Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2015

Thói xài tiền chùa

Còn nhiều đứa trẻ lam lũ vui mừng khi bữa cơm có thịt

Thường sau một buổi lễ kỷ niệm hay hội họp, những người phục vụ đi thu dọn hội trường, trái cây bánh ngọt dư thừa có thể gom lại để ăn hoặc mang về, nhưng tiếc nhất là nước suối. Có nhiều chai còn đầy, nhưng buộc phải đổ đi vì không ai uống nước thừa của người khác. Tính ra, chỉ cái thứ tưởng chừng như đổ đi từ một cuộc hội họp, gom lại có cao hơn lương cả tháng của một nhân viên lao công.



    Chuyện lãng phí đừng nói đâu xa mà chính những chuyện thường ngày. Xin bắt đầu từ chai nước suối để nói đến tính cách hoang phí của người Việt hiện nay. Sự hoang phí đó phổ biến ở trong các cơ quan nhà nước, nơi mà người ta xài thứ gì cũng như của chùa. Có một thứ xài rất tốn kém và khá vô bổ, đó chi tiêu cho các lễ kỷ niệm diễn ra hằng ngày khắp cả nước.
    Lễ kỷ niệm 30 năm, 50 năm thành lập ban ngành nhiều đến mức Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến “không biết trốn thế nào” – Bộ trưởng đã nói như vậy tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội, phân bổ ngân sách ngày 22.10.
    Chuyện không mới nhưng câu nói “không biết trốn thế nào” các lời mời mừng ngày kỷ niệm của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến làm người nghe giật mình. Đâu chỉ là chuyện đến dự lễ, mà còn ăn ở, đi lại, tiệc tùng, quà cáp, tốn kém rất nhiều. Trên những bàn tiệc đó luôn thừa mứa thức ăn, tràn trề rươu bia. Cơ quan, doanh nghiệp nhà nước lấy tiền đâu để chi cho các loại lễ lạt ngoài cái túi ngân sách. Mà tiền ngân sách, trong suy nghĩ của nhiều người là tiền chùa. Ăn uống thỏa thích và yên tâm vì cho dù có ăn thịt cá chật bụng cũng không phải là hành vi vi phạm pháp luật như ăn hối lộ.
    Bên ngoài những bàn tiệc đó, nhiều người chắt bóp đóng góp cho chương trình “bữa cơm có thịt” để cho học sinh nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc có được miếng thịt đúng nghĩa đen của nó để bỏ vào bụng. Bên ngoài những bàn tiệc đó là những bữa cơm công nghiệp với thực phẩm mất vệ sinh đến mức công nhân ngộ độc hàng loạt nằm chật bệnh viện. Bên ngoài những bữa tiệc đó là quán cơm xã hội như “Quán cơm nụ cười” một đĩa 2.000 đồng ở Sài Gòn và các nhà từ thiện chỉ đủ tiền để tổ chức một tuần hai ngày. Và còn nhiều chân dung đói nghèo khác nữa.
    Cho nên, cán bộ công chức bớt hội họp lễ nghi, bớt lợi dụng lễ kỷ niệm, lễ tổng kết để ăn nhậu, quà cáp. Hãy ứng xử văn minh với tiền bạc, tài sản cho dù là của ai. Nếu như ở nhà mình biết tắt máy lạnh hay máy quạt khi không cần sử dụng, thì ở cơ quan cũng nên như vậy.
    Hãy bỏ cái thói xem của nhà nước như của chùa.
    Bữa cơm có thịt ở vùng cao

    Không có nhận xét nào: