3-Âm mưu bắt giữ Hồ Chí Minh.
Ngày 19/11/1945, Hồ Chủ tịch cử 10 thương gia cả người Việt và người Hoa đi Việt Trì để lo tiếp tế gạo và lương thực cho quân đội Quốc dân, nhưng chỉ một tuần sau quân Tưởng đã dựng chuyện vu cáo cán bộ ta đi xe của Bác và bắn chết một Pháp kiều nhằm kiếm cớ gây sức ép với ta trong khi chúng đang đàm phán với Pháp. Lư Hán đưa thư mời đích thân Bác đến giải quyết vụ việc, nhưng lại không tiếp mà cho cần vụ ra yêu cầu Bác đến gặp Tiêu Văn ở Nguyễn Du, rồi tên này lại nhắn Bác đến quân đoàn của Chu Phúc Thành tại Đồn Thuỷ (viện 108 bây giờ). Tại đây, bọn Tưởng tước vũ khí của mấy chiến sỹ bảo vệ và giữ Bác lại từ 9 đến 14 h chiều. Sau vì sự cương quyết và lý luận sắc sảo của Bác, hơn nữa lại không có bằng chứng xác đáng, chúng phải để Bác về nhưng vẫn giam đồng chí lái xe, bảo vệ và giữ luôn chiếc ô tô (Thực ra, trước khi đi, Bác đã gọi điện cho một viên tướng trong phái bộ Mỹ tại Hà Nội hẹn gặp ông ta đầu giờ chiều tại Bắc Bộ Phủ. Đến giờ không thấy Bác về, anh em bảo vệ kể chuỵên Bác đang bị giữ từ sáng, thế là viên tướng này đã gọi điện mắng cho bọn quân Tưởng một trận, ra lệnh để Bác về ngay và bọn Tưởng phải miễn cưỡng tuân lệnh của quan trên).
Ngày 6/12/1945, Hồ Chủ tịch gửi thư cho Nguyễn Hải Thần và Vũ Hồng Khanh nhắc nhở: “Chúng ta, ai nấy đều vì quốc gia dân tộc, chớ không phải vì lợi ích cá nhân. Như vậy, bất luận thế nào, chúng ta cũng phải đoàn kết. Người cách mệnh đều quyết hy sinh cá nhân tư ý, mà tôn trọng công ý của nhân dân và đặt lợi ích của dân tộc lên trên lợi ích của các đảng phái”. Dẫu sao, bọn Tưởng và lũ tay chân của chúng trong đám Việt Quốc, Việt Cách hiểu rằng chúng không thể trông chờ vào thắng lợi trong Tổng tuyển cử được, vì vậy chúng tìm mưu kế khác để phá.
Cuối tháng 12/1945, Tiêu Văn lại gửi một yêu sách đòi ta phải cải tổ Chính phủ lâm thời trước khi tổng tuyển cử, thay các Bộ trưởng cộng sản bằng đại diện của chúng. Khi được đảm bảo 70 ghế trong Quốc hội tương lai rồi chúng vẫn chưa thoả mãn. Để hạn chế sự phá phách của bọn phản động, ngày 24/12, Hồ Chủ tịch đã ký với Nguyễn Hải Thần và Vũ Hồng Khanh cùng thoả thuận ba điều ước:
-Độc lập trên hết, đoàn kết trên hết;
-Đôi bên phải ủng hộ một cách thiết thực cuộc tổng tuyển cử Quốc hội và kháng chiến;
-Đôi bên đều đình chỉ hết thảy những việc công kích nhau bằng ngôn luận và hành động.
Chiều 5/1/1946, có cuộc mít tinh ở Việt Nam Học Xá (khu đại học Bách khoa ngày nay) để các ứng cử viên Quốc hội gặp gỡ đại biểu cử tri Hà Nội, Bác bí mật xuống dự nhưng khi đến nơi đã thấy láo nháo nhiều tên Việt Quốc, Đại Việt. Vì vậy, lúc về, Bác cố ý nán lại, đợi kèm sát bên Vũ Hồng Khanh ra tận cổng. Lên xe, Người dặn đồng chí lái xe phải bám sát cho kỳ được xe của y đề phòng tay sai của nó ném lựu đạn và hai xe cứ giữ khoảng cách một mét trên đường về đến nhà an toàn (thường cứ khi đi gặp bọn Hải Thần, Hồng Khanh ở trụ sở của chúng hay nơi hội họp có bọn này tham dự, bao giờ Bác cũng đi kèm cùng với chúng để phòng tay chân của chúng ám sát, nhất là khoảng cách gần thế không thể ném lựu đạn được).
Cho đến ngày 1/3/1946, Hồ Chủ tịch đã thuyết phục được Tiêu Văn về việc tổ chức một Chính phủ liên hiệp kháng chiến gồm những người của các đảng phái và không đảng phái.
4-Sau hiệp định sơ bộ 6/3/1946, bọn phản động và lũ cơ hội càng tức giận, chúng thổi phồng trong dân lời đồn đại vu khống rằng Hồ Chí Minh là gián điệp của Pháp và bán rẻ cho Pháp nền độc lập của Việt Nam, chúng ra sức tạo cớ gây rối ở Hà Nội. Trước tình hình ấy, Bác thấy phải trực tiếp đứng ra giải thích trước quần chúng giữa một cuộc mít tinh. Mặc dù biết nhất định gặp nguy hiểm vì bọn phản động sẽ tổ chức mưu sát, song Bác vẫn không thay đổi quyết định. Ngày 7/3, hàng vạn nhân dân tập trung tại quảng trường Nhà hát lớn, lúc Bác chủân bị bước đến micrô thì một quả lựu đạn từ trong đám đông ném lên, rơi trên bậc tam cấp, xì khói xanh rồi nổ tung, rất may không ai việc gì, chỉ tội nghiệp Nguyễn Hải Thần- vị phó Chủ tịch bù nhìn, nói tiếng Việt không sõi, đi đâu cũng rầm rộ lính bảo vệ súng ống lăm lăm, kèm theo khẩu trung liên to tướng lù lù trên nóc xe- lẩy bẩy tái mét mặt. Bác vẫn bình tĩnh, ung dung nói chuyện, Người khảng khái, cương quyết: “Tôi, Hồ Chí Minh, suốt đời đã cùng đồng bào chiến đấu cho độc lập của Tổ quốc. Tôi thà chết chứ không bao giờ bán nước”. Bác vừa dứt lời, cả quảng trường nhất tề giơ nắm tay hô vang: “Hồ Chí Minh muôn năm!”, “Kiên quyết tuân theo mọi mệnh lệnh của chính phủ và Hồ Chủ tịch!”. Sau đó tên tổ chức ném lựu đạn mưu sát Bác đã bị công an ta bắt được và nhận tội, đó là trùm ám sát Giáo Mười, tên trực tiếp ném lựu đạn là Văn cũng bị bắt khi đang lẩn trốn. Nhưng rồi chỗ ở bí mật của Bác cũng bị bọn Quốc dân Đảng và bọn Pháp mò ra, may là cảnh vệ ta phát hiện chuỵên này kịp thời, nên từ cuối tháng 3/1946, các đồng chí không đưa Bác về nghỉ ở đây nữa. Khi bọn lính kéo đến vây nhà thì chẳng còn ai, khiến chúng tức tối phá phách tan tành ngôi nhà sau khi đã lấy đi hết đồ đạc.
5-Tuy hiệp ước Hoa-Pháp đã ký, nhiều người trong Chính phủ vẫn không đồng ý với phương án thoả hiệp với Pháp để đuổi quân Tưởng về nước nên tại một cuộc họp chính phủ căng thẳng tháng 3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải phân tích rõ: “Chẳng lẽ các vị lại không hiểu rằng tình hình sẽ như thế nào nếu quân Tưởng ở lại? Các vị quên lịch sử đất nước ta rồi sao? Nếu quân Tưởng ở lại thì chúng sẽ ở lại hàng ngàn năm!”. Nhưng tình hình bắt đầu thay đổi, nội bộ bọn Quốc dân Đảng vốn đang nhiều mâu thuẫn, thì ở Trung Hoa, nội chiến lại bùng nổ, Mỹ hối thúc quân Tưởng ở Việt Nam chuyển lên phía Hoa Bắc. Đồng minh đã thoả thuận để quân Pháp thay thế cho quân Tưởng (cái giá cho vịêc này là Pháp phải trả lại cho Trung Quốc toàn bộ các tô giới ở Thiên Tân, Thượng Hải và khu nhượng địa Quảng Châu). Theo hiệp ước, vịêc rút quân Tưởng sẽ hoàn tất ngày 31/3 nhưng chúng rút nhỏ giọt kiểu ăn vạ cho đến tận tháng 10/1946 mới hết. Khi chúng rời đi, ta có tổ chức tiễn đưa theo khẩu hiệu “hoan tống Hoa quân” (vui mừng tiễn quân Trung Hoa), Bác còn ra nghiêm lệnh đăng trên báo Cứu Quốc quy định toàn thể nhân dân, quân đội phải giúp quân đội Trung Hoa trong lúc thoái triệt, nhưng chính đội quân ấy đã chôm vét của ta một số lượng của cải trị giá đến 250 triệu đồng và còn cướp trắng 400 triệu đồng nữa từ nhà băng Đông dương. Dù sao, 19h ngày 22/3/1946, Lư Hán chính thức mở tiệc chiêu đãi chia tay Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đại biểu quân đội Mỹ, Anh... như vậy Hoa quân tuy nhập Việt, nhưng mưu đồ diệt Cộng cầm Hồ đã hoàn toàn phá sản.
Nhận xét về giai đoạn lịch sử ngàn cân treo sợi tóc của đất nước ta, nhà sử học Mỹ King- Cheng đã viết: “Trong thời kỳ khó khăn nhất này của cách mạng Việt Nam, cụ Hồ Chí Minh đã xử sự linh hoạt, khéo léo, biết vận dụng những mâu thuẫn của kẻ thù. Cuối cùng, quân đội Quốc Dân Đảng đã phải rút khỏi Việt Nam. Các lực lượng Việt Quốc và Việt Nam đồng minh hội cũng đã bị thanh toán. Vấn đề duy nhất còn lại chỉ là tập trung vào việc chống Pháp quay trở lại mà thôi”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét