳ dưới chân quê
Trăm sự cúi đầu
Xin quê rộng lượng
Chút thổ phần bò xéo cuối thôn!


Không có nhận xét nào: